Vườn Hoa Con Cóc …(Nhã Nhạc)

     Vườn  Hoa  Con  Cóc …

         Gửi : T.Như, L.Khanh, Chi A, T.Nga, K. Hân

          Nhã Nhạc

Một ngày cuối tháng 11/2010, N. gọi cho tôi . Chúng tôi vẫn thỉnh thoảng nói chuyện qua phone  như thế . Rất nhiều đề tài để nói, chỉ không biết nói chuyện nào trước, chuyện nào sau . Tôi không nhớ câu chuyện xoay vần ra sao và từ đâu, bỗng nhiên N. hỏi tôi : “Vườn hoa Lục-Xâm-Bảo và vườn hoa Con Cóc, vườn hoa nào đẹp hơn ?” Tôi rất đỗi ngạc nhiên, vì trong câu chuyện, rất ít khi N. đặt thành một câu hỏi như thế . Tôi đáp nhanh, đại ý : vườn hoa Lục-Xâm-Bảo (LXB) chỉ đẹp đối với tôi kể từ khi tôi được đọc một đoạn văn trong “Le livre de mon ami” của  Anatole France, những năm Tiểu học trước 1954, ở Hà Nội .Trong đoạn văn này, tg miêu tả một cậu bé đi ngang qua vườn hoa LXB, trong một ngày đầu thu, khi những chiếc lá vàng rơi lả tả trên vai những pho tượng trắng trong vườn …Cảm động nhất là câu cuối cùng, tg cho biết cậu bé đó chính là cái bóng của  ông, của Anatole France, 25 năm về trước ..
Tôi cũng là một độc giả nhi đồng như các bạn trong lớp, chỉ khác một điều, tôi cứ “ôm giấc mộng”  được đặt chân đến vườn hoa này, một ngày nào …Còn Vườn hoa Con Cóc(VHCC) – Hà Nội, đó là vườn hoa của tuổi thơ ấu , một phần đời thần tiên nhất của con người . Đó là vườn hoa, em tôi và tôi, các em N. và N. , mỗi ngày đều đi qua 2 lần để đến trường tiểu học Hàng Vôi(Nguyễn Du) và từ trường về nhà, những năm trước 1954 . Nhưng tôi không muốn giải thích hay phân tích điều gì ngay với bạn tôi . Tôi hiểu N.- người bạn của trên nửa thế kỷ, người bạn mà tình cảm thì êm đềm, bao dung, khiêm nhường, nhưng tư tưởng thì sâu sắc, tế nhị … Tôi muốn đợi nghe bạn tôi nói trước . N. nói , đại ý : vườn hoa LXB to lớn hơn, nguy nga hơn, nhưng tối tăm hơn vì nhiều cây lớn và những nhà lớn chung quanh che mất ánh sáng mặt trời ; vườn hoa LXB trông cũng có vẻ buồn hơn, lãng mạn hơn với những cây lá dài rủ xuống , khi nhiều lá vàng rơi phủ mặt đất những ngày mùa thu . Với N., thì vườn hoa Con Cóc đẹp hơn, tuy nó nhỏ hơn . Vườn hoa Con Cóc trông tươi và sáng hơn, đem lại niềm vui và, một điều gì đó, khiến người thăm vườn cảm thấy hy vọng và nghị lực để làm việc sau khi thăm vườn . N. còn nói thêm :” Khi chúng mình đi học qua VHCC cũng là lúc chúng mình trạc tuổi chú-bé-Anatole-France đi qua vườn hoa LXB .” Và : đây là lần đầu tiên N. nói những ý nghĩ này cho tôi nghe .
Theo tôi, những nhận xét, so sánh của N. về hai khu vườn thật đúng, chính xác . Nhưng tôi tự hỏi : điều gì đã khiến Nga so sánh  vườn hoa LXB với vườn hoa Con Cóc ? Sao không là một vườn hoa nào khác ? Có phải rằng tôi đã nói với bạn tôi  “hơi nhiều” về vườn hoa LXB, về cảm xúc của tôi “hơi dồi dào” đối với cậu-bé-tác-giả Anatole France, một ngày đầu thu qua vườn hoa LXB đến trường trong ngày khai trường ? …Và, có phải rằng tôi đã nói “hơi ít” với bạn tôi về vườn hoa Con Cóc của thời thơ ấu ? Tôi rất hiểu N., người bạn đã có 35 năm sống trên xứ người nhiều hơn số năm sống trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình . Lòng nhớ tưởng quê hương, thương xót đồng bào vẫn thường theo đuổi, ám ảnh cuộc sống của bạn nơi này . Ngay cả bây giờ, lúc các con N. đã nên người, nên danh phận, đi vào dòng chính làm việc, đóng góp một phần  làm vẻ vang dân Việt, đáng lẽ bạn tôi đáng được hưởng những ngày thanh thản, an nhàn !
Đã lâu,  trên trang Web này, chúng tôi đã đăng những bài Học thuộc lòng(HTL) của những năm tiểu học Hàng Vôi mà N. nhớ rành rọt, rồi chép ra giấy, gửi cho tôi đọc (đăng trong mục Tùy bút) . Tôi rất cảm phục bạn  tôi . Chỉ vì tấm lòng “Vọng cố hương”  sâu sắc mà bạn đã cất giữ những bài HTL này tận trong trái tim ! Như thế thì, vẫn theo tôi suy nghĩ, có thể bạn tôi cho rằng tôi đã nhớ ít đến  vườn hoa Con Cóc : một hình ảnh thu nhỏ của quê hương tôi ? Nếu thế, cũng là lỗi tại tôi . Tôi đã không kể hay kể rất ít cho N. nghe về một chuyến tôi trở lại Hà Nội vào những ngày rất sớm đối với dân Sài Gòn hay những Việt Kiều đã  xa Hà Nội từ 1954 .
Đó là một ngày của năm 1985, trước khi qua Mỹ theo diện đoàn tụ ODP (một trong những chuyến sớm nhất mà chúng tôi được thân nhân bảo lãnh  chính thức ra khỏi VN bằng máy bay). Trở về Hà Nội “rất sớm” như thế có nghĩa là tôi sẽ trở lại Hà Nôi với nhiều nỗi lo âu, sợ hãi …nhưng tôi vẫn quyết định đi vì nghĩ nếu không, sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy Hà Nôi  nữa . Hà Nội của tôi, của những năm mới chỉ mười mấy tuổi đầu ….
Tôi đi theo cô em họ, con của dì  tôi .Cô em tôi, như nhiều người khác sau 1975, đã phải bương chải kiếm sống bằng cách buôn hàng chuyến, xuôi ngược Nam-Bắc trên những chuyến xe lửa xuyên Việt .Tôi rất vui và bồi hồi khi nghe cô em tôi nói về cách buôn bán  này . Tôi chưa một lần được đi một chuyến tầu xuyên Việt , dù cái mộng giang hồ  bằng một chuyến xe lửa  đã có rất lâu trong đầu tôi .

Ngày đầu tiên ở Hà Nội, tôi năn nỉ người bà con –người đã ở lại sau 1954- cho tôi được đi dạo thành phố một mình để tôi được tự mình đi tìm lại những  nơi dấu yêu, đầy nhung nhớ trong suốt 31 năm qua . Người bà con, sau cùng, cũng đồng ý  rồi để vào trong xách tay của tôi thêm một số tiền nữa  với 2 địa chỉ tại Hà Nội, dặn dò tôi :  “Ngay khi có cảm giác bất an, hãy lên xe xích lô về ngay một trong 2 địa chỉ này .” Ra đường, tôi đón một chuyến tầu điện – tôi cũng nhớ tầu điện Hà Nội vô cùng – (may cho tôi, lúc đó Hà Nội vẫn còn tầu điện!), tầu chạy suốt phố Huế, qua cả Láng, trường Chu Văn An cũ thì phải ? Khi tầu qua chợ Đồng Xuân, tôi xuống đi dạo phía ngoài chợ, không dám vào bên trong, vì thật ra tôi không biết gì về nơi này . Tôi xa Hà Nội lúc mới chỉ 13, 14 tuổi đầu – tuổi đi học chứ đâu phải tuổi đi chơi – Thế mà lúc ra khỏi khu vực này, tôi tìm cái kính mát trong xách tay, cái kính đã biến mất tự lúc nào ! Tôi giật mình, sợ hãi, nhớ tới câu : “ Kẻ cắp chợ Đồng Xuân !” . Từ đây, tôi thuê xe xích lô về vườn hoa Con Cóc ; chếch bên kia đường, đầu ngã tư là vườn hoa Chí Linh …Đặt chân xuống VHCC, cả một thời thơ ấu hiện ra . Tôi tưởng như những dấu chân chúng tôi đi học qua ngày nào, vẫn còn in dấu nơi đây ; cùng một lúc cũng hiện ra hình ảnh các bạn cùng lớp  : K.Hân, L. Khanh, T. Như, T. Nga, Thiện, Thu Tiết , Chi A …. Sau  khi tan trường, chúng tôi đã đi ngang khu vườn này rồi tản mác, theo đường về nhà . Tôi thấy mắt mình ướt đi và hình ảnh các bạn càng nhạt nhòa khi nhiều thứ đã thay đổi trong khu vườn này ; khi nghĩ rằng mình sắp phải đi xa hơn nữa , không có ngày trở lại , và rằng, những người chung quanh tôi, cảnh vật trước mắt, nhất là mầu cờ của những lá cờ cắm trên nóc những tòa nhà cao, cũ kỹ , làm tôi sợ và cũng nhắc tôi một điều : “đất này không phải của tôi nữa”! Tôi tủi thân, nghĩ ngợi …Sau  khi ở lại vườn một lúc lâu- nhưng không lâu lắm như tôi muốn- vì chị tôi dặn rằng : “người Hà Nội” sẽ nhận ra ngay “người Sài Gòn” , tôi không nên gây thêm sự chú ý, nhất là tôi đi một mình .
Từ VHCC, tôi tha thẩn đi bộ tới trường  Hàng Vôi . Tôi không nhớ đường đi ra sao, nhưng loanh quanh một lúc rồi cũng tới nơi . Không biết là ngày gì, trường đóng cửa, không có học trò ra vào …Tôi đứng bên ngoài cánh cổng, cố nhìn qua các khe hở để tìm sân trường với cây bàng cuối sân, …Rồi tôi quay mặt ra đường, vẫn đứng trước cổng trường như chờ đợi ai, nhưng thật ra chỉ có thân tôi bất động,  ký ức tôi dẫn dắt rất nhanh những kỷ niệm xưa về lại trong đầu . Này đây, cây bàng cuối sân nhưng ở đầu 1 dãy lớp học, trong đó có lớp học của tôi, cây bàng lá đỏ rơi rụng những ngày mùa thu .  Còn đây, hình ảnh cô Châu An, thày Đăng, Thày Niên-hiệu trưởng ; đây nữa hình ảnh các bạn tôi, lúc cùng nhau chơi ngoài sân, khi trong lớp học … Tại cổng trường này, trước giờ vào học , cảnh tượng rất nhộn nhịp với những hàng quà, bánh ; các chú, các bác ra sức mời mọc những cô, cậu học sinh bé nhỏ mua quà bánh của mình …Tôi nhớ nhất những quả nhót đỏ, mua xong, được rà rà trên áo trước khi ăn … Tôi đứng như thế rất lâu, không muốn rời đi  vì biết rằng đi lần này nữa là sẽ  không bao giờ còn thấy trường ! Nước mắt luôn chực trào ra . Tôi nhớ lời chị dặn : “Em phải luôn tỏ ra dạn dĩ như người dân Hà Nội, chứ không phải người Sài Gòn trở về quê cũ, hãy nén xúc động …” Tôi đã cố gắng .

Tôi đi bộ trở lại VHCC một lần nữa , cũng ngồi lại một lúc khá lâu . Tôi nhớ trong ký ức, một bà người Pháp, một lần trước đây , đã mấy chục năm, nói với đứa con nhỏ xíu của bà đang chơi trong vườn :” Sale ! sale ! …” ( ý nói đất bẩn, đừng nghịch đất ) . Tiếng nói của anh Q. tôi và các bạn của anh khi dẫn tôi vào chơi trong vườn …
Cuối cùng, tôi cũng phải ra đi . Tôi đi về phiá Hồ Hoàn Kiếm, gần ngay đó . Tôi nhớ nhà của N. ở cửa Nam, nhà của KH ở góc bên kia bờ hồ  . Tôi không nhớ, từ VHCC,  N và KH  đã có đi qua hồ Hoàn Kiếm để về nhà mình không .Nhưng khi nhìn xuống mặt nước hồ, tôi thấy hình ảnh bạn tôi-những cô bé rất ngây thơ – còn như lay động dưới làn nước này …Tôi lại gần cầu Thê Húc, nơi anh Q., anh Tiến ,bạn anh cũng dẫn tôi đến chơi nhiều lần .Đường tầu điện nằm giữa lòng đường, chạy qua bờ hồ, rẽ vào phố Hàng Ngang phía trên kia, nhà K L ngay gần đầu đường Tôi chỉ biết KL,

khi hai chúng tôi cùng đậu vào Đệ Thất TV 1953, rồi cùng mọi người di cư ngay năm sau 1954 …
Tôi rời hồ Hoàn Kiếm , cầu Thê Húc, đi bộ, tìm về phố Huế, phía chợ Hôm . Tôi đi ngang qua hiệu kem Cẩm bình . Trước đây, anh D. tôi rất “vui lòng”, đến đây mua kem đem về cho cả nhà ăn trong những ngày hè nóng bức …Tôi cũng nhớ ở gần đâu đây, em tôi và tôi, ở trường về thường ghé vào quán nước bên đường để uống một ly “nước gạo”  trước khi về nhà  gần đó ….
Tôi tìm đường Triệu-Việt-Vương, căn nhà gia đình tôi đã sống trước đây …..Đây là bờ tường mà KH  nói đã thấy em tôi ngồi vắt vẻo trên bờ tường này khi KH đến rủ tôi đi học . Trong ngôi nhà này, tôi nhớ như in, chi O . tôi, mỗi khi đi làm, sau khi mặc chiếc áo dài, chị chít lên đầu  qua trán, buộc 2 giải lại sau gáy 1 chiếc khăn  màu đen ,để tang người chồng đã mất và đã  quá hạn  ba năm chịu tang ! Hình như sau khi anh U .mất đi, chị không còn sinh thú nào nữa , chị thích chiếc khăn vì nó là cách trả lời những người muốn tiến tới với chị . Chị tìm vui trong công việc của một chuyên viên phòng  quang tuyến (X-Ray)  trong phòng mạch của bác sĩ Nguyễn-Đình-Hoằng, để thêm tiền giúp mẹ tôi nuôi các em .
Tôi cứ đi lang thang như thế, những bước chân tưởng như vô định (vì không nhớ đường lối) nhưng lại là cố định (trong đầu óc) với lòng tha thiết tìm lại những nơi tôi đã từng biết , cách đây 31 năm, khi chỉ là một cô bé mười mấy tuổi đầu ….Tôi đến được hồ Ha-Le, hình như đầu đường bên kia là đường Trần_Hưng-Đạo, phòng mạch bác sĩ Nguyễn-Đình-Hoằng ở trên con đường này . Ngồi lại bên hồ một lúc khá lâu, tôi lại phải ra đi .
Tôi bách bộ trên đoạn đường Trần Hưng Đạo, gần hồ Ha-Le, không dám đi xa hơn,  là lúc trời cũng chạng vạng tối, tôi gọi xích lô trở về nhà ở đường Phúc Kiến . Mọi người vui mừng đón tôi vào nhà, hỏi thăm những nơi tôi đã đến . Nỗi xúc động dạt dào được nén lại trong suốt cuộc “hành trình”  gần một ngày, đã khiến tôi trả lời họ trong nước mắt, trong nức nở …Nhu, một người cháu gái của chị tôi, ôm lấy tôi : “T ., không sao đâu …rồi ra mỗi ngày mọi sự sẽ khá hơn, T . sẽ về lại đất nước này !…”

Như để tự trấn an mình,tôi đã thay đổi đề tài nói chuyện và  thêm rằng : một điều tôi rất ân hận là đã không mang theo máy ảnh để chụp những cảnh tượng vô cùng quý giá hôm nay; lý do : tôi đã mang theo chuyến đi rất nhiều nao nức, hồi hộp và rất ít sự chuẩn bị .
Đêm hôm đó, tôi thao thức, trằn trọc mãi không ngủ được.  Một giấc mộng lớn  đã được hoàn thành với ít nhiều chua chát, cay đắng : Hà Nội của mình mà sao vô cùng xa lạ ? Quê hương này là của tôi, sao phải tìm đường lìa xa ?! … Những tiếng thổn thức theo tôi vào giấc ngủ trễ , gần về sáng .
Những ngày hôm sau, người bà con đưa tôi đi thăm nhiều nơi khác trong thành phố, nhưng chỉ có những nơi nào đã giữ kỷ niệm của thời thơ ấu mới quyến rũ được tôi mà thôi .
Ít hôm sau, cô em tôi đã bán và mua xong hàng , tôi theo cô về  lại Sài Gòn .

Ngồi trên xe lửa, lúc con tầu lùi xa dần thành phố, cũng là lúc lòng tôi tan nát, lúc đó tôi mới thấu hiểu hơn bao giờ hết (chứ không phải vào năm 1954) bốn chữ “Giã từ Hà Nội” .

Và, ở thời điểm 1985, tôi nghĩ sẽ không có ngày trở về quê hương nữa . Tôi cố nén xúc động, nhưng nước mắt lại trào ra .Cô em tôi cầm tay tôi, nói “Thôi, chị T ., đừng khóc nữa , em tin là , chị đi Mỹ ít lâu, rồi sẽ có ngày trở về quê hương, chị em mình lại gặp
nhau .” Dù nghe nói vậy, tôi vẫn biết một điều : tôi vừa đánh mất Hà Nội, mất hẳn,  mất trường Hàng Vôi, mất Vườn Hoa Con Cóc, mất hồ Hoàn Kiếm, đường tầu điện , mất hết từ đây …
Tôi nghĩ, trong sâu thẳm tâm can,, ở một ngăn riêng biệt của con tim, vườn hoa Con Cóc luôn luôn ngự trị ở đó . Vườn hoa Lục Xâm Bảo, tuy đẹp, nhưng chỉ là một hình ảnh đến sau, đi ngang qua đời, thêm vào cuộc sống …và không bao giờ có thể thay thế chỗ của vườn hoa Con Cóc được !

Tôi mong đợi một ngày gần đây, tôi sẽ nói với N. rằng : “Vườn hoa Lục-Xâm-Bảo, tuy đẹp, tuy tôi có xúc động về chuyện chú-bé-Anatole-France, nhưng nó không hề bao giờ làm tôi phải nhỏ lệ , phải thổn thức như vườn hoa Con Cóc !”  Và : “Ai đã gọi tôi trở về Hà Nội  vào năm 1985, năm còn đầy hoài nghi, bất ổn, sợ hãi, lo âu ?  Có phải vườn hoa  Con Cóc đã gọi tôi về hay không ?!”

Cali cuối thu 2010
Nhã Nhạc

Hình 1,3 và 5 : Vườn Hoa Con Cóc – Hình 2: Tầu điện Hà Nội – Hình 4 : Cầu Thê Húc dẫn vào Đền Ngọc Sơn trên hồ Hoàn Kiếm/Hà Nội – NN sưu tầm .

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links