08/11: Book 3_18 Ngài Huyền Trang

08/11: Book 3_18 Ngài Huyền Trang
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 8645 lần
Book 3_18 Ngài Huyền Trang
Hành trình Tây Thiên thỉnh kinh của Ngài Huyền Trang

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 3
Hoẵng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bài 18. NGÀI HUYỀN TRANG
1. MỞ ĐẦU.
Nhiều vị trong số chúng ta ở đây đã đọc truyện Tây Du, kể chuyện ngài Huyền Trang (được gọi là Đường tam tạng) sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường gặp bao nhiêu nỗi khó khăn cực nhọc, nhưng rồi…
… cũng thành công, mang được nhiều kinh sách Phật về Trung Quốc. Sở dĩ Ngài được như vậy là nhờ sự giúp đỡ của các đệ tử Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng và Bạch Mã như đã được nói trong truyện. Thật ra, Tây Du Ký do Ngô Thừa Ân (thế kỷ thứ XVI , đời nhà Minh, 1368-1644, bên Tàu) tưởng tượng ra mà viết, còn Tây Vực Ký mới là tác phẩm do chính ngài Huyền Trang viết, sau cuộc du hành kéo dài từ năm 629 đến năm 645, hết 17 năm. Muốn biết các chi tiết xác thực về chuyến đi thì phải coi Tây Vực Ký.
Người ta gọi ngài Huyền Trang là Đường Tam Tạng vì ngài sống vào thời nhà Đường (nhà Đường 618-907) và bản thân ngài tinh thông cả ba tạng Kinh, Luật, Luận. Người ta cũng gọi ngài Huyền Trang là Tam Tạng pháp sư.
2. NGÀI HUYỀN TRANG TÂY DU.
Ngài Huyền Trang họ Trần, tên Vỹ, sinh năm 602 (sách vở chưa thống nhất ý kiến về năm sinh này) tại Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Bấy giờ Trung Quốc còn đang dưới quyền cai trị của nhà Tùy. Lúc bắt đầu đi học thì cũng như đa số sĩ tử thời đó, ngài học theo Khổng giáo. Nhưng đến năm 13 tuổi, ngài xin xuất gia theo Phật. Năm 20 tuổi, ngài thọ cụ túc giới.
Trong cuốn sách viết về Ngài Huyền Trang, HT Minh Châu cho biết về diện mạo và oai nghi của Ngài như sau: Không có gương sáng nào hơn là cử chỉ oai nghiêm và đức tánh cao thượng của Ngài. “Pháp sư cao hơn bảy thước xưa, da hồng hào, với lông mày rộng và cặp mắt tươi sáng. Cử chỉ của Ngài tề chỉnh như pho tượng và đẹp đẽ như một họa phẩm. Tiếng nói của Ngài trong sáng vang xa, và Ngài lúc nào cũng nói một cách thanh nhã và lịch sự khiến người nghe không bao giờ nhàm chán. Khi Ngài ở trong đồ chúng hay trong khi tiếp khách, Ngài ngồi thẳng không dao động trong một thời gian khá lâu. Ngài thường mặc bộ sắc phục Gandhara, bằng nỉ dạ, không quá rộng và vừa vặn chững chạc. Ngài đi đứng ung dung, khoan thai, luôn luôn ngó thẳng, không nhìn qua một bên. Cử chỉ của Ngài như dòng sông lớn chảy; và sáng sủa như đóa hoa sen nở trên mặt nước.”
Vào lúc 28 tuổi Ngài nguyện đi Tây Trúc thỉnh kinh sách Phật để mang về Trung quốc, dịch ra thật đúng. Nhưng bấy giờ nhà Đường mới lên, chưa kịp chinh phục các khu vực miền Tây, do đó Ngài ra đi mà không có sắc điệp (nghĩa là giấy tờ chính thức) do nhà vua cấp cho để tiện việc đi đường và giới thiệu. Đã không cấp giấy tờ, vua Đường Thái Tông còn ra lệnh cấm không cho ngài khởi hành. Các bạn đồng hành của Ngài đều rút lui, riêng một mình Ngài cương quyết giữ vững lời nguyện. Ở cửa ải Ngọc Môn, một nhà lữ hành khuyên Ngài quay lại vì đường đi cực kỳ nguy hiểm, nhưng Ngài không lùi, ý chí sắt đá không hề suy suyển. Hành trình phải qua những miền hoang vu, sa mạc, cho nên Ngài suýt bỏ mạng nhiều phen, nhưng do chư Phật gia hộ, Ngài qua mọi tai nạn. Ngài được các quốc vương Tây Vực và các nước nhỏ mà Ngài đi qua tiếp đãi và giúp đỡ rất tận tình (Tây Vực, Tây Trúc, Thiên Trúc là những tiếng dùng để chỉ nước Ấn-Độ, thời xưa nước ấy chia làm nhiều nước nhỏ). Trong một cuốn sách nói về Ngài, do HT Như Điển dịch, có liệt kê gần 300 nước mà Ngài Huyền Trang đã đi qua, có lẽ chữ “nước” dùng hơi quá, có thể là những bộ tộc hay nước thật nhỏ.
Về ý chí cương quyết của ngài Huyền Trang, HT Minh Châu viết: “Sự tín thành của Ngài đối với triết lý Khổng Mạnh chỉ là một phản ảnh lờ mờ, nếu sánh với một đức tính khác, chính đức tính này đã chiếm địa vị ưu thế trong đời sống của Ngài và đã là then chốt cho tất cả sự thành công. Đức tính ấy là một ý chí kiên trì như kim cương và một nghị lực sắt đá trước mọi nguy hiểm và trở lực. Chính nghị lực sắt đá này đã nâng đỡ Ngài trong cuộc chiêm bái đầy gian lao và giúp Ngài thành tựu được sứ mệnh cao cả.
Khi Ngài đã phát nguyện Tây du để cầu pháp và giải các nghi vấn thì Ngài kiên trì giữ chí nguyện ấy, dù có trải qua trăm cay nghìn đắng, Ngài cũng không bao giờ đi sai chí hướng ấy. Khi Ngài đã đặt chân trên con đường Tây du thì không một sức mạnh nào ở trên đời, không một chướng ngại vật thiên nhiên đáng sợ nào có thể cản trở Ngài trên con đường hành đạo”.
Sau đây là bản đồ hành trình Tây du của Ngài (trích: Dictionnaire Encyclopédique du Bouddhisme, của P.Cornu)
3. TẠI ẤN ĐỘ.
Khi còn ở trong nước, Ngài rất chăm chú nghiên cứu Tam tạng. Với tư chất thông minh tột bậc, Ngài học rất nhanh và hiểu rất sâu. Khi tới Ấn-Độ, Ngài học hỏi thêm nhiều bộ kinh luận thuộc loại khó nhất. Một giảng sư 70 tuổi nói về Ngài như sau: “Vị sư Trung Hoa này thật thông minh sắc sảo và không ai trong đại chúng này có thể sánh bằng. Trí tuệ của vị này có thể tương đương với truyền thống của ngài Thế Thân và ngài Vô Trước …”.
Đã là một học giả uyên thâm, Ngài còn có tài hùng biện nữa. Khi ở tu viện nổi tiếng nhất là tu viện Na-lan-đà, danh tiếng của Ngài lan rộng vì ngài đã có dịp tranh luận với những người ngoại đạo, những nhà sư tiểu thừa và ngay cả với các nhà sư đại thừa hiểu sai và giảng sai giáo pháp. Những người đó nghe Ngài thuyết xong đều chịu thua. Một người ngoại đạo dán giấy ra ngoài cửa, thách ai dám bẻ 40 ý kiến của mình đã viết ra trên đó; ông ta đã nghe Ngài lý luận và chịu khuất phục. Một nhà sư đại thừa tên là Sư Tử Quang (Simhaprabha) rất thông Trung quán luận và Bách luận, đã công kích và đòi bỏ thuyết Du-già. Nghe lời lý luận của Ngài, nhà sư ấy thất thế. Ông ta nhờ một người bạn đến đấu lý trả thù nhưng ông này lại cảm phục ngài, không tranh cãi!
Ở tu viện Na-lan-đà, Ngài được học chánh pháp nơi vị sư trưởng là ngài Giới Hiền (Sìlabhadra), được nghe giảng về Trung luận, Bách luận, Du-già sư địa luận, Thuận chánh lý luận, Nhân minh luận, Đối pháp, Tập lượng v v… Tại các nơi mà Ngài chỉ trú ngụ ngắn hạn, Ngài cũng học hỏi được rất nhiều, kể cả lý thuyết của nhiều bộ phái trong đạo Phật. Sự thông minh xuất chúng và ý chí sắt đá của Ngài là những yếu tố giúp Ngài thành đạt điều sở cầu tìm hiểu Phật pháp. Tuy nhiên, nguyện lớn nhất của Ngài là thỉnh kinh và dịch kinh.
4. VỀ NƯỚC.
Trên đường về Trung Quốc, Ngài cũng vất vả không kém lúc đi, lại thêm hành lý rất nặng vì chở theo nhiều kinh sách. Theo tác giả Võ Đình Cường, Ngài vượt miền núi Thống Lĩnh lạnh lẽo, dân cư thưa thớt, rồi xuống một thung lũng nằm giữa hai dãy núi cao quanh năm có tuyết và gió. Thật là lao khổ đến cùng cực. Sau mới đến được một nước thuộc xứ Tân Cương và cuối cùng đến nước Vu Ðiền (Khotan). Vu Ðiền là một nước phồn thịnh có văn hóa cao, theo Phật giáo Ðại thừa, trong nước có cả trăm ngôi chùa.
Khi ở Vu Ðiền, Ngài viết một tờ biểu dâng lên vua Ðường Thái Tông ở Tràng An, tạ tội trước kia đi không có phép và gián tiếp báo tin cuộc Tây du thành công. Tin mừng đến với Ngài khi nhà vua hạ chiếu cho phép Ngài và đoàn tùy tùng trở về Trung Quốc, đồng thời ra lệnh quan quân dọc đường giúp đỡ. Hơn thế, Ngài được đón tiếp và hoan nghênh nồng nhiệt, khác hẳn cảnh đói khát, rét lạnh, nguy hiểm vất vả cùng cực trước kia.
Tất cả Tăng, Ni thuộc các chùa ở Tràng An và rất nhiều dân chúng tề tựu đông đảo tại đường phố để rước Ngài về chùa Hồng Phúc (có nơi ghi là chùa Hoằng Phước). Mọi người tỏ thái độ thành tâm cảm phục. Ðám rước kéo dài trên mấy dặm đường.
5. DỊCH KINH SÁCH.
Trở về Tràng An, Trung Quốc vào năm 645 với rất nhiều kinh điển chữ phạn, Ngài được nhà vua tiếp kiến. Ngài trụ ở chùa Hồng Phúc và lo phiên dịch những kinh điển mà Ngài đã mang về. Với số lượng kinh điển lớn như vậy, không thể nào làm nổi một mình được, Ngài đã mời một số cao tăng uyên bác đến cộng tác. 12 vị sư danh tiếng tinh thông kinh điển đại thừa và tiểu thừa, 9 nhà sư giỏi văn phạm, 1 nhà sư chuyên về ngữ nguyên học và một nhà sư học giả về phạn ngữ cùng với Ngài làm việc. Nhà vua đích thân thăm hỏi luôn luôn về diễn tiến công cuộc dịch kinh và ưng thuận cấp thêm nhân lực.
Theo lệnh vua Thái Tông, Ngài thuật cho một đệ tử tên là Biện Cơ chép lại cuộc Tây du của Ngài trong 17 năm và cuốn Ðại Ðường Tây vức ký được hoàn thành. Sách này vô cùng quý báu về nhiều phương diện, địa lý, sử ký, nhân chủng v v…và nhà vua đã bút phê vào cuốn Tây Vực Ký này.
Ông Võ Đình Cường cho biết rằng trong tổ chức dịch kinh sách, đã có sự phân nhiệm như sau:
– Dịch chủ là người chỉ huy, tinh thông Hán, Phạn, nghĩa lý phán đoán xác thực. Chức vụ này do Ngài Huyền Trang đảm nhiệm.
– Bút thụ dịch nghĩa Phạn văn ra Hoa văn;
– Ðộ ngữ thạo tiếng Phạn, đọc lên để nghe âm vận, nếu không ổn thì phiên âm lại.
– Chứng Phạn để đem so lại với Phạn văn có đúng không.
– Nhuận văn làm công việc nhuận văn cho hợp với văn pháp Trung Hoa.
– Chứng nghĩa đem bản dịch so lại nghĩa lý nguyên bản, nếu sai thì chữa lại;
– Tổng khám xét chung lại một lần cuối cùng trước khi hoàn thành bản dịch.
Hoàng gia cho xây dựng chùa Từ Ân rất lớn. tại Tràng An. Chùa có để riêng một nơi dành cho việc phiên dịch và nhà vua cho đón Ngài Huyền Trang đến đấy làm việc, Cuộc đón rước Ngài Huyền Trang đến chùa Từ Ân được tổ chức rất trọng thể. Dân chúng Tràng An đi dự rất đông.
Ðường Thái Tông thường vời Ngài vào cung giảng đạo cho nghe và từ khi vua mất năm 649, Ngài ít ra khỏi chùa Từ Ân, chỉ chuyên tâm vào việc phiên dịch.
Năm 652, Ðường Cao Tông cho dựng một ngôi tháp năm tầng ở phía Tây chùa Từ Ân để chứa kinh sách.
Nhận thấy chùa Thiếu Lâm, tại núi Thiếu Bửu, cảnh trí thanh nhã, Ngài xin Vua về đấy tu và dịch kinh. Nhưng Vua không thuận!
Tại Ngọc Hoa Cung, Ngài bắt đầu dịch bộ kinh sau cùng bằng chữ Phạn rất to tát khó khăn là bộ Ðại Bát Nhã, tổng cộng có hai trăm ngàn bài tụng. Các đệ tử đề nghị rút ngắn lại. Nhưng Ngài quyết định cứ phiên dịch theo đúng toàn bộ.
Ngài và các đệ tử trong hơn ba năm trời mới dịch xong bộ kinh gồm 600 quyển ấy (năm 663). Năm ấy, Ngài đã trên 60 tuổi (nếu năm sinh của Ngài là 602).
6. TỪ GIÃ CÕI ĐỜI.
Theo HT Minh Châu: “Ngài Huyền Trang dịch khoảng trên bảy chục tác phẩm chia làm hơn 1300 tập, thật là vĩ đại! Vì bận dịch và lo nhiều việc khác như trông nom xây tháp tại chùa Từ Ân để chứa kinh, phòng cháy, nên sách do ngài trước tác không có nhiều. Ta cần chú ý đến tính cách bác học của ngài trong việc chọn kinh để dịch. Ngài dịch kinh sách tiểu thừa, đại thừa. Ngài dịch các bộ luận, đặc biệt là Duy thức luận, duy thức là lý thuyết của Pháp tướng tông mà ngài là vị giáo tổ. Ngài không quên dịch một số số tác phẩm Mật tông và Tịnh độ tông vì đức tin của ngài vào hai pháp môn ấy. Thật vậy, ngài đã thành tâm niệm chú những khi gặp hiểm nguy và luôn luôn thoát nạn, ngài cũng có ước nguyện tái sinh lên cung trời Đâu-Suất để thọ giáo đức Di-Lặc về Du-già sư địa luận”.
Đầu năm 664 TL, Ngài nhận thấy mình đã suy nhược lắm, và biết đã gần đến ngày từ giã cõi đời. Trước khi tịch, Ngài dạy đệ tử nên an táng Ngài một cách đơn sơ.
Vài giờ trước khi mất, sau một giấc ngủ, Ngài thức dậy và hoan hỷ kể cho các đệ tử nghe rằng Ngài vừa nhận thấy một tòa sen rất lớn và vô cùng đẹp đẽ nở ra trước mắt. Ngài lại chiêm bao thấy những người rất cao lớn ăn mặc toàn gấm vóc, nắm những giải lụa thêu hoa và thất bảo, từ phòng Ngài đi sang phòng phiên dịch để trang hoàng, từ trong cho đến ngoài phòng. Ngài nói với các đệ tử:
“Các người hãy bình tĩnh và hoan hỷ từ giã cái thân giả tạm này sau khi nó đã làm xong nhiệm vụ. Ta nguyện đem công đức này hồi hướng khắp tất cả chúng sanh, và cùng chúng sanh chứng nhập cung trời Ðâu-Suất. Ta nguyện, trong những kiếp sau, trở về cõi Ta-Bà này để hóa độ chúng sanh cho đến khi được giác ngộ hoàn toàn.
“Nam Mô Di-Lặc Tôn Phật, xin Ngài hãy thị hiện trong cõi Ta-Bà này để đệ tử và chúng sanh được chiêm ngưỡng. Nam Mô Di-Lặc Tôn Phật, xin Ngài hãy độ cho đệ tử được vào hàng thánh chúng của Ngài”. (phỏng theo Võ Đình Cường)
Rồi Ngài nhập định và trút hơi thở cuối cùng. Ngài mất vào giữa đêm mồng 5 tháng 2 năm 664, tại Ngọc Hoa Cung, hưởng thọ 63 tuổi (có nơi nói 69, vì ghi năm sinh khác năm 602). Nghe tin ngài viên tịch, vua Đường Cao Tông nói: “Trẫm nay mất một quốc bảo!” và ra lệnh làm quốc táng và xây tháp cho ngài tại chùa Từ Ân.
Lễ an táng của Ngài cử hành vào ngày 14 tháng 4 năm 664, với sự tham dự của hơn 1 triệu người ở Tràng An và các miền phụ cận.
Ngài Huyền Trang là một nhà chiêm bái, một nhà phiên dịch, một tác giả, một nhà tâm linh …, thật là một cao tăng đáng cho chúng ta khâm phục.
7. DUY THỨC (vijñāptimātratā).
■ Duy nghĩa là chỉ có, ngoài ra không có gì khác. Theo Từ điển Phật học của Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách thì Duy thức là chỉ có Thức, các pháp đều từ Thức mà sinh ra, không có gì nằm ngoài Thức; danh từ này đồng nghĩa với Duy tâm (cittamātra, cittamātratā). Vì thế mới dịch là Mind-Only. HT Quảng Liên đề nghị dùng danh từ Tâm thức học hay Tâm thức thuyết và Logic of Knowledge. Theo ngài Huyền Trang và ngài Khuy Cơ thì duy có nghĩa là bao gồm (Tuệ Quang, Duy Thức Học, Tổ Đình Từ Quang, PL. 2535, trang 198).
Duy thức tông (vijñāptimātravāda, yogācāra, cittamātravāda) là một trường phái do hai anh em ngài Vô Trước và Thế Thân sáng lập. Duy thức tông là tên gọi ở Trung Quốc, Việt Nam, Cao Ly, Nhật Bản. Tông này có tên là Thức tông, Du-già hành tông (ở Ấn-Độ và Tây Tạng), Duy tâm tông (ở Tây Tạng). Hai anh em ngài gốc bà-la-môn, sanh vào cuối thế kỷ thứ 4 hay đầu thế kỷ thứ 5 tại xứ Gandhara, vùng Peshawar, phía tây-bắc Ấn-Độ thời bấy giờ; em kém anh nhiều tuổi. Thoạt tiên, hai anh em theo Nhất thiết hữu bộ thuộc về Tiểu thừa.
Không được ưng ý với những điều đang học, ngài Vô Trước nhập định tam-muội lên cung trời Đâu-Suất, chầu bồ-tát Di-Lặc và được ngài đem giáo lý đại thừa về tính Không mà giảng cho. Do ngài cầu khẩn, bồ-tát Di-Lặc chịu giáng xuống trần dạy đạo trong 4 tháng, mỗi đêm thuyết pháp cho các thánh tăng nghe. Nhờ nghe vậy và nhớ kỹ nên ngài Vô Trước soạn được 5 bộ luận: 1/ Du-già Sư địa luận. 2/ Phân biệt Du-già luận. 3/ Đại thừa Trang nghiêm luận. 4/ Biện trung biện luận. 5/ Kim cang Bát nhã luận. Còn nhiều tác phẩm khác như Hiển dương thánh giáo luận …
■ Ngài Thế Thân (hay Thiên Thân) theo về Nhất thiết hữu bộ. Ngài viết cuốn A-tỳ-đạt-ma Câu-xá rất nổi tiếng. Ngài đã giảng pháp tại tu viện Na-lan-đà (viện đại học Phật giáo đầu tiên), đi xuống phía Nam Ấn-Độ và lập nên nhiều tự viện, cũng đã khuyến cáo quốc vương nơi đó thực hiện các công tác xã hội. Ngài cực lực công kích Đại thừa, mà Đại thừa lại do anh cả của ngài là Vô Trước bênh vực. Sau, ngài Vô Trước thuyết phục được em về theo Đại thừa.
Ngài Thế Thân được coi là người chỉ xếp sau đức Thích-Ca mà thôi. Ngài là tổ sư thứ 21 trong số 28 tổ sư Phật giáo Ấn-Độ. Do soạn Câu-xá luận nói trên mà ngài được coi là tổ sáng lập của Câu-xá tông sau này. Cũng do soạn Duy thức luận mà ngài được coi là tổ sáng lập của Duy thức tông. Ngài biên soạn nhiều sách rất có giá trị: Duy thức Nhị thập tụng, Duy thức Tam thập tụng, Đại thừa bách pháp minh môn luận, Đại thừa ngũ uẩn luận… Có tới 10 vị đại luận sư sớ giải Duy thức Tam thập tụng. Do đó có 10 bộ luận chính về Duy thức.
■ “Quan điểm trung tâm của trường phái này là tất cả mọi hiện tượng mà con người cảm nhận được đều là duy thức, chỉ là thức (tâm); mọi hiện tượng đều là cảm nhận của thức, không có đối tượng độc lập, ngoài thức đang cảm nhận thì không có gì có thật. Như thế, “thế giới” bên ngoài thuần túy chỉ là thức vì khách quan không có thật và chủ quan cũng không có thật nốt. Sự cảm nhận chỉ là quá trình của một tưởng tượng, một ảnh ảo của một khách quan bị tưởng lầm là có thật. Quá trình này được giải thích bằng khái niệm a-lại-da thức (coi thêm nơi trang 110 Tự Điển Phật học của Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách) .
Tông này dựa vào thuyết tam tự tính để giải thích sự cảm nhận, nhận thức ngoại cảnh: 1/ Biến kế sở chấp tính (do tưởng tượng, chấp trước, cho rằng sự vật là có thật), 2/ Y tha khởi tính (các pháp hữu vi đều do nhân duyên mà sinh ra, không có tự tính), 3/ Viên thành thật tính (Tâm vốn thanh tịnh là Chân như, Như Lai tạng, là tính Không)” (theo Từ điển Phật học CN & NTB vừa nói trên).
Theo HT Thiện Hoa: Tóm lại, chủ trương là quy vũ trụ vạn hữu trở về Duy thức tướng, rồi từ Duy thức tướng trở về Duy thức tánh (tâm chân như, tính viên giác) (bài Duy thức tông, trong bộ Phật học phổ thông).
Ngoài những quan điểm trên, khái niệm ba thân Phật (Pháp thân, Hóa thân, Báo thân) cũng được tông này giải thích trọn vẹn”. … “Duy thức tông bị Trung Quán tông phản bác mãnh liệt vì đưa thức lên quá cao, cho nó một tính cách trường tồn, đứng sau mọi hiện tượng” (theo Từ điển Phật học CN & NTB)
8. PHÁP TƯỚNG TÔNG.
■ Dharma laksana vijnāna vāda: Dharma = pháp, laksana = tướng, vijnāna = thức, vāda = thuyết, môn học. Tàu dịch là Pháp tướng Duy thức học.
Pháp tướng học là môn học về tướng trạng của các pháp, khảo sát trên phương diên hiện tượng, trái với pháp tánh học là môn học về bản thể của các pháp. Pháp tướng tông là một trường phái quan trọng của Trung Quốc, một dạng của Duy thức tông, dựa trên các tác phẩm của Thế Thân và Vô Trước; Pháp tướng tông do ngài Huyền Trang và đệ tử là Khuy Cơ sáng lập.
■ Ngài Huyền Trang sang Ấn-Độ thỉnh kinh và thâm cứu về Phật giáo. Môn học sở trường của Ngài là Duy thức. Sau khi trở về Trung Quốc, Ngài lượm lặt tinh hoa của các bộ đại luận, dịch thành Hán văn, nhan đề Thành Duy Thức Luận. Ngài Khuy Cơ (một đệ tử lớn của Ngài Huyền Trang) sớ giải bộ này, làm ra 60 cuốn, nhan đề Thành Duy Thức Luận thuật ký.
Ba bộ sau đây được các học giả coi là chánh tôn của Duy thức: 1/ Đại thừa Bách pháp Minh môn luận (Ngài Thế Thân viết). 2/ Duy thức Tam thập tụng (Ngài Thế Thân viết). 3/ Bát thức Quy củ tụng (Ngài Huyền Trang viết). Sách này có 4 phần, mỗi phần gồm 4 bài tụng. Phần 1: 5 thức đầu. Phần 2: Thức thứ 6. Phần 3: Mạt-na thức. Phần 4: A-lại-da thức.
■ Giáo lý trung tâm của Pháp tướng tông là vạn sự duy tâm, mọi hiện tượng của thế giới bên ngoài đều do tâm tạo và không tồn tại thật sự. Thế giới chỉ là tâm, nội dung của nó chính là tâm thức. Tông này quan niệm có 8 thức. Và quan niệm toàn bộ thế giới do 100 pháp tạo thành : 8 tâm pháp, 51 tâm sở hữu pháp, 11 sắc pháp, 24 tâm bất tương ưng hành pháp, 6 vô vi pháp. (Xin coi bảng liệt kê ở phần Phụ lục). Quan niệm về biến kế sở chấp, y tha khởi, viên thành thật giống như Duy thức tông.
Tu trì cho đến khi 5 thức đầu trở thành Thành sở tác trí, ý thức thành Diệu quan sát trí, Mạt-na thành Bình đẳng tính trí, A-lại-da thành Đại viên kính trí.
Từ điển Phật học CN & NTB nhận xét: “So với các tông Đại thừa khác, Pháp tướng tông khác biệt ở chỗ không công nhận mỗi chúng sinh đều có Phật tính và đều có thể trở thành Phật. Pháp tướng tông bị mất uy tín nhiều cũng vì quan điểm này”.
9. KẾT LUẬN.
Khi nói đến tông này phái khác thì chúng ta hiểu rằng Phật giáo đã bị phân phái. Vào thời còn ở Ấn-Độ, Phật giáo đã tách ra Nguyên Thủy, Tiểu Thừa, Đại Thừa. Tiểu Thừa có hàng hai chục bộ phái. Đại Thừa cũng thế tuy ít hơn, thí dụ như: Hai ngài Ca-Diếp và A-Nan hoằng dương Thiền pháp, hai ngài Vô Trước và Thế Thân hoằng dương Duy Thức, hai ngài Long Thọ và Đề Bà hoằng dương Tam Luận, hai ngài Long Trí và Thiện Vô Úy hoằng dương Mật giáo v v…
Khi Phật giáo truyền sang Trung Quốc, thì có tới 13 tông phái: 2 thuộc về Tiểu Thừa là Câu Xá và Thành Thật, 11 thuộc về Đại Thừa: Luật, Thiền, Tịnh Độ, Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Pháp Tướng, Tam Luận, Chân Ngôn, Địa Luận, Niết Bàn. Nhiếp Luận. Sau, Địa Luận, Niết Bàn, Nhiếp Luận bị hút vào mấy tông khác, rút cục còn 2 tông Tiểu Thừa và 8 tông Đại Thừa.
Phật pháp không phải chỉ có môt cửa, mà tu hành thì có nhiều phương tiện, cho nên việc phân phái là tất nhiên. Tất cả các pháp môn đều nhằm giác ngộ và giải thoát, bao nhiêu sông rạch đều đổ ra biển lớn (theo Giáo Khoa Phật Học cấp 2, quyển hạ, trang 283, của Phương Luân cư sĩ, Hạnh Cơ dịch năm 2006)
Phàm phu chúng ta ngày nay đứng trước Phật pháp bao la, cảm thấy ngại ngùng sợ sệt. Có người chùn bước. Có người chuyên tâm nghiên cứu tông này phái kia, quên tu hành! Đức Phật A-Di-Đà thấy chúng sinh gặp khó khăn về nhiều phương diện mở lòng đại từ đại bi đoái thương chúng ta, chỉ bày cho chúng ta pháp môn niệm Phật, cầu vãng sinh Tây Phương Tịnh Độ, lên đó gặp chư bồ-tát, chư thượng thiện nhân dạy bảo thêm về đường tu. Chúng ta hãy quyết tâm! Với ba tư lương tín, nguyện, hạnh, chúng ta hãy cùng nhau lên đường!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. HT Minh Châu, Huyền Trang, nhà chiêm bái và học giả(site BuddhaSasana)
2. Võ Đình Cường, Đường Tam Tạng thỉnh kinh (như trên)
3. Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách, Tự điển Phật học, các mục: Duy Thức Tông, Pháp Tướng Tông, Vô Trước, Thế Thân.
4. Philippe Cornu, Dictionnaire Encyclopédique du Bouddhisme, các mục: Passions, Xuanzang. Asanga, Vasubandhu.
5. Hiển Mật Đỗ Hữu Trạch, Pháp Tuyển, Tổ Đình Từ Quang, các bài về Duy thức.
Khóa Nghiên Tu An Cư, Tổ Đình Từ Quang, Hè 2009.
PHỤ LỤC : 100 PHÁP theo Pháp tướng tông
I . TÂM VƯƠNG :
1. Nhãn thức
2. Nhĩ thức
3. Tỵ thức
4. Thiệt thức
5. Thân thức
6. Ý thức
7. Mạt-na thức
8. A-lại-da thức
II. TÂM SỞ HÀNH PHÁP:
a / Biến hành tâm sở
9. Xúc. Truyền thông, tiếp xúc với sự vật bên ngoài.
10. Tác ý . Chú ý.
11. Thọ. Cảm xúc.
12. Tưởng. Tưởng tượng, nghĩ tưởng.
13. Tư . Suy nghĩ, tư duy, suy tính.
b / Biệt cảnh tâm sở
14. Dục. Ham muốn. Dục.
15. Thắng giải. Lý trí. Phân biệt rành rẽ, phán đoán minh bạch.
16. Niệm. Nhớ đến, nghĩ đến.
17. Ðịnh. Ðịnh. Tập trung tâm trí.
18. Huệ. Huệ. Hiểu biết đúng như thực.
c / Thiện tâm sở
19. Tín. Lòng tin, tín tâm.
20. Tàm. Thẹn (với mình).
21. Quí. Xấu hổ, mắc cỡ (với người khác)
22. Vô tham. Không tham.
23. Vô sân. Không giận. Bình tĩnh. Kiên nhẫn.
24. Tinh tấn. Tinh tấn. Cố gắng.
25. Vô si. Không si, sáng suốt.
26. Khinh an. Khinh an, yên ổn nhẹ nhàng.
27. Bất phóng dật. Không phóng dật, đứng đắn.
28. Hành xả. Xả, không vấn vương, không yêu không ghét.
29. Bất hại. Bất bạo động. Không hại ai.
d/ Phiền não tâm sở
30. Tham Tham. Thấy gì vừa ý là muốn chiếm đoạt.
31. Sân. Tức bực. Oán. Giận. Thấy gì khơng vừa ý là tức giận.
32. Si. Si. Vơ minh, khơng sáng suốt.
33. Mạn. Mạn. Tự cao, tự đại rồi khinh khi người khác.
34. Nghi. Nghi ngờ. Ngờ vực. Do dự.
35. Ác kiến. Ác kiến. Thấy biết sai lạc, sai sự thật.
e/ Tùy phiền não tâm sở
36. Phẫn. Căm giận. Giận dữ. Giận phát điên lên.
37. Hận. Oán thù, oán hờn, không tha thứ.
38. Phú. Che dấu tội lỗi của mình. Ðạo đức giả.
39. Não. Luôn luôn buồn phiền, lo sợ., bứt rứt khơng yên.
40. Tật. Ghen ghét, đố kỵ.
41. Xan. Bủn xỉn, keo kiệt.
42. Cuống. Lừa lọc, lừa bịp, lừa gạt, dối gạt
43. Siểm. Nịnh hót, nịnh bợ, bợ đỡ, dèm pha.
44. Hại . Hại chúng sinh. Làm tổn thương chúng sinh. Bạo động.
45. Kiêu. Kiêu căng. Tự cao, tự đại, tự đề cao mình. Khoe khoang.
46. Vô tàm. Làm lỗi mà không thẹn với mình.
47. Vô quí. Không xấu hổ với ngưới khác.
48. Trạo cử. Lo sợ. Mất bình tĩnh. Chao động khơng yên.
49. Hôn trầm. Tâm thần mờ mịt, mê muội, trì trệ.
50. Bất tín. Không tin lời thật. Đa nghi.
51. Giải đãi. Lười biếng, trễ nải, giải đãi, không cố gắng.
52. Phóng dật. Buông lung, phóng đãng.
53. Thất niệm. Quên chánh niệm. Lãng quên.
54. Tán loạn. Không yên, không định. Giao động.
55. Bất chánh tri. Hiểu sai lầm, khơng chính xác.
g / Bất định tâm sở
56. Hối. Hối hận.
57. Miên, thùy miên. Ngủ.
58. Tầm. Tìm hiểu dạng thấp. Tìm hiểu đối tượng.
59. Tư. Tìm hiểu dạng cao. Suy nghĩ, quan sát tới lui.
III. SẮC PHÁP:
60. Nhãn căn. Mắt.
61. Nhĩ căn. Tai.
62. Tị căn. Mũi.
63. Thiệt căn. Lưỡi.
64. Thân căn. Thân.
65. Sắc trần. Sắc, hình.
66. Thanh trần. Thanh, tiếng
67. Hương trần. Hương, mùi.
68. Vị trần. Vị.
69. Xúc trần. Xúc, sờ, sờ mó, tiếp xúc.
70. Pháp trần. Pháp.
IV. TÂM BẤT TƯƠNG HÀNH PHÁP:
71. Ðắc. Ðược, trái với mất.
72. Mạng căn. Sinh mạng.
73. Chúng đồng phận. Sự giống nhau trong từng loại.
74. Dị sanh tánh. Sự khác biệt trong từng loại.
75. Vô tưởng định. Sự tạm diệt của sáu thức đầu.
76. Diệt tận định. Sự ngưng bặt của bẩy thức đầu.
77. Vô tưởng quả. Quả báo của định vô tưởng.
78. Danh thân. Sự cấu thành của các danh từ.
79. Cú thân. Sự cấu thành của từng câu.
80. Văn thân. Sự cấu thành của các mẫu tự và các vạch.
81. Sanh. Sanh.
82. Trụ. Trụ. Tồn tại.
83. Lão. Già.
84. Vô thường. Vô thường.
85. Lưu chuyển. Sự biến chuyển liên tục theo luật nhân quả.
86. Ðịnh dị. Sự sai khác của các hiện tượng nhân quả.
87. Tương ứng. Sự liên hợp nhân nào quả ấy của các pháp với nhau.
88. Thế tốc. Sự biến chuyển mau lẹ của các pháp.
89. Thứ đệ. Thứ lớp và trật tự trong sự biến chuyển của các pháp.
90. Phương. Không gian.
91. Thời. Thời gian.
92. Số. Số lượng của các pháp.
93. Hòa hiệp tánh. Tính hòa hợp của các pháp.
94. Bất hòa hiệp tánh. Tính bất hòa hợp, tính xung khắc của các pháp.
V. VÔ VI PHÁP: (Vô vi là không sinh diệt, không biến đổi)
95. Hư không vô vi.
96. Trạch diệt vô vi. Dùng trí huệ lựa chọn và diệt trừ các lậu hoặc, các phiền não, giúp cho chân như thể hiện ra.
97. Phi trạch diệt vô vi. Có hai loại : a/ Tính chân như thanh tịnh không phải lựa chọn và diệt trừ phiền não mới có. b/ Các pháp hữu vi vì thiếu duyên không sinh khởi được nên pháp vô vi mới thể hiện ra.
98. Bất động diệt vô vi. Khi chứng được tứ thiền thì không còn bị mừng, giận, thương, ghét, vui, buồn làm giao động nữa.
99. Tưởng thọ diệt vô vi. Khi chứng được diệt tận định thì không còn thọ, tưởng nữa.
100. Chân như vô vi. Thực tánh của các pháp vốn không sinh, không diệt, không tăng, không giảm. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
**NN chú thích – Vì Bản đồ hành trình Tây Du của Ngài Huyền Trang do tác giả Nguyễn Văn Phú sưu tầm không thể hiện ra trên trang web này, chúng tôi đã tìm ra một bản đồ khác – nhỏ hơn- đặt ngay trên đầu trang để bạn đọc tiện quan sát – NN *

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links