09/07: Bước Vào Cửa Phật-Quyển 3-Bài 5 và 6

Header
09/07: Bước Vào Cửa Phật-Quyển 3-Bài 5 và 6
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 5058 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT-Quyển 3
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bài 5. ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO PHẬT
đối với người Việt Nam
1 – Người Việt Nam chúng ta, dù không đi chùa, dù không nghiên cứu Phật học, nhưng trong khi sinh hoạt ở trong gia đình, hay ngoài xã hội, vẫn được nghe những câu như “gieo nhân nào hái quả đó”, “quả báo nhãn tiền”, “phúc đức tại mẫu”, “làm ác phải đọa địa ngục”, “cái nghiệp nó bày ra như vậy” v.v… Những thành ngữ hay câu đó phản ảnh hoặc rõ hoặc mờ một số tư tưởng căn bản của Phật giáo như nhân duyên quả báo, nghiệp báo và luân hồi…
2 – Đạo Phật du nhập vào nước ta từ thế kỷ thứ II sau Tây lịch. Trong khi có một số nhà sư Ấn-Độ đi sang Trung Quốc bằng đường bộ vượt qua những dãy núi non trùng điệp và những sa mạc mênh mông thì lại có một số nhà sư Ấn-Độ khác đi sang Trung Quốc bằng đường biển, do đường biển này họ đến Việt Nam trước khi đến Trung Quốc. Vì thế nếu nói…
… rằng “đạo Phật du nhập Việt Nam nếu không sớm hơn thì cũng đồng thời với Trung Quốc” thì điều ấy cũng không ngoa. Khi nước ta bị Trung Quốc đô hộ thì Phật giáo từ phương Bắc đó lan xuống nước ta. Vậy là có hai nguồn mang đạo Phật vào nước ta, đó là Ấn-Độ và Trung Quốc. Trong gần như khắp nước, đạo Phật mang sắc thái Bắc tông (trước gọi là Đại thừa). Ở miền đồng bằng sông Cửu Long, Phật giáo mang tính cách Nam Tông. – trước gọi là Tiểu thừa – giống như ở Miên, Lào và Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan …
3 – Đạo Phật thịnh đạt nhất vào thời Lý và thời Trần tức là khoảng thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ XV. Sau đó, kể từ nhà Trần qua nhà Hồ đến nhà Hậu Lê, đạo Phật suy thoái dần để nhường chỗ cho Nho giáo phát triển. Đến thời Pháp thuộc, cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, đạo Phật kém hẳn, có thể nói là chỉ còn lại một mớ mê tín dị đoan dành cho đám bình dân, còn như giáo lý vi diệu của Đức Thích-Ca Mâu-Ni thì chỉ được một số ít tăng ni cư sĩ ẩn dật nghiên cứu và thực hành. Bắt đầu từ 1930, tại cả ba miền Trung, Nam, Bắc nước ta, đều có phong trào chấn hưng Phật giáo. Mới gặt hái được một ít kết quả ban đầu thì phong trào vấp phải mấy cuộc chiến tranh liên tiếp; dù sao đạo Phật đã lấy lại được phần nào phong độ, rõ ràng là một tôn giáo đáng quí trọng, không còn bị coi nhẹ nữa. Tình hình Phật giáo trong nước và ngoài nước vào lúc này, ngay bây giờ đây, ra sao thì quý vị biết khá nhiều rồi, có vị lắc đầu thất vọng, có vị vẫn còn hy vọng ở tương lai. Người ta nói rằng có một con sư tử bị thương, không con vật nào dám đến xé thịt nó vì còn sợ oai của nó, tuy vậy sư tử chết vì vi trùng ngay trong thân nó đục khoét. Cũng vậy, Phật giáo lâm nguy vì chính nội bộ Phật giáo giết Phật giáo!
4 – Ngày nay, ở trong nước và ở ngoài nước, đều có những cuộc vận động của Phật giáo, kết quả như thế nào phải chờ đợi nơi sự cố gắng, sự sáng suốt của các tăng, ni và Phật tử cùng những người ủng hộ muốn duy trì và hoằng dương Phật pháp.
Dù tình hình ra sao thì ta cũng phải thành thật mà nhận rằng đạo Phật đã để lại những dấu ấn hoặc sâu đậm hoặc mờ nhạt trên tinh thần người Việt Nam chúng ta. Dù có học Phật hay không, dù có theo đạo Phật hay không, người Việt Nam vẫn bị ảnh ưởng của lý nhân quả. “Nhân nào quả ấy, trồng dưa sẽ được dưa, trồng đậu sẽ được đậu”. Quan niệm một cách đơn giản thế thôi, không đào sâu vì không có thì giờ để đào sâu hoặc để nghe người khác đào sâu giúp. Thật ra, lý nhân quả của đạo Phật phức tạp hơn nhiều nhưng người dân Việt Nam hiểu đại khái như vậy và điểm chính đáng nhớ là làm lành sẽ hưởng lành, làm ác sẽ bị ác, nếu đời này chưa thấy, các đời sau sẽ thấy; nếu đời này thấy ngay quả báo thì gọi là “quả báo nhãn tiền”. Các vị trí thức cũng nhắc đến luật nhân quả qua những câu:
Họa phúc có nguồn, đâu một buổi,
Anh hùng để hận mấy ngàn năm.
Nguyễn Trãi
Kể rằng: nhân quả dở dang,
Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?
Nguyễn Du
Ta nên dừng lại một chút để bàn về câu “phúc đức tại mẫu” (mẹ ăn ở hiền lành để phúc cho con). Theo quan niệm Phật giáo, ai gieo nhân thì người đó lãnh quả, tại sao mẹ làm lành mà con lại hưởng? Thật ra, nếu dựa vào thuyết “nhân duyên quả báo” (gọi tắt là nhân quả) thì phải lý luận dài ra như sau này: Mẹ là người hiền đức (lẽ dĩ nhiên nhân lành này sẽ làm cho người mẹ được hưởng quả lành về sau), mẹ gây ra một khung cảnh tốt đẹp trong gia đình (đây là các “duyên”), hoàn cảnh tốt này ảnh hưởng đến con làm cho người con ăn ở hiền đức như mẹ, nhờ đó mà người con cũng sẽ hưởng quả báo tốt lành. Thế là người mẹ gây duyên, con gieo nhân và hái quả. Để giải thích câu “đời cha ăn mặn đời con khát nước”, chúng ta cũng có thể theo cách lý luận tương tự.
5 – Nay ta bước sang một điểm khác của đạo Phật là cái “nghiệp”. Thân, khẩu, ý của mỗi người khi hoạt động có ý thức, gọi chung là nghiệp, nghiệp nhân tạo ra nghiệp quả khi đủ duyên (theo đúng lý nhân duyên quả báo). Theo Phật giáo Đại thừa, tất cả các quả này tích trữ tại một cái kho vô hình, kho vô hình đó gọi là a-lại-da. Nghiệp này có năng lực rất mạnh gọi là nghiệp lực thúc đẩy thần thức (a-lại-da) của người mới chết đi tái sinh vào một kiếp khác (có thể là kiếp người, kiếp tiên, kiếp sâu bọ… hay cảnh giới cao không còn sinh tử luân hồi gọi là thánh như bồ-tát và Phật). Người bình dân thấy những thứ vô hình v.v… trừu tượng quá nên cho rằng mỗi người có quỷ thần ở hai vai biên chép đầy đủ công và tội của người đó. Lúc người này chết thì sổ đó được đem trình cho Diêm Vương “cân phúc cân tội”, rồi từ đó quyết định cho ăn cháo lú để quên kiếp trước, tiếp theo là cho đi đầu thai ở một cảnh giới nào đó. (Đạo Phật quan niệm mười cảnh giới: 3 ác đạo là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; 3 thiện đạo là a-tu-la, người, tiên; 4 thánh đạo là thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật). Tại một vài chùa, có vẽ cảnh thập điện Diêm Vương với vạc dầu sôi sục, cột đồng nóng bỏng, kìm kẹp kéo lưỡi, v.v… thức giả coi đó, có ý chê cười, đánh giá là ấu trĩ, tầm thường. Thực ra, giá trị của những thứ đó nằm ở sự khuyên răn về luân lý, làm lành tránh dữ, rất phổ biến trong dân gian. Khi mức học Phật đã cao lên rồi, thì người ta sẽ hiểu khác đi rằng tất cả các cảnh giới đó đều do nghiệp lực “chiêu cảm” mà ra, nói khác đi, tất cả đều do cái tâm mà ra.
6 – Khi Nguyễn Du viết tiếp hai câu mới kể trên kia
Số còn nặng nghiệp má đào,
Người dù muốn quyết trời nào đã cho.
thì cụ đã đem thuyết thiên mệnh của nhà Nho (số, trời…) thêm vào thuyết nghiệp báo của nhà Phật. Người Việt Nam chúng ta quá quen với ảnh hưởng của Nho, Phật, Lão nên khi nói số, trời, nghiệp thì rất tự nhiên, không cần hỏi từ đâu mà ra.
Phù thế trăm năm âu giấc mộng,
Nhân sinh muôn việc cũng lòng trời.
(Nguyễn Trãi)
Lòng trời chỉ thiên mệnh của Nho; “đời là giấc mộng”, là huyễn, rõ ràng là tư tưởng Lão Trang, Phật. Số trời không trói chặt con người ta vào một định mệnh nào đó, vì có câu “đức năng thắng số”. Như vậy, thiện tâm có thể sửa được ác nghiệp . Thí dụ như ác nghiệp có mạnh đến đâu chăng nữa thì con người vẫn có thể tạo ra thiện nghiệp để làm “lá chắn” ngăn chặn các quả ác do ác nghiệp mang tới, nếu không ngăn hoàn toàn thì cũng ngăn phần lớn!
7 – Lý vô thường của nhà Phật ảnh hưởng đến giới trí thức nhiều thơn giới bình dân. Quan niệm về “cuộc đời là bể khổ” cũng như vậy. Hai tư tưởng ấy bộc lộ trong văn chương nhiều hơn trong cách nói hàng ngày của đại chúng.
Nguyễn Công Trứ viết:
Ôi, nhân sinh là thế ấy,
Như bóng đèn, như mây nổi,
Như gió thổi, như chiêm bao,
Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào
Vừa tỉnh mộng nồi kê chưa chín!
Trong Cung Oán, Nguyễn Gia Thiều viết:
Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau,
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.
Dân tộc ta quả thật đã chịu đắng cay cơ cực trong nhiều thế hệ, nhiều thế kỷ. Riêng một việc tự vệ thôi cũng đã mất bao nhiêu năng lực và tài nguyên của đất nước rồi. Khổ và nghèo; mà chẳng riêng gì dân mới nghèo, lắm khi vua quan cũng nghèo, lâu đài đền miếu có được bao nhiêu đâu! Vì thế một nét đặc thù của dân tộc ta là “tri túc”; biết đủ thì khỏi thèm, không thèm thì khỏi khổ. Cộng thêm chữ thiểu dục thì gặp bốn chữ “thiểu dục tri túc” của kinh Bát đại nhân giác (tám điều giác ngộ của đại nhân). [Ngày nay thì cần thêm rằng có lẽ dân đen mới cắn răng mà tri túc chứ các “cỡ lớn bên trên” thì đánh bạc mỗi canh cả triệu đô-la cơ!]
8 – Bước cao lên nữa trong Phật học Đại thừa là lý “không” và thuyết “Phật tánh” (ai ai cũng có Phật tánh). Phải thành thực mà nhận rằng hai điều này kể như chưa thấm vào đại chúng. Vả lại hai thuyết này là sản phẩm của Bắc tông, Nam tông không nói tới; dù sao cũng là khó, ngay cả cho người học Phật. Nhiều lắm là người ta nói: “Phật tại tâm”, thế thôi! Mà cũng chẳng tìm hiểu sâu xa làm gì, Phật tại tâm, nghe dễ quá mà! Người Việt Nam nói chung dùng danh từ Trời, ông Trời, để chỉ Đấng Tối Cao sinh ra vũ trụ, con người v.v… nhưng không đi sâu vào chi tiết và khi xếp hạng thì xếp Trời trên Phật. “Nhờ ơn Trời Phật, chúng tôi vẫn bình an!”. Ở nhà thì thờ tổ tiên. Việc thờ tổ tiên công nhận sự hiện hữu của một linh hồn, bất diệt sau khi thể xác chết đi. Thế mà đạo Phật lại không chấp nhận một linh hồn trường cửu, bất biến, bất diệt như vậy. Thế thì tại sao người Việt Nam lại vừa lễ Phật, vừa lễ ông bà? Câu trả lời rất đơn giản: chẳng ai thắc mắc về điều ấy cả! Còn như Phật giáo thì rất khoan dung, tới đâu thì thu nhập luôn các tín ngưỡng địa phương, vì Phật quan niệm tất cả là “không”, không cần chấp tướng. Bởi vì “Không tướng” mới là cái thật!
9 – Chúng tôi xin tóm tắt:
Đạo Phật đã để lại trong tâm hồn và tâm trí người Việt Nam chúng ta những dấu ấn về nhân duyên quả báo, về sinh tử luân hồi, về nghiệp lực và đặc biệt đã uốn nắn cách suy nghĩ và sự hành động của ta “làm lành tránh dữ”, một cách tự nhiên, không trói buộc vì từ bao thế kỷ nay chúng ta đã “thở hít” những lý đó như thở hít không khí vậy. □
……………………………
Bài 6. LINH HỒN
1. Thông thường, ai cũng nghĩ rằng con người có phần xác và phần hồn, thể xác và linh hồn, thân và tâm, vật chất và tinh thần. Đạo Phật dùng chữ danh-sắc, danh để chỉ cái tâm và sắc để chỉ cái thân. Tâm không có hình tướng mà chỉ có tên thôi nên gọi là danh. Sắc nói chung là vật chất. Chúng ta thường nghe người ta chúc nhau “thân tâm an lạc”.
Đại khái, người ta công nhận có một cái gì đó khác với thân xác. Cái ấy gọi là linh hồn. Cái phần hồn đó còn hay mất sau khi người ta chết? Vấn đề này thật là lớn, nó được đặt ra ngay từ khi con người biết suy nghĩ. Nói chung, một đằng cho rằng “chết là hết”, một đằng nghĩ rằng “thân xác thành tro bụi, nhưng hồn thì còn”. Đa số tôn giáo thuộc vào loại thứ nhì này. Phật giáo thì sao? Phật giáo nói tóm tắt như thế này: phần sắc do bốn đại là đất, nước, gió, lửa hợp lại; phần danh (tâm) do thọ, tưởng, hành, thức hợp lại. Như thế mỗi con người là một hợp thể gồm có sắc, thọ, tưởng, hành, thức; đó gọi là ngũ uẩn hay ngũ ấm. Vì quan niệm rằng con người là một hợp thể, do nhiều duyên mà có, thiếu một duyên thì mất, cho nên Phật học bảo rằng nó không có bản thể riêng biệt; để nói cho gọn, cho ngắn, Phật giáo bảo rằng nó là không. Phật giáo nói “không có cái ta” hay vô ngã là ở cái ý đó.
Thế rồi khi chết thì ra sao? Phật giáo Bắc tông bảo rằng mất cả, nhưng còn một thứ riêng của mỗi người là a-lại-da, cái a-lại-da vô hình này mang cái nghiệp đi sang một kiếp sống khác, thời gian tối đa chờ đợi sang kiếp mới là 49 ngày. Phật giáo Nam tông thì bảo rằng sau khi chết thì dòng nghiệp với nghiệp lực rất mạnh đẩy “người ta” sang ngay một kiếp mới. Kiếp sống ấy không nhất định phải là kiếp người, mà có thể là thành quỷ hay thành thần, thành tiên chẳng hạn, hay xuống địa ngục hoặc thành súc sinh! Nếu tu đắc đạo thì lên bậc thánh, hết sinh tử luân hồi.
2. Nếu ai gọi a-lại-da là linh hồn, thần thức, hương linh, vong linh thì cũng chẳng hại gì, nhưng phải nhớ kỹ, Phật giáo bảo rằng cái đó không trường tồn, bất biến. Tóm lại đạo Phật không công nhận có linh hồn trường cửu và bất biến. Do đó, có người bảo đạo Phật là vô thần. Thật ra, phải đi sâu nữa: đạo Phật Đại thừa xác nhận rằng vạn pháp đều có chung một bản thể, gọi là Pháp tánh; đối với chúng sanh thì bản thể ấy gọi là Phật tánh. Khi nói với người không theo đạo Phật thì nên dùng danh từ khác như bản thể, chân tánh. Cái bản thể đó không sanh không diệt, không thêm không bớt, không nhơ không sạch v.v…, vậy là nó không có đầu (vô thủy), không có đuôi (vô chung).
Chỗ này đáng chú ý: không có nguyên nhân đầu tiên tức là không có le Créateur, the Creator, không có Thiên Chúa, Ngọc Hoàng. Vậy Phật giáo là vô thần rồi chăng? Trả lời: Phật giáo Đại thừa không nói Ông Trời, đức Chúa Trời, Ngọc Hoàng Thượng đế nhưng có nói Pháp tánh hiện hữu khắp mọi nơi, khắp mọi lúc. Thần ở đây không bị nhân cách hóa, có thế thôi. Nhưng người Phật tử trung bình khi lễ Phật, cầu xin v.v… đã nhân cách hóa Pháp tánh qua các bức tranh, bức tượng vậy.
Tôi thuộc vào loại Phật tử trung bình đó. Khi lễ Phật, cầu Phật mà mong có cảm ứng, tôi nghĩ rằng lòng phải thành, tâm phải tịnh và phải tích lũy thiện nghiệp, việc này phải đi đôi với sám-hối. Tôi tin có phần hồn như đạo Phật dạy, chỗ này phải nói “lòng tin” mà không nói “khoa học”, vì khoa học xác nhận điều gì thì có chứng minh. Nói cho cùng, tin khoa học cũng phải có “lòng tin”, thí dụ như anh sinh viên tin thuyết tương đối của Einstein thì đâu có hiểu những chứng minh phức tạp của Einstein mà vẫn phải tin vào những người khác bảo rằng: Einstein nói đúng đấy, tôi kiểm soát rồi.
3. Ở đây, tôi muốn nói đến Thiền. Thiền là một phương pháp tu, bắt đầu dùng cách đếm hơi thở để dẹp cái tâm lăng xăng, tìm sự an định, rồi đi xa nữa là kiến tánh tức là thấy tánh, thấy Phật tánh v.v… Thiền tông là một tông phái mà tôn chỉ là “không lập chữ nghĩa, truyền riêng ngoài giáo lý, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”. Ngày nay nghe nói nhiều đến thiền, ta phải thận trọng, vì có rất nhiều loại thiền; muốn thiền phải có thày đứng đắn. Cần biết rằng có sự khác biệt giữa thiền Nam tông và Bắc tông.
Lục tổ Huệ Năng của Thiền tông dạy rằng Tịnh độ ở ngay trong tâm ta, tâm tịnh tức độ tịnh. Đối với tôi, niệm Phật là một sự huấn luyện tâm lý, nhằm giảm cái tâm lăng xăng, đồng thời huân (nghĩa là ướp) những niệm về Phật tức là những nhớ nghĩ về Phật vào a-lại-da và loại trừ các tạp niệm cùng các ác niệm. Niệm Phật có cái lợi là dễ thực hành, bất cứ chỗ nào, lúc nào cũng làm được vì niệm thầm cũng được!
Khi nghe nói “Phật tại tâm” chớ nên hiểu rằng có ông Phật ở trong tâm mình đây rồi, khỏi đi chùa làm gì, khỏi tu làm gì. Thật ra câu đó có nghĩa là mình đã được thấm nhuần Phật tánh, nhưng do ba độc tham, sân, si nên Phật tánh ấy bị che hẳn hay che mờ đi, mình phải tu hành v.v… thì Phật tánh mới hiển lộ được! Còn về chữ tâm, thì phải học nhiều mới rõ; bước đầu, nên hiểu rằng cái tâm lăng xăng hàng ngày của mình là phàm tâm (chúng sinh tâm), còn cái tâm chân thật( chân tâm) lại chính là Phật tánh! Hai tâm ấy là một!
4. Trong thời buổi này, tu hành khó quá! Đúng thế. Mình hãy hiểu tu là tích lũy thiện nghiệp của cả thân, khẩu và ý để triệt tiêu hay ít ra là giảm thiểu ác nghiệp. Không cạo đầu đi tu, vẫn sinh hoạt giữa cuộc đời nhưng tôn trọng những nguyên tắc luân lý của mình, đó là tu. Phải biết rằng có người đi chùa cả chục năm, ăn chay mỗi tháng cả chục ngày, lần tràng niệm Phật liên tục, ấy thế mà mãi không thấy Phật hiện ra, bởi vì lòng dạ, tính nết không thay đổi, tâm chưa đủ tịnh, làm sao đón Phật? Mà Phật đó, không phải là ông Phật ngồi trên tòa sen, đó là Phật tánh ngay trong mình vậy!
Tu Phật ở nhà cũng được, nhất là đối với những người quá bận việc. Còn đi chùa là để tham gia việc chung, cốt yếu là nghe tụng kinh, niệm Phật. Cả trăm người niệm Phật, tiếng rót vào tai mình, làm cho những niệm (nhớ nghĩ) về Phật lọt vào a-lại-da của mình, thêm vốn lành cho mình. Lại thấy người nào tiến bộ hơn mình thì nên bắt chước, thấy người nào chỉ tu bề ngoài thôi thì nhìn đó mà rút kinh nghiệm! Thấy người xuất gia đứng đắn thì nhận là thiện tri thức, thấy ai không xứng đáng thì lánh xa.
5. Nhập Niết-bàn là thế nào? Một là diệt tham sân si (luân lý), hai là đạt được vô ngã (tâm lý), ba là ra khỏi sinh tử luân hồi (siêu hình), vậy Niết-bàn là một tình trạng của cái tâm, không phải là một nơi chốn như thiên đàng, cho nên nói “nhập niết-bàn” là chưa chỉnh, phải nói là “chứng ngộ niết-bàn”. Có người nghĩ rằng đó là hư vô, nhưng lại không định nghĩa hư vô là cái gì! Theo Đại thừa, chứng ngộ niết-bàn là hòa nhập vào cái bản thể của vũ trụ, hòa nhập vào cái Pháp tánh, hiện hữu mọi nơi, mọi lúc.
Bàn thêm nữa cũng không được gì vì mọi người đều không biết! Tôn giáo và khoa học khác nhau là thế. Mở cái tivi ra, tuy không biết tia âm cực nhưng vẫn coi phim chưởng được. Niệm Phật xin về Cực lạc quốc, tuy không biết Cực lạc quốc nhưng vẫn có thể lên Cực lạc quốc được. Nhà khoa học giảng được tia âm cực và dắt học viên vào phòng thí nghiệm cho coi. Những vị chứng ngộ Cực lạc hay Niết-bàn rồi, chỉ dạy cho Phật tử con đường phải theo, mà không chứng minh được rằng mình nói đúng, như thế Phật tử cần phải có lòng tin! Khác nhau là ở chỗ đó. Tới nơi thì tự mình sẽ biết! Mà lúc đó lại hết cái mình, điều ấy mới khó! Nói mạnh hơn thì có mâu thuẫn gì chăng!
6. Còn các bạn trẻ, các bạn bận công việc, lo đời sống, nên ít khi đặt vấn đề tín ngưỡng. Tôi chỉ dám khuyên một điều thôi: hãy luôn luôn nghĩ lành, làm lành để tích lũy thiện nghiệp và làm gương cho con cái; hãy giúp người khác mỗi khi có thể, kể cả bố thí, các cụ nói “người ăn thì còn, con ăn thì hết” là có ý bảo rằng việc làm tốt của mình sẽ không bao giờ mất. Nếu thấy mấy nhà tu làm sai quấy thì hãy xa lánh. Ai ai cũng có nhu cầu tâm linh, nhưng tránh những hiểu lầm và mê tín dị đoan.
Nói chuyện với quý bạn như vậy thôi, có thể là sai, là gàn, nhưng xin thưa : tôi phát biểu ý kiến với lòng thành thực. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Hình: NN sưu tầm – Chùa Palkhor-Tây Tạng

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links