1.Đêm giã từ Hà Nội (Mai Thảo)-2.Geneve 54 chia cắt (Giao Chỉ)

                            Tùy bút Mai Thảo

                                   
                                      Hồ Hoàn Kiếm với Tháp Rùa-Hình:Wikipedia
Lời nói đầu: Còn hơn một tháng nữa, chúng ta lại kỷ niệm lần thứ 37 xa Sài-Gòn, Miền Nam  yêu dấu . Đối với đồng bào miền Bắc, chúng tôi đã xa quê-nơi chôn nhau cắt rốn- từ 1954, nghĩa là tổng cộng gần 58 năm ! Bắt đầu từ hôm nay, chúng tôi sẽ gửi đến quí bạn đọc những bài viết phản ánh tâm  tư , nỗi lòng người xa xứ , từ 1954; rồi đến thời gian định cư,làm lại cuộc đời và những biến cố sau đó tại miền nam Việt Nam Cộng Hòa, cho đến tháng 4-1975, một lần nữa , đồng bào miền Nam Việt Nam Cộng Hòa, lại tìm đường “lánh nạn Cộng Sản” trên một qui mô rộng lớn hơn, bất chấp hiểm nguy đến tính mạng ; cuộc di tản vĩ đại này đã đánh động đến lương tâm toàn thể nhân dân thế giới …
Chúng tôi trích đăng truyện ngắn “Đêm giã từ Hà Nội” của cố nhà văn Mai Thảo và, bài viết “Geneve 54 chia cắt” của tác giả Giao Chỉ, để mở đầu Trang Kỷ Niệm này . Mời quí bạn  theo dõi .
Trân trọng,
Nhã Nhạc
***
 Đêm Giã Từ Hà Nội        
Nguồn: Chút Lưu Lại Online –
                            Đêm Giã Từ Hà Nội
                                     Mai Thảo
Phượng nhìn xuống vực thẳm.
Hà Nội ở dưới ấy.
Từ chỗ anh đứng, Phượng nhìn sang bờ đường bên kia. Những tảng bóng tối đã đặc lại thành khối hình. Từng chiếc một, những hàng mái Hà Nội nhoà dần. Phượng nhìn lên những hàng mái cũ kỹ, đau yếu ấy, giữa một phút giây nhoè nhạt, anh cảm thấy chúng chứa đựng rất nhiều tâm sự, rất nhiều nỗi niềm. Những tâm sự câm lặng. Những nỗi niềm nghẹn uất. Của Hà Nội. Của anh nữa.
Dưới những hàng mái cong trũng, ngập đầy lá mùa kia, đang xảy ra những tâm trạng, những biến đổi gì mà ở bên này đường Phượng không đoán hiểu được. Hà Nội đang đổi màu. Đứng bên này bờ đường nhìn sang, Phượng bắt đầu tiếp nhận với một thứ cảm giác ớn lạnh, cách biệt, anh đã đứng trên một bờ vĩ tuyến mà nhìn về một vĩ tuyến bên kia. Bên ấy, có những hình ảnh chia cắt, đứt đoạn. Bên ấy, có những hình chiến luỹ, những hàng rào dây thép gai, những đoạn đường cấm, những vùng không người.
Phượng cũng không hiểu tại sao nữa. Giờ này anh còn là người của Hà Nội, thở nhịp thở của Hà Nội, đau niềm đau của Hà Nội, mà Hà Nội hình như đã ở bên kia.
Phượng nhìn xuống lòng đường. Trong bóng tối, mặt nhựa lầm lì không nói gì. Những hình cây đổ nghiêng trên những tấc đất đá câm nín. Bí mật dàn ra những bề phẳng, những đường dài như một dòng sông ngăn chia hai bờ, và Phượng đã đứng ở bên này mà nhìn sang một bờ bến bên kia. Bên kia có Hà Nội. Bên này có anh. Có tập thể. Có những bạn đường. Có một chuyến đi về Hà Nội.
Chung quanh chỗ Phượng đứng, những tảng bóng tối đã đọng lại trên bờ đường như những bờ hầm hố. Nhìn xuống, Phượng có cảm giác chơi vơi như đứng trên một tầng cao. Anh nhìn xuống vực thẳm. Hà Nội ở dưới ấy.
Anh nhớ đến Thu. Thu cũng còn ở dưới ấy, trong Hà Nội. Cái mái nhà cũ kỹ bên kia, chính là mái nhà Thu, lại cũng chính là ở bên ấy, Thu sẽ đến với anh, ở bên này. Từ một mái nhà của Hà Nội đêm nay, đến bờ đường anh đứng, chỉ có một đoạn ngắn, nhưng Phượng biết rằng đêm nay, nó chứa đựng tất cả ý nghĩa của một đoạn đời. Và Thu, Thu phải đặt cả đời Thu vào một chuyến đi, thì Thu mới vượt được đoạn đường ngắn ngủi ấy, và Thu mới sang được với anh. Như anh, như hàng nghìn hàng vạn con người Hà Nội đêm nay, Thu sẽ ở lại hay sẽ vượt lòng biên giới cũ. Giữa những phút giây Hà Nội đang rắn lạnh lại trong chuyển đổi chính thể đã bắt nguồn, đứng bên này đường, Phượng mới cảm thấy rằng ở bên kia Hà Nội, Thu đã ở thật xa anh. Cái cảm giác ớn lạnh mỗi khi anh đứng trước một dòng sông lại nổi lên. Con sông biên giới đêm nay lại hình như con sông Hồng chảy qua một bờ Hà Nội. Trong Phượng, sóng lòng của chuyển dịch chưa kịp nổi lên mà những ngọn sóng của dòng sông cũ đã nổi dậy. Âm thanh oà oà. Lòng đêm Hà Nội chứa đựng những tiếng đổ vỡ đang xô chen trong bóng tối đặc quánh.
Qua bóng tối, Phượng nhìn thấy những hình khối của Hà Nội bên kia: một cửa ô đoạ đầy. Một hàng mái cũ. Những lớp phố phường sa đoạ. Những ánh đèn nhạt tái trên những bờ tường câm đen. Bóng tối chính thể đổ xuống làm nghiêng ngả những sự kiện này.
Bên kia, Hà Nội vẫn đang lặng lẽ đổi màu. Người Hà Nội dựng cửa tắt đèn để mà đổi thay trong bóng tối. Phượng thấy thương Hà Nội. Thương những người Hà Nội. Những người còn ở lại dưới những hàng mái cũ kỹ kia vì những vướng bận đau khổ.
Đêm khuya dần. Từ một cửa ô, Hà Nội bắt đầu ngây ngất dấy lên những ngọn gió núi rừng thổi về. Gió rừng hoang về qua cửa ô, đi thẳng vào tâm can của người Hà Nội. Ngọn gió tiền phong này đến trước chính thể, đang lọt dần qua cửa ô Yên Phụ, Kim Liên như một điển hình của hoang lạnh rộng lớn. Cả Hà Nội run lên, tê đi. Trước phút bỏ đi mà Phượng cũng như giá buốt cả cơ thể. Hà Nội đã bắt đầu đón nhận ấn tượng. Ngày mai, Phượng ở miền Nam rồi, Hà Nội sẽ phải còn đón nhận những sự kiện, những con người bên ngoài. Sau ấn tượng hoang vắng đêm nay, sẽ là sự thật tàn nhẫn ngày mai. Nhưng chỉ đón nhận ấn tượng, Phượng cũng đủ thấy Hà Nội không còn gì. Hà Nội chỉ còn là một thứ thuộc về bên kia. Hà Nội chỉ còn là một thứ thuộc về bên kia. Bên kia như Đêm. Như Bóng tối. Như Sa đoạ. Như Tù đày.
Trên đầu Phượng, những ngọn lửa nhìn xuống. Ấy là những con mắt đau yếu của một Hà Nội không ngủ. Những ánh lửa tròn, nhợt nhạt, bé nhỏ, bị giam chặt giữa bóng tối. Phượng nghĩ đến những vì sao xa xôi đứng chết ở một góc trời cũ. Hệ thống ánh sáng Hà Nội đã hết bay múa. Bóng tối dềnh lên những đường lung linh. Từng điểm lửa gục đổ. Đêm nay, Phượng chỉ còn mong chúng có đủ ánh sáng để soi đường cho Thu đến được với anh. Phượng chỉ còn mong có thế thôi. Vì anh biết ngày mai những điểm lửa ấy sẽ không sáng nữa. Hà Nội sẽ không sáng nữa.
Buổi chiều, hồi năm giờ, gặp Thu ở cuối nhà Thuỷ Tạ, anh đã nhắc Thu đến một ngả đường. Đúng hơn đến một chuyến đi. Anh lại nhắc cả Thu đến một hạn định: Hôm nay là ngày cuối cùng người ta được tự do rời khởi Hà Nội.
Phượng bảo người yêu: “Hôm nay đã là ngày chót rồi, Thu ạ! Mười hai giờ đêm nay, chuyến xe cuối cùng sẽ đi qua cầu Long Biên. Anh sẽ đi chuyến ấy. Việc lớn việc nhỏ, anh đã thu xếp tạm yên cả rồi. Chưa yên hẳn, nhưng cũng đành vất bỏ hết. Việc đi khỏi Hà Nội trước hạn định cần hơn. Anh sẽ đến đợi em ở đầu phố tối hôm nay. Chúng mình sẽ cùng vào trong Nam”.
Phượng nói vắn gọn có thế. Bao nhiêu lần gặp trước, kể từ ngày có hiệp định chia đôi, anh và Thu đã bàn với nhau nhiều. Bàn đi bàn lại, nhưng vẫn chưa ngã ngũ ra sao cả. Vấn đề chỉ mới giải quyết xong về phần anh thôi. Trước sự lựa chọn một thái độ và trước những mưu toan xây dựng một cuộc sống tay đôi ở bên kia vĩ tuyến của hai con người cùng gắn bó đến những cái cao đẹp của đời sống, những gió bão của chiến thời ở đây lại có thêm những thảm trạng của đất nước bị chia rẽ. Sự ngăn chia đến cả từng cuộc đời. Đất nước ngăn cách làm hai miền, thì những cuộc đời cũng chia về hai phía. Như đêm và ngày. Bên này, bên kia. Biên giới oán thù dựng lên ở giữa.
Cho đến nay, Thu vẫn chưa quyết định. Thời hạn được ấn định cho di chuyển trong khu vực Hà Nội cứ vợi mãi trong phân vân lưỡng lự của người thiếu nữ. Phượng cũng hiểu cho người yêu. Anh khác, Thu khác. Cuộc sống mấy năm gần đây của anh trong Hà Nội cứ an định một chỗ, chỉ một ngụm gió nổi lên là cũng đủ đưa anh ra ngoài cửa ô. Di chuyển là một cần thiết cho đời sống của Phượng trong ngày cũ, bây giờ lại là một hành động của tự do. Cứu cánh của người Hà Nội hôm nay nằm trong sự thoát khỏi phố phường cũ.
Nhưng Thu, Thu chỉ là một người đàn bà. Vây quanh lấy đời Thu, Phượng cũng đoán thấy không biết cơ man nào là những sợi dây nối kết cuộc đời của Thu với Hà Nội. Như lúa với đất. Đi khỏi được, ít ra Thu cũng phải cắt đứt được bằng hết những sợi dây ấy. Chúng là những rễ lớn rễ con đã bám chặt lấy đời Thu từ tuổi thơ. Trên mái tóc suối chảy của người thiếu nữ, bóng dáng một mái nhà cổ kính đổ xuống. Những nếp nhăn trên trán người mẹ. Những sợi tóc bạc trắng của người cha. Đi thoát được mái nhà cũ, hành động của Thu sẽ là một hành động quyết liệt. Nó đòi hỏi nhiều đau khổ, nhiều mất mát. Lòng người vẫn phải rách nát vì những đau khổ, những mất mát ấy.
Phượng biết thế, nên người anh hùng cũng không giục giã người yêu. Mặt khác, anh muốn rằng trước thử thách này, Thu sẽ hành động, sẽ quyết định một mình. Như một con người tự do hành động và quyết định. Phượng vẫn thường có quan niệm rằng chính kiến của con người như một thứ hướng đi, tuỳ theo sự lựa chọn chân trời riêng. Đối với Phượng trái đất này có hàng triệu ngả đường thì con người cũng có hàng triệu hướng đi, trên đó đua nở những hoa cỏ cùng là rung động những tình cảm của người trước cuộc sống. Thảy đều mênh mộng, không bến bờ. Nhẹ thoáng như không khí. Bay múa như nắng.
Nếu không, thì trái đất không còn là trái đất nữa. Con người không còn là con người nữa.
Mấy ngày gần đây, Hà Nội của Phượng đã hết nắng. Hà Nội đã thiếu không khí, thiếu hơi thở. Bên kia tả ngạn Hồng Hà, bên này năm cửa ô, ngay trong nội tâm Hà Nội, những sự kiện mới mai đây sẽ về ngự trị trên Hà Nội đã như những tảng bóng tối mịt mùng dâng lên. Bóng núi bóng rừng chấp chới. Tim phổi người choáng váng, rức buốt. Những mạch đời ngừng nghỉ. Những màu sắc lộng lẫy nhất cũng nhạt tái lần lần.
Trên những sân ga, bến tàu, từ những trạm hẹn, những con người có sẵn thái độ như Phượng đã hướng vào chuyến đi. Những cuộc đời như đời Thu, rách nát vì mâu thuẫn, giờ phút này đang trải qua một cuộc tranh đấu quyết liệt với bản thân. Chúng là những miền còn tranh tối tranh sáng. Sau hết, là những người ở lại. Ở lại với Hà Nội. Vì hoàn cảnh vướng bận.
Chưa bao giờ Phượng lại cảm thấy Hà Nội chứa đựng nhiều khía cạnh, nhiều thời gian tính đến thế. Đứng trước cuộc đổi đời, Phượng va chạm với những con người đang lựa chọn để nắm lại trong dĩ vãng hay đi vào tương lai. Từ một bản hiệp định chia đôi, chói lên những phút giấy thử lửa. Thái độ của từng người phân định dần mãi. Như thế cũng hay. Lại hơn. Đằng nào cũng một lần.
Từ ngày Hà Nội thay đổi sắc thái, Phượng thấy cái việc giã từ Hà Nội của anh không đến nỗi sầu thảm như anh tưởng. Nhìn sang một lớp sự kiện còn nằm lại bên kia, đêm nay, Phượng, trong một cảm thông cụ thể, như đã sờ mó thấy trên đầu ngón tay cái lành khoẻ rộng lớn của một khối đời anh sẽ dựng lên sau chuyến đi. Dựng lên bằng niềm tin. Trong tập thể. Niềm tin này, riêng đêm nay, đã đốt cháy được hộ Phượng những sợi dây gắn bó với đời cũ. Với bên kia. Với Hà Nội. Theo anh, Hà Nội cũng không còn gì. Những người như anh lên đường đã mang theo Hà Nội vào chuyến đi.
Thanh toán cho xong được những chua xót lúc đầu, lòng người đi vậy là đã ổn định.
Duy có một vấn đề là Thu. Đối với Phượng, Thu đi hay Thu ở lại, việc ấy đã ra ngoài cái lãnh vực thường rất bé mọn của tình cảm. Anh yêu Thu, qua những rung cảm của tình yêu, còn có những nỗi niềm hết sức bao la, hết sức sâu nặng của con người anh gửi đến một người bạn cùng đường. Thêm Thu tập thể thêm đông, và đời Phượng cũng vui thêm trong xây dựng.
Chiều xuống dần. Hai người yên lặng bước đi. Buổi chiều cuối cùng ở lại Hà Nội, Phượng chỉ còn tìm thấy ở Thu một sự kiện lành mạnh gần gụi, khi mà tất cả những sự kiện khác đã sa đoạ, đã đổi màu.
Anh nhìn Thu: Mái tóc dài chảy xuống một bờ vai gầy. Hàng mi nghiêng nghiêng. Và con mắt sâu đen của Thu thì nhíu lại trong suy nghĩ. Phượng nhìn lâu lâu vào đôi mắt ấy, tận trong, đôi mắt u uẩn hình như đang thăm dò một ngả đường, trong đêm tối. Anh không biết Thu đang nghĩ ngợi gì. Nhưng anh đoán Thu đang đau khổ nhiều. Trong nội tâm người thiếu nữ cũng đang có những sự kiện vừa nằm xuống, vừa chìm lặn, cùng một lúc với những sự kiện đang đi lên, đang sinh thành. Bóng tối và ánh sáng chấp chới trên những mâu thuẫn chưa ổn định. Trong Thu đã có một ngả đường? Cháy một niềm tin? Đường mũi dài, đôi môi trang nghiêm của Thu in lên một nền nhờ xanh của sương mù, của buổi chiều. Bên kia, thấp thoáng những hàng cây, những mái nhà Hà Nội.
Một lát yên lặng. Phượng châm một điếu thuốc.
Thu nói với anh: “Em thì em cũng định đi rồi. Một phần vì Hà Nội. Cơ sự đã xảy ra thế này, cũng chẳng ở được nữa. Một phần vì em không muốn xa anh. Xa nhau, biết đến bao giờ mới gặp lại? Em sợ thay đổi lắm. Nhưng anh cũng biết, còn gia đình em đấy! Thầy me em già rồi. Me em đang đau nặng. Thầy em thì chỉ biết có lũ chậu hoa cây cảnh. Hồi này ông cụ chán đời cứ thở dài suốt ngày”.
Phượng hỏi Thu:
“Thầy me không bằng lòng cho Thu đi ư?”
“Không, thầy me em bằng lòng. Chính vì thế mà em phân vân. Anh hiểu cho em chứ?”
Phượng cúi đầu không nói gì. Hai người lại yên lặng bước đi. Phượng nhìn đồng hồ. 7 giờ 35. Anh bảo bạn:
“Thôi, anh đưa Thu về. Đêm nay, trên đường tới trạm di chuyển, anh sẽ đi qua nhà em. Em về nhà nghĩ lại đi. Cố thu xếp xem có được không?”
Thu đáp, tiếng nói bé nhỏ:
“Vâng, em sẽ cố gắng thu xếp. Dù sao, anh cũng đến, anh nhé!”
Hai người chia tay. Và Phượng, đúng 11 giờ đêm, đã xách va ly đến đợi Thu ở đây, bên này đường. Bên kia là Hà Nội.
Đêm Hà Nội càng về khuya càng lạnh buốt. Mặt nhựa loáng ướt. Những ánh đèn lu xanh một màu xanh hoang vắng trong sương. Trước mắt Phượng con đường Trần Nhật Duật chạy dài, một đầu phố nhạt nhoà mất hút về phía chân cầu Long Biên. Vắt qua lòng sông Hồng, những ánh lửa nơi chân cầu đổ về một hướng Gia Lâm. Gia Lâm, Phượng nghĩ đến những vùng cỏ tối bên ấy, nơi phi trường. Lát nữa anh sẽ vượt Hồng Hà, tới phi trường và ở đó, anh sẽ giã từ Hà Nội.
Lòng Phượng lắng đọng lại trong suy tưởng, trong đợi chờ. Những ý nghĩ nhẹ thoáng nhất cũng đều có những sắc thái rất mênh mông. Nhãn giới Phượng bắt gặp những hình khối của Hà Nội đang ngược đường về trong dĩ vãng, và lòng Phượng thì đã thơm rồi, những nhành hoa của xây dựng trên luống đất tương lai. Ngày mai, anh đi khỏi, tập thể xa rồi, Hà Nội sẽ ra sao? Những con người ở lại Hà Nội sẽ ra sao? Trong đêm giã từ, ba mươi sáu phố phường đi dần vào những tầng lớp của ký ức. Nhìn Hà Nội, Phượng bỗng liên tưởng tới những thành phố khác của thế giới, của thời đại. Hán Thành, Bá Linh. Những thủ đô đổ nát vì chiến tranh, bây giờ lại chứa đựng những ấn tượng buồn thảm của chia cách, hờn oán. Bên này, bên kia. Giã từ Hà Nội. Những con người cúi đầu. Một khung cửa đen câm. Những ngả đường ngoại thành hoang vắng. Những hàng mái đau yếu. Thu, Thu của anh.
Đứng một mình trong đêm dài, trước một Hà Nội ngủ thiếp, Phượng nghĩ đến những người bạn đường đã vượt Hồng Hà, đã bỏ Hà Nội, bỏ đất Bắc trước anh, vượt vĩ tuyến về tiếp tục cuộc đấu tranh cho tự do, cho con người, trên phần đất nước còn lại. Anh biết rằng thời đại, trong ngày tới sẽ nối kết con người bằng một ý niệm một hệ thống tự do. Tâm trạng của Phượng đêm nay cũng là tâm trạng của một người thợ máy Đức, một người dân cầy Triều Tiên, đang ngày đêm vượt khỏi những vĩ tuyến tù đày để tìm một hướng đi, một chân trời có không khí và ánh sáng. Năng lực đấu tranh của con người nằm trong những cạnh khía bay múa ấy.
Cái ý nghĩ cuối cùng của Phượng, gửi đến Thu. Anh nhìn sang bên kia đường. Vẫn không thấy gì. Có lẽ Thu đã ở lại. Phượng nhìn đồng hồ: Chiếc kim dạ quang chỉ đúng mười hai giờ đêm. Phượng cúi xuống nhấc va ly, bước đi.
Sau lưng anh, bống có tiếng gọi nhỏ: “Anh!”.
Phượng quay lại. Đôi mắt anh sáng lên trong tối. Từ bên kia bờ đường, từ bên kia Hà Nội, một bóng người bé nhỏ đang vượt lòng đường đi sang anh. Thu. Bóng Thu xiêu xiêu vội vã. Một thoáng, Thu đã đứng bên cạnh anh. Đôi mắt Thu còn ngấn lệ. Phượng đỡ lấy va ly Thu.
Tiếng thu vang lên trong đêm Hà Nội:
“Em được đi rồi. Cả thầy me cũng đi nhưng đi sau.
Và kéo tay Phượng.
“Chúng mình đi đi thôi anh ạ!
Phượng mỉm cười nhìn Thu. Giọt nước mắt của người lên đường nhập vào hàng ngũ của tập thể, của di chuyển, Phượng biết là một giọt nước mắt của tin tưởng. Sự đấu tranh cho tự do khởi thuỷ ngay cả ở chỗ ấy, nơi con người phải đấu tranh quyết liệt với chính mình, chịu đựng những mất mát, lìa bỏ ruộng đất, phố phường, để đến những miền tự do. Sau Thu, rồi còn hàng ngàn người như Thu, cũng chiến thắng được hoàn cảnh, cũng sẽ lên đường. Để bảo vệ một niềm tin. Để bảo vệ con người. Tất cả, họ sẽ trở về.
Phượng đưa Thu đi. Những ánh đèn xanh biếc của Hà Nội nghiêng theo những bước chân bắt đầu dời khỏi Hà Nội.
Bóng Phượng, bóng Thu nhoà dần. Rồi mất hẳn. Họ đã đi vào Tương Lai.
Mai Thảo
……………………………………………
Category: Tạp ghi/Tùy bút
Nguồn: Sai Gòn Echo Online
                    Genève 54 chia cắt.  
Tác Giả: Giao Chỉ
Thứ Năm, 22 Tháng 7 Năm 2010
Cách đây 56 năm cũng vào tháng 7 năm 1954, Hiệp Ðịnh Genève chia đôi đất  nước

Viết cho ngày 20 tháng 7 (1954-2010)
Tháng 7 năm 2010 có gợi nhớ cho người Việt tỵ nạn chúng ta một chút kỷ niệm nào không? Cách đây 56 năm cũng vào tháng 7 năm 1954, Hiệp Ðịnh Genève chia đôi đất nước. Hôm nay, từ hơn nửa thế kỷ và một đại dương xa cách, xin có đôi lời ghi lại. Trước hết là một số sử liệu, nhắc lại một lần vào cuối cuộc đời.
Tháng 9-1945, Nhật đầu hàng Ðồng Minh, Thế chiến thứ II chấm dứt chính thức trên mặt trận Thái Bình Dương. Hồ Chí Minh lãnh đạo đảng cộng sản tuyên bố Việt Nam độc lập. Người Pháp trở lại Ðông Dương.
Ngày 19 tháng 12-1946, toàn quốc kháng chiến. Vào những ngày của mùa Thu khói lửa năm xưa, tất cả thanh niên Việt Nam đều đứng lên đáp lời sông núi. Phạm Duy đã viết lời ca như sau: Một mùa Thu năm qua, cách mạng tiến ra đất Việt, cùng ngàn vạn thanh niên vung gươm phá xiềng. Lúc đó tôi mới hơn 10 tuổi. Tuổi măng non thơ dại và hào hứng biết chừng nào.
Vào thời gian này, không ai biết gì về quốc cộng. Người ta nói rằng: Khi cách mạng mùa Thu, anh 20 tuổi, anh không theo kháng chiến, anh không phải là người yêu nước. Và tôi là cậu bé con của trường Cửa Bắc, Nam Ðịnh cũng bắt đầu học bài học yêu nước nồng nàn.
Hà Nội tản cư, sinh viên học sinh gia nhập tự vệ thành mang dấu hiệu sao vàng tham dự vào trung đoàn thủ đô. Trong Nam các thanh niên tiền phong Sài Gòn cầm gậy tầm vông hợp đoàn chống Pháp.
Cho đến ngày nay, tất cả các vị cao niên 75 và 80 tuổi trở lên còn sống đến bây giờ chắc hẳn còn nhớ rất nhiều về mùa Thu khói lửa năm xưa của thời kỳ 1946. Rồi tiêu thổ kháng chiến, rồi tản cư, rồi về Tề, biết bao nhiêu là ngôn ngữ đặc thù của cả một thời thơ ấu.
Ba năm sau, tháng 3-1949, vua Bảo Ðại từ Hương Cảng trở về. Bình minh của phe quốc gia mới bắt đầu nở hoa cay đắng trong vòng tay của quân đội Liên Hiệp Pháp.
Cuộc chiến vẫn tiếp tục trên toàn thể đất nước vào năm 1950. Một năm nhiều dữ kiện. Tháng giêng, Trung Cộng công nhận cộng sản Việt Nam. Tháng 2, Hoa Kỳ công nhận Việt Nam Quốc Gia. Tháng 3, Mỹ bắt đầu viện trợ cho Pháp tại Ðông Dương.
Tháng 6, toán cố vấn Mỹ đầu tiên đến Việt Nam.
Tiếp theo hai năm 1952 và 1953, cường độ chiến cuộc gia tăng mãnh liệt.

Rồi đến năm 1954 định mệnh. Tháng 5-1954, Ðiện Biên Phủ thất thủ, hội nghị Genève về Ðông Dương khai mạc. Tháng 6-1954, ông Ngô Ðình Diệm từ Mỹ về nước. Tháng 7-1954, Genève quyết định chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17, trên con sông Bến Hải giữa nhịp cầu Hiền Lương.
Và cái ngày định mệnh của cả dân tộc là ngày 20 tháng 7-1954. Anh, Pháp, Tàu v.v… ký vào hiệp ước cùng với phía cộng sản Việt Nam. Hoa Kỳ và Việt Nam quốc gia không ký.
Thủ tướng Pháp đương thời hứa với quốc dân là hiệp định phải ký xong nội ngày 20 tháng 7-1954. Họp bàn đến nửa đêm chưa xong. Ðồng hồ phòng nghị hội cho đứng chết lúc 12 giờ khuya. Tiếp tục họp đến sáng hôm sau. Ký xong rồi cho đồng hồ chạy lại. Ngoại trưởng Việt Nam là cụ Trần Văn Ðỗ khóc vì đất nước chia đôi ngay tại hội nghị.
Từ Hà Nội một số sĩ quan Quốc Gia Việt Nam cùng sĩ quan Pháp tham dự hội nghị Trung Giá để quy định việc đình chiến. Các đơn vị Pháp và tiểu đoàn khinh quân Việt Nam âm thầm rút khỏi Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hóa, Nam Ðịnh để lại sự hoảng loạn đau thương cho nhiều giáo khu Việt Nam tự trị.
Tại miền Bắc, Pháp và phe quốc gia có thời hạn tập trung 80 ngày tại Hà Nội, 100 ngày ở Hải Dương và 300 ngày tại Hải Phòng.
Tại miền Nam, bộ đội tập kết tại Hàm Tân 80 ngày, Bình Ðịnh 100 ngày và Cà Mau 300 ngày.
Ngày nay bao nhiêu người trong chúng ta còn nhớ đến thời kỳ tập kết ở miền Nam và di cư của miền Bắc. Bộ đội miền Nam trước khi ra đi đã phát động chiến dịch gài người ở lại nằm vùng và phong trào lập gia đình ồ ạt để hẹn ngày trở lại hai năm sau hiệp thương và tuyển cử. Trung úy Giao Chỉ tham dự hành quân tiếp thu Cà Mau thấy người cộng sản tập kết chào nhau với bàn tay xòe hai ngón hẹn gặp lại sau hai năm, kèm theo khẩu hiệu: Ra đi là chiến thắng, ở lại là vinh quang. Kháng chiến miền Nam ra Bắc để lại những người đàn bà mang bầu trong thôn xóm và súng đạn chôn sau vườn.
Trong khi đó ở miền Bắc cộng sản cố sức cản đường không cho lính quốc gia di tản và ngăn chặn cuộc di cư vĩ đại từ tháng 8-1954. Nhưng phe Quốc Gia vẫn có đủ một triệu người ra đi.

Trung úy Vũ Ðức Nghiêm, tốt nghiệp khóa 1 Nam Ðịnh đã di cư vào Nam cùng đơn vị và gia đình lúc ông hơn 20 tuổi. Từ Phát Diệm, ông đi cùng Tiểu đoàn Khinh quân 711 về Hải Dương rồi rút về miền Nam.
Ðại úy Lê Kim Ngô di tản trường Công Binh từ Bắc vào Nha Trang và tham dự hành quân tiếp thu Bình Ðịnh. Cả hai ông Vũ Ðức Nghiêm và Lê Kim Ngô về sau đều có dịp trở về đất Bắc trong lao tù cộng sản trước khi qua định cư tại Hoa Kỳ.
Cũng trong đợt di cư theo gia đình công giáo, thanh niên Phạm Huấn 17 tuổi còn nhớ mãi về Hà Nội của tuổi hoa niên. Sau khi ký hiệp ước Paris, thiếu tá VNCH Phạm Huấn có dịp trở về trong phái đoàn chính thức để viết nên tác phẩm “Một ngày tại Hà Nội” vào năm 1973. Sau đó ông Phạm Huấn lại một lần nữa từ biệt Sài Gòn năm 1975 và chưa một lần trở lại.
Ngày 7 tháng 7-2004, tôi và đại tá thiết giáp Hà Mai Việt vào thăm Phạm Huấn tại Nursing Home của bác sĩ Ngãi ở khu Tully, San Jose
Sinh năm 1937, người thiếu niên Hà Nội trở thành sĩ quan trẻ trung của Sài Gòn bây giờ vẫn còn là vị cao niên trẻ nhất của Nursing Home. “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới, đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm.” Phạm Huấn nói rằng nếu có ngày các ông lấy lại được Sài Gòn thì tôi cũng sẽ chơi một chuyến xe lăn về quê cũ. Nhưng từ tháng 7-1954 cho tới tháng 7-2010 ngày tháng cũng xa rồi mà mộng ước cũng xa rồi. Phạm Huấn và nhà thơ Hoàng Anh Tuấn đều lần lượt ra đi từ San Jose bỏ cả mưa Sài gòn lẫn mưa Hà Nội.
Năm 1954, có cô bé 15 tuổi lên máy bay một mình đi theo gia đình người bạn để vào Nam tìm tự do. Mồ côi mẹ, cha ở lại đi tìm con trai rồi kẹt luôn. Cô bé tên là Nguyễn Thị Chinh và sau này chuyến đi đã đem đến cho miền Nam một đệ nhất minh tinh gọi là Kiều Chinh. Chuyến đi của Kiều Chinh 1954 từ biệt Hà Nội đầy nước mắt chia ly trong tình phụ tử. Năm 1975, Kiều Chinh lại một lần nữa từ biệt Sài Gòn trong một chuyến bay trắc trở vòng thế giới giữa lúc thủ đô miền Nam hấp hối.
Và cũng vào năm 1954, một cô bé 9 tuổi Nguyễn Thị Lệ Mai xuống tàu di cư vào Nam. Sau này cô trở thành ca sĩ tiêu biểu của cuộc chiến lầm than, một đời lưu vong trong một kiếp trầm luân. Tên của người ca sĩ 40 năm hát rong trên khắp địa cầu là Khánh Ly.
Và cùng với Vũ Ðức Nghiêm, Lê Kim Ngô, Phạm Huấn, Kiều Chinh, Lệ Mai còn có Bùi Ðức Lạc cũng là thành phần Bắc Kỳ di cư đến tạm trú ở khu Phú Thọ Lều để đến 75 thì trở thành người di tản mang màu áo pháo binh Dù.
Năm 1972 trong nước mắt Hạ Lào, Bùi Ðức Lạc nghe Khánh Ly nức nở, đã nói rằng trận liệt mất đường về không phải vì Mỹ bỏ mà tại vì nhạc Trịnh Công Sơn.

Một người khác gốc Phát Diệm đã sớm trở thành dân di cư Hố Nai rồi chuyển qua vượt biên với một vợ 9 con tiếp tục bình tĩnh làm báo hàng ngày tại San Jose. Ðó là Ký Còm – Vũ Bình Nghi.
Tại sao miền Bắc lại di cư tỵ nạn? Tại sao miền Nam lại di tản vượt biên? Truyền thống của dân Việt là muôn đời sống với lũy tre xanh, với mồ mả tổ tiên, với làng xóm. Vạn bất đắc dĩ phải ra đi mang tiếng tha hương cầu thực nhưng rồi vài năm lại trở về. Quốc văn giáo khoa thư thủa nhỏ đã ghi rằng chỉ có chốn quê hương là đẹp hơn cả.
Trung úy Phan Lạc Tuyên khi tham dự hành quân tiếp thu tại Bình Ðịnh đã viết nên bài nhạc bất hủ. Anh về qua xóm nhỏ, em chờ dưới bóng dừa. Nắng chiều lên mái tóc, tình quê hương đơn sơ. Nhưng chính tại miền quê đơn sơ ở Bồng Sơn này suốt 20 năm chưa bao giờ yên tiếng súng.
Khi người cộng sản nổi dậy với một cuộc chiến toàn diện khốc liệt và quá độ đã triệt tiêu hoàn toàn mọi sự hòa giải trong tình tự dân tộc. Ðầu tiên là các dân thành thị, trí thức, tiểu tư sản và tôn giáo phải bỏ Kháng Chiến về thành. Tiếp theo là bỏ miền Bắc di cư vào miền Nam.
Năm 1954, người Bắc vào Nam đã đánh thức con rồng Sài Gòn tỉnh giấc. Qua những khác biệt ban đầu rồi chuyển đến thời gian hòa hợp. Miền Nam bắt đầu khởi sắc từ ẩm thực đến văn chương báo chí. Từ văn nghệ đến kinh doanh. Và sự hòa hợp không hề có biên giới.
Ðại úy Lê Công Danh, gốc công tử Cần Thơ đứng đón di cư ở bến nhà Rồng đã bế luôn cô Bắc Kỳ nho nhỏ tóc demi garson về làm áp trại phu nhân.
Trung úy công binh Nghiêm Kế, dân chơi Hà Nội phải lên tận Biên Hòa xứ Bưởi cưới cô Bé về làm chính thất, sống 20 năm ở các trại gia binh với 8 đứa con lần lượt ra đời.
Trung úy Giao Chỉ đi chiến dịch Ðinh Tiên Hoàng phải xuống tận Rạch Giá để rước về người đẹp xứ Kiên Giang. Sau hơn 50 năm tình cũ, chàng mới nhận ra rằng không phải chỉ Ðà Lạt mới có hồ than thở, mà ở miền Hậu Giang cũng có khá nhiều.
Những ông sĩ quan trẻ Bắc Kỳ xấp ngửa vào Sài Gòn đều đem về mỗi ông một cái hồ than thở. Qua đến Hoa Kỳ nàng vẫn còn than thở qua Cell Phone…
Sau những đoạn trường 1954, thì tiếp đéán câu chuyện tình Bắc duyên Nam trên mọi lãnh vực. Tất cả cùng nhau xây dựng xong nền Cộng Hòa với một đạo quân đẹp đẽ biết chừng nào.
Cho đến năm 1975 và rồi đến tận ngày nay là 2010, người Việt vẫn tiếp tục bỏ nước ra đi. Từ di tản đến vượt biên, vượt biển, đoàn tụ, HO, con lai.
Tại sao người Việt lại rời bỏ quê hương?
Tại sao chúng ta lại rời bỏ quê hương?
Một lần đi là một lần vĩnh biệt.
Một lần đi là hết lối quay về.
Năm 1954, khi ra đi dân Bắc Kỳ di cư ít có hy vọng trở về chốn cũ. Bài ca “Hướng về Hà Nội” được hát nỉ non suốt ngày đêm trên Radio. Cho đến khi chính phủ sốt ruột phải ra lệnh cấm. Những cánh bưu thiếp liên lạc Bắc Nam rời rạc được một vài tháng rồi cắt đứt sau hai năm xa cách.
Qua thập niên 60, Hà Nội mở đường dây Ông Cụ, đưa cán bộ vào Nam xây dựng hạ tầng cơ sở và dựng nên cuộc chiến mà ngày nay chính cựu đảng viên cộng sản Dương Thu Hương cũng nhận xét là một cuộc chiến sai lầm, hy sinh quá nhiều sinh mạng và tiềm lực của cả hai miền đất nước.
Hôm nay, nhân dịp ghi dấu 55 năm cuộc hiệp định Genève chia đôi đất nước, chúng ta cùng suy ngẫm về dòng sinh mệnh đã đưa đẩy người Việt lưu vong. Sẽ không thể có được câu trả lời coi như là chân lý cho một vấn nạn lịch sử.
Trong cuộc sống hàng ngày, biết bao nhiêu là điều bí ẩn không hề có đáp số. Tại sao có người hạnh phúc và có người đau khổ? Tại sao có người bị hy sinh và có người tồn tại? Tại sao có người thành công và có người thất bại? Những ngày tháng lịch sử như 20 tháng 7, như 30 tháng 4 chỉ là những dấu ấn trong dòng sinh mệnh của một dân tộc, của một cộng đồng. Ðó là ngày của cay đắng nở hoa.
Mới đây các quốc gia văn minh nhất của nhân loại Tây phương kể cả Nga, Ðức, Anh, Pháp, Canada, Úc, Mỹ và nhiều nước khác cùng dự lễ kỷ niệm 60 năm đổ bộ Normandie. Bây giờ chúng ta cũng là công dân của một xứ sở văn minh là Hoa Kỳ, hãy cùng nhau nhớ về ngày lịch sử 20 tháng 7 của 55 năm về trước, ghi dấu lịch sử là một cách hành xử của con người văn minh.
Một lần nữa xin nhắc lại 20 tháng 7-1954, 55 năm về trước hiệp định Genève chia đôi đất nước. Một triệu người miền Bắc di cư vào Nam. Tại sao người Việt lại rời bỏ quê hương? Câu hỏi đó dành cho quý vị.
Tiếp theo từ 30 tháng 4-1975 cho đến nay, trên hai triệu người Việt lần lượt ra đi. Tại sao người Việt lại rời bỏ quê hương? Câu hỏi đó cũng dành cho quý vị. Tại sao quý vị lại ra đi? Và trong kỳ tới, chúng tôi trở lại với một đề tài khác. Tại sao lại trở về? Tại sao lại không trở về? Trở về quê hương. Câu hỏi cho cả đời người. Câu hỏi cho cả một thế hệ. Điều này có đúng với người Việt lưu vong hay không?
Nhà thơ Ðỗ Trung Quân đã viết:
Quê hương, mỗi người có một
Như là chỉ một mẹ thôi…
Điều này có đúng với người Việt lưu vong hay không?
Hay là như Vũ Hoàng Chương đã than thở:
Chúng ta là đám người đầu thai nhầm thế kỷ
Quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh.
Có thực sự đau thương như vậy không?
Chúng ta ra đi đem theo quê hương, hay là chúng ta ra đi bỏ lại quê hương? Với con đường an cư lạc nghiệp ở xứ này, phải chăng chúng ta đang sống hạnh phúc với quê hương mới?
Giáo sư Elie Wiesel, người Mỹ gốc Do Thái sinh trưởng ở Romania, nạn nhân của nạn diệt chủng Holocaust được cứu sống lúc 16 tuổi. Nhập tịch Hoa Kỳ năm 1963. Ðoạt giải Nobel về Hòa Bình năm 1986,Ông đã nói rằng: Nơi nào tôi sống có tự do và hạnh phúc, nơi đó chính là quê hương.
Giao Chỉ

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links