23/05/2010: Đại Lễ Phật Đản Tại Chùa Điều Ngự

23/05: Đại Lễ Phật Đản Tại Chùa Điều Ngự
Category: Tôi Tìm Hiểu Đạo Phật
Posted by: Tbl Đọc: 5771 lần
Ngày Phật Ðản tại chùa Ðiều Ngự trong tôn nghiêm và đầy ý nghĩa
Sunday, May 23, 2010
KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN 2554 – DƯƠNG LỊCH 2010

Chúng tôi xin mời các bạn đọc bài tường thuật dưới đây- NN
Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt
Hàng ngàn Phật tử đã đến kính mừng Khánh Ðản Ðức Thích Ca Mâu Ni tại chùa Ðiều Ngự trong suốt ngày hôm Chủ Nhật 23 tháng 5 vừa qua.
Ðại…
… lễ chính thức đã diễn ra vào lúc 11 giờ sáng sau khi Chư Tôn Ðức Tăng Ni các nơi đã vân tập về đông đủ. Phía các hội Phật học khắp nơi năm nay cũng về khá đông. Theo ban tổ chức cho biết thì có phái đoàn Phật tử từ Denver, Colorado, các hội Phật học Florida, Houston Texas, Washington, Atlanta, Orlando, Philadelphia Viginia, Massachusett, Oregan, Seattle, Oklahoma, Nam Bắc California cùng các vùng phụ cận. Phía quan khách có các nghị viên Tạ Ðức Trí, Diệp Miên Trường và đại diện các dân cử Lou Crrea, Trần Thái Văn, Loretta Sanchez và các đại diện trong Hội Ðồng Liên Tôn. Phía cộng đồng người Việt ở Nam California thì ngoài các nhân sĩ trí thức Phật tử, vào lúc khai mạc có khoảng hơn một ngàn người ngồi kín hội trường lớn và tản mát khắp khuôn viên chùa nơi các khu bán kinh sách, vườn Tì Ni, phòng triển lãm tranh và các quán bán đồ chay gây quĩ xây dựng chùa.

 

Quang cảnh Ðại Lễ Phật Ðản tại chùa Ðiều Ngự.
Khai mạc ngày đại lễ này, Thượng Tọa Thích Viên Lý, tổng thư ký Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo, trụ trì tại chùa Ðiều Ngự và là trưởng ban tổ chức ngày Khánh Ðản năm nay, đã phát biểu qua một bài diễn văn rằng: “Cách đây 2634 năm, vì sự khổ đau của tất cả muôn loài, Ðức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn đã thị hiện đản sanh. Sự thị hiện đản sanh của Ðức Phật đã mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Từ Bi và Trí Tuệ. Bằng vào cuộc cách mạng tâm linh không tiền khoáng hậu, Ðức Phật đã giải phóng mọi nô lệ và giải thoát mọi vô minh cho vô lượng vô số chúng sanh”.
Trong một đoạn khác thượng tọa cho biết Phật Giáo qua 2 ngàn năm tại Việt Nam đã đi sâu vào tinh thần dân tộc Việt Nam với đức tính từ bi, hỉ xả, yêu chuộng hòa bình. Và, qua Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nay dưới sự lãnh đạo của Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Phật Giáo Việt Nam đã vun trồng hạt giống từ bi, cảm thông, hài hòa và bao dung trong cuộc sống xã hội. Trong đời sống vì đạo không thể lìa đời, Phật Giáo Việt Nam đã không ngừng tranh đấu cho quyền lợi làm người đặc biệt là quyền tự do tôn giáo mà chế độ hiện tại trong nước đã phá bỏ, hủy diệt. Do đó, thượng tọa kêu gọi: “Chúng ta cần hành động ngay bây giờ để bảo vệ cho một tương lai tươi sáng. Với từ bi và trí tuệ, chắc chắn chúng ta sẽ mang lại nền hòa bình thật sự cho một thế giới đầy khổ đau, bất ổn”.

Hai nhà tranh đấu nhân quyền quốc tế, Sarah Wesserman (trái) và Kristopher Anderson
đang kể lại chuyến viếng thăm Ðại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ.
Tiếp đó Hòa Thượng Thích Hộ Giác, phó tăng thống GHPGVNTN kiêm chủ tịch Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo cũng ban một đạo từ và đọc Thông Ðiệp Phật Ðản PL 2554 của Ðức Xử Lý Viện Tăng Thống kiêm viện trưởng Viện Hóa Ðạo GHPGVNTN Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ.
Thông điệp có đoạn: “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã đứng lên thể hiện nguyện vọng chính đáng thiết tha của người dân Việt. Không phải là nguyện vọng chính trị đơn thuần mà là những nguyện vọng sống còn và thiết yếu của quần chúng Việt Nam trong việc cải thiện cơ bản trên các lãnh vực văn hóa, đạo đức, kinh tế, xã hội, chính trị. Ngày nay còn thêm nạn ngoại xâm uy hiếp phần biển, lấn đất, lấn rừng. Phật Giáo không chủ trương chống đối cá nhân, tập đoàn mà chỉ đối kháng sự độc đoán, bất lực, hủ hóa, phi đạo lý, cùng những chính sách sai lầm đang đẩy dần dân tộc vào con đường nô lệ, diệt vong”.
Phân tích bản thông điệp năm nay, Giáo Sư Võ Văn Ái, phụ trách Phòng Thông Tin Phật Giáo từ Paris qua, đã nhấn mạnh đến ý nghĩa trong thông điệp. Ðó là Phật Giáo Việt Nam nay đã không chỉ nói lên nhân sinh quan mà còn nói lên cả thế giới quan của người Phật tử. Thông điệp đã nhắc đến lịch sử nhân loại vì các sự va chạm văn hóa và các tôn giáo nên đã dẫn đến chiến tranh tàn khốc. Nhưng với bước chân chinh phục của Ðại Ðế A-Lịch-Sơn (Alexandres) khi đến Ấn Ðộ đã phải hòa đồng vì nền văn hóa Phật Giáo. Giáo Sư Ái còn đưa ra nhiều sự kiện khác để minh chứng rằng chính văn hóa Phật Giáo đã từ đức từ bi mà có hòa nhập mang lại hòa bình…

Vườn Lâm Tì Ni, nơi Ðức Phật ra đời, được chùa Ðiều Ngự dựng lại trong khuôn viên chùa.
Hòa Thượng Thích Chánh Lạc phó viện trưởng Viện Hóa Ðạo kiêm tổng ủy viên Hoằng Pháp Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo cũng đề cập đến mục đích của sự thị hiện của Ðức Thích Ca Mâu Ni là để “Nhân Duyên Khai Thị Ngộ Nhập”. Hòa thượng giảng Khai là Mở ra, Thị là cho thấy, Ngộ là để Hiểu biết nhận chân và Nhập là để hòa vào. Ðức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni thị hiện chính là để giúp cho chúng ta biết mở ra để thấy bản lai diện mục sự vật mà nhập vào cõi sinh tử cho có ý nghĩa. Hòa tượng giải thích rằng mọi sự vật biến thiên nên hiện hữu chỉ là cái vô thường thì đừng vì cái vô thường mà tranh chấp, triệt hạ nhau, thay nhau làm khổ tạo ra cái thế giới trùng trùng nghiệp chướng. Hãy tìm đến con đường “Vô Ngã Vị Tha” để giải thoát cho mình và giải thoát cho người.
Cũng trong dịp này, hai nhà tranh đấu nhân quyền quốc tế là bà Sarah Wasserman và ông Kristopher Anderson cũng đến tham dự Ngày Phật Ðản với cộng đồng người Việt và kể lại chuyện vượt mọi khó khăn, ngăn chặn, kể cả ngăn chặn bằng võ lực thô bạo của công an CSVN để đến được với Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, người mà cả hai đều ngưỡng mộ về tinh thần tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo.
Gần cả ngàn Phật tử đã yên lặng và trật tự lắng nghe những chỉ hướng của các bậc chân tu trong mùa Phật Ðản năm nay. Chắc chắn mọi người đều đã tai nghe những lời giảng pháp và mắt cũng đã nhìn thấy những khẩu hiệu được giăng hai bên phòng hội. Nào là “Ðức Phật xuất thế không ngự trị thế gian mà chính là khai mở trí tuệ, giải thoát tham ái cho hết thẩy muôn loài”. Nào là “Hãy tự thanh tịnh để tịnh hóa tha nhân”. Và nếu có lơ đãng thì khi ra về cũng qua những quầy bán kinh sách lấy tiền tùy hỷ xây chùa. Nơi những quầy này, các sách về giáo lý đạo Phật, tìm hiểu đạo Phật… được bầy bán rất nhiều. Từ những biên khảo Phật học của hòa thượng Thích Trí Quang, Thích Chánh lạc, Thích Trí Thủ cho đến những tác phẩm tìm hiểu sâu xa về đạo Phật dưới những cái nhìn khoa học của các cư sĩ trí thức Phật Giáo… nên Phật tử đến tham dự ngày Khánh Ðản Ðức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni đã được sống trong một không khí tôn nghiêm nhưng đầy thân tín và ý nghĩa cho mình học hỏi.
Sau những phần nói chuyện, chương trình ngày Phật Ðản tại chùa Ðiều Ngự tiến hành những nghi thức Tắm Phật trong lễ Mộc Dục, lễ Phóng Sinh. Lễ Mộc Dục có thuyết cho rằng khi đức Phật sinh ra được tắm bằng hai dòng nước nóng lạnh thể hiện những khổ ải mà Ngài sẽ phải chịu đựng để hóa giải sự vật và giác ngộ chúng sanh. Từ đó trong bất cứ một lễ Phật đản nào tại bất cứ nơi nào cũng phải có lễ Mộc Dục.
Sau cùng một chương trình văn nghệ mừng ngày Ðản Sinh của Ðức Phật do các em trong Gia Ðình Phật tử chùa Ðiều Ngự phụ trách trình diễn cho đến hơn 8 giờ tối mới chấm dứt ngày đại lễ.
* Nguồn: Người Việt- Hình Đức Phật Thích Ca do NN sưu tầm *

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links