07/09: Book_3_13 Chữ "Tâm" trong đạo Phật

07/09: Book_3_13 Chữ “Tâm” trong đạo Phật
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 5345 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 3
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bài 13. CHỮ “TÂM” TRONG ĐẠO PHẬT
1. Phật tử chúng ta, mỗi khi chúc lành cho nhau, thì hay dùng mấy chữ «thân tâm an lạc». Nói chung chung, thân và tâm là hai thành phần cấu tạo thành con người. Thân, thân thể, thân xác là nói về phần vật chất. Tâm là nói về phần tinh thần. Phần tinh…
… thần này, ta không trông thấy, sờ thấy vv… nên không biết nó ra thế nào, thành ra nó chỉ là một cái tên mà thôi, một cái danh, đối lập với cái thân gọi là sắc. Tuy vậy, ai cũng «cảm» thấy có «nó» nhưng không có cách gì mà chỉ ra «nó» được; hỏi nó ở chỗ nào thì không ai biết ; có người tưởng tượng nó ở trong trái tim, người khác lại nghĩ rằng nó ở trên đầu não! Hàng ngày, nói đến cái tâm thì chúng ta hiểu, nhưng chỉ hiểu đại khái mà thôi. Bình thường, nếu gặp ai yêu cầu nói rõ một chút về tâm thì chúng ta đã thấy là khó rồi. Đến khi vào đạo Phật, chúng ta thấy chữ tâm thật là quan trọng, vì thế hôm nay chúng ta cố tìm hiểu kỹ về chữ tâm.
2. Thay vì nói thân và tâm, danh và sắc, Phật học chỉ ra rằng con người là do năm uẩn (ngũ uẩn, còn gọi là ngũ ấm – uẩn nghĩa là chứa, nhóm ; ấm nghĩa là che dấu, ý nói che dấu chân lý) : đó là sắc, thọ, tưởng, hành và thức.
Sắc uẩn là nhóm yếu tố vật chất tạo ra thân thể vật chất của con người (do bốn đại là đất nước gió lửa hợp lại, cũng có nơi nói tới năm đại tức là bốn đại nói trên cộng với không. Khi nói sáu đại thì thêm thức) ; theo nghĩa rộng nó còn bao gồm hết thảy mọi thứ vật chất quanh chúng ta.
Thọ, tưởng, hành, thức là bốn thành phần của tinh thần của con người.
Thọ uẩn là nhóm yếu tố tinh thần gọi là cảm xúc, như dễ chịu, khó chịu, hay trung hòa tức là không dễ chịu mà cũng không khó chịu.
Tưởng uẩn là nhóm yếu tố tinh thần làm chức năng tưởng tượng, hình dung ngoại cảnh bằng hình ảnh.
Hành uẩn là nhóm yếu tố tinh thần mà công năng chủ yếu là ý chí, ý muốn, quyết định, từ đó gây ra hành động có ý thức chứ không vô tình, và gây ra nghiệp ; hành còn có nghĩa là tập hợp các thói quen về thân khẩu ý tích lũy từ nhiều kiếp, hướng dẫn các hành động bây giờ.
Thức uẩn là nhóm yếu tố tinh thần làm công năng nhận biết, phân biệt. Thức này gồm những gì ? Cái biết tương ứng với năm căn tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (da) gọi là nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức và thân thức. Duy thức học nói thêm đến một căn nữa là căn thứ sáu, đặt tên là ý căn, liên hệ đến các ý nghĩ, tư tưởng …Tương ứng với nó là thức thứ sáu, có tên là ý thức. Rồi đến thức thứ bảy là mạt-na-thức hay mạt-na và thức thứ tám là a-lại-da-thức hay a-lại-da. Vậy là có tám thức.
mắt tai mũi lưỡi thân ý
nhãn căn nhĩ căn tị căn thiệt căn thân căn ý căn SÁU CĂN
sắc thanh hương vị xúc pháp
nhãn trần thanh trần tị trần vị trần xúc trần pháp trần SÁU TRẦN
nhãn thức nhĩ thức tị thức vị thức xúc thức ý thức SÁU THỨC
+ mạt-na và a-lại-da thì có TÁM THỨC
Khi mắt tức nhãn căn, gặp đối tượng (nhãn trần) là cái hoa chẳng hạn, thì nhờ nhãn thức mà ta biết sự hiện diện, sự ‘có’ cái hoa. Ta bảo rằng : nhãn căn duyên với nhãn trần làm nảy ra nhãn thức. Khi ý căn gặp đối tượng (pháp, pháp trần) là một ý nghĩ chẳng hạn, thì nhờ ý thức mà ta biết ‘có’ ý nghĩ. Ta bảo rằng : ý căn duyên với pháp trần làm nảy ra ý thức.
Vậy thì ở bước đầu này, chúng ta hiểu rằng tâm gồm có thọ, tưởng, hành, thức. Và thức có tám thành phần.
3. Từ điển Phật học Việt Nam viết như sau: “Nếu định nghĩa tâm một cách khái quát nhất thì trong các kinh điển Phật giáo, chữ tâm thường được dùng theo 6 nghĩa : 1/ Nhục đoàn tâm : quả tim vật chất, làm chức năng bơm máu đi khắp cơ thể. 2/ Tập khởi tâm : tức là thức thứ tám (còn gọi là đệ bát thức, tạng thức, a-lại-da, a-lại-da-thức). Đó là toàn bộ tâm thức, cơ sở của mọi hoạt động tâm lý. 3/ Tư lương tâm : tư lương là đắn đo, suy nghĩ; tâm thức tư lương là thức thứ bảy (còn gọi là mạt-na, mạt-na-thức). Tác dụng của nó là liên tục, nó chấp thức thứ tám là Ta (cái Ta riêng biệt) …Một từ khác để chỉ thức thứ bảy là Ý, tướng trạng của thức này là sinh diệt nối tiếp nhau không bao giờ bị gián đoạn. Đồng thời, thức thứ bảy là nơi nương tựa của thức thứ sáu (ý thức) cho nên thức thứ bảy còn có tên là ý căn. 4/ Liễu biệt tâm : ý thức và 5 thức trước (nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức) có tác dụng duyên với ngoại cảnh và phân biệt nhận thức chúng. 5/ Kiên thực tâm : chân tâm, cái Tâm không hư vọng, đó là Phật tính, cái mầm mống giác ngộ vốn có sẵn trong chúng ta. 6/ Tinh yếu tâm : tâm ở đây là cái tinh yếu, cái cốt lõi, như nói Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh hay Tâm kinh”.
Phật học Từ điển Đoàn Trung Còn định nghĩa chữ tâm như sau: “Về vật chất, tâm là trái tim (pháp : coeur); tâm là chỗ chính giữa (pháp : centre). Về tinh thần, tâm có rất nhiều nghĩa : 1- lòng dạ, nỗi niềm cảm động, như an tâm, loạn tâm, ưu tâm, hỷ tâm. 2- bề trong, đối với bề ngoài, như tâm nhãn. 3- chí, lòng cương quyết, như nhất tâm, chuyên tâm, tâm lực. 4- ý, tức tâm ý, như tham tâm, si tâm, sân tâm, bồ đề tâm. 5- thức, tức tâm thức, như bát thức, tám thức. Người ta thường gọi cái thức a-lại-da là tâm. 6- trí, tức trí thức, tâm trí, như phàm tâm, vọng tâm, thánh tâm, Phật tâm, chân tâm. 7- cái linh giác chung của chúng sinh, vạn vật, võ trụ tức là tâm linh, thần hồn. 8- căn bổn, chỗ phát sanh, chỗ trụ cốt, như tâm địa, tâm vương. 9- tánh, tức tâm tánh, như tâm bình, tâm trực. 10- chỗ bí mật, như tâm sự, tâm truyền. Tâm đối với : sắc, trần, cảnh, thân”.
4. Đoạn sau đây, dựa vào Duy thức, được trích từ cuốn Pháp số căn bản (1) : “Trong tám thức (nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt-na, a-lại-da) thì thức thứ tám tức a-lại-da là thức nền tảng, căn bản; Duy thức học gọi nó là căn bản thức. Bảy thức kia đều được chuyển hiện, sinh khởi từ căn bản thức cho nên chúng được gọi là chuyển thức. Mặc dù có tám thức nhưng về tác dụng thì chúng có ba tác dụng chính yếu : 1/ Tác dụng chứa đựng, gìn giữ hạt giống và chuyển biến thành hiện hành – tức là tác dụng DỊ THỤC – là vai trò của thức a-lại-da, thức này cũng được gọi là TÂM. 2/ Tác dụng suy nghĩ, so đo, tính toán – tức là tác dụng TƯ LƯƠNG – là vai trò của thức mạt-na, thức này cũng được gọi là Ý. 3/ Tác dụng tri giác, phân biệt đối với trần cảnh – tức là tác dụng LIỄU BIỆT CẢNH – là vai trò của sáu thức trước, sáu thức này còn được gọi là THỨC.
Sự phân chia tám thức như trên chỉ là một phương tiện để dễ tìm hiểu những mặt khác nhau của thức; nó không phải là cố định như thế. Thực ra, tám thức ấy chỉ là tám tác dụng, tám hành trạng hay tám cách biểu hiện của nhận thức, chứ không phải là “tám cái tâm” riêng rẽ, biệt lập. Tuy là có tám thức, nhưng mỗi thức đều liên hệ mật thiết đến các thức khác; tuy một mà là tám, tuy tám mà là một, cho nên chúng có thể thu về một mối, đó là THỨC – tức là CĂN BẢN THỨC hay A-LẠI-DA-THỨC. Một cách tổng quát, chúng ta có thể nói : thức có ba tác dụng : dị thục (hay tàng), tư lương và liễu biệt cảnh. Các kinh luận không chuyên về duy thức thường dùng những tên gọi như TÂM, Ý, THỨC hay NGHIỆP THỨC để chỉ phần tinh thần – khác với phần thân thể” – của chúng sinh.”
Vậy thì chữ tâm mà ta đang tìm hiểu bao trùm luôn tám cái thức nói trên và có tên khác là ý và thức. Có nơi dùng chữ tâm-thức.
BS Bùi Mộng Hùng (2) viết : “Theo Tương ưng bộ kinh, quyển V, trang 184, tâm (citta) nghĩa là tư tưởng, sinh ra do danh sắc. Vậy nhà Phật quan niệm ‘tâm’ là do hoạt động hợp lực của tinh thần (danh) và của thể xác (sắc). Là tư tưởng, ‘tâm’ quan hệ gắn bó với ‘thức’ : nó “ẩn hang sâu” (Dhammapada, 37), hang sâu chỉ trú xứ của thức. Cũng như nó quan hệ với các chức năng cảm giác, nhận thức (Trung bộ kinh, I, 301); chức năng tình cảm; khả năng hành động (Tăng chi bộ kinh, III, 437).
Tóm lại, ‘tâm’ là trung tâm của ý thức, cảm giác, tình cảm, hành động.”
5. Tâm có hai bộ mặt, hai trạng thái, hai biểu lộ của cùng một chân lý; đó là hai trạng thái : sáng suốt, giác ngộ và mê mờ, vô minh. Chữ nhà Phật gọi là chân tâm và chúng sinh tâm. Hay là tâm Phật và tâm chúng sinh.
Mỗi nơi dùng một danh từ cho nên người đọc dễ bị lúng túng. Chân tâm còn được gọi là Pháp tánh, Pháp thân, Thật tướng, Không tánh, Chân như, Như lai tạng, Vô tướng, Bình đẳng tánh vv..
● Giác ngộ là trạng thái trong sạch của tâm. Vô minh là trạng thái vẩn đục của tâm. Tâm trong sạch thì tự do, không bị điều kiện nào trói buộc. Những nhận thức của nó đều đúng đắn.Tâm vẩn đục tùy thuộc vào nhiều điều kiện, vì thế nó không có tự do. Những nhận thức của nó bao gồm nhiều ảo ảnh, sai lầm.
Chân tâm là tâm của các vị Phật, đã được giải thoát khỏi mọi trói buộc, mọi phiền não và vì không phiền não nên không còn khổ đau. Chúng sinh tâm là tâm của những người phàm như chúng ta, do tạo nghiệp và vướng nghiệp cho nên còn trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi.
● Khi nào do tu tập mà tâm đẩy được hết vẩn đục, hết vô minh để nhận rõ được bản thể của chính nó, nhận được “bộ mặt thật” của nó, cái “bản lai diện mục” của nó thì nó trở thành chân tâm, nó chính là chân tâm. Cái chân tâm ấy, cái bản thể ấy, người Phật tử gọi là Phật tánh, nhưng nó không riêng cho Phật tử mà chung cho hết thảy mọi chúng sinh nghĩa là chúng sinh nào cũng có Phật tánh. Đối với người không phải là Phật tử thì ta nên dùng chữ bản thể (của vạn sự vạn vật) thay cho chữ Phật tánh. Có câu rằng: “Phật, chúng sinh tánh thường rỗng lặng” [Năng lễ sở lễ tánh không tịch], nghĩa là Phật và chúng sinh đều cùng có “cái tánh rỗng lặng” đó. Vì thế bất cứ chúng sinh nào cũng có thể tìm cách hết mê mà thành ngộ, thành Phật. Đó là một đặc điểm của Phật giáo: ai cũng có thể tu để lên thành Phật, tức là lên ngang với Giáo chủ.
Sự khác biệt giữa Phật và người phàm là sự nhận biết bản thể và sự không nhận biết bản thể của tâm, nói khác đi là Phật thì đã phá được màn vô minh mà nhận ra được Phật tánh, Chân Tâm; phàm thì chưa phá được màn vô minh nên chưa nhận ra được Phật tánh, Chân Tâm. Vì thế người ta nói ngắn rằng Phật và chúng sinh chỉ cách nhau có một sợi tóc, sợi tóc ấy là vô minh! Có nơi còn đi xa hơn nữa mà bảo rằng phiền não tức bồ-đề, Phật là chúng sinh. Cách nói như vậy làm cho người mới học phát sợ. Có lẽ chúng ta nên nói: “hết phiền não thì đạt bồ-đề”, “Phật là chúng sinh đã giác ngộ”.
● Thắc mắc: làm thế nào phá vô minh để được giác ngộ? Trả lời: phải tu. Lại hỏi : tu thế nào? Trả lời: tu theo pháp môn mà mình chọn hoặc thày mình chọn cho mình. Người này thì tu theo Thiền tông, người khác thì tu theo Tịnh độ tông, lại có người tu theo Mật tông, vv…
Người tu hành thường dùng chỉ và quán, giữ yên lặng, dẹp cái tâm lăng xăng mà đạt đến cái tâm thật. “Chỉ nói sự lặng yên, tịch tĩnh của tâm thức, đạt cảnh vô phân biệt. Quán là quán xét phù hợp với sự thật. Chỉ là trạng thái phải đạt được để có thể quán xét đúng đắn. Các vị luận sư ví Chỉ như một hồ nước tĩnh lặng và Quán là những con cá bơi lượn” (theo Từ điển Phật học)
● Từ điển đó còn tiếp: “Cách tu tập Chỉ Quán bao gồm hai phần, phần chuẩn bị và phần chính. Phần chuẩn bị bao gồm : tạo điều kiện thuận lợi cho việc tu tập (thuận cảnh); giảm các nhu cầu hằng ngày (thiểu dục); điều hòa các hoạt động hằng ngày như ăn, uống, ngủ, nghỉ, hơi thở và tâm (li đa sở tác); chuyên chú vào việc trì giới (thanh tịnh luật nghi).
Trong phần chính, hành giả thực hiện nhiều cách chỉ quán khác nhau. Người ta phân biệt ba cách tu chỉ : 1/ Chú tâm vào chóp mũi; 2/ Thuần phục tâm bằng cách nhận ra sự khởi động, phát sinh của ý nghĩ và lập tức gián đoạn nó ngay; 3/ Nhận thức được nguyên lý Duyên khởi và tính Không của vạn vật. Quán được thực hành theo nhiều cách khác nhau : 1/ Quán bất tịnh; 2/ Quán tâm Từ để đối trị tâm sân hận; 3/ Quán những hạn chế, không trọn vẹn trong sáu nẻo luân hồi để hàng phục ngã kiến; 4/ Quán tính Không của các pháp. Tất cả các cách tu luyện trên có thể được thực hành trong mọi hoạt động thân thể hàng ngày.
Kế theo là việc phòng hộ các giác quan (nhiếp căn) và tu chỉ ở đây được hiểu là sự nhận thức được tính huyễn của tất cả những hiện hữu, phòng ngừa sự xuất hiện của hai tâm trạng đối đãi là yêu và ghét. Quán là sự hướng nội của tâm trong khi thụ nhận những tin tức từ những giác quan, với mục đích là nhận thức được tính vô sắc, vô tướng của tâm. Cuối cùng, hành giả phải quán tưởng đến tính cách “phi thật” của hiện hữu để trực ngộ được tính không của chúng và ý nghĩa tột cùng của Trung đạo”. Còn những định nghĩa khác, ghi trong chú thích (3).
● Sau đây là ý kiến của thiền sư D.T. Suzuki, rất đáng chú ý và làm cho chúng ta nghĩ ngợi nhiều: “Một người có thể trầm tư hay quán tưởng về một đề mục có tính cách tín ngưỡng hay triết lý trong khi đang tu Thiền, nhưng việc này chỉ là ngẫu nhiên; cốt tủy của Thiền không phải ở đó. Thiền nhằm đào luyện tâm. làm chủ tâm, qua sự kiến chiếu vào tận thể tánh. Chiếu phá vào tận thực tánh của mỗi tâm ý hay linh hồn chúng ta chính là chủ đích căn bản của Thiền tông đạo Phật, vì thế hơn hẳn trầm tư hay quán tưởng hay Thiền định (Dhyàna) theo nghĩa thông thường. Tu thiền cốt khai mở tâm nhãn hầu kiến chiếu vào tận lẽ thực của hiện hữu. Muốn trầm tư hay quán tưởng, ta phải tập trung tư tưởng cố định vào một cái gì, sự vô thường của muôn vật chẳng hạn. Nhưng đây chính là việc mà Thiền mong muốn loại trừ. Nếu có một điều mà Thiền nhấn mạnh triệt để thì đó là chứng đạt tự tại, nghĩa là giải thoát tất cả những ưu phiền hư giả. Trầm tư hay quán tưởng là một thứ giả tạo được khoác vào, và không trực thuộc hoạt động bẩm sinh của tâm …” ( 4)
● BS Bùi Mộng Hùng (3) viết về thiền : “ .. đó là trạng thái tâm bình thản, tập trung vào hình ảnh từ ngoài đến, không xao xuyến với tư tưởng bên trong nổi lên : ‘ Người tu hành phải quán sát cách nào để cho trong khi quán sát, ý thức về ngoại vật không xao lãng, phân tán, ý thức về nội tâm không dấy động, để cho ý thức không bị dao động bởi tham ái ’ (Trung bộ kinh, III, 223).
Lòng yên tĩnh, bình thản là một nguyên tắc chủ yếu. Tuy nhiên, nếu nghĩ cứ việc ngồi xếp bằng, lim dim con mắt mà nhìn đời là yên, thì cho có đúng cũng chỉ đúng một phần. Như kiểu nhận chân voi làm cả con voi.
Cũng dễ hiểu lầm lẫn này từ đâu mà ra. Nào là những hình ảnh Phật ngồi kiết già, nào là huyền thoại nghe từ hồi thơ ấu kể các vị chân tu ngồi không nhúc nhích chim đến làm tổ trên đầu, cho đến chữ thiền trong ngồi thiền, tất cả, hình ảnh, ngôn từ hợp lực nhau mà sinh ra cái quan niệm nhập nhằng lẫn lộn “ngồi thiền” với “thiền”, với đạo Phật.
Phương pháp của nhà Phật thực ra phong phú hơn thế nhiều. Nó gồm ba vế, tác động vòng tròn qua lại với nhau. Phong cách sống trong sạch, thuật ngữ gọi là‘giới’; đó là yếu tố cho tâm trí thanh thản tập trung, được ‘định’. Sống trong lành, lòng tĩnh lặng, tâm trí trở nên sáng suốt, ấy là ‘tuệ’. Tâm sáng suốt soi cho đời sống thêm trong lành, tâm trí thêm tập trung, và cứ thế mà tác động vòng tròn lẫn nhau ..
Thiền định là phương pháp đã có từ xa xưa. Đức Phật Thích Ca khi chưa thành đạo đã có lúc theo học danh sư thời đó đến tận cùng của phương pháp. Đạo Phật trân trọng thiền định, như một phương tiện đáng quý. Nhưng chỉ là phương tiện không hơn không kém, vì cứu cánh không phải là nơi đó. Cái chính là tâm trí sáng suốt, là ‘tuệ’, sự vật ra sao thì nhận định y như vậy, không méo mó, lệch lạc…”.
Một số dòng trên đây đủ cho thấy rằng việc thiền không đơn giản, ấy là chưa kể đến những loại thiền gọi là tà dễ dẫn người ta đến sai lầm, có khi sai lầm nghiệm trọng đến nỗi tẩu hỏa nhập ma.
● Duy thức tông nói đến việc tu đến lúc chuyển thức thành trí : Khi tu đến lúc chứng được quả vô lậu tức là xa lìa hết mọi phiền não, chứng Phật quả, thì
1/ Năm thức đầu chuyển thành Thành sở tác trí (trí này giúp hoàn thành mọi việc mà không tạo nghiệp).
2/ Thức thứ sáu trở thành Diệu quán sát trí. (trí này là trí huệ siêu việt, giúp cho biết làm việc mà không cần dụng công).
3/ Thức thứ bảy (mạt-na) chuyển thành Bình đẳng tánh trí (trí này giúp thấy rõ sự bình đẳng giũa mọi chúng sinh).
4/ Thức thứ tám (a-lại-da) chuyển thành Đại viên cảnh trí (trí này như một tấm gương lớn, coi vạn pháp thế nào là thế ấy).
6. Ấy là nói về lý thuyết mà thôi. Có thực hành mới rõ được. Ai rõ rồi thì chỉ một mình người đó biết vì cái tâm không thể nào chỉ bày ra bằng những lời nói thông thường được, không thể mô tả rằng nó như thế này, nó như thế kia . Tất cả đạo Phật rút lại là : giải thoát khỏi mọi khổ đau trong đó cái lớn nhất là sự sinh tử luân hồi, và cách giải thoát là tinh tấn tu hành để tìm ra được cái chân tâm của mình. Thiền tông nói cách khác, là chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật.
● Chúng ta vừa thấy chữ tánh, trong kiến tánh thành Phật. Tánh ấy, là Phật tánh, tức là chân tâm. Vậy thì trong lúc chúng ta đang bàn đây, tâm và tánh chỉ là hai danh từ đồng nghĩa.
Tánh hay Tính (skt : svabhāva) là thế nào? Đạo đức Phật giáo phân biệt tính thiện, tính ác, tính vô ký (không thiện, không ác). Tánh còn có nghĩa là bản thể. Thiền tông giảng kiến tánh : thấy được bản thể chân thực của mình vốn sáng suốt, an lạc, trong lặng. Đứng về bản thể mà nói, về Phật tánh mà nói, thì chúng sinh và Phật không khác gì nhau. Nhưng Phật là bậc Thánh đã giác ngộ về bản thể sáng suốt, an lạc và trong lặng đó còn chúng sinh thì lại quay lưng với bản thể chân thực của mình do bị vọng tưởng phiền não che lấp. (5).
Kiến tánh thành Phật là một cách nói quá gọn ghẽ. Kiến tánh là thấy tánh tức là mới ngộ thôi, còn phải chứng mới được. Đọc được cuốn sách rồi, còn phải hiểu sách và ứng dụng cho đúng nữa mới là đủ!
Chúng ta hãy nhớ thật chắc rằng có hai thứ tâm : chúng sinh tâm và chân tâm, gọi là hai thứ cho dễ hiểu vì thật ra khi chúng sinh tâm được thanh tịnh hóa do sự tu hành thì nó lại chính là chân tâm.
Tu đến độ thấy được chân tâm rồi chứng được chân tâm quả thật là khó, đã vậy lại có vô số pháp tu; người Phật tử nhiều khi rất lúng túng, chọn pháp môn này rồi lại bỏ sang pháp môn kia, vì thấy mỗi sách dạy một khác, mỗi thày dạy một khác. Cho nên mất rất nhiều thì giờ mà lại không có kết quả.
7. Chân tâm có những đức gì? Câu hỏi này có thể được coi là ngớ ngẩn vì chân tâm thuộc về cảnh tuyệt đối, khác với cảnh tương đối, nhị nguyên mà chúng ta đang sống. Dùng ngôn ngữ văn tự của thế giới chúng ta để nói về tuyệt đối là một việc không làm nổi. Đạo Phật dùng danh từ không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghì). Tuy nhiên, trong cuốn sách La Voie du Bouddha suivant la tradition tibétaine (6) của nhà tu Kalou Rinpoché, do đức Dalai-Lama viết lời mở đầu, chúng ta thấy mấy trang nói rằng bản chất của chân tâm (la nature de l’esprit pur) có ba tính cách như sau : 1/ tính không (la vacuité); 2/ tính minh mẫn-sáng chói (la lucidité-luminosité) và 3/ tính vô hạn tức trí tuệ vô biên (l’infinité ou intelligence infinie).
Vì tâm không có kích thước, không có màu sắc, không có hình thù, không có cái gì cả, cho nên ta nói rằng nó giống như không-gian, nó là không. Không ở đây chẳng phải là không có gì; nó hiện hữu khắp mọi nơi, khắp mọi lúc, nó bao trùm và thấm nhuần vạn pháp. Tâm có khả năng thực nghiệm, nhận biết. Nói rằng nó minh mẫn-sáng chói vì sự thông minh của nó thật là mẫn tiệp và các thực nghiệm của nó hết sức là sáng láng. Hãy tạm tưởng tượng một cái phòng trống không, ấy là môi trường của thực nghiệm, của mọi thực nghiệm. Tính minh mẫn-sáng chói của tâm được ví như ánh sáng chiếu soi căn phòng ấy và nhờ đó mà biết được mọi sự vật. Nói rằng nó có trí tuệ vô biên vì đó là trí tuệ của một vị Phật đem dùng để hóa độ và cứu độ chúng sinh.
● Tu hành đạt đến chân tâm, ngộ và chứng được chân tâm thì chứng Niết-bàn. Bất cứ trường phái nào của Phật giáo cũng nhằm đến Niết-bàn. Đó không phải là một nơi chốn. Phật giáo Nam tông quan niệm Niết bàn là một trạng thái của tâm, vào lúc mà hành giả : 1/ hết tham sân si; 2/ chứng đắc vô ngã; 3/ thoát hẳn sinh tử luân hồi. Phật giáo Bắc tông quan niệm Niết-bàn là sự thống nhất với Pháp thân, với Nhất thể tuyệt đối, giải thoát khỏi mọi ảo giác, mọi tham ái, mọi khổ đau, khỏi sự sinh diệt. Nói vậy chỉ là tạm thôi vì Niết bàn là một thứ tuyệt đối không thể tả ra bằng ngôn ngữ, nói ra bằng lý luận. Không được nói Niết-bàn là hư vô, là không có gì hết. “Như lửa phát sinh từ hư không và trở về với hư không, thì Niết-bàn là một tình trạng của tâm thức trở về với một cõi xứ không chịu sự sinh diệt. Đó là một tình trạng không có vị trí địa lý mà là một dạng siêu việt, xuất thế và chỉ có hành giả đã đạt mới biết được”.
Niết-bàn có bốn đức là thường, lạc, ngã, tịnh. Thường nghĩa là không biến đổi, không sanh không diệt. Lạc là yên vui, tịch diệt mà yên hoài. Ngã là cái tự thể, cái bản thể (chứ không phải là cái ta thông thường vì khi chứng Niết bàn thì hết cái ta rồi). Tịnh là trong sạch, thanh tịnh. Muốn cho chắc người ta dùng bốn chữ : chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh để khỏi lầm với các nghĩa thông dụng. Tác giả Đoàn Trung Còn ghi thêm : Trong Niết-bàn kinh, quyển 2, Phật giải nghĩa như sau : Thường nghĩa là Pháp thân, Lạc nghĩa là Niết-bàn, Ngã nghĩa là Phật, Tịnh nghĩa là Pháp.
● Câu hỏi: cái gì đi tái sanh? Trả lời: a-lại-da đi tái sanh. Nếu gọi a-lại-da là tâm thì tâm đi tái sanh, hay nếu gọi a-lại-da là thần thức thì thần thức đi tái sanh. Thông thường người ta nói : cái hồn, cái thần hồn, cái linh hồn đi tái sanh. Người ta cũng dùng chữ vong linh để chỉ phần hồn của người vừa chết. Khi đọc sớ, người ta gọi là hương linh. Dùng danh từ gì thì cũng nên nhớ rằng đạo Phật nói rằng : không có linh hồn trường cửu và bất biến.
Ta vẫn nghe nói đến thân tiền ấm (như thân chúng ta đây, khi đang sống, chữ tiền có ý nói đến thời kỳ trước khi chết), thân trung ấm (thân trong khoảng tối đa 49 ngày sau khi chết, nói là thân nhưng không hề có thân xác) và thân hậu ấm (tức là thân sau khi tái sinh). Nói đơn giản nhất thì : Thần thức của người mới chết mang cái nghiệp của người đó đi sang một kiếp sống mới. Cái nghiệp ấy (gồm tất cả các nghiệp của kiếp sống vừa qua và mọi kiếp sống trước) quyết định tính cách của kiếp sống mới : tái sinh vào cảnh giới nào, sung sướng hay khổ sở, hay trung bình v.v…
8. Kết luận.
1/ Con người có danh và sắc tức tâm và thân.
2/ Tâm ấy gồm thọ, tưởng, hành, thức.
3/ Chân tâm và chúng sinh tâm: hai thứ ấy thật ra là một.
4/ Phải tu để chứng ngộ chân tâm. Thức biến thành trí.
5/ Tu thế nào là do mình hoặc thày mình chọn pháp môn tu.
6/ Thức do tám thứ hợp lại, căn bản là thức thứ tám (a-lại-da). Thức mang nghiệp đi tái sinh vào cảnh giới mới. □
Tài liệu tham khảo
1. Pháp số cơ bản, Hạnh Cơ, Làng Cây Phong xuất bản, Montréal, 1996.
2. Tập san Diễn Đàn, bài Tâm lý học Phật giáo, in trong hai số 54 và 55, tháng 7 và tháng 9, năm 1996, Paris.
3. Coi định nghĩa chữ Chỉ, Quán, Chỉ quán trong Từ điển Phật học Việt Nam, Phật học Từ điển Đoàn Trung Còn, Từ điển Phật học Hán Việt, The Shambala Dictionary of Buddhism and Zen
4. Coi trang 37, 38 trong cuốn Thiền của D.T. Suzuki, do Thuần Bạch soạn dịch, Thích Thanh Từ giới thiệu, ấn tống năm 2000.
5. Theo The Shambala Dictionary of Buddhism and Zen : Svabhāva. Skt., lit. “self-nature”; in the Mahāyāna, as a further development of the anātman doctrine of the Hinayàna, all things are seen as empty of self-nature, i.e. devoid of self-sufficient, independent existence or lasting substance. This, however, does not mean that they do not exist at all but rather than they are nothing but pure appearance and do not constitute the true reality; i.e. they do not possess an essence (svabhāvata). This type of emptiness (shūnyatā) is known as svabhāva-shūnyatā and it is a central notion in the prajnapāramita literature and the teaching of the Mādhyamika school.
6. La Voie du Bouddha suivant la tradition tibétaine, Kalou Rinpoche, Éditions du Seuil, Juin 1993, Pháp. □
Hoàng Hữu Nguyễn Văn Phú
(Hình trên: Chùa Pháp Hoa – Sài Gòn – NN sưu tầm)

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links