Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú :1/Thư đi tin lại-Kỳ 16- 2/Tăng-Già -Vào chùa-Tu thế nào?

31/07: Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú :1/Thư đi tin lại-Kỳ 16- 2/Tăng-Già -Vào chùa-Tu thế nào?
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4923 lần
THƯ ĐI TIN LẠI – Kỳ 16
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú – Montreal 2010

127 – 1/ Trên đường từ Sài Gòn ra Vũng Tàu,cách Sài Gòn chừng 70 km, có chùa tên là Đại Tùng Lâm (xã Phú Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Phước Tuy). Chùa rộng đến trên 100 mẫu, do HT Thích Thiện Hoa khai phá rừng hoang lập nên từ năm 1958 . Chỗ này phong cảnh đẹp, sau lưng là núi,…
… trước mặt là sông . [Ghi chú: nơi rừng có cây to, chư tăng tu học thì gọi là tùng lâm . Lớn hơn là đại tùng lâm].
2/ Thích-Ca Phật Đài ở Vũng Tàu dựa trên sườn núi Lớn, vào khoảng năm 1969 . Tượng đức Thích-Ca ngồi kiết già, cả bệ lẫn tượng cao hơn 10 m, màu trắng . Đặc biệt có một cây bồ-đề mang từ Tích_lan sang, nay đã lớn nhiều .
TB- Đó là nói các chi tiết cũ, đạo hữu nào có chi tiết mới hơn, xin cho mọi người cùng biết .
128 – Tôi không biết về Mật Tông, nên chỉ tra Phật học từ điển Đoàn Trung Còn giúp đạo hữu : Theo phái Mật giáo, đức Đại Nhật Như Lai bao gồm và thay thế cho tất cả các đức Phật . Đức Thích- Ca Như Lai cũng là một với Đại Nhật Như Lai . Theo chữ Phạn, tên ngài viết là Mahavairocana, phiên âm thành Ma-ha-tì-lo-già-na, dịch nghĩa là Đại Nhật Như Lai . Căn cứ vào hai tên khác của ngài là Biến Chiếu Như Lai và Thường Trụ Tam Thế Diệu sắc Thân Như Lai thì ta hiểu rằng tên ngài mang nghĩa cả về không gian lẫn thời gian . Vậy không khác gì đức Phật A-Di-Đà của Tịnh độ Tông (Phật A-Di-Đà có hai danh hiệu là Vô Lựơng Quang, Vô Lượng Thọ, ý nói về không gian và thời gian)
Có một quan niêm về một đức Phật ban đầu gọi là A-Đề Phật (Adi-Buddha) hay Tối Thắng Phật, hay Tối Thượng Phật, thống lãnh hết thảy chư Phật và chư Bồ-Tát vì tất cả đều do ngài mà phát hiện ra . Đức A-Đề Phật hóa ra năm vị Phật ở năm phương : Trung ương là Đại Nhật Phật, phương Đông là Bất Động Phật tức A-súc-bệ Phật, phương Nam là Bảo-Sanh Phật, phương Tây là Vô Lượng Thọ tức A-Di-Đà Phật, phương Bắc là Bất-Không Thành Tựu Phật . Năm vị Phật ấy gọi là Thiền-Na Phật vì liên quan đến thiền đinh .
There are five Dhyani Buddhas who symbolize the various aspects of enlightened consciousness . The five are distinguished for the purposes of meditation, but basically they are manifestations of a single Buddha principle . They are : Vairocana, Akshobya, Ratnasambhava, Amitabha, Amoghasiddhi .{Theo từ điển Shambala}.
129 – Chữ Nirvana (sankrit) và Nibbana (pali) phiên âm là Niết-bàn, dịch là tịch diệt, nói ngắn là tịch . Tịch nghĩa là vắng, diệt nghĩa là dứt, tịch diệt nghĩa là dứt hết phiền não, tâm được vắng lặng, xa lìa hết thảy các pháp hữu vi (nghĩa là pháp còn tạo ra nghiệp). Như vậy, Niết-bàn là một trạng thái của tâm, không phải là một nơi chốn để đi đến . Phải nhập Niết-bàn rồi hay chứng ngộ thật cao rồi mới biết chứ phàm phu chúng ta thì chịu .
Có sách nói rằng : khi chúng ta biết đi xe đạp, thì cái biết ấy nó ở chỗ nào trong thân chúng ta, ở tay, ở chân, ở mắt, ở óc ? Cũng có chỗ nói : cọ hai cây gỗ khô vào nhau, lửa bật ra . Trước đó, lửa ở chỗ nào trong thanh gỗ ?
130 – 1/ Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên năm 23 tuổi, làm quan giữ nhiều chức lớn, nhiều lần đi sứ sang Tàu . Ông viết sách có giá trị như Thích điển giáo khoa, Phật kinh thập giới và Đại thành toán pháp (sách về Phật và Toán). Người ta nói rằng tên ông không được khắc vào bia ở Văn Miếu là vì ông theo đạo Phật và viết sách về đạo Phật (những nhà Nho thời đó nắm chính quyền và không ưa đạo Phật).
2/ Tống Nho là Nho giáo đờì Tống bên Tàu (Tống, 420-479), đó là thứ Nho giáo chỉ còn ưa chuộng hình thức, quên hết cái gốc đạo của đức Khổng Tử .
131 – Lá bối là lá của cây bối (gọi cho đủ là cây bối-đa-la). Lá này dài, rộng, sáng, mịn, nên thuở xưa, người ta chép kinh chữ Phạn lên đó . Dùng theo nghĩa rộng thì lá bối hay bối diệp là chữ dùng để chỉ kinh điển nhà Phật .Bối-đa-la-thọ : latanier, palmier à sucre, một loại với cây dừa nước, cây thốt nốt .
Lá bồ-đề là lá của cây bồ-đề, nơi đó, đức Thích-Ca thành đạo . Thật ra, cây ấy là cây pippala (tất-bát-la), sau khi đức Phật giác ngộ (bodhi, bồ-đề) thì cây đó được gọi là cây bồ-đề . Cây này ngày nay hãy còn .
Đức Thích-Ca nhập diệt tại rừng cây sa-la (sankrit : Sa`la). Cây này có gốc sinh đôi,mọc như hai sừng trâu nên mắc võng dễ dàng (nên mới có tên sa-la song thọ).
132 – Chắc còn phải bàn luận nhiều về vấn đề “Phật giáo có mê tín hay không ?” . Đạo hữu nêu vấn đề kinh Dược sư với nhiều chi tiết như dùng chỉ ngũ sắc, lập đàn, kéo dài mạng sống v.v.. Tôi đồng ý với đạo hữu là “thấy kỳ kỳ làm sao ấy” . Chúng ta lên tiếng ở đây rồi chờ các vị có “thẩm quyền” có ý kiến .
Tôi trích ra đây đoạn đầu của bài “Nghiệp báo và tự do qua truyện Kiều” của Nguyễn thị Sông Hương (Tập san Làng Văn số 25,tháng 9-86) : “Nói đến tôn giáo, người ta thường nghĩ đến thần quyền và giáo điều . Phật giáo, trái lại, không chấp nhận thần quyền và giáo điều vì Phật đã dạy rằng :”Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh, nhữ thi đương thành Phật, ngã thị dĩ thành Phật ‘ (ghi chú : hết thảy chúng sinh đều có Phật Tánh, chúng sanh là Phật sẽ thành, ta là Phật đã thành). Căn bản giải thoát của đạo Phật là tự lực, là phá trừ kiến chấp, là nắm vững tinh thần vô trước . Nói cách khác, Phật giáo chủ trương một tinh thần khai phóng hoàn toàn trên căn bản tự do, ngay cả với lời dạy của đức Phật ; đức tin chỉ có sau khi mình đã thấu triệt điều mình tin . Người con Phật là người có ý thức, biết tư tưởng và có tự do nên ta chịu trách nhiệm hoàn toàn về tất cả những gì lien hệ đến cuộc sống của chúng ta”.
Lý thuyết đúng như vậy .Trên thực tế, khi tới bất cứ chùa nào, chúng ta thấy bao nhiêu phần trăm phật tử biết và theo điều nói trên đây ?
133 – Đọc pháp danh của đạo hữu,tôi bỗng nhớ đến bóng dáng của thày Tuệ Hải gần chùa Pháp Hoa gần cầu Trương Minh Giảng và hồi tưởng lại lúc thày lảo đảo đứng đậy trong khi đang tung kinh Dược Sư, sau đó vô bệnh viện và mấy ngày sau thì thày tịch . Đám tang của thày đông người dự đến nỗi kéo dài từ chùa Pháp Hoa sang tới chùa Vĩnh Nghiêm .
Ngài Phổ Hiền Bồ-tát không phải là một nhân vật lịch sử như đức Phật Thích-Ca . Phật và Bồ-tát nào cũng đủ hai đức Bi và Trí, đức Phổ Hiền hiển nhiên cũng thế, tuy nhiên, ngài tượng trưng cho Hạnh (hay Hành: làm, đi, thực hành). Vì thế chúng ta mới niệm “Nam mô đại hạnh Phổ Hiền Bồ-tát” . Các kinh lớn như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Viên Giác ở những phẩm cuối đều đề cập đến ngài Phổ Hiền ; điều đó chứng tỏ rằng đạo Phật là đạo để thực hành chứ không phải để nghiên cứu xuông . Trong chữ tu hành, rõ ràng là có chữ hành . Hành là đi, đi trên con đường, đường nào? Phật đạo !
Tên ngài theo chữ Phạn là Samantabhadra, phiên âm là Tam-man-đa-bạt-đà-la . Theo nghĩa thì Samanta là Phổ, Bhadra là Hiền .
134 – May quá tôi tìm được chữ Huệ nhãn trong cuốn sách nhỏ hơn 20 trang, “Giáo huấn cao thượng của đức Phật” do hòa thượng Mahasi soạn, thiền sư Kim Triệu hiệu đính, Khánh Hỷ dịch, ấn tống 1994, chép ra đây để thay cho câu trả lời đạo hữu : Đức Phật dạy chúng ta thực hành Bát chánh đạo để mở huệ nhãn và tự mình thành tựu thánh trí . Huệ nhãn ở đây là sự hiểu biết,được gọi là con mắt trí tuệ vì huệ nhãn thấy rõ như thấy bằng mắt . Huệ nhãn thấy rõ mọi tác động thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và hiểu biết, bất kỳ kinh nghiệm gì cũng chỉ là những hiện tượng tâm-vật lý cùng nhân quả mà thôi . Huệ nhãn cũng đồng thời tự kinh nghiệm, nhận biết rằng chẳng có cái ta trường tồn vĩnh cửu ; tất cả chỉ là sự biến đổi liên tục của hiện tượng tâm-vật lý vô bản thể . Chứ không phải là sự tin tưởng mù quáng thâu nhận từ một vị thày nào, cũng không phải là sự nhắm mắt tin càn những lời dạy của đức Phật . Bởi thế lời dạy của đức Phật được tán dương là Sanditthiko có nghĩa là “Pháp tự mình ngộ lấy qua thực hành”.
135 – Thuyết tam nhân (ba thân, phạn trikaya)là một thuyết của đại thừa nói rằng Phật có ba thân . Một là pháp thân (dharmakaya), bao trùm khắp thế giới, đó là bản thể của sự sự vật vật . Hai là báo thân (sambhogakaya), với 32 tướng đẹp và 80 vẻ đẹp khác (mà chỉ các vị bồ-tát tu chứng cao mới thấy), đó là do công đức tu hành . Ba là hóa thân hay ứng thân (nirmanakaya), hiện ra thân theo ý muốn để cứu độ chúng sinh . Đó là nói đại khái như vậy, nếu đi sâu vào các tong phái, thì còn nhiều chi tiết .
Trong cuốn Ngộ tánh luận, ngài Bồ-đề-đạt-ma viết :”Nếu chúng sinh thường làm điều lành là hóa thân . Đương tu trí tuệ là báo thân . Hiện giác ngộ vô vi là pháp thân” (bản dịch của HH Trí Tịnh, chùa Vạn Đức ở Thủ Đức ấn tộn, PL 2517,tr. 57), đó là một cách nhìn thật hay .
Trikaya (three bodies) refers to three bodies possessed by a Buddha according to the Mahayana view . The basis of this teaching is the conviction that a Buddha is one with the absolute and manifests in the relative world in order to work for the welfare of all beings . (Từ điển Shambala).
(Còn tiếp)
*********************************
PHẬT HỌC ÔN TẬP – BƯỚC VÀO CỬA PHẬT- Quyển 1- Montreal 2010
Hoằng Hữu NGuyễn Văn Phú
Bài 40. TĂNG – GIÀ
Đến chùa, chúng ta thường nghe nói đến Tam Bảo, tức là ba thứ quý. Đó là Phật, Pháp và Tăng. Phật là đấng giác ngộ, tự giác, giác tha, giác hành viên mãn. Trong nhiều trường hợp, nói Phật là có ý nói đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni. Chữ pháp nghĩa rất rộng, nhưng khi viết với chữ P hoa thì Pháp nghĩa là những lời dạy của đức Phật Thích-Ca. Tăng là chữ mà ta nghe nói luôn nhưng chữ này nghĩa khá rộng.
Thoạt nghe, chúng ta nghĩ ngay đến nghĩa tăng là nhà sư, tỳ-kheo … dùng trong những danh từ như tăng, ni, chư tăng ni, tăng lữ, tăng phòng, cúng dàng trai tăng. Tăng là do chữ tăng-già nói ngắn. Tăng-già lại do chữ Phạn samgha phiên âm mà ra. Tăng-già là đoàn thể hiệp lại tất cả các nhà sư có thọ cụ túc giới [nghĩa là giới đầy đủ. Tăng giữ 250 điều, ni giữ 348 điều], giữ gìn tịnh hạnh, ít nhất ba vị sư hòa hiệp tại một chỗ mà tu thì mới gọi là tăng. Chữ Tăng-già được dịch là Hòa, Chúng, Hòa hợp chúng, Hòa hợp tăng. Trong danh từ “Phật Pháp Tăng” thì chữ Tăng là để chỉ sự tập hợp chứ không chỉ cá nhân.
Coi tiểu sử đức Phật Thích-Ca, ta thấy rằng sau khi thành Phật dưới gốc cây bồ-đề, ngài thốt lên những lời vui mừng và nhịn ăn luôn nhiều ngày để tận hưởng niềm an lạc trong Niết-bàn. Ngày thứ 50, có hai thương gia đi qua, họ cúng dường ngài bột khô và mật ong và xin quy y Phật, Pháp. Sở dĩ lúc đó chỉ có Nhị Bảo vì ngài chưa nhận ai làm môn đồ cả. Hai người này, tên là Tapassu và Bhallika, là hai cư sĩ đầu tiên. Họ xin Phật một thứ gì để chiêm bái; Phật rứt mấy sợi tóc mà cho họ (nay thờ ở chùa Shve Dagon, tại thủ đô nước Miến Điện).
Đức Phật chưa muốn đem giáo pháp của ngài ra quảng bá, nhưng do trời Phạm thiên thỉnh cầu, ngài quyết định hoằng pháp. Ngài nghĩ đến hai đạo sĩ trước kia đã dạy thiền cho ngài, nhưng nhờ thần thông ngài biết cả hai đã qua đời. Ngài nghĩ đến năm người cùng tu với ngài là nhóm ông Kiều-Trần-Như. Ngài bèn đi đến Vườn Nai ở thành Ba-La-Nại và thuyết pháp cho họ nghe. Bài pháp đầu tiên này ghi trong kinh Chuyển pháp luân (nghĩa là Quay bánh xe Pháp), nội dung là Tứ diệu đế.
Năm người được khai ngộ: ông Kiều-Trần -Như chứng quả tu- đà- hoàn, bốn ông kia sau cũng chứng quả tu-đà-hoàn. [ Sau nữa, khi nghe kinh Vô ngã tướng, cả năm mới đắc quả a-la-hán. Theo thứ tự từ thấp lên cao, tứ quả là: tu-đà-hoàn, tư-đà-hàm, a- na-hàm, a-la-hán].
Như vậy, ngoài 2 cư sĩ, đức Phật có 5 vị tu-đà-hoàn. Rồi ngài thu nhận thêm một đệ tư, đó là ông Da-Xá, ông này con nhà giàu nhưng nhàm chán thế gian, gặp Phật, nghe Pháp rồi quy y Tam Bảo. Cả cha, mẹ và vợ ông cũng xin quy y, đều là cư sĩ. 54 người bạn của ông Da-Xá cũng theo gương và như ông Da-Xá, tất cả đều trở thành a-la-hán. Vậy vào lúc này, Giáo Hội đã có 60 a-la-hán, 5 cư sĩ (3 nam, 2 nữ). Đức Phật khuyên các vị tăng đi hoằng pháp khắp nơi, còn ngài thì đi một mình.
Giáo Hội mỗi ngày một đông thêm, càng đông thì càng nhiều vấn đề, mỗi khi có một việc xẩy ra, đức Phật lại chế ra một giới. Trong cuộc kết tập lần thứ nhất do ngài Ca-Diếp chủ tọa, ngài Ưu-Bà-Ly đọc toàn thể các giới luật, sau này trở thành một trong Tam tạng (Kinh, Luật, Luận). Trong số các đệ tử, nhiều vị đắc quả cao là quả a-la-hán. Đó là quả cao nhất trong tứ quả của thanh văn (nghĩa đen là các người nhờ “nghe pháp”của Phật mà chứng quả). Người ta căn cứ vào 3 nghĩa sau này để giải nghĩa chữ a-la-hán, gọi ngắn là la-hán:
1/ sát tặc, đã giết hết giặc phiền não.
2/ ứng cúng, xứng đáng được thiên và nhân cúng dường vì đã dứt hết các lỗi lầm.
3/ bất sanh, chẳng còn sanh ra ở cõi thế gian nữa.
Khi nghe kể các cuộc kết tập, ta thấy kể 500 vị la-hán ở kỳ I, 700 vị ở kỳ II và 1000 vị ở kỳ III … Ngoài ra ta còn nghe kể 16 vị la-hán đi ra các nước ngoài để quảng bá đạo Phật (nhiều chùa xưa có vẽ hình thập lục la-hán, có nơi nói tới 18 vị!).
Trong số các đệ tử của đức Phật, có 10 vị gọi là thập đại đệ tử kể sau đây:
1. Ngài Xá-Lỵ-Phất, trí huệ đệ nhất
2. Ngài Mục-Kiền-Liên, thần thông đệ nhất
3. Ngài Ma-Ha Ca-Diếp, đầu đà đệ nhất
4. Ngài A-Na-Luật, thiên nhãn đệ nhất
5. Ngài Tu-Bồ-Đề, giải không đệ nhất
6. Ngài Phú-Lâu-Na, thuyết pháp đệ nhất
7. Ngài Ca-Chiên-Diên, luận nghĩa đệ nhất
8. Ngài Uư-Bà-Ly, trì luật đệ nhất
9. Ngài La-Hầu-La, mật hạnh đệ nhất
10. Ngài A-Nan-Đà, đa văn đệ nhất.
Đã nói đến Tăng-già, không thể bỏ quên thế nào là Lục Hòa Kính gọi ngắn là Lục Hòa và Tăng-già còn có tên là Lục hòa tăng. Đó là sáu điều mà tăng, ni phải tuân theo khi sinh hoạt trong đoàn thể. Chữ hòa và chữ kính được nhấn mạnh, cho nên khi giải thích sáu điều, lúc nào cũng phải nêu lên hai ý hòa và kính.
Lục hòa là những gì? Đó là:
1/ Giới hòa ( Đồng giới hòa kính hay Giới hòa đồng tu): vì cùng tuân thủ giới luật của nhà Phật, nên phải hòa thuận với nhau, kính trọng lẫn nhau.
2/ Kiến hòa (Đồng kiến hòa kính hay Kiến hòa đồng giải): vì cùng thờ kính Phật, cùng học và hành giáo pháp của đức Phật nên kiến thức, hiểu biết hòa nhau.
3/ Lợi hòa (Đồng lợi hòa kính hay Lợi hòa đồng quân): chung hưởng đồ cúng dường của bá tánh một cách hòa thuận, ái kính.
4/ Thân hòa (Thân từ hòa kính hay Thân hòa đồng trụ): vì ở chung một nơi mà tu học, đông người thiếu chỗ, cho nên phải từ hòa, kính nhường nhau trong mọi hành động.
5/ Khẩu hòa (Khẩu từ hòa kính hay Khẩu hòa vô tranh): nơi tu học chật chội, dễ xẩy ra va chạm, phải nhường nhịn nhau lời ăn tiếng nói để giữ không khí an hòa, ái kính trong tự viện.
6/ Ý hòa (Ý từ hòa kính hay Ý hòa đồng duyệt): đã sống chung trong chùa hòa kính, lời nói giữ gìn, lại phải hòa kính về ý tứ nữa, chia sẻ vui buồn, không làm mất lòng nhau.
Không những là giữ lục hòa với các sư trong chùa mình mà còn phải giữ lục hòa đối với các sư chùa khác nữa, có như thế mới là hiểu nghĩa chữ Giáo Hội.
Lục hòa coi như chất keo sơn làm cho sư đoàn kết trong Giáo Hội được vững vàng, làm cho lòng tương thân tương kính giữa các vị xuất gia ngày càng gia tăng, làm cho uy tín của giáo hội lên cao vì bá tánh nhìn thấy giáo hội là một khối thuần nhất sinh hoạt đúng theo giới luật , đồng thời rèn cho tu sĩ biết tự chế, dẹp dần cái ngã của mình, từng giờ từng phút áp dụng lý thuyết vào thực hành, làm cho Giáo Hội không những lớn lên mà còn mạnh thêm.
Ước mong rằng tinh thần lục hoà luôn luôn hiện hữu và tăng trưởng dù rằng đức Từ Phụ đã nhập Niết-bàn từ hơn 25 thế kỷ nay!
Đôi khi chúng tôi nghe thấy chỗ này chỗ khác phàn nàn về vài người xuất gia không giữ đúng giới luật làm cho Phật tử chán ngán, chẳng muốn đến chùa. Xin thưa rằng tình trạng này không hiếm, ngay trong lịch sử nước ta cũng đã có lần ghi rằng “số tăng sĩ đông hơn phu dịch” để nói lên sự kiện “trốn việc quan đi ở chùa”.
Đạo Phật khuyên ta rằng: “Y pháp, bất y nhân” ! □
GHI CHÚ.
● Theo Từ điển Phật học Hán Việt: Tăng Bảo = Thánh chúng Tam thừa tức Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, đã phát chân vô lậu trí, trở thành phúc điền được đời kính trọng quy theo. Nếu cần nêu Pháp Bảo thì có thể chọn cả những vị phát tâm tu đạo trở lên … Tăng-già = chỉ người tín thụ giáo lý của đức Phật tu hành, tuân theo đạo đó mà nhập thánh đắc quả. Cũng chỉ người xuất gia cắt tóc, theo học đạo Phật đà… hoặc còn chỉ đoàn thể tín thụ Phật pháp, tu hành Phật đạo … Ngoài ra, Tăng là tiếng gọi chung cho tì-khiêu và tì-khiêu-ni, sau này gồm cả sa-di và sa-di-ni. Tì-khiêu là đại tăng, sa-di là tiểu tăng …
● Theo the Shambala Dictionary. of Buddhism & Zen: In a narrower sense, the samgha (sangha) consists of monks (bhikshu), nuns (bhikshunì) and novices (shrāmanera). In wider sense, the sangha also includes lay followers (upāsaka).□
…………………..
Bài 41. VÀO CHÙA
Chùa là nơi thờ Phật, có tăng hoặc/và ni ở. Dịch là pagode, pagoda, cũng có nơi dịch là temple bouddhique, buddhist temple. Trong tiếng pali mà đức Phật dùng để thuyết pháp, có chữ thūpa, sanskrit là stūpa, chữ Tích Lan là dagoba. Nghĩa đen là búi tóc (hair knot) nhắc đến một nét đặc thù tròn tròn của kiến trúc Phật giáo Ấn Độ. Thoạt đầu, stūpa là nơi thờ xá lợi của đức Phật Thích-Ca hay các thánh tăng, sau chỉ là nơi thờ Phật, coi như đức Phật còn hiện diện. Ta phiên âm chữ stūpa là phù-đồ (“dù xây chín đợt phù-đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”).
Có người bàn rằng chữ chùa của ta là do chữ phù-đồ mà ra, tôi không dám chắc. Lại có người nhận rằng chữ mít của ta là do chữ paramita (= ba-la-mật-đa) mà ra và nói chùa nào cũng trồng cây mít, gỗ mít dùng làm mõ, tượng … Xin nhường cho các nhà ngôn ngữ học quyết định.
Chùa chiền là danh từ để chỉ chung các chùa. Có một ông nói rằng chiền là do chữ thiền mà ra. Tôi không có ý kiến.
Đình là nơi thờ thành hoàng của làng, đồng thời là nơi hội họp của làng.
Đền (temple) là nơi thờ thần thánh hoặc những nhân vật được thần thánh hóa, thí dụ như đền Kiếp Bạc thờ đức Trần Hưng Đạo, đền Sòng thờ bà Chúa Liễu Hạnh …
Miếu là một cái đền nhỏ thờ những thần “thấp” hơn, thí dụ: miếu thổ địa.
Miễu thì nhỏ hơn miếu, thí dụ: miễu âm hồn.
Am có hai nghĩa: đó là chùa nhỏ của tư gia, hoặc là nơi cất sơ sài nơi vắng vẻ dành cho người muốn xa cảnh náo nhiệt.
Tĩnh là một cái bàn thờ thần thánh.
Văn miếu, văn từ, văn chỉ là nơi thờ đức Khổng tử, các bậc tiên hiền hay các danh nho.
Thông thường, trước cửa chùa, có một cây đa cổ thụ, với các rễ phụ lớn nhỏ chằng chịt.
Cổng chùa gọi là cổng tam quan, với ba cửa, cửa giữa lớn hơn hai cửa bên. Ngày lễ, ba cửa cùng mở. Ngày thường, chỉ mở một cửa bên thôi. Có chùa đặt gác chuông ở trên cổng tam quan. Phải trèo thang lên mà thỉnh chuông (= đấm chuông). Qua cổng tam quan là sân chùa với một số cây đại và cây cảnh (= cây kiểng). Hai bên sân là nhà khách và nơi trụ trì của tăng ni, nhiều chùa xây hai dãy nhà này về phía sau. Hết sân là đến nơi thờ Phật tức là nơi quan trọng nhất.
Chánh điện là chỗ đặt các bàn thờ, ngăn cách với bái đường là nơi tăng ni và Phật tử hành lễ. Đứng ở bái đường nhìn lên thì thấy hoành phi với mấy chữ nho lớn như Đại Hùng Bảo Điện hoặc Thiên Nhân Sư .
Thờ những vị nào? Tại các chùa Nam tông thì người ta chỉ thờ đức Thích-Ca mà thôi. Còn tại các chùa Việt Nam theo Bắc tông, thì thờ nhiều vị.
Trên cùng là tượng tam thế gồm ba vị Phật giống nhau tượng trưng cho các vị Phật quá khứ, hiện tại và vị lai.
Bậc thứ nhì, thờ tượng Phật A-Di-Đà với hai phụ tá là Bồ-tát Quán Thế Âm và Bồ-tát Đại Thế Chí (ngài Quán Thế Âm cầm bình nước cam lồ, ở bên trái của đức Phật). Đó là Di-Đà tam tôn hay Tây phương tam thánh.
Bậc thứ ba là tượng Phật Thích-Ca, hai bên là Bồ-tát Văn-Thù (Đại Trí) cưỡi sư tử xanh, và Bồ-tát Phổ Hiền (Đại Hạnh) cưỡi voi trắng. Đó là Tam Thánh.
Có chùa thờ đức Thích-Ca tay cầm hoa sen (gọi là tượng Niêm hoa) hai bên có hai đại đệ tử đứng: ngài Ca-Diếp (già) và ngài A-Nan (trẻ), đó là Thích-Ca tam thánh.
Rồi đến tượng đức Di-Lặc, vị Phật tương lai, mập mạp, phanh ngực, cười thoải mái, người bình dân gọi là “ông vô lo”,”ông nhịn mặc mà ăn”. Chung quanh có sáu đứa trẻ bám, đó là sáu tên giặc tức lục tặc, tượng trưng sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là những thứ làm cho con người chạy theo cảnh, do đó mà gây nên nghiệp (nếu chỉ thấy năm tên giặc thì ta hiểu rằng người nặn tượng đã bớt đi “ý” vì nó vô hình).
Tượng Tuyết sơn là gì? Đó là tượng đức Thích-Ca gầy gò chỉ có da bọc xương khi đang tu khổ hạnh, gọi là “ông nhịn ăn mà mặc”. Rất ít khi thấy tượng hai vị phụ tá của ngài Di-Lặc: hai Bồ-tát Pháp Hoa Lâm và Đại Diệu Tường, nếu có thì cả ba gọi chung là Di- Lặc tam tôn.
Tượng Thích-Ca sơ sinh là tượng ngài mới sinh, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, tượng cửu long hình dung chín con rồng phun nước tắm cho ngài.
Hai bên, có thể thấy hai vị ngồi trên ngai, y phục nhà vua, đội mũ vuông, đó là vua Đế Thích coi 33 tầng trời miền Đao-Lỵ và vua Đại Phạm Thiên coi Tam thiên đại thiên thế giới cõi Ta-bà (kinh sách Tàu gọi là Ngọc Hoàng thượng đế). Có chùa thay hai vua này bằng Ngọc Hoàng thượng đế và hai phụ tá làNam Tào và Bắc Đẩu.
Hai bên chánh điện, thường bày tượng hai vị bồ-tát: đức Quán Thế Âm và đức Địa Tạng. Ngài Địa Tạng cưỡi con lân, tay phải cầm tích trượng để phá địa ngục cứu tội đồ, tay trái cầm hạt minh châu soi đường. Ở đầu tích trượng, là bốn cái vòng bán nguyệt tượng trưng tứ diệu đế, mỗi vòng mang ba khoen, tất cả là 12 khoen, tượng trưng thập nhị nhân duyên. Nếu thấy tượng ngài Quán Âm với một ngàn tay, mỗi tay có một con mắt thì đó là tượng Quán Âm thiên thủ thiên nhãn.
Hai bên bái đường có tượng hai vị Hộ pháp, mặc võ phục: ông Khuyến thiện, ông Trừng ác, gọi tắt là ông Thiện, ông Ác.
Bàn thờ Đức Ông chính là bàn thờ Thổ thần trông nom đất đai tài sản của chùa.
Bàn thờ Long Vương thờ vua Rồng đã quy y Phật.
Sau bái đường, có bàn thờ tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma, bàn thờ các vị tổ sáng lập tông phái và chùa, và bàn thờ vong thờ những phật tử quá vãng.
Có cả bàn thờ các phật tử vị pháp vong thân.
Chùa nào rộng, thì cho vẽ thêm hình Thập điện Diêm vương và Thập lục hoặc Thập bát la-hán. Có chùa lại còn thờ chư vị, không liên quan gì đến đạo Phật!
Sau nhà bếp, nhà kho, nơi làm tương, làm đậu … là một khoảng đất rộng với giếng nước, vườn rau và vài cái tháp, nơi chôn các vị tăng của chùa đã viên tịch. □
************
Bài 42. TU THẾ NÀO ?
Đề tài “Tu thế nào?” thật ra không phải là một đề tài dành cho tôi. Lý do rất đơn giản: tôi đã tu gì đâu mà dám nói! Chưa biết bơi mà lại nói chuyện bơi, như thế nào thì quả là “bạo phổi”. Nhưng đã lỡ nhận lời với ban Hoằng pháp thì tôi đánh bạo tra cứu sách vở rồi tóm tắt lại đem ra đây mà đọc, mong quý đạo hữu thông cảm mà tha thứ cho những điều sai lầm và thiếu sót.
Chúng ta ai cũng biết truyện Kiều, trong đó có nhiều câu bộc lộ ảnh hưởng Phật giáo, ở đây tôi xin đưa ra hai câu này: “Có trời mà cũng tại ta, tu là cội phúc, tình là giây oan.” (câu 2657-2658). Nói đến thiên mệnh là dính líu đến Khổng giáo. Nói đến ta chịu trách nhiệm về thân khẩu ý của ta, gây nghiệp là do ta, làm cho nhẹ đi cái ác nghiệp là do ta, thoát khỏi nghiệp sinh tử luân hồi cũng do ta, đấy là lý thuyết Phật giáo. Chúng ta hãy để ý đến câu tu là cội phúc (cội là gốc cây già và lớn). Cụ Nguyễn Du rõ ràng là muốn khuyên chúng ta tu rồi còn gì, nhưng cụ chỉ mới giới thiệu chút chút thôi, cụ chỉ nêu vấn đề phúc (hay phước) và chưa khai triển chữ huệ, vì có đủ hoàn toàn phước và huệ thì mới thành Phật được!
Vấn đề là: tu thế nào? Đời nhà Đường ở bên Tàu, có một ông thi sĩ nổi tiếng về những bài Trường hận ca và Tỳ bà hành, đó là Bạch Cư Dị, học Nho, thi đậu, ra làm quan nhưng lại mộ đạo Phật, nên có một bút hiệu là Hương Sơn cư sĩ. Ông ta đến thăm thiền sư Ô Sào, là người sống ở trên một cây tùng lớn có tán xòe rộng và hỏi thiền sư rằng : “Thế nào là đại ý Phật pháp?”. Thiền sư trả lời : “Các việc ác chớ làm, hãy làm các việc thiện, giữ tâm ý cho trong sạch”. (Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý). Bạch Cư Dị nói: “Điều đó đứa trẻ lên ba cũng biết”. Thiền sư bảo: “Nhưng ông già tám mươi cũng khó làm được”. Thế là dạy làm lành tránh dữ, rất đơn giản. Nói đúng thì tôn giáo nào, luân lý nào cũng dạy như vậy. Còn câu “giữ tâm ý cho trong sạch” thì khó hơn. Chúng ta hơi ngạc nhiên vì thường thường thì câu trả lời của các thiền sư rất là khó hiểu. Thí dụ như khi được hỏi thế nào là đại ý Phật pháp, thì một thiền sư đã trả lời: “Ba cân gai”. Chúng ta không nên bận tâm moi óc tìm hiểu vì đó là câu trả lời của một ông thày cho riêng một đệ tử, thày trò người ta thông cảm bao nhiêu lâu rồi, nay chỉ cần một chữ để khai ngộ mà thôi. Trong trường hợp ông thi sĩ phóng khoáng thích ngâm thơ và uống rượu thì một câu trả lời nói trên đây là quý rồi! Có lẽ ông thi sĩ với bằng cấp cao đó chờ đợi một câu trả lời sâu xa hơn.
Khi nói rằng có tới 84 ngàn pháp môn để tu, là muốn nói có rất nhiều cách tu. Tông phái nào có phương pháp tu của tông phái đó. Xưa kia, có nhiều tông phái lắm. Nay còn lại ba tông phái chính là Mật tông, Thiền tông và Tịnh độ tông. Ai tu theo Mật tông sẽ được sư phụ “bí mật” truyền pháp, người ngoài khó mà thông suốt được. Thiền tông dạo này được nhắc đến khá nhiều, nhưng đa số lầm thiền và Thiền tông. Thiền tông là một tông phái dùng phương pháp thiền để “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Có người hiểu nông cạn: thiền là cách thở hít, là một phương pháp dưỡng sinh chống stress. Lại có người chê cười vì nghe thấy chuyện “thiền ôm”, kể trên Internet. Bây giờ tôi chỉ đưa ra mấy câu này, chép nguyên văn trong sách Thiền tông Việt nam cuối thế kỷ XX của thiền sư Thích Thanh Từ :
« Để thấy rõ nét lối dung hợp phép tu qua ba vị Tổ (Nhị tổ Huệ Khả, lục tổ Huệ Năng, sơ tổ Trúc Lâm tức vua Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng để đi tu), chúng tôi cô đọng bằng những phép tu:
1. Biết vọng không theo, vì vọng tưởng là những tâm niệm hư ảo.
2. Đối cảnh không tâm, vì cảnh là tướng duyên hợp, giả dối tạm bợ.
3. Không kẹt hai bên, vì đối đãi là không thật.
4. Hằng sống với cái thật, không theo cái giả, vì giả là luân hồi, thật là giải thoát ».
Đại đa số Phật tử Việt Nam tu theo pháp môn niệm Phật của Tịnh độ tông. Phương pháp rất đơn giản: tin vào lời nguyện của đức Phật A-Di-Đà, luôn luôn niệm hồng danh của ngài và nguyện vãng sanh về quốc độ của ngài là cõi Cực lạc ở phương Tây. Đó gọi là tín, hành và nguyện. Tin thật chắc, nguyện thật vững, hành thật siêng. Khi hành giả lâm chung, Phật A-Di-Đà và thánh chúng tới dẫn thần thức của hành giả về Tây phương cực lạc quốc. Không phãi tái sanh qua những cách thường thấy, mà sanh ra từ một bông hoa sen, “hoa nở thấy Phật, thấy chư bồ-tát”, gặp thiện tri thức chỉ lối tu hành để thành Phật quả, chứ không phải lên đó là thành Phật ngay được, lên đó được cái hay nhất là khỏi sinh tử luân hồi, còn như muốn thành Phật hay thành bồ-tát thì còn phải tu.
Niệm Phật phải chú tâm, không được để cho tâm “đi chợ” nghĩa là tâm không được suy nghĩ lăng xăng. Có người khoe rằng mỗi ngày niệm Phật được năm hay bảy chục chuỗi nhưng cái cần là có chú tâm không. Có người thì lại giải đãi, ngày có niệm, ngày không niệm. Chúng ta cần nhấn mạnh rằng: niệm Phật phải chú tâm và phải thực hành đều đặn.
Trong đời sống hàng ngày, hành giả phải gắng giữ tam quy ngũ giới và làm mười điều thiện như đức Thế tôn đã dạy trong kinh Thập Thiện. Như thế để tạo thiện căn, phúc đức và nhân duyên chuẩn bị vãng sanh. Đầy tội lỗi thì Phật nào đến rước cho được! Điều này do Đức Thế Tôn dạy trong kinh A-Di-Đà: « Ít thiện căn, phúc đức, nhân duyên, thì không thể sinh sang nước kia được đâu ».
Còn một việc nữa: đó là sám hối. Không phải là sám hối kiểu hình thức, cho đủ việc ngày 14 hay ngày cuối tháng ta, mà là chân sám hối, sám hối tội của chính mình và hứa chắc không tái phạm nữa, đồng thời tụng kinh Thủy Sám hay kinh Lương Hoàng Sám.
Đối với các đạo hữu đã biết về thức thứ tám tức là tạng thức hay a-lại-da, tôi xin nói thêm rằng: niệm Phật là cốt để huân, để ướp các chủng tử lành, thiện, tốt, sạch vào trong tạng thức, dẹp các tạp niệm, tà niệm, ác niệm đi, làm sao cho đến lúc lâm chung, tâm mình chỉ còn toàn là niệm về Phật mà thôi, chỉ hướng về Phật mà thôi, như vậy là đi theo Phật, là có Phật tới đón. Không chịu niệm từ bây giờ, lúc gần chết thì không thể kịp được. Thật vậy, có người không may gặp tai nạn thì niệm Phật sao được, có người đau đớn quá chỉ quằn quại rên la trên giường bệnh thì niệm Phật sao được, có người tiếc hết thứ nọ đến thứ kia, lại thêm vợ con khóc inh ỏi bên tai, nếu có niệm nào thì đó là niệm của, niệm người, đâu phải là niệm Phật. Nói cho các bạn trẻ đã học khoa tâm lý của triết học, thì phương pháp niệm Phật cầu vãng sanh là một thuật huấn luyện tâm lý, gây một cái nếp trong tâm, khơi một cái rãnh trong tâm, nôm na là tạo ra một thói quen tâm lý.
Tóm lại, trả lời câu hỏi đặt ra lúc đầu: tu thế nào?, tôi xin dựa vào sách vở mà thưa rằng: trong thời buổi này, căn cơ kém như chúng ta thì tu bằng cách niệm Phật. □
CHÚ THÍCH . Xin giới thiệu cuốn NIỆM PHẬT THẬP YẾU của HT Thích Thiền Tâm do Phật học viện Quốc tế xuất bản năm 1982 tại Hoa kỳ, gồm 10 chương như sau: Niệm Phật phải
1/ vì thoát sinh tử
2/ phát lòng bồ-đề
3/ dứt lòng nghi
4/ quyết định nguyện vãng sinh
5/ hành trì cho thiết thật
6/ đoạn tuyệt phiền não
7/ khắc kỳ cầu chứng nghiệm
8/ bền lâu không gián đoạn
9/ an nhẫn các chướng duyên
10/ dự bị lúc lâm chung. □
………………………………………………………………

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links