07/03: Bài 29.Trưởng Lão Ma-Ha Ca-Diệp-Bài 30.Tôn Giả Xá- Lỵ- Phất .

07/03: 29.Trưởng Lão Ma-Ha Ca-Diệp-30.Tôn Giả Xá- Lỵ- Phất
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 6436 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT-Quyển 2
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bài 29.Trưởng Lão Ma-Ha Ca-Diếp
1. Trong nhiều chùa, khi Phật tử nhìn lên chánh điện thì thấy tượng đức Phật Thích-Ca, hai bên có tượng hai vị tỳ-khưu. Vị trẻ tuổi là ngài A-Nan, vị lớn tuổi là ngài Ma-Ha Ca-Diếp (mà người ta hay gọi ngắn là ngài Ca-Diếp). Ngài Ca-Diếp (1) là một trong mười đại đệ tử của đức Phật, được mệnh danh là đầu đà đệ nhất, người đã được đức Phật vời tới chia một nửa tòa cho ngồi bên cạnh mà không dám nhận cái vinh dự ấy.
Trong kinh sách, người ta thấy nhiều vị tên là Ca-Diếp. Có một vị Phật đời quá khứ mang tên Ca-Diếp Phật (2). Có một vị nhỏ tuổi nhưng trí tuệ cao siêu, tên là Ca-Diếp, đã khởi thỉnh đức Phật Thích-Ca thuyết kinh Đại Bát-niết-bàn (gọi ngắn là kinh Niết-bàn) trước khi Phật nhập diệt (đó là Ca-Diếp bồ-tát). Lại còn có ba anh em ruột tu theo đạo Thần Lửa, sau bỏ đạo ấy mà cùng quy y đức Thích-Ca: đó là ba anh em ông Ca-Diếp : Ưu-Lâu-Tần-Loa, Già-Da và Na-đề Ca-Diếp (3). …

Ngài Ca-Diếp là một vị đầu-đà. Theo Phật học Từ Điển Đoàn Trung Còn thì hạnh tu đầu-đà gồm có 12 điều như sau :
1. Mặc tam y (tức là ba bộ áo) bằng vải mà người ta vất đi (4),
2. Chỉ dùng tam y mà thôi,
3. Chỉ ăn những đồ mà mình đã khất thực được,
4. Khi ăn phải ngồi, nếu đứng dậy thì hết ăn,
5. Chỉ ăn những đồ đã xin được đựng trong bát của mình,
6. Không ăn quá giờ ngọ (giữa trưa),
7. Phải ở nơi rừng vắng,
8. Phải ở nơi cội cây,
9. Phải đứng và ngồi nơi chỗ trống, không che lợp,
10. Phải ở nơi nghĩa địa,
11. Phải ở nơi do Giáo Hội định,
12. Không được nằm từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn.
(các sách ghi không hoàn toàn giống nhau, có chỗ kể ra hơn 12 điều).
HT Thích Thiện Hoa, tác giả bộ sách Phật học Phổ thông, đã viết trong phần nói về Thiền Tông : “Trong kinh Phạm Thiên vấn Phật quyết nghi và trong bộ Thích nghi kê cổ quyển nhất có chép đại khái như sau : Khi Phật ở hội Linh Sơn, có ông Đại Phạm Thiên Vương đem hoa sen cúng dàng Phật. Phật cầm cành hoa sen lên để khai thị cho chúng. Toàn thể chúng hội đều yên lặng, không ai hiểu thâm ý của Phật như thế nào. Duy có ngài Ma-Ha Ca-Diếp là tỏ ngộ được thiền cơ của Phật, nên đổi sắc mặt vui vẻ, chúm chím mỉm cười. Đức Phật nhận thấy, liền ấn chứng cho ngài Ca-Diếp làm tổ thứ nhất (sơ tổ Phật giáo, ở Ấn-Độ). Đức Phật tuyên bố như sau :
Ngô hữu chánh pháp nhãn tạng,
Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng,
Vi diệu pháp môn, kim phú Ma-Ha Ca-Diếp.
(Ta có “chánh pháp nhãn tạng”, Cũng gọi là “Niết-bàn diệu tâm”, Cũng tên là “thật tướng vô tướng”, Cũng gọi là “Vi diệu pháp môn”, nay ta truyền cho ông Ma-Ha Ca-Diếp).
Rồi Phật truyền y bát cho ông Ca-Diếp. Đó gọi là lấy tâm truyền tâm, không dùng kinh giáo và phương tiện.
2. Cậu bé Ca-Diếp sinh trưởng trong một gia đình rất giàu có thuộc dòng bà-la-môn ở gần kinh đô Vương Xá của nước Ma-Kiệt-Đà. Là con duy nhất trong nhà nên cậu được chiều chuộng, săn sóc hết sức chu đáo. Bản chất thông minh, nên từ khi tám tuổi trở đi cậu đã học thông hiểu rộng mọi ngành học thời bấy giờ. Một điểm nổi bật trong cá tính của cậu là thâm trầm, thích tĩnh lặng, ở xa đám đông, ngay cả cha mẹ, cậu cũng ít khi gần gũi.
Khi thấy cậu tới tuổi trưởng thành thì cha mẹ đặt vấn đề lập gia đình nhưng cậu ngỏ ý mong được tu đạo; cha mẹ không nghe, quyết tìm cho được một cô dâu : đó là một cô gái xinh đẹp, nổi danh tuyệt sắc giai nhân, tên là Diệu Hiền, con của một gia đình đại phú dòng bà-la-môn. Hai bên nhà trai nhà gái chọn ngày hôn lễ. Ngay tối tân hôn, cô dâu chú rể cùng ngồi trong phòng, đèn sáng, nhắm mắt, không ai lên tiếng. Sáng ra, chú rể Ca-Diếp hỏi lý do thì mới biết rằng cô dâu có ý định đi tu mà bị cha mẹ ham giàu đem gả chồng. Chú rể quá mừng, nói ý nguyện của mình và hai bên đồng ý với nhau rằng tuy là vợ chồng ở cùng phòng nhưng ngủ riêng hai giường khác nhau. Cha mẹ chú rể biết, cho người đem bỏ đi một giường. Hai người bèn thỏa thuận : khi người này ngủ trên giường thì người kia tọa thiền hoặc là kinh hành!
3. Khi cha mẹ mất cả thì ông Ca-Diếp bàn với vợ để cho mình đi tìm đạo, xong sẽ trở về đón vợ, đem hết tài sản bố thí cho gia nhân và người nghèo rồi cùng xuất gia. Bà Diệu Hiền hết sức vui mừng, ưng thuận ngay. Trong niềm hoan hỷ, ông Ca-Diếp lên đường tìm đạo. Lúc ấy ông chừng 30 tuổi, và cũng chính là lúc thái tử Tất-Đạt-Đa thành đạo dưới gốc cây bồ-đề. Hai năm trôi qua, thấy rằng không có một đạo sư nào đáp ứng được nguyện vọng của mình, tu sĩ Ca-Diếp nghe người mách, bèn tìm đến tịnh xá Trúc Lâm nghe Phật thuyết pháp, chỉ chăm chú nghe mà chưa thưa hỏi gì. Trong lòng vô cùng hoan hỷ, một ngày kia, tu sĩ Ca-Diếp thấy Phật đang ngồi tĩnh tọa một mình bèn đến đảnh lễ, xin quy y làm đệ tử. Đức Phật nói: “Trên thế gian này, ai chưa chứng quả vị chính giác thì không dám nhận ông làm đệ tử. Ta đã nghe nói nhiều về ông, ta biết thế nào ông cũng tới cầu đạo với ta. Hôm nay là ngày ông được tiếp độ, Phật pháp lưu truyền về sau cần ông rất nhiều …”.
Chỉ nghe Phật thuyết pháp trong tám ngày, vị đệ tử mới này đã khai ngộ! Khi đức Phật cho phép lập giáo đoàn tỳ-khưu-ni thì đầu đà Ca-Diếp đã xa bà Diệu Hiền được bốn năm. Nay thấy cơ hội đã đến, ngài nghĩ đến việc trở về gặp vợ dẫn đi tu như đã hứa. Trong khi ấy thì bà Diệu Hiền chờ lâu quá nên sốt ruột, đem của cải phân phát cho gia nhân và người nghèo rồi đến bờ sông Hằng tu theo ngoại đạo; nhưng do nhan sắc quá đẹp, bà bị làm phiền nhiễu rất nhiều. Tỳ-khưu Ca-Diếp biết việc này, bèn nhờ một tỳ-khưu-ni đến đưa bà Diệu Hiền về quy y Phật, gia nhập ni đoàn. Lại vì sắc đẹp mà bà bị ghen ghét, bị nói xấu, đến nỗi không dám ra ngoài khất thực, đành nhịn đói! Tuy vậy, do chí tu hành tinh tấn vô cùng mãnh liệt, cuối cùng bà đã được khai ngộ và đã được đức Phật khen ngợi.
4. Do tu hạnh đầu-đà hết sức nghiêm mật, trình độ tu chứng và đạo hạnh của tỳ-khưu Ca-Diếp rất cao. Thấy bề ngoài xấu xí, quần áo đơn sơ, râu tóc tỏa dài của vị đầu đà ấy, nhiều tỳ-khưu khác chưa biết rõ nên có ý coi thường. Đức Phật nhận ra điều đó nên đã có một lần ngài bảo : “Đại Ca-Diếp! ông đến đó ư ? Ta còn chừa phân nửa tòa ở đây, ông hãy mau mau đến ngồi”. Bấy giờ các người trẻ kia mới hiểu rằng vị đầu đà đạo cao đức dày ấy đã được đức Phật mến trọng đến mực nào.
Về phương diện hoằng pháp lợi sinh, tuy đầu đà Ca-Diếp có nói pháp nhưng không nhiều vì dành thì giờ sống nơi rừng cây hay trong nghĩa địa. Việc thuyết pháp, hoằng pháp, tranh luận với ngoại đạo, kiểm tra các giáo đoàn xa xôi vv … đều do các vị đại đệ tử, đặc biệt là hai vị Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên đảm trách. Nhưng khi nào đức Phật giao phó nhiệm vụ thì đầu đà Ca-Diếp cũng đi. Có lần, tới một thành kia, khi đầu đà đi khất thực thì nhận thấy dân chúng đóng cửa lại, không tiếp. Hỏi kỹ ra, thì cư sĩ ở đó cho biết tăng sĩ địa phương nhũng nhiễu quá đỗi, đòi quyên góp quá nhiều không phải để xây tịnh xá mà để làm nơi cư ngụ riêng cho mình hưởng thụ, cho nên mọi người chán ngán. Đức Phật nghe trình việc ấy phải đến tận nơi giáo hóa tăng sĩ rồi để vị đệ tử đầu đà có uy tín cao ở lại địa phương để dựng lại niềm tin nơi các thí chủ và dân chúng. Xong việc, vị đầu đà lại ra đi.
5. Khi đức Phật 80 tuổi, ngài nhập diệt tại rừng cây sa-la song thọ ở Câu-Thi-Na. Lúc đó các đại đệ tử như các ngài Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên, La-Hầu-La … , bà Da-Du-Đà-La đều đã nhập diệt rồi. Ngài Ca-Diếp đang đi hoằng hóa nơi xa cùng mấy trăm tỳ-khưu, khi nghe tin thì vội đi về Câu-Thi-Na ngay. Ai ai cũng tỏ vẻ buồn bã, có người than khóc; duy có một người thuộc nhóm Lục quần tỳ-khưu (5) tỏ vẻ vui thích vì cho rằng từ nay không còn có ai kiềm chế bắt bẻ mình nữa. Mấy tỳ-khưu định cho kẻ ấy một bài học nhưng ngài Ca-Diếp ngăn lại, chỉ giảng cho họ hiểu mà thôi.
Bẩy ngày sau, khi ngài Ca-Diếp về tới Câu-Thi-Na thì mọi người đang lo làm lễ trà tỳ nhưng đốt lửa mà lửa không bốc lên nổi! Ngài Ca-Diếp không cầm được nước mắt. Đức Phật ló hai chân ra cho ngài thấy, sau đó thâu hai chân lại và dùng chân hỏa tam muội cho ngọn lửa nổi lên tự trà tỳ kim thân.
Từ đó trở đi, tất cả gánh nặng của Giáo Hội đè nặng lên vai vị đầu đà gần 80 tuổi. Ai cũng tưởng rằng ngài là một vị bảo thủ, không giống như hai vị Mục-Kiền-Liên và Xá -Lợi-Phất đầy tài năng, thần thông và đức độ, nhưng kỳ thật, lúc vào việc mới biết được tài điều khiển giỏi giang và tế nhị của ngài.
Và chính ngài đã đứng ra chủ trì Kết tập pháp lần thứ nhất ba tháng sau khi Phật nhập diệt. Có chỗ nói rằng ngài không hòa với ngài A-Nan vì trong kỳ Kết tập ấy ngài đã bắt bẻ ngài A-Nan nhiều tội. Thật ra, ngài muốn giúp ngài A-Nan bằng cách khích cho gắng tập trung hết năng lực thiền quán trong ngày hôm đó, đến đêm chứng quả la-hán và tới sáng thì dùng thần thông mà vào dự hội nghị. Đến khi trên 100 tuổi, ngài trao y bát cho ngài A-Nan, để ngài A-Nan kế thừa làm đệ nhị Tổ sư của Phật giáo.
Việc tịch diệt của ngài là một sự lạ mà ai cũng nhắc đến : Khi ngài quyết định nhập diệt thì ngài dùng thần thông đi đảnh lễ những nơi thờ xá-lợi của đức Phật rồi về từ biệt vua A-Xà-Thế là một người hết lòng ủng hộ Phật pháp, nhưng gặp lúc vua đang ngủ. Ngài lên núi Kê Túc (núi có hình chân con gà), núi tách ra cho ngài vào ngồi nhập định, đợi khi nào đức Di-Lặc xuống thì sẽ ra bái kiến, giúp ngài giáo hóa chúng sinh. Rồi núi khép lại. Khi vua A-Xà-Thế cùng ngài A-Nan chạy lên núi thì núi mở ra cho hai vị thấy ngài Ca-Diếp đang nhập định, hoa rải xung quanh. Hai vị đảnh lễ xong thì núi khép lại!
Đẹp thay, cuộc đời tu hành và phụng sự Đạo pháp của ngài Đại Ca-Diếp! □
CHÚ THÍCH.
(1) Ca-Diếp do chữ Ca-Diếp-Ba nói gọn lại. Ma-Ha Ca-Diếp-Ba phiên âm từ chữ pali Mahākassapa và chữ sanskrit Mahākāsyapa. Mahā nghĩa là lớn cho nên ta cũng thấy tên Đại Ca-Diếp. Theo nghĩa mà giảng thì ca diếp ba là uống ánh sáng, vì thế người ta dịch tên ngài thành Ẩm Quang.
(2) Kiếp quá khứ là Trang nghiêm kiếp. Kiếp hiện tại là Hiền kiếp. Kiếp vị lai là Tinh tú kiếp. Mỗi kiếp có 1000 vị Phật. Hiện nay đang là Hiền kiếp: đầu tiên là Phật Câu -Lưu-Tôn, thứ nhì là Phật Câu-Na-Hàm Mâu-Ni, thứ ba là Phật Ca-Diếp, thứ tư là Phật Thích-Ca, sắp tới là Phật Di-Lặc vv … Kiếp (kalpa) là một khoảng thời gian rất dài. Người ta dùng chữ kiếp với nhiều nghĩa khác nhau tùy theo khoảng thời gian muốn nói.
(3) Ba ông này có 1000 đệ tử, cộng với 250 đệ tử của hai ngài Xá-Lỵ-Phất và Mục-Kiền-Liên thành ra 1250 vị mà chúng ta thấy ghi trong kinh A-Di-Đà.
4) Một là áo lót mặc sát người, may bằng 5 mảnh. Hai là áo mặc trên áo lót, may bằng 7 mảnh. Ba là áo mặc trong các dịp lễ, may bằng 9 mảnh trở lên. Theo thứ tự, ba áo ấy tên là trung trước y, thượng y và chúng tụ thời y.
(5) Lục quần tỳ-khưu là tên chỉ bọn sáu người tỳ-khưu xấu, chuyên làm bậy, trong số này có cả Xa-Nặc là người dắt ngựa cho thái tử Tất-Đạt-Đa khi ngài bỏ cung vua để đi tìm đạo giải thoát. Lại có cả Lục quần tỳ-khưu-ni nữa. Sáu bà này cũng quấy phá chẳng kém gì mấy ông kia! □
Bài 30. Tôn Giả Xá-Lỵ-Phất
1. Trong chùa này, chúng ta thường tụng kinh A-Di-Đà. Đây là một trong ba kinh căn bản của Tịnh Độ Tông; kinh ấy có một điểm đặc sắc là do đức Phật tự nói ra, không có ai thưa thỉnh. Trong pháp hội, mở đầu bài thuyết pháp, đức Phật nói: “Này ông Xá-Lỵ -Phất, …”. Trong bao nhiêu bồ-tát, trưởng lão, tỳ-kheo, thiên long bát bộ, vô lượng chư thiên đại chúng, đức Phật đã gọi tên một mình tôn giả Xá-Lỵ-Phất! Như vậy, hẳn là đức Phật rất quí mến vị đại đệ tử ấy! Mà quả thật, khi tôn giả Xá-Lỵ-Phất khai triển tư tưởng cô đọng của đức Phật mà rồi sau đó có người thưa hỏi thì đức Phật đã trả lời : “Nếu các ông hỏi ta thì ta cũng sẽ giải thích như Xá-Lỵ-Phất”. Không có lời khen ngợi nào quý báu cho bằng!
Đức Phật có mười đại đệ tử, trong đó ngài Xá-Lợi-Phất được coi là trí huệ đệ nhất (1). Chúng ta sẽ phải thêm rằng ngài là bậc đạo hạnh đệ nhất!
2. Hôm nay chúng tôi xin nói vài hàng về bậc trí tuệ đệ nhất ấy. Chữ pali ghi tên ngài là Sāriputta, chữ sanskrit ghi là Sāripūtra. Chữ putta hay pūtra có nghĩa là “con”. Sārika là tên của thân mẫu ngài, tên ấy có nghĩa là “chim thu”, mắt bà đẹp như mắt chim thu. Vậy Sāriputta có nghĩa là con của bà Sāri, hay là con của bà Thu. Sāriputta phiên âm thành Xá-Lỵ-Phất, phiên âm một nửa thành Xá-Lỵ Tử, dịch nghĩa là Thu Tử . Tiếng Việt đổi Lỵ thành Lợi nên Xá-Lỵ-Phất trở thành Xá-Lợi-Phất. (2)
[Ghi chú: khi mới lọt lòng mẹ thì tên ngài Xá-Lỵ-Phất là Upatissa].
Gia đình tôn giả Xá-Lỵ-Phất là một gia đình giàu có, thuộc đẳng cấp bà-la-môn tức là đẳng cấp đứng đầu bốn đẳng cấp nước Ấn-Độ thời bấy giờ, trên cả đẳng cấp sát-đế-lỵ (vua chúa), sống tại một ngôi làng ở gần kinh đô Vương Xá của xứ Ma-Kiệt-Đà (3). Thân phụ là một luận sư danh tiếng của giáo đoàn bà-la-môn. Thân mẫu cũng là một nhà nghị luận có biệt tài. Từ gốc gác ấy, cậu bé Xá-Lỵ-Phất tỏ ra thông minh xuất chúng, mới tám tuổi đã thông thuộc đủ thứ sách vở và tranh biện thắng cả người lớn. Năm 20 tuổi, với phong độ một học giả, người thanh niên Xá-Lỵ-Phất lên đường tìm thầy học đạo, tới thụ giáo một trong số sáu ông thầy ngoại đạo nổi danh bấy giờ tên là Sa-Xà-Dạ (Sanjaya); nhưng chỉ ít lâu chàng không hài lòng, vì lời giảng dạy của thầy không đáp ứng được lòng mong mỏi của chàng. Cùng với người bạn thân, tên là Mục -Kiền-Liên, tuổi tác và học vấn tương đương, tư tưởng và tình cảm hòa hợp, chàng từ biệt Sa-Xà-Dạ với ý định tự tìm lấy đường tu.
Một ngày kia, trong thành Vương Xá, tu sĩ Xá-Lỵ-Phất gặp một đệ tử của đức Phật, đó là tỳ kheo Át-Bệ (4), một người đã chứng thánh quả sau khi nghe Phật thuyết Tứ Diệu Đế. Khi được tu sĩ Xá-Lỵ-Phất hỏi, ngài Át-Bệ cho biết mình là đệ tử của đức Phật, và đức Phật hiện đang ngụ tại tịnh xá Trúc Lâm gần đó. Hỏi về giáo lý mà ngài truyền dạy, câu đáp là : “Muôn pháp do nhân duyên sanh, Cũng do nhân duyên mà diệt. Thày ta, Phật Đại Sa môn, Thường nói rõ đúng như thế”
Xá-Lỵ-Phất vừa nghe xong thì những nghi ngờ về vũ trụ và nhân sinh của tôn giả vụt tan biến hết; tôn giả bèn vui mừng về gặp Mục-Kiền-Liên báo cho biết mình đã tìm được bậc minh sư. Hai người đem hai trăm đồ đệ tới tịnh xá Trúc Lâm xin quy y Phật, và đức Phật hoan hỷ chấp thuận. Thế là Ngài được thêm hai đệ tử xuất sắc, siêu phàm. Trong vòng mươi ngày, hai vị đã đắc quả a -la-hán. Về sau, khi hai vị nhập diệt trước ngài, đức Thế Tôn đã nói : “ Này các tỳ-kheo, đối với ta bây giờ quả thật trống rỗng, Xá-Lỵ-Phất và Mục-Kiền-Liên không còn!”.
3. Nghe chuyện sau đây, người ta sẽ hiểu tài biện luận sắc sảo và học vấn uyên bác của ngài Xá-Lỵ-Phất : Vào một thời kia, ở thành Xá-Vệ nước Câu-Tất-La, có một vị trưởng giả giàu của và giàu lòng từ thiện tên là Cấp Cô Độc (5). Do việc buôn bán, ông có dịp đến thành Vương Xá nước Ma-Kiệt-Đà. Khi tới vườn Trúc Lâm nghe Phật thuyết pháp, ông bèn quy y. Trở về Xá-Vệ, ông bỏ rất nhiều vàng để mua vườn cây của thái tử Kỳ Đà, nhằm mục đích xây dựng tịnh xá Kỳ Viên rất lớn để đem cúng dàng Giáo Hội. Tại nước ông, Phật giáo chưa bắt rễ. Đức Phật cử tôn giả Xá-Lỵ-Phất tới nơi trông coi công việc xây cất. Ngoại đạo nơi đó ghen ghét Phật giáo, tìm mọi cách dèm pha, sau họ nghĩ ra cách thách tôn giả Xá-Lỵ-Phất tranh luận, họ tin rằng họ sẽ thắng và khi tôn giả bị thua, mất uy tín, sẽ phải rời đi nơi khác. Họ quên rằng ngài là một đại luận sư từ khi còn ít tuổi, thông hiểu cả giáo lý bà-la-môn lẫn ngoại đạo, hơn nữa nay lại là một đại đệ tử của Phật đã chứng thánh quả. Một mình tranh luận với hàng chục sư ngoại đạo, ngài đã thắng và cuộc tranh luận đã làm nhiều người tỉnh ngộ, xin quy y Tam Bảo.
Là một người có uy tín lớn trong Tăng đoàn, vậy mà tôn giả Xá-Lỵ-Phất sinh hoạt hết sức đơn giản và luôn luôn giúp đỡ và nhường nhịn đồng đạo, vì thế ngài có rất nhiều bạn và ai cũng quý mến ngài. Không những ngài chỉ nêu gương bằng đạo hạnh của riêng mình, không những ngài chỉ đóng vai thiện trí thức với mọi người, mà ngài còn thường xuyên săn sóc chư tăng, luôn luôn đi quanh nơi trú ngụ của tăng đoàn, chịu khó quét dọn để giúp cho nơi ăn chốn ở của tăng đoàn được sạch sẽ. Ở tịnh xá, ngài săn sóc các tỳ-kheo già yếu. Trên đường đi du hóa với tăng đoàn, ngài đi sau cùng, cốt để giúp các vị đau yếu phải đi chậm chạp. Vì thế ngài thường chậm tới nơi. Một đêm kia, đức Phật nghe thấy tiếng ho ở dưới gốc cây, hỏi ra thì biết rằng tôn giả Xá-Lỵ-Phất đang ngủ qua đêm ở đó; một số tăng trẻ tuổi tới trước chiếm hết phòng, không biết dành phòng cho các trưởng lão!
Ngài hay tới thăm ngài Át-Bệ, tỏ lòng nhớ ơn người đã chỉ đường cho mình quy y Phật (ngay cả khi ngài Át-Bệ đi xa, ngài Xá-Lợi-Phất cũng hướng về nơi ngài Át-Bệ mà lễ). Khi đức Phật hỏi về việc lễ bái này thì ngài đáp : “Bạch Thế Tôn, con nhớ đến công ơn của trưởng lão Át-Bệ chỉ dạy cho con về lý Nhân Duyên, nhờ đó con mới tìm đến quy y Tam Bảo và tu hành đến nay. Mỗi đêm, con hướng về Người để lễ lạy và nằm ngủ đầu con hướng về đấy”. Đức Phật rất bằng lòng và nói bài kệ sau đây :
Trước nhờ ai chỉ ta vào cửa
Hiểu sâu chính pháp Như Lai dạy.
Hãy trang trọng kính lễ người ấy,
Như ba- la-môn thờ thần lửa.
(Kinh Pháp Cú, kệ số 392, Thiện Nhựt dịch và chú giải, trang 779).
4. Hạnh nhẫn nhục của ngài thật là cao. Khi ngài dẫn tăng chúng đến khất thực tại nhà mẹ đẻ thì bà mẹ vừa phát cho thực phẩm vừa nguyền rủa cả con mình lẫn chư tăng, vì bà vẫn giữ đạo bà-la-môn và nhất là vì bà hận đức Phật, lý do là tất cả bốn con trai và ba con gái của bà đều xuất gia theo Phật (ba người con gái xuất gia sau khi mỗi người có một con). Ngài Xá-Lỵ-Phất yên lặng thọ thực, không nói một lời, rồi ôm bình bát mà về. Các vị tỳ-kheo trong đoàn ai cũng ngợi khen đức nhẫn nhục của ngài. Con trai Phật là chú tiểu La-Hầu-La có mặt trong đoàn, biết chuyện ấy, về thưa lại với đức Phật. Việc này là dịp đức Phật nói mấy câu kệ sau này :
Chẳng sân hận, làm tròn bổn phận,
Giới hạnh trang nghiêm, tham ái tận,
Căn nhiếp phục, thân này là chót,
Như Lai gọi là bà-la-môn.
(kệ số 400, sách nói trên, trang 793. Ở bài kệ số 396, đức Phật giảng : Người thoát ly luyến ái và phiền não, Như Lai mới bảo là bà-la-môn, vậy chữ bà-la-môn ở đây nghĩa là a-la-hán).
Có một người kia thấy ngài Xá-Lỵ-Phất được xưng tán về hạnh nhẫn nhục, nảy ra ý muốn thử xem có đúng vậy không. Người ấy đến xô thật mạnh vào ngài khi ngài đang đi, nhưng khi thấy ngài vẫn điềm nhiên, không giận dữ thì người đó hối hận, xin lỗi ngài rồi ôm bình bát của ngài và thỉnh ngài về nhà cúng dàng lương thực. Một số người bất bình trước hành vi lỗ mãng của kẻ kia, kéo đến định đánh đập trừng trị. Ngài Xá-Lỵ -Phất hỏi: “Kẻ ấy đánh ta hay đánh các ông?” – “Dạ, đánh ngài” – “Kẻ ấy đã xin lỗi ta và ta đã tha lỗi rồi; thôi các ông đi đi”.
Ngài là một người khiêm cung, biết trọng người khác và ý kiến của họ, đồng thời thấy rõ ưu điểm của từng người. Ngài đến thăm tôn giả Phú-Lâu-Na (6) nhân dịp tôn giả đến yết kiến đức Phật. Nghe tôn giả trả lời rành rẽ những câu hỏi của mình và giải thích cặn kẽ, ngài vô cùng hoan hỷ và bày tỏ “hạnh phúc đã được gặp tôn giả”. Tôn giả Phú -Lâu-Na bấy giờ mới biết ngài là Xá-Lợi-Phất, bèn thốt lên rằng : “Tôi đang nói chuyện với bậc đệ tử được xem ngang hàng với đức Đạo sư mà không biết. Nếu tôi biết ngài là tôn giả Xá-Lỵ-Phất thì tôi đã không nói nhiều như vậy!”.
Mấy chữ “được xem ngang hàng với đức Đạo sư” cho chúng ta thấy rõ mọi ưu điểm, tài năng, từ bi và trí huệ cùng đức hạnh của tôn giả Xá-Lỵ-Phất.
5. Đọc tiểu sử của ngài, điều cảm động nhất là lúc biết thọ mạng gần hết, ngài đến từ biệt đức Phật, xin phép về quê cũ chuẩn bị nhập diệt tại ngay căn phòng mà mình đã ra chào đời. Ngài cố ý chọn quê nhà vì muốn độ cho mẹ: cho đến lúc này, bà cụ một trăm tuổi vẫn chưa tin Phật pháp, vẫn chưa quy y Tam Bảo dù rằng cả bảy người con đều đạt đạo quả.
Tuân theo lời đức Thế Tôn, tôn giả ban cho tăng chúng một thời pháp rồi tới ôm chân đức Thế Tôn, xin được tha thứ mọi lỗi lầm trước khi ra đi. Đức Phật dạy : “Ta tha thứ cho ông, Xá-Lỵ-Phất! Ông không có lời nói hay việc làm nào không vừa ý ta. Ông hãy làm những việc ông thấy phải thời”. Và bảo đồ chúng : “Bây giờ, các con hãy ra đi đưa tiễn bậc huynh trưởng của các con lần cuối”. Trong tịnh thất, còn lại có một mình đức Thế Tôn.
Đoàn người đi tiễn tôn giả Xá-Lỵ-Phất thật là đông đảo; dân thành Xá-Vệ cũng đi theo, khóc lóc buồn thảm. Tôn giả bảo họ quay về và dặn các huynh đệ trông nom đức Thế Tôn. Một số đồ chúng và em ruột ngài là tôn giả Thuần Đà (8) theo ngài trên đường về quê.
Thân mẫu tôn giả được báo trước, chuẩn bị phòng cho tôn giả và lo liệu chỗ ở cho đoàn. Khi tôn giả lên cơn đau thì Tứ Thiên Vương, vua Đế Thích và vua Đại Phạm Thiên (8) đến thăm. Bà mẹ hết sức ngạc nhiên vì con mình vượt lên trên cả vị Đại Phạm Thiên mà bà vẫn thờ phụng. Con bà đã như vậy, thì đạo sư của con bà là đức Phật hẳn là phải trang nghiêm oai đức đến ngần nào! Tôn giả Xá-Lỵ-Phất thấy cơ duyên đã tới bèn thuyết pháp cho mẹ nghe; sau bài pháp, bà đắc quả dự lưu.
Tôn giả cho mời chư tỳ-kheo tới và xin các vị ấy tha thứ cho mọi hành động và lời nói của mình không vừa ý các vị ấy. Nhưng mọi người nói họ không có một bất mãn nhỏ nào và xin tôn giả tha thứ cho họ. Tôn giả nhập Niết-bàn Vô dư trong thế sư tử tọa. Bảy ngày sau, làm lễ trà tỳ. Tôn giả Thuần Đà mang y bát và xá-lợi của sư huynh về trình đức Phật.
Đức Phật nói (9) : “Vị tỳ-kheo ấy là người thành tựu các hạnh ba-la-mật trải qua vô lượng kiếp. Vị tỳ-kheo ấy là người đã giúp ta chuyển bánh xe pháp. Vị tỳ-kheo ấy là người được chỗ ngồi bên ta. Vị tỳ-kheo ấy là người trong cõi Tam thiên thế giới không có ai sánh kịp về trí tuệ, chỉ trừ đức Như Lai. Vị tỳ-kheo ấy là người có trí tuệ lớn, có trí tuệ rộng, có trí tuệ sáng, có trí tuệ sắc bén, có trí tuệ sâu xa. Vị ty- kheo ấy ít muốn, biết đủ, thích độc cư, không thích đám đông, đầy nghị lực. Vị tỳ-kheo ấy là bậc khích lệ những bậc đồng phạm hạnh, sẵn sàng chỉ điểm những lỗi lầm. Vị tỳ-kheo ấy có hạnh nhẫn nhục như đại địa. Vị tỳ-kheo ấy có tâm bất hoại. Vị tỳ-kheo ấy có tâm khiêm hạ như đồng tử. Này các tỳ-kheo, hãy nhìn đây xương trắng tro tàn của bậc Đại tuệ, bậc Quảng tuệ, bậc Lợi tuệ, bậc Minh tuệ ”.
Quý hóa thay, “bậc trí tuệ đệ nhất”! □
CHÚ THÍCH
(1) Trong hàng đại bồ-tát, ngài Văn-Thù-Sư-Lỵ là bậc đứng đầu về trí tuệ. Cho nên ta vẫn nghe nói: Đại Trí Văn-Thù-Sư-Lỵ. Chữ sanskrit Manjusri phiên âm thành Mạn-Thù-Sư-Lỵ, Mạn-Thù-Thất-Lỵ, Văn-Thù-Sư-Lỵ, dịch nghĩa là Diệu Kiết Tường hay Diệu Đức.
(2) Tên của Bình Định Vương là Lê Lỵ; khi ngài lên làm vua – vua Lê Thái Tổ – thì do kiêng tên nên bao nhiêu chữ Lỵ được đổi thành Lợi. Đó là ý kiến của GS Nguyễn Ngọc Huy, trong một chú thích ghi ở cuốn sách Quốc Triều Hình Luật của ông.
(3) Thời Phật Thích- Ca, tại Ấn Độ, có 16 nước lớn; trong 16 nước ấy, có 6 thành lớn gọi chung là Lục Đại thành. Khi đức Phật đi giáo hóa, ngài đã qua sáu thành ấy, đó là :
1. Xá-Vệ, kinh đô của nước Kiều-Tất-La tức Câu-Tất-La, nơi đây có vua Ba-Tư-Nặc và cảnh vườn Kỳ Viên do ông Cấp Cô Độc cúng dường.
2. Vương Xá, kinh đô của nước Ma-Kiệt-Đà hay Ma-Kiệt-Đề, nơi có vua Tần-Bà-Sa -La và có cảnh Vườn Trúc tức Trúc Lâm.
3. Ba-La-Nại là nơi Phật thuyết pháp cho bọn ông Kiều-Trần-Như 5 người, trong Vườn Nai tức Lộc Uyển hay Lộc Dã Viên.
4. Tỳ-Xá-Ly còn gọi là Tỳ-Da-Ly hay Duy-Da-Ly hay Phệ-Xá-Ly; Vaisālī dịch nghĩa là Quảng Nghiêm, kinh đô của dòng Licchavi thuộc liên minh Bạt Kỳ, nơi này có vườn trái cây Am-La thụ viên do bà Am-La cúng dường.
5. Bà-Chỉ-Đa (không thấy nói chi tiết).
6. Chiêm-Bà, kinh đô của xứ Anga. Vua nước ấy lấn nước Ma-Kiệt-Đà nên bị vua Tần-Bà-Sa-La đánh và chiếm cả xứ Anga.
(4) Át-Bệ là một trong năm người được nghe bài pháp đầu tiên của đức Phật (kinh Chuyển Pháp Luân, nói về Tứ Diệu Đế). Còn có tên là A-Thị-Thuyết. Năm vị này thường được gọi là năm anh em ông Kiều-Trần-Như : Kiều-Trần-Như, Bạt-Đề, Thập-Lực-Ca-Diếp, Ma-Nam-Câu-Lỵ và Át-Bệ.
(5) Tu-Đạt-Đa là người rất giàu và có lòng từ thiện, biệt danh là Cấp Cô Độc nghĩa là chu cấp cho người cô độc, già cả, nghèo khó. Ông mua vườn cây của thái tử Kỳ-Đà, xây tịnh xá Kỳ Viên rất lớn. Do đó có tên “Kỳ thụ Cấp Cô Độc viên” nghĩa là cây của ông Kỳ-Đà, vườn của ông Cấp Cô Độc.
(6) Phú-Lâu-Na, một trong mười đại đệ tử của đức Phật, tôn giả là bậc “thuyết pháp đệ nhất”.
(7) Thuần-Đà là em ruột của tôn giả Xá-Lỵ-Phất, đắc quả a-la-hán. Không nên lầm với ông thợ rèn Thuần-Đà là người đã cúng dàng bữa cơm sau cùng của đức Phật. [Người em út của tôn giả Xá-Lỵ-Phất tên là Ly-Bà-Đa cũng đắc quả a-la-hán]. Sách Thập Đại Đệ Tử của Thích Tinh Vân do Như Đức dịch, cho chi tiết khác : chỉ có một sa-di tên là Quân Đầu đi theo tôn giả Xá-Lỵ-Phất về quê mà thôi, chứ không có 500 chúng tăng và tôn giả Thuần-Đà như một tài liệu khác đã ghi. Cả hai thuyết đều cần được nghiên cứu lại.
(8) Tứ Thiên Vương hay Tứ Đại Thiên Vương là bốn vị cai trị bốn cõi trời ở lưng chừng núi Tu-Di; vua Đế Thích có tên khác là Kiều-Thi-Ca là vua trời Đao-Lỵ; Đại Phạm Thiên Vương hay Phạm Vương (một số kinh sách Tàu gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế ) là chủ cõi Ta-bà. Các vị này thường đến nghe Phật Thích-Ca thuyết pháp và hỗ trợ Tam Bảo. Người theo đạo bà-la-môn thờ thần Brahma.
(9) Đoạn chữ ngả này trích ở phần cuối bài Xá-Lợi-Phất, trong sách Đường vào nội tâm của Thích Nữ Trí Hải.
Xin coi thêm mục Tứ Thánh Quả trong Phật Học Từ Điển của Đòan Trung Còn . □
Hoằng Hữu Nguyễn văn Phú
Bước Vào Cửa Phật Quyển 2 – Montreal 2010
Hình:Chùa Ty Sắt Noa-vishnu-Ấn Độ – NN sưu tầm

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links