03/09: Bài 55. Thân Tâm An Lạc – Bài 56. Lẽ Sống Chết

03/09: 55. Thân Tâm An Lạc – 56. Lẽ Sống Chết
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 5705 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT BOOK I
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

 

BÀI 55. Thân Tâm An Lạc
Phật tử chúng ta lúc nào cũng nhớ đến bài pháp đầu tiên của đức Phật, thuyết cho nhóm năm anh em ông Kiều Trần Như, nói về Tứ diệu đế tức là Bốn chân lý vi diệu, được ghi trong kinh Chuyển Pháp Luân. Chân lý thứ nhất là Khổ đế, xác nhận rằng cuộc đời là khổ. Có tám thứ khổ liên quan đến cả thân và tâm : sinh, lão, bệnh, tử, yêu mà phải xa, ghét mà phải gần, cầu mà chẳng được, khổ do năm uẩn (khổ uẩn). Chỉ nói riêng điều thứ ba là bệnh thì quả thật ai cũng phải nhận rằng có bệnh là khổ, bệnh nhẹ thì khổ ít, bệnh nặng thì khổ nhiều. Chúng ta nhớ đến một câu trong bài nguyện ở cuối kinh A- Di-Đà : nguyện được “thân không hết thảy bệnh khổ ách nạn, tâm dứt hết tham luyến mê hoặc”. Thân được khỏe mạnh, không mắc một tật bệnh nào cả là một điều tuyệt hảo. Tâm được thảnh thơi, không vướng mắc một phiền não nào cả là một…
… điều tuyệt hảo nữa. Ai ai cũng mong được như vậy, nhất là người có tuổi. Có lẽ người trẻ tuổi ít chú ý đến điều này nhưng khi đi sâu vào vấn đề thì người trẻ không phải là lúc nào cũng khỏe mạnh, có khi người trẻ cũng hay đau và ngoài ra hàng ngày còn bị ức chế (stress) nhiều hơn người già.
Biết rõ lòng mong mỏi của mọi người cho nên mỗi lần gặp nhau đầu năm mới, chúng ta thường chúc nhau “thân tâm an lạc”, nghĩa là chúng ta chúc nhau : “tinh thần và thể xác đều được an ổn và vui vẻ”. Bốn chữ ngắn gọn đó kể như bao hàm được điều mà chúng ta ao ước nhất. Khi cả thân và tâm cùng được yên vui thì còn gì quý bằng!
Chúc lành cho nhau là việc thường thấy, còn bản thân người nhận lời chúc có được như vậy hay không, là một điều mà chúng ta vẫn tự hỏi. Cho nên vấn đề là chính mình phải tập luyện thế nào để cho thân tâm được an lạc.
Chưa nói đến kinh sách của đạo Phật, chúng ta hãy thử xem thông thường người ta nghĩ thế nào về sự săn sóc thân và tâm. Ngay từ bậc tiều học, tất cả chúng ta đều đã học bài Ba thày thuốc giỏi trong Quốc văn giáo khoa thư lớp Dự bị : “Một ông thày thuốc già chữa bệnh giỏi có tiếng. Phải khi ông ốm nặng, các học trò đến chầu chực, thuốc thang bên cạnh. Ông cố gượng nói rằng : ‘ Lão biết mình đã đến ngày tận số rồi, nhưng lão có nhắm mắt cũng cam lòng, vì lão có để lại cho đời được ba thày thuốc rất hay’. Ông nói đến đây, nhọc quá, phải nghỉ. Các thày thuốc học trò thấy thày nói thế, đều lắng tai nghe, ai cũng nghĩ bụng trong ba người ấy, thế nào cũng có tên mình. Ông nghỉ rồi lại nói : ‘ Trong ba thày thuốc ấy thì hay nhất là thày Sạch sẽ, thứ nhì là thày Điều độ, thứ ba là thày Thể thao. Sau khi lão mất rồi, nếu các anh biết theo ba thày ấy mà chữa cho người ta, thì thiên hạ khỏi được bao nhiêu là bệnh tật”.
Xem như vậy thì vị thày thuốc già nói trên chỉ nói đến Sạch sẽ, Điều độ và Thể thao tức là việc giữ cho cho thân được khang kiện mà chưa đề cập đến sức khỏe tinh thần. Dù sao đó cũng là một bài học đơn giản mà vô cùng quý báu. Trong giáo khoa thư ấy còn một số bài ngắn gọn rất hay về việc giữ gìn sức khỏe, thí dụ như bài nói về Giải trí. Thời bấy giờ, cách đây bẩy, tám mươi năm, nói như thế là một tiến bộ rất đáng kể.
Rồi khi trưởng thành, chúng ta được nghe nhắc đến phương pháp dưỡng sinh của vị thánh y của nước ta là ngài Tuệ Tĩnh (khoảng thế kỷ thứ 14), tóm tắt trong hai câu thơ sau đây :
Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần;
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.
Giữ gìn tinh, khí và thần; giữ lòng thanh thản; hạn chế các dục vọng; ít ham muốn, giữ chân khí tức là giữ năng lượng cơ bản của con người; luyện hình tức là luyện tập thân thể. Như vậy, ngài Tuệ Tĩnh dạy người ta luyện tập đầy đủ về các phương diện thân thể, tinh thần, tư tưởng và ý chí. Có điều là ba chữ tinh, khí, thần cần phải được giảng giải kỹ thì người ta mới hiểu và có hiểu thì mới thực hành được.
BS Nguyễn Văn Hưởng viết : “Người xưa cho rằng tinh, khí, thần là ba của báu của con người. Tinh là chất dinh dưỡng, tinh hoa của thức ăn tạo ra sau khi được tiêu hóa. Nó được hấp thụ vào cơ thể và nằm trong tất cả các tạng phủ với nhiều hình thức vàsẵn sàng biến thành năng lượng để cho cơ thể hoạt động. Nó cũng nằm trong bộ phận sinh dục (tinh của đàn ông và trứng của đàn bà) với hình thức đặc biệt, với chất lượng rất cao vì đủ sức tạo ra đứa con để duy trì nòi giống. Khí có hai nghĩa : khí hơi và khí lực. Khí hơi là khí để thở trong đó có nhiều oxy. Chính khí hơi, kết hợp với chất tinh ở trên để tạo ra khí lực, nên khí có nghĩa là năng lượng tạo ra trong cơ thể để cho cơ thể sống và hoạt động. Thần là một hình thức năng lượng cao cấp mà các động vật cũng có, song cao nhất chỉ có ở con người, do bộ thần kinh tạo ra. Nhờ có nó mà con người biết tư duy, có ý chí, có tình cảm, có khoa học và nghệ thuật … Tinh, khí, thần là biểu hiện quá trình vật chất (tinh) thành ra năng lượng (khí) mà hình thức cao nhất là thần. Sự chuyển hóa này xảy ra trong cơ thể một cách liên tục; ngưng lại là chết! Phải có tinh dồi dào, khí đầy đủ thì thần mới vững mạnh. Chất tinh sinh dục mà hao phí thì ảnh hưởng rất nhiều đến sức lực và tinh thần, do đó người xưa phải bế tinh, giữ gìn chất tinh, không hao phí chất tinh trong sắc dục quá độ. Dưỡng khí là thở nhiều không khí, nhiều oxy để bồi dưỡng khí lực cho dồi dào. Tồn thần : muốn bồi dưỡng cái gốc của thần thì phải bế tinh, dưỡng khí. Muốn giữ gìn thần thì phải thanh tâm, quả dục, thủ chân … (1).
Gần đây, ông Trà Lũ viết : “Muốn được trăm tuổi, ta phải nghe lời y tổ Việt Nam là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Lãn Ông khuyên con cháu 10 điểm : làm việc vừa sức, nghỉ ngơi vừa đủ, tập thể dục buổi sáng, tắm rửa hàng ngày, tránh mưa nắng, tránh ăn quá no và ngủ quá sức, tránh tham lam, tránh bon chen, tránh ham mê tửu sắc” (2).
Chúng tôi mới đọc được một tài liệu ngắn như sau : “Ông Trần Lập Phu là một danh sĩ Đài Loan có công thúc đẩy hiện đại hóa y học Trung Quốc và tự mình nghiên cứu thực nghiệm các phép dưỡng sinh. Đến 97 tuổi, mắt ông vẫn tinh, tai thính, bước đi nhanh nhẹn, trí nhớ minh mẫn. Gần đây ông cho công bố 12 khẩu quyết dưỡng sinh dễ nhớ, dễ làm :
1/ Dưỡng thân nhờ vận động. 2/ Dưỡng tâm nhờ yên tĩnh. 3/ Ăn uống tiết chế.
4/ Ngủ thức phải đúng giờ. 5/ Đồ chín mới ăn. 6/ Nước chín mới uống.
7/ Ăn nhiều rau quả. 8/ Ăn ít thịt mỡ. 9/ Giữ đầu cho mát.
10/ Giữ chân cho ấm. 11/ Biết đủ thường vui. 12/ Ham ít thường yên”. (3)
Ông Hoàng Lê, sau khi tham khảo nhiều sách trong đó có cuốn Vivez en santé, vivez heureux của BS Jean-Marc Brunet, ghi nhận 12 điều liên quan đến “sống khỏe, sống hạnh phúc” như sau :
1/ Tạo sự cảm thông giữa người và người.
2/ Tập thể dục hàng ngày, đi bộ.
3/ Hoạt động trí tuệ (đọc sách …).
4/ Tuyệt đối không hút thuốc, không uống rượu.
5/ Ăn uống điều độ, đúng giờ, chậm chạp; uống nhiều nước.
6/ Nhu hòa với mọi người.
7/ Tế nhị với tất cả mọi người, kể cả những người thân trong gia đình.
8/ Lạc quan nhận trách nhiệm của mình trong gia đình, cộng đồng và xã hội dù tuổi đã cao.
9/ Luôn luôn tin cậy bạn bè, vợ con, cháu chắt.
10/ Chia sẻ các nỗi vui buồn với người xung quanh.
11/ Tha thứ những lỗi lầm của người khác.
12/ Luôn luôn thương yêu mọi người. (4)
Chúng tôi muốn nhấn mạnh vào mấy điểm chính sau đây : Tập thể dục, đi bộ. Hoạt động về trí tuệ. Ăn uống điều độ. Thương yêu mọi người.
Kể ra, tài liệu trong các sách và tạp chí nói về dưỡng sinh thì rất nhiều, chúng ta không có thì giờ nghiên cứu hết và nhất là không có thì giờ để lựa chọn và thực hành. Nhiều khi chúng ta còn mất công thử nghiệm cách này hay cách khác. Chắc quý vị còn nhớ cách đây ít lâu có phong trào uống sữa nấm lên men, rồi uống rượu tỏi, sau đó là mấy thứ trà như trà khổ qua, rồi đến nấm linh chi, chưa kể gạo lứt muối mè … và bây giờ thì canh dưỡng sinh! Trong nước, ngoài nước, chỗ nào cũng nói tập khí công, tập tài chi, theo thày này thày khác, video này video kia. Chúng tôi không có ý kiến riêng về mỗi thứ đó, vì ai làm rồi, kết quả ra sao thì chỉ người đó biết. Ngày hôm nay, chúng tôi muốn trình quý vị mấy điều trong đạo Phật.
Kinh Bát đại nhân giác nói về tám điều giác ngộ của bậc đại nhân, đó là :
1/ Biết lý vô thường, khổ, không, vô ngã.
2/ Vì ham muốn nhiều nên phải chịu đau khổ.
3/ Vì cầu lợi danh nên gây tội lỗi.
4/ Phải tinh tấn tu hành.
5/ Do si mê nên mắc vòng sinh tử.
6/ Phải thực hành bố thí.
7/ Nên sống nghèo giữ đạo.
8/ Cần phát tâm đại thừa độ tất cả các chúng sinh.
Ngẫm nghĩ kỹ, chúng ta thấy kinh này đặt vấn đề tâm và trí nhiều hơn thân. Và mấy điều mà chúng ta cần nhấn mạnh là : ít ham muốn, biết đủ, phá si mê và hành bố thí.
Tôi mới đọc một cuốn sách do một tu sĩ trẻ viết, trong đó có một phần nói về tu thân và tâm (5). Xin trích đoạn sau này để quý vị cùng nghe : “Trước kia, tôi cứ nghĩ tu là tìm một chỗ trong chùa ngồi yên tham thiền nhập định hoặc hàng ngày tụng kinh niệm Phật là đủ. Nhưng thật không đủ tí nào. Thân thể tôi gầy yếu dần và đi tới bệnh hoạn. Thành Phật đâu chưa thấy mà thấy sắp chết đến nơi. Tôi nhận ra sự lầm lẫn của mình là chỉ lo tu tâm màkhông biết tu thân. Tôi phải bỏ thì giờ ra bù đắp lại sự thiếu sót của mình bằng cách nghiên cứu về Đông y, thực tập khí công, thái cực quyền và yoga. Nhờ vậy sức khỏe của tôi mới trở lại bình thường. Sau đây là năm điều mà bất cứ người tu nào cũng thực hành được :
1/ buông thả, thư giãn. 2/ vận động thể dục. 3/ điều hòa hơi thở. 4/ ăn uống đúng cách. 5/ thiền quán hay niệm Phật, trì chú. ”
1- Buông thả, thư giãn: buông thả những lo âu, phiền muộn trong tâm ý và thư giãn những căng thẳng co rút của gân cốt bắp thịt. Hành giả nằm ngửa trên sàn nhà, không nệm, hai tay và hai chân hơi dang ra một chút. Nhắm mắt, hít thở thật sâu và đều; chú tâm vào sự phồng xẹp của bụng. Sau đó, chú ý đến từng phần của cơ thể và ra lệnh cho nó buông thả, từ đầu cho đến chân hoặc từ chân lên đầu. Ta sẽ có cảm giác toàn thân ta như chảy ra, hoặc nặng như đá. Đó là dấu hiệu của sự thành công. Tập năm mười phút là đủ.
2- Vận động thể dục: làm việc, vận động chân tay, khí huyết sẽ lưu thông điều hòa.
3- Điều hòa hơi thở: hơi thở là sự sống. Bình thường chúng ta chỉ thở với một phần ba dung tích của phổi. Cách thở hít đầy đủ nhất là theo yoga : khi hít vào thì đẩy hơi xuống tận đáy phổi nên bụng phình lên trước, sau đó ta hít thêm nữa lấp đầy phần trên nên lồng ngực phồng lên sau. Khi thở ra, bụng xẹp xuống trước và ngực xẹp xuống sau, như vậy thán khí được tống ra ngoài tối đa. Mỗi ngày nên bỏ ra năm mười phút tập cách hít thở. Có thể thực hành một cách đơn giản của pranayama. Khi hít vào ta đếm từ 1 tới 4. Sau đó giữ hơi trong phổi, cũng từ 1 tới 4. Rồi thở ra đếm 4. Nín hơi đếm 4. Như vậy, có 4 giai đoạn dài bằng nhau : hít vào, giữ hơi, thở ra, nín hơi.
4- Ăn uống: không ăn thức ăn thiu chua hoặc quá chín, thịt cá, hành tỏi, rượu, thuốc lá, thuốc phiện, đồ hộp, đồ đông lạnh … (làm hại cơ thể, tiêu hao nguyên lực, đần độn tâm trí).
Cố tránh trứng, cà phê, đồ gia vị mạnh, quá chua, quá đắng, đường trắng, bột ngọt, đồ hóa học … (kích thích cơ thể, tâm trí, cảm xúc). Không nên ăn quá no, nên ăn chậm chạp. Nên ăn ngũ cốc, hoa quả, rau cải tươi, bơ, sữa, phó mát, đậu hạt, mật ong, nước trái cây, nước suối … (bổ dưỡng cơ thể, dễ tiêu, giúp tâm trí bén nhậy .. ).
5- Thiền quán hay niệm Phật, trì chú: tùy theo pháp môn của mỗi người.
Xin tóm tắt để kết thúc :
1- ăn uống phải đủ chất bổ dưỡng, dùng thức ăn nhẹ, dễ tiêu; không ăn no, phải nhai kỹ. Khi ăn thì chú ý đến cách ăn, không bận tâm vào việc khác. Có nhiều vị trường trai, không chịu để ý đến dinh dưỡng, đến bữa chỉ ăn quấy quá cho xong; như vậy không đúng. Ốm yếu thì làm sao mà tu được!
2- phải tập thể dục đều đặn theo cách thức mà mình tự chọn, có thể thay bằng đi bộ; nhất là tập thở vì hơi thở là sự sống và không khí trong lành không tốn tiền. Phải tập thư giãn.
3- phải thiểu dục tri túc nghĩa là ít ham muốn, biết đủ.
4- cần thực hành từ, bi, hỉ, xả để cho tâm được an vui, không bị vướng mắc.
5- Người già cần tăng dần thời gian niệm Phật và sám hối đều đặn. Điều này giúp cho tâm trí được thoải mái vì bớt vọng tưởng đồng thời giúp thanh tịnh hóa được ba nghiệp.
Ngày mồng một Tết là ngày vía đức Di-Lặc. Lúc nào ngài cũng cười thật tươi. Rõ ràng là ngài được an lạc. Xin nhấn mạnh rằng : Hạnh của ngài là hạnh xả.
Nhân dịp năm mới, kính chúc quý vị lúc nào cũng được hưởng một mùa Xuân Di -Lặc, thân tâm thường an lạc. □
CHÚ THÍCH.
(1) BS Nguyễn Văn Hưởng, Phương pháp dưỡng sinh , nhà xb Y Học, Hà Nội, 1977.
(2) Thời báo Toronto-Montréal, số 632, ngày 8-2-02, trang 78.
(3) Đặc san Xuân Nhâm Ngọ 2002, Hội Tuổi Vàng Rồng Vàng, Montréal, trang 14.
(4) Đặc san nói trên, trang 88.
(5) Thích Trí Siêu, Góp Nhặt, France, 1997. □
BÀI 56. LẼ SỐNG CHẾT
Một ngày nọ, nhóm Y Sĩ Hồi Hưu Montréal tổ chức một buổi nói chuyện về đề tài “Tôn giáo có thể giúp được gì cho người sắp chết và thân nhân của họ?”. Thuyết trình đoàn gồm hai người Phật giáo, một linh mục Thiên chúa giáo và một người Cao đài giáo.
Đạo Hữu Hiển Mật và chúng tôi là hai Phật tử đến dự để đóng góp ý kiến. Chúng tôi trình bày về quan niệm của Phật giáo về lẽ sống chết; bạn Hiển Mật nói về Phật giáo có thể giúp được gì cho người sắp chết và thân nhân của họ.
Xin tóm tắt ý kiến của chúng tôi như sau đây để trình quý vị.
1/ Có linh hồn không? Phật giáo cho rằng sau khi con người ta chết thì thân và tâm tan rã, nhưng có một thứ còn lại, đó là cái thần thức vô hình của người vừa mới chết. Gọi thần thức ấy bằng một tên khác như linh hồn, vong hồn, vong linh, hương linh … cũng được nhưng quan trọng nhất là điều này : nó không trường cửu và không bất biến. Nó là một thứ riêng của mỗi người, nó mang cái nghiệp của người ấy để đi vào một kiếp sống mới.
2/ Nghiệp là gì? Mỗi ý nghĩ, lời nói, hành động của ta không bay đi mất. Theo một định luật căn bản của vũ trụ là luật nhân quả thì chúng là những nhân để gây ra quả khi gặp đủ duyên tức là những điều kiện. Tập hợp tất cả các nhân ấy là cái nghiệp của mỗi người. Cái nghiệp, lành hay dữ hay trung hòa, quyết định kiếp sau của người vừa lìa đời.
3/ Sự sướng hay khổ trong kiếp này của mình là do cái gì tạo nên? Do nghiệp của toàn thể các kiếp trước và nghiệp của ngay kiếp này. Tại sao có người xấu mà được hưởng sung sướng? Đó là do nghiệp lành của các kiếp trước còn sót lại. Tại sao có người tốt mà cứ khổ hoài? Đó là do nghiệp dữ cũ còn đang tác động.
4/ Vậy là có một cái gì đó đặt để trước cho mỗi người à? có số mệnh à? Gọi là số mệnh cũng được, nhưng không phải do cái gì khác tạo ra mà là do cái nghiệp của chính mình định hướng; điều quan trọng nhất là ngay trong kiếp này đây, con người có thể chuyển nghiệp được. Bằng cách gì? Nếu bạn có nghiệp xấu chẳng hạn thì bạn có thể giảm nhẹ hay triệt tiêu cái xấu ấy bằng cái nghiệp lành mà bạn tạo ra ngay bây giờ. Điều này hết sức tích cực. Người ta dùng câu “đức năng thắng số” là như vậy. Nghiệp của đời này và các đời trước quyết định kiếp sau sẽ ra sao.
5/ Không cần theo đạo Phật có thể chuyển nghiệp được không? Được chứ! Luật nhân quả là một luật phổ quát, không phải do Phật giáo đặt ra. Nói nôm na là “làm lành tránh dữ”, nói chữ là “tu nhân tích đức”. Đại khái là thế, nhưng nếu được hướng dẫn học hỏi thì tốt hơn.
6/ Đầu thai về đâu? Đầu thai là chữ thường dùng, chữ đúng là tái sinh. Thần thức có thể tái sinh vào một trong 6 cảnh giới tùy theo nghiệp của mình. Đó là: địa ngục, quỷ đói, súc sinh, a-tu-la (một loại thần), người, trời (chư thiên tức là chúng sinh ở trên các tầng trời). Người nào tu đến mức không phải tái sinh nữa thì được gọi là bậc thánh tức là những bậc đã tự giải thoát khỏi cảnh sinh tử luân hồi. Đạo Phật được gọi là đạo giải thoát là theo nghĩa đó.
7/ Tại sao lại khuyên không nên khóc lóc cạnh người sắp chết hay mới chết? Vì tiếng khóc lóc than vãn làm cho thần thức của người sắp chết hay vừa mới chết bị ảnh hưởng xấu, có thể làm cho cái cận tử nghiệp bỗng bị xấu đi. Hơn nữa, ngay khi con người còn sống thì người ấy đã được dạy dỗ, khuyên bảo hay huấn luyện phải bỏ hết các ý tưởng giận hờn, bực bội, thù hận, tiếc nuối, thương nhớ vv… mà chỉ tập trung tư tưởng vào những cảnh giới tươi đẹp vào lúc hấp hối.
8/ Cầu siêu để làm gì? Theo cuốn sách Tây Tạng gọi là Tử Thư thì từ lúc chết đến lúc tái sinh, tối đa là 49 ngày. Trong thời gian ấy, thân nhân người chết làm lễ cầu siêu (cúng 7 tuần), nhờ lời kinh câu kệ mà giúp cho thần thức người mới chết tìm được lối đi tốt. Nói là giúp chứ không nói quyết định vì yếu tố chính là cái nghiệp của người chết. Ngày nay, sự giúp đỡ này ít hiệu nghiệm vì tâm con người không thành, óc con người không hiểu, chỉ cốt an ủi người sống mà quên giúp người chết; ấy là chưa nói đến trường hợp người thi hành chỉ làm lấy lệ.
9/ Đã nói chết rồi thì đi tái sinh vào một kiếp mới, tại sao rằm tháng bảy lại cùng cô hồn? Có những trường hợp mà thần thức không đi tái sinh kịp, thí dụ như gặp tai nạn quá bất chợt. Vì vậy có các vong hồn vất vưởng. Cụ Nguyễn Du đã viết bài Văn tế thập loại chúng sinh nói về việc này.
10/ Tôi không phải là Phật tử, tôi nên chuẩn bị ra đi như thế nào? Đó là do sự suy nghĩ riêng của bạn về lẽ sống chết. Người Phật tử chuẩn bị bằng tâm lý, tự tạo cho mình một cái nếp trong đầu óc để được an lành khi hấp hối và chuẩn bị bằng thực hành, tự tạo cho mình một nghiệp lành. Nói chung họ nghĩ rằng sống chết, chết sống là một tiến trình tự nhiên tuân theo luật nhân quả nghiệp báo. Mục tiêu cao nhất của họ là giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, tức là dứt bỏ hẳn cái cảnh sinh ra rồi chết đi, sau lại tái sinh, rồi chết, cứ thế hoài. Phải nói thật rằng điều ấy không đơn giản. Tuy vậy, xóa nghiệp dữ và tạo nghiệp lành nằm trong tầm tay của mỗi người.
11/ Đức Phật có giúp được gì không? Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni không phải là Thượng Đế, ngài chỉ là một Đạo sư, chỉ đường tu hành cho những ai muốn giải thoát khỏi cảnh sinh tử luân hồi. Người Phật tử lễ bái chư Phật và chư Bồ-tát có ba hướng sau này : lòng ngưỡng mộ, biết ơn; lòng tin tưởng vào lời dạy của Phật pháp, nguyện thực hành các lời dạy ấy; và sự tín ngưỡng sùng bái, điều thứ ba này bước sang lĩnh vực tôn giáo.
Mọi người trao đổi ý kiến với nhau trong tinh thần cởi mở bao dung. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bước Vào Cửa Phật – Book I – Montreal 2010
(Hình: Hương Sơn Tự – Trung Quốc – NN sưu tầm)

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links