09/04: 39. Chùa Đậu – 40. Chùa Một Cột .

09/04: 39. Chùa Đậu – 40. Chùa Một Cột
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 7348 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT-Quyển 2
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
 

BÀI 39. CHÙA ĐẬU
Gần đây, giới khảo cổ và Phật tử bàn nhiều về chùa Đậu và nhà sư trụ trì đã kêu gọi sự giúp đỡ của thập phương để bảo trì tượng và trùng tu chùa. Tại sao người ta chú ý đến chùa Đậu ? Vì nơi đó là một trong những ngôi chùa cổ nhất của nước ta, thêm vào sự kiện hai vị thiền sư trụ trì khoảng thế kỷ 17, ngồi thiền mà hóa, bây giờ còn nhục thân khô đét, từ mấy trăm năm nay. Đây là một hiện tượng làm cho các nhà khảo cổ và nhất là các chuyên viên ướp xác hết sức ngạc nhiên và đang tìm hiểu.
Chúng ta hãy nói về chùa Đậu.
Từ Hà Nội đi về phía Nam theo quốc lộ số 1 (đường này song song với đường xe lửa) khoảng hai chục km, qua ga Thường Tín nửa km, quẹo tay mặt thì có lối đi vào chùa Đậu. Chùa Đậu tọa lạc ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (Hà Tây – do hai tỉnh Hà Đông và…
… Sơn Tây hợp lại, trước đó gọi là Hà Sơn Bình, do ba tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình hợp lại). Chùa Đậu có tên chữ là Thành Đạo Tự, thờ bà Pháp Vũ nên còn gọi là chùa Pháp Vũ ; còn có tên khác là chùa Vua, chùa Bà.
Tương truyền chùa Đậu hiện diện cùng thời với chùa Dâu tức là vào khoảng từ cuối thế kỷ thứ 2 sang đầu thế kỷ thứ 3. Nhưng theo văn bia Dương Hòa thứ 5 (1639) thì chùa được dựng từ thời Lý (thế kỷ 11-12). [Chúng tôi nghĩ rằng đó là trùng tu chứ không phải là xây dựng]. Trong chùa có quả đại hồng chung đúc năm 1801, đời Tây Sơn. Chùa còn lưu lại nhiều di vật và đồ thờ có giá trị như rồng đá (dáng dấp đời Trần), gạch (đời Mạc), sách đồng (đời Lê), khánh, chuông … đặc biệt là nhục thân của thiền sư Đạo Chân (tục danh Vũ Khắc Minh) và thiền sư Đạo Tâm (tục danh Vũ Khắc Trường) đặt nơi hai cái am nhỏ ở bên phải và bên trái của chùa (phỏng theo Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, của Võ Văn Tường, trang 394).
Trong tín ngưỡng dân gian, sự thờ cúng hệ thống bốn chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện đã có từ gần hai ngàn năm nay. Bốn chùa đó gọi chung là Tứ Pháp, thờ bốn vị Phật bản địa là bà Dâu (Pháp Vân), bà Đậu (Pháp Vũ), bà Tướng (Pháp Lôi), bà Dàn (Pháp Điện).
Chùa Dâu, và chùa Dàn ở vùng huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, bờ phía Nam sông Đuống, không xa chùa Bút Tháp bao nhiêu [nơi chùa Bút Tháp này, có nhiều tượng rất đẹp, rất quý ; chắc quý đạo hữu đã qua chùa Liên Hoa ở Brossard chiêm ngưỡng tượng Bồ-tát Quán thế Âm với nghìn mắt nghìn tay và tượng Cửu Long, làm theo đúng mẫu ở chùa Bút Tháp]. Chúng tôi đã cố tìm chi tiết về chùa Phi Tướng thờ bà Tướng (nhưng không thấy, xin tìm thêm sau). Có một điều thắc mắc là tại sao chùa Đậu lại ở xa, tận huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông mà không ở vùng huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nhiều sách giới thiệu cụm chùa Tứ Pháp ở bên bờ sông Dâu làm cho người ta hiểu lầm rằng chùa Đậu ở gần đó, mà khi tra cứu đúng ra thì chùa Đậu lại ở Thường Tín, nghĩa là từ Thuận Thành phải đi về phía Tây Nam vài chục km và phải qua sông Hồng !
Từ điển di tích văn hóa Việt Nam cho biết như sau: … “Tương truyền thái thú Giao Châu là Sĩ Nhiếp đến miền huyện Thượng Phúc thấy thế đất đẹp, dân cư đông đúc, khuyên dân lập chùa, rước tượng Pháp Vũ ở huyện Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành) về thờ, đặt tên là chùa Thành Đạo (cũng gọi là chùa Pháp Vũ) … Năm 1636, đời Lê Thần Tông, cung tần Ngô Thị Ngọc Nguyên xuất tiền sửa chùa, văn bia 1639 có ghi việc sửa chùa. Năm 1655 vua Lê Thần Tông sắc phong là An Nam đệ nhất danh lam. Các chúa Trịnh cũng thường đến thăm và lễ Phật ở chùa này. Năm 1698, Định vương Trịnh Căn đến thăm chùa có đề thơ nôm :
Thanh quang mè mẽ chốn dao quang,
Gấp mấy trần gian mấy thế thường.
Cửa mở tượng đồ, đồ tuệ chiếu,
Vẹn gồm khoa lục, lục kim cương.
Duềnh thâu bích hải, duềnh quanh quất,
Sắc ánh từ vân, sắc rỡ ràng.
Thịnh đức càng ngày càng hiển ứng,
Rành thay rành rạch dấu thiêu hương.
Năm 1718, An Đô vương Trịnh Cương đến thăm chùa cũng có đề thơ vịnh. Năm 1742, chúa Trịnh Doanh cùng thái phi Trương Thị Ngọc Chử đến thăm, cho tu sửa lại chùa. Đến nay, chùa còn giữ được di vật như rồng đá đời Trần, gạch và bệ đá hoa sen thời Mạc, hai bài thơ nôm của hai chúa Trịnh Căn, Trịnh Cương khắc trên biển gỗ v.v… (trang 520-521)”.
Mấy dòng sau này mới được viết cách đây vài năm: Con đường nhỏ hẹp, gập ghềnh đất đá đã đưa chúng tôi vào sâu trong làng Gia Phúc. Nằm biệt lập ở một góc làng, giữa mênh mông ruộng nước, cánh đồng bao bọc, là chùa Đậu, nổi tiếng vì kiến trúc mang nét đặc trưng của nền nghệ thuật dân gian hưng thịnh từ thế kỷ 17 và hiện còn giữ hai nhục thân bất hoại của hai vị thiền sư. Trước khi bị thực dân Pháp đốt năm 1947 chùa còn lưu giữ nhiều đồ vật quý do vua Lê chúa Trịnh ban, còn cả ngôi chính điện thờ bà Pháp Vũ mang đậm nét văn hóa bản địa. Chùa Đậu mang lại cảm giác luyến tiếc cho mọi người trước khung cảnh nền chính điện đồ sộ với những chân cột đá lớn trơ trụi còn sót lại sau năm 1947, hai dãy hành lang đặt các bức tuợng La-hán, bia đá cổ, hương án thờ xuống cấp nghiêm trọng, những kèo cột, mái ngói mục nát, xập xệ. Với kinh phí có hạn, chùa chỉ có thể chống xuống cấp một số khu vực chính. Khoảng giữa năm 1998, kẻ gian ác đã đột nhập chùa trong một đêm mưa gió. Chú tiểu Minh Anh phát hiện, tuy giữ được tượng nhưng bị đâm chết. Bốn thày trò nhà sư trụ trì ngày nay ra sức túc trực giữ gìn. Với địa thế của chùa, người ta vẫn lo ngại.
Một tài liệu khác ghi: Chùa kiến trúc theo kiểu ‘nội công ngoại quốc’, ‘tiên Phật hậu Thánh’. Ngôi chính điện từ đời Lê, mái lợp ngói mũi hài, các cột, xà đều chạm rồng, những bệ đá chân cột chạm hoa sen, bộ cửa tám cánh đều chạm tứ linh, tứ quý, sơn son thếp vàng. Tam quan chùa là một gác chuông hai tầng tám mái, tầng trên treo quả đại hồng chung đúc năm 1801, thời Tây Sơn. Năm 1947, chùa bị Pháp phá, đốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số điêu khắc giá trị ở gác chuông, tam quan và tiền đường. Hai cái am thờ nhục thân hai vị thiền sư được xây bằng gạch cổ thời Mạc, có hình các con thú, lá cây, hoa cúc rất độc đáo. Hiện nay chùa còn giữ được cuốn sách đồng, một khánh đồng to (1772), một chuông đồng (1801), hai tấm gỗ chạm hai bài thơ của vua Lê Hy Tông (1680-1705) và Lê Dụ Tông (1705-1719) và một số bia đá cổ. [trên đây, Tự điển di tích văn hóa VN nói là thơ của chúa Trịnh ! ?]
Có một vài chi tiết về nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Minh. Theo truyền tụng dân gian, cách đây 300 năm (nửa đầu thế kỷ 17), thiền sư Vũ Khắc Minh đã ngồi thiền với chum nước trong am để uống. Người dặn lại các Phật tử nếu sau 100 ngày mà không thấy tiếng mõ nữa thì hãy mở cửa am ra. Nếu thấy thiền sư ngồi im thì cứ để yên như thế và lấy sơn ta bả lên người, còn nếu thấy hôi thối thì dùng đất lấp am lại … Nhục thân nặng 7 kg, chiều cao ngồi 57 cm. Qua vết nứt rộng 2 mm ở đầu và mặt, thấy trong cùng là xương sọ, tiếp đến khoảng không rồi tới lớp bồi dày 2- 4 mm. Chất bồi là đất gò mối tơi mịn trộn sơn sống, mùn cưa, giấy bản. Phủ ngoài chất bồi này là một lớp sơn ta màu cánh dán dày 0,1 mm. Hiện nay, đôi chỗ trên tượng hiện ra những lá bạc mỏng phủ ngoài lớp sơn ta, còn ngoài cùng là một lượt sơn dầu. Tháng 5 năm 1983, tượng được mang về Viện Khảo Cổ Hà Nội rồi đem đến bệnh viện Bạch Mai đo đạc, chụp X-quang … Điểm đặc biệt nhất của pho tượng này là hộp sọ còn nguyên vẹn, chứng tỏ não không bị lấy ra trước khi bồi … Không có hiện tượng xương gắn với nhau bằng chất keo, không có hiện tượng xếp lại xương.
Tượng thiền sư Vũ Khắc Trường do đã bị bao bằng chất hỗn hợp cát, vôi, mật nên pho tượng nặng và có độ cản quang lớn, không chụp được X-quang.
Ghi chú : Hai thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường là hai thày trò nối nhau trụ trì chùa Đậu, đồng thời là hai chú cháu.
Một ký giả kêu cứu qua mấy câu sau đây: Cả hai xác tượng táng này đang ở tình trạng hư hại rất nặng. Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh có một vết nứt dài 25 cm từ đầu xuống cuối mặt, rộng chừng 2,5 cm. Tượng thiền sư Vũ Khắc Trường có một lỗ thủng ở ngực, đầu gối và tay bị trật xương, lớp bao bọc bên ngoài đã bị vỡ lộ ra phần bên trong…
Tiến sĩ nhân chủng học Nguyễn Lân Cường cho biết: Đây là pho tượng táng bằng phương thức đặc biệt, chưa từng gặp trên thế giới. Trên thế giới có nhiều phương thức mai táng khác nhau: thổ táng (chôn xác xuống đất), hỏa táng (thiêu xác), thủy táng (thả xác xuống nước), thiên táng hay điểu táng (để xác lên cao cho chim rỉa), huyền táng (treo quan tài lên vách đá). Người ta gọi cách táng hai thiền sư là tượng táng, (có người gọi là thiền táng) độc đáo của người Việt thời Hậu Lê (thế kỷ 16 -18).
[Mấy tài liệu trên lấy trong Internet của Thư viện Hoa Sen, phần Danh Lam nước Việt]
Trong khóa Nghiên tu an cư 2001 của GHPGVNTTG tại Tổ Đình Từ Quang, một đạo hữu ở Portland đã cho chúng tôi coi ảnh mới chụp gần đây tượng của hai thiền sư tại chùa Đậu. Như vậy là sau khi đem đi nghiên cứu năm 1983, tượng đã được trả về chùa. Có điều chắc chắn rằng việc bảo trì tượng quý đó là một việc hết sức cấp bách và phải được quan niệm đúng đắn là một việc thuộc văn hóa, lịch sử, tôn giáo. Rất may là các nhà trí thức và khoa học đã kịp thời lên tiếng và nay đang chờ đợi ngân quỹ. Chờ đến bao giờ ?
Ghi chú thêm: Nay, 2008, người ta kể rằng chùa đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Vậy là đáng mừng! □
BÀI 40. CHÙA MỘT CỘT

Năm ngoái, tôi cùng một số bà con, bạn bè từ Montréal lên thành phố Québec dự lễ khánh thành tượng cụ Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc, đệ nhất công thần triều Lê đồng thời là danh nhân văn hóa thế giới; tình cờ hôm đó lại nhằm đúng vào ngày giỗ của cụ, tức là ngày 16 tháng 8 âm lịch. Tượng bán thân bằng đồng đen cao chừng 60 cm, đặt trên một cái bệ bằng đá hoa cương mầu hồng đậm cao chừng 2 m. Dưới dòng chữ Nguyễn Trãi (1380-1442) là một hình chùa Một Cột chạm nổi, rất mỹ thuật. Sau buổi lễ, chúng tôi được mời uống nước trong phòng khánh tiết gần đấy. Tôi đứng cạnh mấy người Canada. Về tiểu sử vị danh nhân nước Việt thì họ đã được nghe rõ lúc khai mạc, nên nếu họ có nhắc lại hay hỏi thêm chi tiết thì tôi thấy là điều bình thường; nhưng khi một người trong số họ nói rằng biết chùa Một Cột thì tôi rất ngạc nhiên. Ông ta cho rằng đấy là một công trình văn hóa rất đáng chú ý và nghĩ rằng nhiều người đồng ý với ông ta.
Hôm nay, nhân ngồi nghĩ đầu đề viết bài đăng đặc san Tết tôi nhớ đến chuyện trên đây và quyết định viết chút ít về chùa Một Cột để bà con mình coi lấy vui.
Khi coi hình chùa Một Cột thì người ta hiểu ngay tại sao chùa ấy có tên một cột vì ai cũng thấy rõ ràng một cái cột đá duy nhất hình trụ đứng giữa hồ để đỡ điện thờ. Trong sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập 2 của Lê Mạnh Thát (tức sư Trí Siêu), in năm 2001 tại Saigon, trang 722, tác giả tả chùa như sau: “Ngôi chùa hiện nay tại Hà Nội mới được xây dựng lại vào năm 1955 dựa theo bản vẽ của trường Viễn Đông Bác Cổ đã công bố, trên nền chùa cũ bị quân Pháp giật sập vào năm 1954. Nền chùa là một hồ nước vuông có tên là Linh Chiểu, mỗi bề dài 17,5 m. Giữa trung tâm hồ là một trụ đá có đường kính 1,25 m. Chiều cao trụ từ mặt nước hồ lên sàn điện là 4 m, phía dưới mặt nước thì không rõ. Đầu trục đục lỗ để gắn tám tay đỡ, đỡ tám xà cụt, trên đó đặt điện thờ vuông cao 3 m, mỗi bề 4,6 m, xung quanh có hành lang rộng 1 m. Phía tây có bậc gạch để lên điện thờ, mới xây từ thời Hoàng Cao Khải. Bên trong điện đặt tượng đức Quan Thế Âm. Quanh hồ có tường gạch cao 0,8 m.”…
Có một chi tiết cần kiểm lại: “quân Pháp giật sập vào năm 1954”. Cho đến nay, theo chỗ chúng tôi biết thì người ta chưa tìm được thủ phạm đã đặt chất nổ để phá chùa vào ngày 11-9-1954. Việc này xảy ra sau khi có Hiệp Định Giơ-Neo (Genève) 20-7-1954 chia đôi đất nước và chuẩn bị trao quyền cho cơ quan tiếp quản vào năm sau. Điều mà Phật tử lấy làm mừng là tượng của ngài Quan Âm vẫn ở chỗ cũ, chỉ bị tuột cánh tay gỗ ra mà thôi !
Ông Lê Mạnh Thát viết tiếp: “Chùa Diên Hựu mà có dáng như hiện nay, thật sự là do Phật tử Đặng Văn Hòa (1791-1856) cho trùng tu lại năm 1838 … Ông tự xuất của nhà, lại được thập phương giúp thêm, thuê thợ tu sửa, khiến Phật tượng huy hoàng, điện thờ đồ sộ, tả hữu hành lang, tam quan, gác chuông, trong ngoài bốn phía, nhất loạt đều trang nghiêm …”
Với vài chi tiết này (tượng Phật, điện thờ, hành lang, tam quan, gác chuông …), chúng ta cần phải tìm hiểu thêm. Thật ra, chùa Diên Hựu gồm có nhiều thành phần trong đó chùa Một Cột chỉ là một thành phần, nhưng là một thành phần nổi tiếng. Chùa cũng được tổ chức đại khái như các chùa khác với chánh điện thờ Phật, nhà Tổ, nhà khách v.v… Ta thử tìm xem chùa được xây cất từ bao giờ.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1) thì vào năm 1049, “mùa đông, tháng 10, vua Lý Thái Tông cho dựng chùa Diên Hựu. Trước đây vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với bầy tôi, có người cho là điềm không lành. Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất (2) làm tòa sen của Phật Quan Âm như đã thấy trong mộng. Cho các nhà sư đi vòng lượn chung quanh tụng kinh cầu cho vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu” (Diên Hựu nghĩa là kéo dài cõi phúc, tức là thêm tuổi thọ). Do trí tưởng tượng cảnh này giống như một bông sen vươn lên khỏi mặt nước, mà có tên Liên Hoa Đài tức là Đài Hoa Sen.
Cũng theo sách trên thì vào năm 1104, “mùa thu, tháng 9, làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu … Bấy giờ vua Lý Nhân Tông (3) chữa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, đào hồ Liên Hoa Đài trì, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây bảo tháp. Hàng tháng cứ ngày rằm, mùng một và mùa hạ, ngày mùng 8 tháng tư, xa giá ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi lễ tắm Phật, hàng năm lấy làm lệ thường”. [Ta có thể thắc mắc rằng sao lại có hai tên hồ Liên Hoa Đài trì và Linh Chiểu. Chữ Nho là Liên Hoa Đài trì nghĩa là cái ao ở dưới đài Liên Hoa, và cái ao ấy tên là Linh Chiểu (trì và chiểu đều có nghĩa là ao, hồ)].
Vậy, thoạt tiên là chùa Diên Hựu, có tòa sen của Ngài Quán Âm gọi là Liên Hoa Đài, rồi thêm hồ Linh Chiểu. Đa số chúng ta chỉ biết có một thứ là chùa Một Cột mà thôi!
Chùa có gác chuông, chuông rất nặng. Không biết vì lý do gì mà chuông không dùng được. Người thì nói vì chuông quá nặng nên không treo lên được. Người khác lại bảo vì chuông rè nên không dùng được. Chuông bị bỏ ở ngoài ruộng cạnh chùa. Ruộng có nhiều rùa, rùa chui vào ở trong chuông. Vì thế chuông có tên là chuông Quy Điền. Sau, lũ quân nhà Minh cướp chuông, đem nấu để lấy đồng làm khí giới. [Nước ta có bốn vật quý gọi là An Nam tứ đại khí: chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, tượng Quỳnh Lâm và đỉnh Phổ Minh].
Gần đây, chúng tôi được đọc bài Chùa Một Cột của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đăng trong tập san Phật giáo Người Cư Sĩ ở Pháp. Nhờ đó, chúng tôi mới biết rằng ông Nguyễn Bá Lăng đã được cơ quan tiếp quản năm 1955 ủy nhiệm nghiên cứu họa đồ và điều khiển công trường để phục hồi lại chùa sau khi chùa bị đặt chất nổ, lúc đó ông là chuyên viên sở Bảo Tồn Cổ Tích. Họa đồ được nghiên cứu căn cứ theo một ảnh chụp cũ khoảng cuối thế kỷ XIX của trường Viễn Đông Bác Cổ. “Vì là ảnh chụp lập diện (géométral) nên những kích thước cũ, chiều rộng, chiều cao, độ dốc mái, kể cả chi tiết tầu đao, lan can được phục nguyên một cách chính xác”. Ông Nguyễn Bá Lăng (4) đã cho biết nhiều chi tiết về các công việc đã được thực hiện, thí dụ như : “ Bên trong, phía sau bên trên bàn thờ đức Quan Thế Âm, được trang trí bằng một giải ván thượng diệp chạm lưỡng long chầu nguyệt dập theo một kiểu chạm gỗ ở làng Đình Bảng (Bắc Ninh). Cũng ở đây, bên trên giáp mái treo tấm bảng chữ Hán: Liên Hoa Đài”.
Ông cũng ghi là ngày 11-9-1954, Liên Hoa Đài bị phá hủy từ mặt sàn trở lên vì chất nổ được dấu ở dưới bát hương. “Tuy nhiên, pho tượng Quan Âm nơi đây vẫn ngồi y nguyên ở gần ngay đấy, chỉ bị rời mấy cánh tay gỗ chắp”.
Ông còn thêm rằng : “ Tòa Liên Hoa Đài này đã được dập kiểu để dựng trong vườn của một bảo tàng viện tại Varsovia (Ba Lan)”. Và đáng buồn là : “khu vườn riêng của chùa được mở rộng thành công viên của thành phố, mé bên kia khu vực của chùa Diên Hựu thì khoảng thập niên 80 dùng để xây bảo tàng … đồ sộ cao lớn, không biết tôn trọng di sản lịch sử văn hóa xưa”. Nhưng vẫn còn một niềm an ủi vìụ “Khách vào thăm chùa Một Cột vẫn đông đảo vì ai cũng nhận thức là chùa Một Cột đích thực là kiến trúc văn hóa Việt Nam”.
Trước khi kết thúc, chúng tôi xin nói rằng trước năm 1975, tại quận Thủ Đức, cách Saigon mươi cây số, thượng tọa Trí Dũng đã xây dựng chùa Nhất Trụ rất đẹp, ai tới vãn cảnh chùa cũng đều tấm tắc khen ngợi óc tổ chức và tài điều khiển của thượng tọa và các kiến trúc sư, cùng bàn tay khéo léo của các nghệ nhân trạm trổ và công nhân xây cất, đồng thời thưởng ngoạn cảnh trí thanh nhã, đường nét tinh xảo, cách xếp đặt hài hòa của chùa. □
CHÚ THÍCH
(1) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nhà xb KHXH, Hà Nội, 1993, dịch theo bản khắc năm 1697. (Coi tập I, trong số 4 tập, nơi các trang 268 và 285). Lời giới thiệu viết : “Đó là công trình biên soạn lịch sử đồ sộ của nhiều nhà sử học nổi tiếng của nước ta, được đặt cơ sở đầu tiên với Đại Việt Sử Ký 30 quyển của Lê Văn Hưu, viết xong năm 1272”.
(2) Có nơi sửa “ở giữa đất” thành “ở giữa ao” với lý do chùa Một Cột ở giữa ao. Người khác nói: lúc đầu không có ao, nhiều năm sau mới đào ao quanh cột đá.
(3) Vua Lý Thái Tông húy là Lý Phật Mã, ở ngôi 27 năm (1028-1054), thọ 55 tuổi (1000-1054). Vua Lý Thánh Tông húy là Lý Nhật Tôn, ở ngôi 19 năm (1054-1072), thọ 50 tuổi (1023-1072). Vua Lý Nhân Tông húy là Lý Càn Đức, ở ngôi 56 năm (1072-1127), thọ 63 tuổi (1066-1127).
(4) Ông Nguyễn Bá Lăng là kiến trúc sư tại Saigon từ trước 1975. Sau 1975, ông ở Pháp. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bước Vào Cửa Phật-Quyển 2-Montreal 2010
(Hình 1,2,3,4 : NN sưu tầm)

Xem thêm hình:3,4 – (Hình 3 ): Thiền sư Đạo Chân Vũ Khắc Minh trong tư thế Kiết-già

Hình 4: Nhục thân Thiền sư Đạo Tâm Vũ Khắc Trường
…………………………………………………………………………………………………

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links