07/10: 65. Xưng Danh Hiệu Phật – 66. Khuyên Niệm Phật

07/10: 65. Xưng Danh Hiệu Phật – 66. Khuyên Niệm Phật
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 5658 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT BOOK 1
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

 


BÀI 65.XƯNG DANH HIỆU PHẬT
Trong kinh Địa Tạng, phẩm thứ chín có đầu đề là Xưng danh hiệu Phật. Trong phẩm này, ngài Địa Tạng xin phép đức Phật để trình bày về “sự lợi ích của sự xưng danh hiệu Phật để trong chỗ sinh tử, chúng sinh được lợi ích lớn”. Đây là thu gọn lời ngài nói:
“Nếu ai được nghe danh hiệu Phật Vô Biên Thân mà sanh lòng cung kính thì thoát khỏi tội nặng của bốn mươi kiếp sinh tử. Nếu đắp, vẽ hình tượng rồi cúng dường khen ngợi thì phúc đức vô lượng vô biên.
Nếu ai được nghe danh hiệu Phật Bảo Thắng và trong khoảnh khắc phát tâm quy y thì vĩnh viễn không lùi bước trên đường Vô thượng giác.
Nếu ai được nghe danh hiệu Phật Ba-Đấu-Ma Thắng (Ba-Đấu-Ma phiên âm từ chữ sanskrit Padmà, có nghĩa là Hoa sen) thì sẽ được sinh trở về cõi Lục dục thiên một ngàn lần, hà huống hết lòng xưng niệm danh ngài.
Nếu ai được nghe danh Phật Sư Tử Hống rồi một lòng quy y thì sẽ gặp vô lượng chư Phật xoa…
… đầu thọ ký.
Nếu ai được nghe danh Phật Câu Lưu Tôn rồi hết lòng chiêm ngưỡng, lễ bái hoặc tán thán thì trong hiền kiếp ngàn Phật ra đời sẽ được làm Phạm Vương và được thọ ký quả Phật.
Nếu ai nghe danh Phật Tỳ Bà Thi thì vĩnh viễn không rơi vào ác đạo mà thuong sinh về cõi Nhân, Thiên hưởng sự tốt đẹp.
Nếu ai được nghe danh Phật Đa Bảo thì không bị đọa vào nẻo ác, mà thường ở cõi Thiên hưởng sự vui sướng.
Nếu ai được nghe danh Phật Bảo Tướng mà sanh lòng cung kính thì không bao lâu sẽ đắc quả A la hán.
Nếu ai nghe được danh Phật Cà Sa Tràng thì sẽ thoát khỏi tội lỗi của một trăm đại kiếp sinh tử.
Nếu ai được nghe danh Phật Đại Thông Sơn Vương thì sẽ gặp vô lượng chư Phật vì họ mà nói pháp, nhờ đó thành quả bồ-đề.
Có rất nhiều vị Phật như Phật Tịnh Nguyệt, Phật Sơn Vương, Phật Trí Thắng, Phật Tịnh Danh Vương, Phật Trí Thành Tựu, Phật Vô Thượng, Phật Diệu Thanh, Phật Mãn Nguyệt, Phật Nguyệt Diện v.v… Nếu ai được nghe rồi niệm danh hiệu của một vị Phật thì được công đức vô lượng, hà huống niệm nhiều danh hiệu Phật. Những chúng sinh ấy, lúc sinh, lúc chết, tự được lợi ích lớn, rốt cuộc chẳng bị đọa vào đường ác.
Thấy người hấp hối mà quyến thuộc – dù chỉ là một người – lớn tiếng niệm một danh hiệu Phật thì người sắp mất trừ được tội lớn ngũ vô gián, còn bao nhiêu nghiệp báo khác cũng được tiêu diệt. Gần chết, nhờ người niệm Phật mà còn lợi như thế hà huống tự mình xưng danh Phật, nhớ nghĩ đến Phật, sẽ được vô lượng phúc đức, trừ được vô lượng tội khổ”.
Phẩm thứ chín này rút lại là “niệm danh hiệu chư Phật” thì được nhiều phúc đức. Chúng ta tự hỏi tại sao kinh lại phải nói dài như vậy.
Theo cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền thì có mật nghĩa ở trong, cho nên chúng ta cần tìm hiểu. Sau đây, chúng tôi nói theo ý của cụ Chánh Trí. Trước hết nguyên văn kinh cho biết rằng tất cả các vị Phật được kể đều thuộc về quá khứ rất xa xưa, cách nay vô số kiếp, không phải là các vị Phật có trong lịch sử loài người như đức Phật Thích-Ca Mâu- Ni. Chúng ta có thể nghĩ rằng danh hiệu của các vị Phật đều chỉ là tượng trưng mà thôi.
Thoạt tiên là Phật Vô Biên Thân. Vô Biên là rộng lớn không có biên giới, một điều khó tưởng tượng, khó nghĩ bàn; đó chính là cái Tuyệt Đối, cái Chân Lý, hay Pháp Thân. Chân Lý Tuyệt Đối thì thật là quý báu nên mới có chữ Bảo Thắng, tức là quý nhất không có gì quý bằng.
Nhớ nghĩ đến Pháp Thân, đến Phật thì cần tu, đã tu thì phải thanh tịnh như hoa sen, vì thế có chữ Ba Đấu Ma Thắng. Tu hành thanh tịnh có sức mạnh tinh thần thì đứng giữa chúng sinh không khác gì Sư tử chúa sơn lâm đứng giữa đám súc vật nhỏ bé.
Tu hành theo gương các cổ Phật như Phật Câu Lưu Tôn, Phật Tỳ Bà Thi thì chứng đắc nhiều điều quý báu tức là Đa Bảo. Tâm đã thanh tịnh, lại thêm nhiều đức hạnh nên sẽ phát tướng đẹp (Bảo Tướng) rồi xuất gia mà khoác áo cà-sa (Cà-Sa Tràng).
Khi đắc trí huệ thông suốt (Đại Thông), tâm yên tịnh như vầng trăng sáng (Tịnh Nguyệt) sức định vững vàng như trái núi lớn (Sơn Vương), trí huệ vượt bậc (Trí Thắng), hết bị danh tướng ảnh hưởng (Tịnh Danh), thành tựu giác ngộ (Trí Thành Tựu), tiến đến Giác Ngộ Vô Thượng, nghe được tiếng huyền diệu của Chân Tâm (Diệu Thanh) đạt được chỗ Hoàn Toàn, tượng trưng bằng Mặt trăng tròn đầy (Mãn Nguyệt, Diệu Nguyệt).
Cụ Chánh Trí kết luận : “Ý Kinh ở đây dạy chúng sanh phải bỏ những nhớ nghĩ của thế gian mà nhớ nghĩ đến Đạo và những hạnh cần phải tu tập để đạt đến sự Giác ngộ, Thanh tịnh và Giải thoát”.
Như vậy, cụ nhấn mạnh đến nhớ nghĩ tức là niệm : bỏ nhớ nghĩ của thế gian mà nhớ nghĩ đến Đạo. Cụ đã bỏ qua sự lợi ích của việc xưng danh hiệu Phật đối với người hấp hối.
Chúng tôi thiển cận hơn và muốn nhìn vào cách thực hành thích hợp với người căn cơ thấp, ý chúng tôi muốn nói về pháp môn niệm Phật của Tịnh Độ Tông. Pháp môn này đã được trình bày nhiều lần rồi, hôm nay chúng tôi muốn trích lời dạy của ngài Long Thọ, người đã được gọi là đức Thích-Ca chẳng có 32 tướng tốt.
Trong Luận Tỳ-Bà-Sa, ngài Long Thọ khen ngợi pháp môn Tịnh độ như sau :
Nếu người muốn thành Phật → Xưng niệm A-Di-Đà
Ứng thời vì hiện thân Nên nay con quy mạng.
Do sức nguyện của Ngài Mười phương chư Bồ-tát
Đến nghe pháp, cúng dường Nên con cúi đầu lễ.
Các Bồ-tát cõi ấy Đầy đủ các tướng hảo
Thân đẹp tự trang nghiêm Nên con lạy quy y
Chư Bồ-tát Cực lạc. Mỗi ngày trong ba thời
Cúng dường Phật mười phương Nên con cúi đầu lạy
Nếu người trồng căn lành Nghi thì hoa không nở
Kẻ lòng tin thanh tịnh Hoa nở thấy được Phật.
Hiện tại Phật mười phương Dùng các thứ nhân duyên
Khen công đức Di-Đà Nên con quy mạng lễ
Cõi Cực lạc nghiêm đẹp Mầu nhiệm hơn thiên cung
Công đức rất sâu dầy Nên con lễ chân Phật.
Trong bộ Luận Đại Trí Độ, ngài khai thị về pháp môn Tịnh độ như sau :
“Niệm Phật tam-muội có thể trừ các thứ phiền não và những tội đời trước. Các pháp tam muội khác, có môn trừ được nghiệp dâm, không thể trừ được nghiệp sân; có môn trừ được nghiệp sân, không thể trừ được nghiệp dâm. Có môn trừ được ba độc tham, sân, si, không thể trừ các tội đời trước. Môn Niệm Phật tam-muội có thể trừ các thứ phiền não và các thứ tội chướng. Lại nữa, Niệm Phật tam-muội có phước đức lớn, hay độ chúng sanh. Chư bồ-tát muốn mau diệt tội chướng, được nhiều phước đức, sớm độ chúng sanh, không chi hơn tu môn Niệm Phật tam-muội”.
Tam- muội là gì? Chữ này do chữ pali Samāpatthi và chữ sanskrit Samādhi phiên âm ra. Tam-muội nghĩa là cảnh thiền định cao, đại định, trong đó thân và tâm của hành giả không còn xao động, lìa hết thảy tà loạn.
Trong lời văn của ngài Long Thọ trích trên đây, chúng ta thấy ngài dùng chữ Niệm Phật tam-muội cho nên chúng ta thắc mắc : căn cơ thấp như chúng ta thì làm sao nhập đại định được! Theo Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn thì cách niệm Phật này có hai phần: nhân hạnh và quả thành. Nhân hạnh nói dễ hiểu là tu theo cách niệm Phật, tức là trì danh niệm Phật (luôn luôn niệm: A-Di-Đà Phật), hoặc là nhất tâm quán tưởng các tướng chánh và tướng phụ của Phật, hoặc là nhất tâm quán tưởng thật tướng của Pháp thân (hai điều nói sau khó thực hành cho nên đa số theo cách thứ nhất tức làtrì danh niệm Phật). Một cách đơn giản, kinh A-Di-Đà cho biết khi hành giả mệnh chung thì sẽ được Phật A-Di-Đà và Thánh chúng tiếp dẫn về cõi Tây phương Tịnh độ. (theo như lời nguyện của đức Phật A-Di-Đà).
Ngài Long Thọ nhấn mạnh thêm đến điều sau này: có thể trừ được các thứ phiền não và các thứ tội chướng.
Còn quả thành hay sự phát đắc, tức là kết quả thu được do tu hành, thì thật là lớn. Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật thì đắc phép tam-muội là như thế này: “Quán tưởng thấy đức Phật A-Di-Đà có đủ tướng hảo đứng trên tòa sen. Kế quán tưởng thấy đức Quán Thế Âm đứng trên một tòa sen phía tả. Rồi quán tưởng thấy đức Đại Thế Chí đứng trên một tòa sen phía hữu. Thấy tượng Phật và tượng Bồ-tát phóng hào quang; lại nghe cây báu, chim phù, chim ưng, chim uyên ương thuyết diệu pháp. Dầu mở mắt hay nhắm mắt, dầu xuất định hay nhập định cũng thấy và nghe như vậy, đó là đắc phép Niệm Phật tam-muội, trừ được những tội trong vô số kiếp sinh tử”. [Niệm Phật tam-muội còn gọi là Nhất Hạnh tam-muội].
Nói gọn lại, do chuyên tâm niệm Phật mà tâm được định rồi thấy Phật. Xa hơn, có thể “thống nhất” với Phật (coi Ghi chú). Khi tâm loạn động thì đầy vọng tưởng. Khi tâm định thì chứng Niết -bàn. Hết chủ và khách. Chủ và khách là một. Nghĩa là Đồng thân pháp tánh!
[Có thể chúng ta nghe nói đến các phép tam-muội như trong câu: “Chư Phật, chư Đại Bồ-tát và La-hán đều có thể nhập nhiều phép tam-muội để hộ thân và độ đời”. Khi thấy chữ phép tam-muội trong trường hợp này thì ta có thể hiểu rằng các ngài có nhiều phép thần diệu, thí dụ như có thể tự biến ra thân nào tùy ý. Trong kinh Phổ Môn, chúng ta thấy đức Quán Âm có thể hiện ra rất nhiều thân tùy theo hoàn cảnh của người mà ngài muốn độ].
Chúng tôi nghĩ thêm rằng lời dạy của ngài Long Thọ nhắm vào các Bồ-tát, còn đối với những người sơ cơ như chúng ta chỉ biết niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương Cực lạc quốc độ với ba tư lương tín, nguyện, hành thì những lời sau này của thiền sư Vĩnh Minh tán dương pháp môn Tịnh độ làm cho chúng ta phấn khởi:
Có Thiền tông, không Tịnh độ, Không Thiền tông, có Tịnh độ,
Mười người tu, chín người đổ, Vạn người tu, vạn người đỗ,
Ấm cảnh nếu thấy hiện ra, Đã được thấy đức Di-Đà,
Chỉ phút chốc là theo nó. Còn lo gì chẳng khai ngộ.
Ngài Trí Húc (Trí Húc là hiệu của Ngẫu Ích đại sư, tổ thứ 9 của Liên Tông, trụ trì ở núi Linh Phong) đã nói: “Khi Húc mới xuất gia, tự phụ là Thiền tông, khinh miệt các giáo phái khác, dám nói càn rằng phép niệm Phật dành cho người trung căn và hạ căn. Về sau nhân vì ốm nặng nên mới phát tâm cầu về Tây phương, chịu nghiên cứu các sách, mới biết phép niệm Phật tam-muội thật quý giá vô cùng, mới chịu hết lòng niệm Phật với sức mạnh bằng vạn con trâu kéo không lại”. Và ngài nó tiếp: “Kinh Phật dạy rằng ‘Đời mạt pháp, ức vạn người tu hành, ít có một người tu đắc đạo; chỉ còn nhờ phép niệm Phật mới được giải thoát’. Than ôi! nay chính là thời mạt pháp rồi, mà bỏ pháp môn niệm Phật này thì còn có pháp môn nào tu học được nữa?”.
Tóm lại, ai ai cũng có thể tu theo pháp môn niệm Phật để cầu vãng sinh Tịnh độ của đức A-Di-Đà, tới đó không còn phải tái sanh tức là thoát luân hồi, tuy chưa thành bậc thánh. Hóa sanh lên đó trong một bông sen, hoa nở thì thấy Phật, thấy các Bồ-tát, gặp thượng thiện nhân, được tu học tinh tiến lên cao. Đối với chúng ta, niệm Phật là nhân, vãng sanh là quả. Đối với các vị căn cơ cao, do nhân niệm Phật mà đắc quả niệm Phật tam-muội .
GHI CHÚ.
Chúng tôi mới được nghe đạo hữu Hiển Mật Đỗ Hữu Trạch nói về Phép Quán tượng Niệm Phật mà đạo hữu định nghĩa là “một pháp hỗn hợp gồm hai môn là Niệm Phật hiệu và Thiền đề mục”. Theo phương pháp này, hành giả kiên nhẫn quán sát một tấm hình hay một pho tượng Phật A-Di-Đà, đồng thời niệm Phật hiệu của Ngài cho đến khi nhắm mắt mà thấy hình hay tượng rõ ràng như khi mở mắt. Thế gọi là đắc thô tướng. Cứ thế tiếp tục cho đến khi thô tướng trở nên linh động và phát ra ánh sáng. Thế gọi là đắc quang tướng. Tiến xa hơn nữa cho đến lúc quang tướng tan thành ánh sáng rồi quên thân và tâm để hợp nhất với ánh sáng vừa nói. Thế gọi là nhập Thường Tịch Quang tịnh độ của chư Phật.
Đạo hữu Hiển Mật cho biết rằng nói thì dễ như vậy nhưng thực hành rất là khó bởi vì riêng một việc chú tâm quan sát hình hay tượng ở bước đầu đã khó lắm rồi. Tại sao? Vì buông bỏ những tư tưởng hư vọng do sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) gây ra là một việc vô cùng khó khăn đối với người căn cơ thấp. Ngay cả các bậc thiện căn cao cũng phải cố gắng rất nhiều. Vì thế ngài Vĩnh Minh mới bảo rằng: “ấm cảnh nếu thấy hiện ra, chỉ phút chốc là theo nó”. Ấm cảnh chính là các cảnh do ngũ ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) mang tới, che lấp mất tâm bồ-đề của hành giả.
Vì thế chúng tôi xin góp ý kiến như sau: cứ tin thật chắc là có cõi Tịnh độ của đức Di- Đà, tin thật chắc ở lời nguyện của ngài, tin thật chắc rằng cái nhân niệm Phật sẽ mang đến cái quả vãng sinh Tịnh độ lúc lâm chung; cứ nguyện thật thiết tha xin vãng sinh Tịnh độ; cứ chăm chỉ niệm Phật, thực hành đều đặn tinh tiến; thêm vào đó chân thành sám hối, sửa đổi lỗi lầm, hàng ngày thanh tịnh hóa thân khẩu ý, thì với ba tư lương tín nguyện hạnh, chắc chắn hành giả sẽ thành công. □
BÀI 66. KHUYÊN NIỆM PHẬT
Một hôm, ngồi ở sân chùa, tôi nghe thấy một huynh trưởng hỏi mấy em nhỏ: “Các em đến chùa để làm gì?”. Một em trả lời: “Để học tiếng Việt”. Một em khác nói: “Học tiếng Việt rồi nghe cô kể chuyện bà Trưng đánh quân Tàu”. Em thứ ba thêm: “Xong rồi nghe chuyện Phật Thích-Ca bỏ ngai vua để đi tu”.
Nghe tới đây, tôi mừng. Mừng vì có em đã nhận được một hạt giống tốt vào trong tâm. Mong rằng một ngày kia, hạt giống sẽ nảy mầm và ta có thêm một Phật tử thuần thành.
Vài tuần sau, tình cờ tôi được chứng kiến sinh hoạt của mấy em “thiện sinh” mặc đồng phục. Các em này đã được hướng dẫn chút ít về lễ Phật, lạy Phật. Tôi thấy vui trong bụng và ước ao rằng trong số thiện sinh này sẽ có một tăng tài đưa vai gánh vác công việc trùng tu ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.
Đến đây, tôi sực nhớ lại một hình ảnh xa xưa khi tôi còn ít tuổi. Hồi ấy, mẹ tôi cùng mấy bà ngồi làm cỗ chay dưới bếp của chùa, tôi chạy lăng xăng lấy cái này cái nọ, bưng khay này khay khác lên trai đường. Bỗng một người hỏi: “Các bà đến chùa để làm gì?” giống như câu hỏi của anh huynh trưởng mà tôi mới nói trên đây. Một bà trả lời: ”Không thấy đây à? Chúng tôi đang làm công quả”. Một vị khác nói: “Lên chùa lễ Phật chứ còn làm gì ”.
Trong nhiều năm lo làm ăn, thỉnh thoảng tôi mới có dịp trở về chùa. Và tôi đã nghe được những câu trả lời khác nhau. Tóm tắt lại là: lên chùa dự lễ cầu an cho người nhà; lên chùa dự đám cầu siêu cho thân nhân của một người quen; lên chùa hái lộc đầu năm vào giờ giao thừa; lên chùa theo sớ cúng cửu huyền thất tổ vào lễ Vu-Lan; lên chùa dự lễ Phật đản; lên chùa lễ Phật cầu phúc … và câu trả lời gọn nhất là “lên chùa để lễ Phật ”.
Tôi nhận thấy tất cả đều đúng nhưng chỉ đúng một phần mà thôi. Cho đến một ngày kia, tôi có đủ thiện duyên xem sách về đạo Phật. Coi phẩm thứ nhất tức là phẩm Hành trạng trong kinh Pháp Bảo Đàn, tôi thấy ngài Huệ Năng đến cầu đạo nơi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Ngũ Tổ hỏi cầu gì thì ngài trả lời chỉ cầu thành Phật mà thôi. Rồi tôi lại đọc được một bản in ronéo sau 1975 ở trong nước, trong đó một ni cô đã nói: “Tôi nhất quyết tu thành Phật”. Bấy giờ, đầu óc tôi bỗng lóe sáng. Đúng rồi, lên chùa nhằm mục đích tu thành Phật. Sách có ghi: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Thế thì phải tu cho thành Phật.
Quý vị có thể nghĩ rằng mục đích như vậy cao xa quá, làm sao đạt được! Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng rõ ràng là phải tu để “giác ngộ và giải thoát” như Hòa thượng Viện chủ thường khuyên. Phải giác ngộ thực tướng của vạn pháp, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Nhưng vấn đề là tu ra sao, theo lề lối nào. Lúng túng thật. Nhưng sách đã nói rằng có tám mươi tư ngàn pháp môn, thế nào cũng có pháp môn hợp với mình. Đức Phật là Y Vương, ngài có thuốc thích hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
Sách vở dạy ngũ giới, thập thiện, tứ diệu đế, bát chánh đạo, thập nhị nhân duyên, lục độ ba-la-mật. Sách vở cũng dạy ba mươi bảy phẩm trợ đạo, giới định huệ, văn tư tu. Quý vị đạo hữu ngồi đây chắc cũng như chúng tôi, cảm thấy khó thực hành nhưng không dám nói ra vì làm như vậy là thiếu ý chí, chưa phát bồ-đề tâm.
Rồi một ngày kia, tôi được nghe truyện thi sĩ Bạch Cư Dị hỏi thiền sư Ô Sào rằng: “ Đại ý Phật pháp là gì”. Ngài trả lời: “ Tránh làm điều ác, Chăm làm điều lành, Thanh tịnh tâm ý, Chư Phật dạy thế ”. (Chư ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành, Tư tịnh kỳ ý, Thị chư Phật giáo).
Ông kia bèn nói: “Như thế thì trẻ lên ba cũng biết”.
Thiền sư trả lời: “Nhưng ông già tám mươi cũng chưa làm nổi”. (1)
Thật vậy, chăm làm lành, tránh làm ác, việc này có thể cố gắng làm được. Nhưng thanh tịnh tâm ý thì rất khó, ông già tám mươi chưa chắc đã làm nổi. Vấn đề là chúng ta phải làm sao để thanh tịnh hóa được tâm ý. Đối với các vị xuất gia, do tinh tấn tu hành, có sư phụ chỉ dạy, việc này tương đối dễ dàng. Đối với các bạn trẻ, có nghị lực, có tâm bồ-đề và còn nhiều thời gian trước mắt để tu hành thì cũng có nhiều cơ hội. Đối với những người trên 70 tuổi như đa số quý vị ở đây và chúng tôi thì vấn đề nan giải lắm.
May thay, chúng tôi có duyên lành đọc được một bài của vua Trần Thái Tông viết trong Khóa Hư Lục nhan đề “Luận về Niệm Phật” dạy cho kẻ căn cơ kém cỏi như chúng ta chăm lo niệm Phật nhằm vãng sinh Tịnh độ, thoát luân hồi sinh tử. Ngài dạy rằng: “Niệm Phật dứt được ba nghiệp vì khi niệm Phật thân ngồi ngay thẳng, không làm hạnh tà là dứt thân nghiệp. Miệng tụng chân ngôn, chẳng nói lời tà là dứt khẩu nghiệp. Ý gắng tinh tấn, chẳng khởi niệm tà là dứt ý nghiệp” … “Người hạ trí thì miệng siêng lời niệm Phật, tâm muốn thấy tướng Phật, thân nguyện sinh về nước Phật; ngày đêm siêng năng tu hành, không có thối chuyển. Sau khi mạng chung, tùy niệm thiện đó được sinh về nước Phật. Sau được chư Phật dạy bảo chánh pháp, chứng được bồ-đề, cũng vào quả Phật”. (2)
Như vậy thì muốn thoát sinh tử luân hồi chúng ta hãy chăm niệm Phật để cầu vãng sinh Tịnh độ sau khi mệnh chung; tới đó thì không còn thoái chuyển mà lại được chư thượng thiện nhân, chư bồ-tát, chư Phật dìu dắt tu hành mà chứng quả. Con đường thật là rõ: chúng ta đến chùa lễ Phật, cầu an, cầu phước nhưng mục đích là cầu thoát sinh tử và muốn thoát sinh tử đối với kẻ hạ trí thì cách hữu hiệu nhất là niệm Phật.
Tôi đã được nghe các thày khuyên rằng không nên niệm Phật nhanh quá cốt để xem mỗi buổi mình lần được bao nhiêu chuỗi, như vậy không có hiệu quả bởi vì như vậy là làm hình thức, niệm cho có mà thôi, tâm không được gì cả. Vua Trần Thái Tông dạy rằng: miệng siêng lời niệm Phật, tâm muốn thấy tướng Phật, thân nguyện sinh về nước Phật, có như thế mới đầy đủ.
Cách đây mấy tuần tôi lại có duyên may thỉnh được mấy bài khai thị và khuyến cáo của các bậc đại sư, thật là hay; xin tóm tắt để trình quý đạo hữu cùng học. Trong bài Khai thị về những điểm thiết yếu khi niệm Phật, Hòa Thượng Hám Sơn dạy rằng: “nếu niệm Phật mà không đoạn được cội gốc của sinh tử thì làm sao cắt đứt dòng sinh tử? Vì thế người niệm Phật phải hiểu cái gốc của sinh tử là ái dục và luôn luôn phải tìm cách đoạn ái căn, nếu không đoạn thì khi lâm chung khó mà tự chủ được”. (3)
Hòa Thượng Quảng Khâm đã viết cuốn sách Cẩm Nang Tu Đạo, riêng chương 4 nói về Pháp môn Tịnh độ (4). Ngài dạy: “Tây phương ở đâu? Ở ngay trong tâm mình. Khi tâm vô sự, không phiền não, không vọng tưởng thì đó là Tịnh độ, ở ngay giữa Ta-bà, tâm tức là Tây phương”… “Niệm Phật thì mới khiến ta thật sự thanh tịnh, niệm Phật là con đường dẫn tới Tây phương”.
Ngài dạy tiếp: “Niệm Phật, tụng kinh, xem kinh, nói chuyện là bốn việc chắc chắn làm hàng ngày. Tốt nhất là ít nói chuyện. Thời gian tụng kinh và xem kinh không nên nhiều hơn thời gian niệm Phật. Niệm Phật là chủ chốt. Hãy yên lặng, lắng lòng mà niệm, niệm tới lúc ngủ thiếp luôn càng tốt. Phải tập: mắt nhìn mà giả lờ như không thấy, tai nghe mà giả đò như không biết. Chỉ thành thật niệm Phật. Đi, đứng, nằm, ngồi đều nên ở trong phạm vi niệm Phật. Khi định tâm lại để niệm mới biết rằng từ sáng đến tối, mình chỉ phóng tâm ra ngoài mà quên không xét tâm mình có hướng về Phật A-Di-Đà không. Cảnh giới bên ngoài lôi mình theo nó!
Bế quan mà đầy rẫy vọng tưởng thì không có thanh tịnh. Niệm Phật mà rời xa được ngoại cảnh, cùng Phật tương ưng thì mới biết tâm này và tâm Phật giống nhau. – Khi vọng niệm nổi lên, thì đừng sợ. Hãy mặc kệ, đừng chú ý đến nó là xong, cứ một lòng niệm “A-Di-Đà Phật”. Vọng niệm vốn không có thực thể, từ từ nó sẽ tan biến mất.
Sức mạnh của việc niệm Phật vĩ đại vô song, có thể khiến người ta đắc Niệm Phật Tam -Muội, một thứ định không phải tầm thường”.
Câu sau này hết sức quan trọng, chúng ta phải nhớ thật kỹ: “Nếu tâm còn tham muốn, ham thích, vương vấn chuyện gì thì khi lâm chung việc đó sẽ hiện ra. Bấy giờ nếu thấy cảnh đó rồi nảy lòng yêu thích, sinh tâm theo đuổi nó thì kết quả là lọt thẳng vào vòng luân hồi. Trái lại, nếu biết dọn lòng trong sạch niệm Phật thì khi lâm chung sẽ có hoa sen, Phật, Bồ-tát và cảnh giới thù thắng hiện ra. Vì thế lúc còn sống phải tu để trừ cho hết những ham muốn trần tục”.
Trên đây tôi đã nói đến việc niệm danh hiệu Phật mà niệm vội vàng chỉ nhắm cho được nhiều thì chưa đúng. Đại sư dạy rằng: “Niệm Phật thì phải niệm niệm không xa rời Phật. Niệm cho rõ ràng, nghe cho phân minh, mỗi chữ mỗi chữ đều phải rõ. Tâm nhớ tưởng, tai lắng nghe, miệng thầm niệm, cứ thế mà nhiếp tâm nơi Phật hiệu. Hãy buông bỏ mọi chuyện bên ngoài, cứ nương theo tiếng niệm thì tâm sẽ tập trung, sẽ chuyên nhất”.
Đối với người thắc mắc rằng sao không thấy Phật A-Di-Đà hiện hình ra tiếp dẫn, và trích dẫn câu trong chương Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông “Nếu ai nhớ Phật, niệm Phật thì bây giờ hoặc mai sau nhất định thấy Phật, chẳng cần phương tiện gì cả, tự mình lòng dạ mở khai”, Đại sư giải thích rằng “lòng dạ mở khai tức là thấy Phật, thấy được vị Phật của tự tánh”. Và thêm rằng: “Khi lâm chung, đừng nên để tâm muốn thấy hình tướng chư Phật, Bồ-tát” vì như thế vẫn là còn tham cầu. Rồi đại sư khuyên “niệm Phật bằng thực tướng tức là hình tướng chân thật, không hình hài, không sinh diệt, tức là chân tâm, chứ đừng niệm Phật bằng sự tướng, chấp trước vào hình hài, sắc tướng, công việc trần gian thế sự”.
Đến đây, tôi xin ghi lại lời Khuyến Cáo Niệm Phật của Đại sư Ngẫu Ích, tổ thứ chín Tịnh độ Tông Trung Hoa (5). Ngài dạy rằng: “Người chân niệm Phật:
• buông cả thân tâm thế giới là đại bố thí,
• không còn khởi tâm tham, giận, mê là đại trì giới,
• không so đo phải quấy hơn thua là đại nhẫn nhục,
• không gián đoạn xen tạp là đại tinh tấn,
• không để vọng tưởng buông lung là đại thiền định,
• không bị đường lối khác làm mê hoặc là đại trí huệ.
Trước khi kết thúc, tôi xin ghi chép Lời Khuyên Niệm Phật của Đại sư Liên Trì Châu Hoàng, tổ thứ tám Tịnh độ tông Trung Hoa:
“Người học Phật đừng theo hình thức bề ngoài, chỉ quý tu hành chân thật.
• Hàng cư sĩ tại gia không cần phải cạo tóc mặc đồ dà, tự có thể để tóc mặc áo tràng mà niệm Phật.
• Người ưa thích thanh vắng, không cần phải đánh chuông gõ mõ, tự có thể yên lặng mà niệm Phật.
• Người sợ công việc phiền phức, không cần kết bè lập hội, tự có thể đóng cửa mà niệm Phật.
• Người biết chữ, không nhất định phải vào chùa nghe kinh, tự có thể xem kinh, y theo lời dạy trong kinh mà niệm Phật.
• Trải qua ngàn dặm hành hương ở các danh sơn, không bằng ngồi yên ở nhà mà niệm Phật.
• Cúng dường những người không chân chính, không bằng hiếu thuận cha mẹ mà niệm Phật.
• Giao du với nhiều bạn bè kém đạo đức, không bằng làm kẻ dốt nát mà chuyên niệm Phật.
• Hạnh thấp mà vọng nói đạo lý cao sâu, không bằng làm kẻ chất phác giữ giới niệm Phật.
• Tánh háo kỳ, ưa cầu sự linh thông của ma quỷ, không bằng chánh tín nhân quả mà niệm Phật.
Nói tóm lại, người niệm Phật giữ lòng ngay, dứt hạnh ác gọi là thiện nhân. Người niệm Phật, tỏ tâm tánh, dứt hoặc nghiệp, gọi là thánh nhân”. (6)
Để kết thúc, tôi xin thưa:
• Đi chùa lễ Phật phải biết rõ mục đích tu học là thoát sinh tử luân hồi.
• Pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh độ lúc lâm chung là pháp môn dễ thực hành hơn các pháp môn khác.
• Cần hiểu rõ căn nguyên của luân hồi sinh tử là ái dục, cho nên phải cố gắng cắt ái dục, diệt ái dục.
• Tu hành phải tránh hình thức.
• Tin có Tịnh độ, Nguyện sinh Tây phương, Chăm chú niệm Phật. Không mong cầu.
• Tây Phương Tịnh đ ộ ở ngay trong tâm mỗi người.
• Phật A-Di-Đà chính là Pháp thân Phật, là Chân tâm.
• Phải thực hành niệm Phật ngay từ bây giờ kẻo muộn. □
CHÚ THÍCH.
(1) Truyện Ô Sào thiền sư chép ở trong sách Tàu. Trong Kinh Pháp Cú do đạo hữu Thiện Nhựt dịch (tủ sách Tìm Hiểu và Học Tập, năm 2001, trang 475) có ghi Tích chuyện về lời thưa hỏi của Tôn giả A Nan như sau: “Bạch Thế Tôn, con không biết các giáo lý căn bản của chư Phật ngày xưa có giống với giáo lý của Thế tôn ngày nay chăng”. Đức Phật đọc ba bài kệ, bài thứ nhất là: “Việc ác chẳng làm, Điều lành siêng tu, Tâm ý trong sạch, Lời chư Phật dạy”. (kệ số 183).
(2) Thích Thanh Từ, Khóa Hư Lục Giảng Giải, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành, 1996.
(3) Ngài Hám Sơn tên là Đức Thanh nên thường được gọi là Hám Sơn Đức Thanh, người Trung Hoa, 1546-1623.
(4) Hòa thượng Quảng Khâm là một danh tăng Trung quốc (1892-1986), quê ở Phúc Kiến, Hoa Lục; từ 1947 ngài hoằng pháp ở Đài Loan.
(5) Đại sư Ngẫu Ích, 1599 – 1655, đời nhà Minh bên Trung Quốc, tự là Trí Húc, hiệu khác là Bất Bát đạo nhân, còn được gọi là Linh Phong theo tên núi nơi ngài ở.
(6) Liên Trì đại sư là vị đại sư chùa Vân Thê, ở Hàng Châu, Trung Quốc, đời Minh. Đại sư họ Thẩm, tên là Chu Hoằng, còn gọi là Vân Thê đại sư. Nhà Thanh ban hiệu là Tịnh Diệu Chân Tu. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bước Vào Cửa Phật – Book 1-Montreal 2010
(Hình: Chùa Wat Rong Khun -Thái Lan .- NN cung cấp)

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links