I.Hoằng Hữu NVP:1.Bám níu-2.Ngã mạn-3.Linh hồn–II.Sự tích cái mõ và chày kình-(NN Sưu tập).

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT– Quyển 2

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Anne-Tokyo National Museum 20.jpg1

Tokyo National Museum(Hình Anne chụp)

Bài ôn tập – 54. BÁM NÍU

Trong Tăng Chi bộ kinh, có kinh Mười Đề Tài Thảo Luận, chúng ta được đọc mấy dòng sau đây:
… Đức Thế Tôn, sau thời nghỉ trưa, ghé qua phòng sinh hoạt. Khi đến nơi, ngài ngồi vào một chỗ đã được xếp sẵn. Rồi ngài hướng về các vị khất sĩ và hỏi: “Các ông hội họp nơi đây để nói về đề tài gì, và đang thảo luận đến đâu khi ta bước vào và cắt ngang câu chuyện?” “Bạch Thế Tôn, vừa mới đây, chúng con họp ở phòng sinh hoạt sau khi khất thực và thọ trai, rồi nói chuyện về nhiều đề tài như sau: ‘Này quý bạn, vua Tần-Bà-Sa-La của nước Ma-Kiệt-Đà hay vua Ba-Xà-Na-Đề của nước Câu-Thi-La, vị nào giàu sang hơn, có nhiều của cải hơn, kho báu lớn hơn, nhiều voi ngựa hơn, quân đội hùng hậu hơn, nhiều uy thế hơn, nhiều quyền lực hơn?’.Cuộc thảo luận ấy chưa đi đến kết luận khi Thế Tôn bước vào.”
Đức Phật dạy: “Này các khất sĩ, có mười đề tài nên thảo luận. Những gì là mười? Hãy nói về lòng khiêm tốn, về niềm vui bình dị, về việc xa lánh trần tục, về sự không vướng mắc, về hạnh tinh tấn, về giới đức, về định lực, về trí tuệ, về giaỉ thoát, về giải thoát tri kiến . Đó là mười đề tài chính đáng. Nếu quý vị cứ liên tục thảo luận về mười đề tài này cho đến nơi đến chốn, quý vị sẽ sáng hơn mặt trời và mặt trăng, đầy dõng mãnh và hùng lực.”

Hôm nay, chúng tôi xin nói vê một trong mười điều trên đây, đó là sự không vướng mắc, không bám níu. Con người thường vướng mắc, thường bám níu chặt nhất, mạnh nhất vào những cái gì? Thoạt tiên là cái thân; dĩ nhiên ai cũng lo cho cái thân mình, lo cho nó khỏe mạnh, vì sức khỏe đáng ngàn vàng theo như ý kiến chung. Dĩ nhiên ai cũng lo cho cái tâm này được an lạc. Tập thể dục cho thân thể tráng kiện thì quả là tốt, ngồi thiền cho cái tâm bình thản lại, niệm Phật cho cái tâm hết lăng xăng, như thế là đáng khen, đáng khuyến khích. Tuy vậy, khi đã bám níu vào cái thân, vào cái tâm thì lại săn sóc nó quá đáng, làm dáng cho nó, chau chuốt cho nó, thế là tốn thời giờ, tốn tiền bạc, bao nhiêu công việc hàng ngày để đâu? Các bổn phận về mọi phương diện để đâu?
Rồi đến sự bám níu vào lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Mắt vướng sắc, tai vướng tiếng, mũi vướng hương, lưỡi vướng vị, thân vướng xúc, ý vướng pháp. Lục căn tiếp xúc với lục trần là việc bình thường hàng ngày, có gì đáng chê trách? Cái đáng chê trách là sự vướng mắc, vướng mắc đến trở thành nghiện, không có không được. Một thí dụ nhỏ như nghiện thuốc lào, muốn dứt mà dứt không nổi, “đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Như vậy thì mình là nô lệ của thuốc lào. Người nô lệ của rượu, của món nhậu vv… cũng như vậy. Không nghiện những thứ ấy, có người lại nghiện thứ khác mà không nhận ra. Đó là bám níu vào những kỷ niệm vui, buồn trong quá khứ, nhất là kỷ niệm vui nó ve vuốt mình; đó là bám níu vào những dự kiến xa vời hay không tưởng về tương lai. Đó là bám níu vào những quyền lợi vật chất hay tinh thần đang được hưởng thụ, bám đến nỗi không ngại ngùng chà đạp lên quyền lợi của người khác!
Lại còn thêm sự bám níu vào những ý tưởng, những kiến thức, những chủ nghĩa vv… mà mình mê say. Đáng trách hơn nữa là: có khi biết những thứ đó sai rồi mà vẫn cố lý luận để nghĩ rằng mình phải. Phân tích ra thì thấy lý do là lòng tự ái, tự ái cho nên không muốn nghĩ rằng mình đã chọn sai, đã lầm đường lạc lối, tự mình sai mà còn dắt người khác sai theo; người ta ví như một anh mù dắt theo một đoàn mù! Cũng có thể lý do là quyền lợi riêng!
Chúng ta vừa nói đến chữ tự ái, yêu cái ta. Như thế chúng ta đi vào cốt lõi của vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ bám níu vào cái “ta”, cái “của ta”. Bám níu vào cái “ta” và cái “của ta” quả thật thì ai cũng có, có một cách tự nhiên, sinh ra là đã thế rồi. Bệnh này nặng nhất, làm phát sinh ra nhiều vấn đề. Cái gì cũng muốn là “của ta”, là “thuộc về ta”. Được rồi mà vẫn thấy chưa đủ cho nên đòi thêm, chiếm thêm, có khi hại người khác để vơ về phần mình cho nhiều … Đó là tham. Lòng tham thì không đáy!
Khi nào không được như ý mình thì bực bội, cáu kỉnh, ghen ghét, thù hận … Đó là sân. Giận mất khôn! Ai cũng biết như vậy mà mấy ai tránh được.
Coi cái ta là có thật, là nhất, đó gọi là chấp ngã. Đạo Phật dạy lý vô ngã. Mọi pháp trên thế gian này đều do duyên hợp, đủ duyên thì có hết duyên thì tan, làm gì có tự thể riêng biệt. Thế gọi là vô ngã. Cái ta này là giả hợp, đâu có thật. Cho nên chấp trước rằng cái ta có thật là một điều sai. Nhìn sự vật không đúng sự thật gọi là si.
Tham sân si là ba độc, là ba phiền não căn bản. Lẽ ra nên xếp thứ tự là si tham sân vì si là cội gốc, là thủ phạm. Vì nhìn sai, hiểu sai nên mới cho cái ta là thật, mới sinh ra tham và sân rồi bấu víu, bám níu đủ thứ, từ đó mà sinh ra đau khổ.
Đạo Phật là đạo thoát khổ. Muốn thoát khổ thì tu bát chánh đạo. Tuy nhiên, trước mắt là tu sao cho đừng bám níu, phải buông xả. Cuộc đời tự nó không khổ, chỉ vì mình bám níu nên mình khổ, cho nên mình phải buông xả. Có người kia chỉ trích ta, ta nghe thấy, ta phiền lòng, bực bội, tìm cách trả thù vv… Nếu ta tập dần dần, biết tiếng chỉ trích chỉ là âm thanh, âm thanh tự nó chẳng khổ, cho nên mình chẳng chấp, mình buông xả, như thế tâm mình được an. “Nhưng nó nói xấu tôi, tôi chịu không nổi!”. Đấy, có chữ “tôi” rồi, cái “ta” nó nổi lên rồi. “Vậy thì nhịn à? Chịu không thấu!”. Nhịn như thế mới là tu, là buông xả, là nhẫn nhục. Đức Phật có dạy một người rằng: “Còn ông, đối với bất cứ việc gì ông cũng bị vướng mắc như vậy, làm sao ông giải thoát được?”. [Xin coi Phụ Lục 1 ở cuối bài này].
Khi nói về xả thì người ta thường nhắc tới hạnh xả của bồ tát Di-Lặc. Ngài Di-Lặc có một hóa thân, đó là Hòa thượng Bố Đại, xuất hiện vào thời nhà Lương bên Trung Quốc. Hòa thượng ăn mặc xốc xếch, đi đâu thì thường mang một cái bao lớn bằng vải bố, gặp ai có món gì thì xin, bỏ vào bao; khi gặp trẻ con thì đem ra phân phát … Một hôm có người hỏi rằng: “Đại ý Phật pháp là thế nào?”. Hòa thượng buông cái bao lớn xuống đất rồi đứng thẳng, khoanh tay. Hỏi tiếp: “Chỉ là như vậy, hay lại có việc hướng thượng?”. Hòa thượng nhặt cái bao, vác lên vai mà đi. (Xin coi thêm Phụ Lục 2)
Ý nghĩa thế nào? Đại ý Phật pháp là xả, là buông bỏ, là hết bám níu; cho nên cái bao đang ở trên vai, bèn quẳng xuống, thế là buông bỏ. Còn đeo đẳng, còn chấp trước thì không thể “vào” Phật pháp được. Tự ý xả, vui mà xả, chẳng phải do ai ép buộc. Rồi sao nữa? Còn pháp hướng thượng, là gì? Là giác ngộ. Mang cả cái bao lên vai, là được tất cả, được giác ngộ!!
Để kết luận, xin thưa rằng: bám níu là một việc rất thường tình, bám níu càng chặt thi càng đau khổ. Gốc của bám níu là chấp ngã. Phải tu tập hạnh xả; nói thì dễ nhưng mấy ai thực hành liên tục và tích cực. Vì thế phải tập, mỗi ngày một chút. Đến chùa lạy Phật, tụng kinh, xong rồi về nhà đâu lại vào đó thì không ích lợi gì cả. Phải tự sửa mình, mỗi ngày một chút. Đối với các vị lớn tuổi, chăm niệm Phật, có lẽ dễ hơn, bởi vì niệm Phật liên tục là một cách buông xả đơn giản! Đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền! □
PHỤ LỤC
(1) Tại kinh thành Sāvatthi của xứ Kosalā, có một pháp sư ngoại đạo tên là Atula. Một hôm Atula dẫn một nhóm đệ tử đến vấn đạo tôn giả Revata. Ngài Revata ngồi yên. Atula bỏ đi và trách: “Thuyết pháp như vậy thì ai hiểu!”. Sau đó Atula và các đệ tử tới vấn đạo tôn giả Sāriputta. Ngài Sāriputta giảng tường tận về lý duyên khởi. Atula bỏ đi và trách: “Thuyết pháp dài dòng như vậy thì ai hiểu!”. Sau đó Atula và các đệ tử tới vấn đạo tôn già Ānanda. Ngài Ānanda giảng vắn tắt về phước baú của hạnh bố thí. Atula bỏ đi và trách: “Thuyết pháp ngắn gọn như vậy thì ai hiểu!”. Cuối cùng, Atula đến đảnh lễ đức Phật và thuật lại đầy đủ về ba sự kiện vấn đạo ấy. Đức Phật dạy: “Cuộc đời là thế! Không nói cũng bị trách. Nói nhiều cũng bị trách. Nói ít cũng bị trách. Còn ông, đối với bất cứ việc gì, ông cũng bị vướng mắc như vậy, làm sao ông giải thoát được?”
(2) Khi Phật còn tại thế, có một người tìm đến cầu học, hai tay cầm hai bó hoa lớn để cúng dường. Khi thấy người ấy, đức Phật bảo: “Buông!”. Ông ta buông tay trái, bó hoa rớt xuống đất, đức Phật lại bảo: “Buông!”. Ông ta buông tay phải, bó hoa kia cũng rớt xuống đất. Đức Phật lại bảo: “Buông!”. Ông ta ngơ ngác, thưa: “Bạch Thế Tôn, con đa buông cả hai tay rồi. Còn gì nữa mà buông?”. Đức Phật dạy: “Như Lai bảo ông buông lần thứ nhất là dạy ông buông sáu căn, lần thứ hai là dạy ông buông sáu trần, lần thứ ba là dạy ông buông sáu thức. Khi căn, trần, thức không vướng mắc thì tất cả 18 giới sẽ không sinh khởi, lúc ấy ông được giải thoát”.
● Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Chương “Sáu Pháp”, phẩm “Đáng được cung kính”), đức Phật dạy:
“Này các tỳ kheo, hãy thực tập sáu pháp vô thượng. Những gì là sáu?
Mắt thấy sắc, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
Tai nghe tiếng, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
Mũi ngửi mùi, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
Lưỡi nếm vị, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
Thân cạm xúc, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
Ý đối với pháp, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
Ai thành tựu sáu pháp ấy, xứng đáng cho chư thiên và nhân loại tôn trọng, cung kính, cúng dường, là phước điền vô thượng ở đời”.
● Trong Tương Ưng Bộ Kinh, đức Phật dùng biển làm thí dụ:
“Bậc thánh đệ tử thấy mắt là biển, sắc trần là sóng; tai là biển, thanh trần là sóng; mũi là biển, hương trần là sóng; … sáu căn là là biển, sáu trần là sóng. Nếu ai kham nhẫn nổi những đợt sóng vùi dập của sáu trần – sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp – thì người ấy vượt được qua biển lớn, tức là sang tới bờ giải thoát sinh tử”.
Sáu trần tạo duyên cho tâm chạy lăng xăng. Mắt thấy cảnh, tâm chạy theo cảnh, là tâm động. Mắt thấy cảnh, tâm không chạy theo cảnh, là tâm an . Vì vậy, muốn hàng phục tâm, thì đừng vướng mắc vào sáu trần, chỉ ghi nhận trung thực trong thái độ buông thả, mà không phán xét, không thêu dệt. □

=============

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT-Quyển 1

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bài ôn tập- 34. NGÃ MẠN
Theo Duy thức học, ngoài nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, và còn hai thức nữa là mạt-na-thức và a-lại-da-thức. Thức thứ bảy tức mạt-na-thức là thức chấp ngã. Trong kinh, khi nói đến tứ phiền não hay tứ hoặc (bốn điều mê hoặc, lầm lẫn) tức là nói đến bốn phiền não ứng với mạt-na-thức. Đó là: ngã si (ngu si, vô minh), ngã kiến (chỉ thấy có mình), ngã mạn (cho rằng mình hơn người), ngã ái (chỉ thương có mình).
Mạn thường được hiểu là kiêu, kiêu ngạo, ngạo mạn, kiêu mạn. Nôm na, mạn là một thói xấu tự cho rằng mình hơn người. Đứng về tâm-lý mà xét thì “bệnh” mạn này có nhiều thứ bậc.
Thấy người kém, thay vì nâng đỡ, khuyến khích để người ta tiến lên, lại lấy làm thích thú rằng người đó kém mình rồi tự khen mình là tài, là giỏi nên mới được hơn người như vậy, đó là một hình thức “mạn”. Thấy người bằng mình mà không chịu cho rằng mình đồng bậc với người ta, trái lại, tìm mọi lý lẽ để tự biện hộ rằng mình hơn người đó, đó là một hình thức khác của “mạn”. Ấy mới nói đến giai đoạn “nhè nhẹ”.
Tiến lên một bước, tranh lấy mình hơn, tài mình có thế thôi nhưng nghĩ mưu nghĩ mẹo để giành lấy hơn, vậy là đã phạm điều “mạn” nặng hơn rồi. Chưa xong, tranh hơn mà lại thêm cái tội chèn ép người khác, dìm người ta xuống, “bước lên đầu người ta” mà trèo lên, quả là bệnh mạn đã khó chữa lắm rồi. Sau đó, chưa thấy ai khen mình phục mình, thì phải tìm cách trổ cái tài của mình ra, dù rằng cái tài đó hoặc là chưa có hoặc là chỉ có chút ít chẳng đáng là bao, cái thứ mạn này là “khua chuông gõ mõ” làm quảng cáo như mấy chú bán thuốc ngoài chợ.
Dù sao những “tội” đó chưa bằng cái thứ “tà mạn”, không kính trọng Tam Bảo, đã không học, không tụng kinh điển lại còn chấp thủ các tà kiến, làm chui chột luôn hạt giống lành trong tâm linh, che lấp thêm Phật tính tuy sẵn có trong mỗi người, nhưng bị vô minh che phủ.
Ngã là cái TA. Thông thường ai cũng nghĩ đến TA, luôn luôn thu lợi về TA, lấy phần hơn về TA. Dù biết rằng cái TA vật chất này sẽ có ngày chấm dứt, người ta lại nghĩ đến cái TA tinh thần (gọi là linh hồn chẳng hạn) trường tồn, bất diệt. Hoặc giả cầu danh, cầu lợi cho nhiều để bồi dưỡng cái TA, có ai khuyên bảo thì chặc lưỡi: “chết là hết, chẳng phải lo kiếp sau, kiếp trước gì ráo trọi”.
Nghĩ rằng “chết là hết” là CHẤP ĐOẠN, nghĩ rằng “có linh hồn trường tồn, bất diệt” là CHẤP THƯỜNG. Đạo Phật cho cả hai ý kiến đó là biên-kiến. Đạo Phật quan niệm cái ngã chỉ là sự hợp lại của ngũ uẩn và cái ngã chỉ là giả mà thôi. Nó có đấy, nhưng nó là giả, chỉ là tạm. Nhưng cái bản thể của nó là cái Chơn-Ngã, cái Thực-Ngã, tức cái Phật tính, Như-Lai tính (có rất nhiều danh từ trong kinh sách để gọi “cái đó”) thì quả là thực, “cái đó” mới là thực, nhưng khó mà nghĩ bàn, nên dù có một cái tên nào đó để gọi cũng chỉ tạm là một cái tên thôi. Hiểu cái ngã như thế là để bước vào quan niệm vô ngã của Đạo Phật: sự sự vật vật không có tự thể, mà do duyên khởi, liên lập với nhau, tuy nhiên đều có “thấm nhuần” một “cái gì đó” chung cho hết thảy, cái đó tạm gọi là Phật tính vậy.
Biết vô ngã là như vậy, nhưng cái ngã nó vẫn sờ sờ ra đấy, biết làm sao đây?
Phải tu chứ làm sao, đức Phật chỉ cách tu, rất nhiều cách tu, từ thấp đến cao, thích hợp với căn cơ mỗi chúng sinh.
Ngã đã như vậy, chỉ là giả, chỉ là tạm, lại còn mạn làm chi, để mà thành “ngã mạn”?
Chấp ngã đã nặng, ngã mạn lại nặng hơn. Vì sao? Vì càng chấp ngã bao nhiêu, càng ngã mạn bao nhiêu, càng gây thêm nghiệp, kiếp này qua kiếp khác, chịu quả báo luân hồi, biết bao giờ ra khỏi cảnh sinh tử luân hồi? Nói gần, vì ngã mạn cho nên không chịu học hỏi, muốn học hỏi thêm thì cũng chẳng học bao nhiêu vì có chịu phục ai đâu, chịu kém ai đâu, chịu nhận ai là thiện tri thức đâu. Nói xa, vì ngã mạn cho nên không ai muốn gần, mà có ai gần thì người ta cũng phải e dè, khó mà trở nên thân thiết được. Phật tử mà ngã mạn không những làm hại chính mình, mà còn làm hại cho đạo Phật nữa, vì người ngoài nhìn vào thấy Phật tử như vậy thì đánh giá đạo Phật sai lạc đi.
Thế thì Phật tử luôn luôn nên nhún nhường, nhũn nhặn, khiêm tốn. Ai cũng mến, ai cũng có thể gần, vì thế có thể học hỏi thêm, kinh nghiệm thêm, tu hành tiến được và giúp người khác được. Hành Bồ-tát đạo, đó những là bước đầu! □

==========================

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 3

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Đề tài ôn tập – Bài 6. LINH HỒN

1. Thông thường, ai cũng nghĩ rằng con người có phần xác và phần hồn, thể xác và linh hồn, thân và tâm, vật chất và tinh thần. Đạo Phật dùng chữ danh-sắc, danh để chỉ cái tâm và sắc để chỉ cái thân. Tâm không có hình tướng mà chỉ có tên thôi nên gọi là danh. Sắc nói chung là vật chất. Chúng ta thường nghe người ta chúc nhau “thân tâm an lạc”.
Đại khái, người ta công nhận có một cái gì đó khác với thân xác. Cái ấy gọi là linh hồn. Cái phần hồn đó còn hay mất sau khi người ta chết? Vấn đề này thật là lớn, nó được đặt ra ngay từ khi con người biết suy nghĩ. Nói chung, một đằng cho rằng “chết là hết”, một đằng nghĩ rằng “thân xác thành tro bụi, nhưng hồn thì còn”. Đa số tôn giáo thuộc vào loại thứ nhì này. Phật giáo thì sao? Phật giáo nói tóm tắt như thế này: phần sắc do bốn đại là đất, nước, gió, lửa hợp lại; phần danh (tâm) do thọ, tưởng, hành, thức hợp lại. Như thế mỗi con người là một hợp thể gồm có sắc, thọ, tưởng, hành, thức; đó gọi là ngũ uẩn hay ngũ ấm. Vì quan niệm rằng con người là một hợp thể, do nhiều duyên mà có, thiếu một duyên thì mất, cho nên Phật học bảo rằng nó không có bản thể riêng biệt; để nói cho gọn, cho ngắn, Phật giáo bảo rằng nó là không. Phật giáo nói “không có cái ta” hay vô ngã là ở cái ý đó.
Thế rồi khi chết thì ra sao? Phật giáo Bắc tông bảo rằng mất cả, nhưng còn một thứ riêng của mỗi người là a-lại-da, cái a-lại-da vô hình này mang cái nghiệp đi sang một kiếp sống khác, thời gian tối đa chờ đợi sang kiếp mới là 49 ngày. Phật giáo Nam tông thì bảo rằng sau khi chết thì dòng nghiệp với nghiệp lực rất mạnh đẩy “người ta” sang ngay một kiếp mới. Kiếp sống ấy không nhất định phải là kiếp người, mà có thể là thành quỷ hay thành thần, thành tiên chẳng hạn, hay xuống địa ngục hoặc thành súc sinh! Nếu tu đắc đạo thì lên bậc thánh, hết sinh tử luân hồi.
2. Nếu ai gọi a-lại-da là linh hồn, thần thức, hương linh, vong linh thì cũng chẳng hại gì, nhưng phải nhớ kỹ, Phật giáo bảo rằng cái đó không trường tồn, bất biến. Tóm lại đạo Phật không công nhận có linh hồn trường cửu và bất biến. Do đó, có người bảo đạo Phật là vô thần. Thật ra, phải đi sâu nữa: đạo Phật Đại thừa xác nhận rằng vạn pháp đều có chung một bản thể, gọi là Pháp tánh; đối với chúng sanh thì bản thể ấy gọi là Phật tánh. Khi nói với người không theo đạo Phật thì nên dùng danh từ khác như bản thể, chân tánh. Cái bản thể đó không sanh không diệt, không thêm không bớt, không nhơ không sạch v.v…, vậy là nó không có đầu (vô thủy), không có đuôi (vô chung).
Chỗ này đáng chú ý: không có nguyên nhân đầu tiên tức là không có le Créateur, the Creator, không có Thiên Chúa, Ngọc Hoàng. Vậy Phật giáo là vô thần rồi chăng? Trả lời: Phật giáo Đại thừa không nói Ông Trời, đức Chúa Trời, Ngọc Hoàng Thượng đế nhưng có nói Pháp tánh hiện hữu khắp mọi nơi, khắp mọi lúc. Thần ở đây không bị nhân cách hóa, có thế thôi. Nhưng người Phật tử trung bình khi lễ Phật, cầu xin v.v… đã nhân cách hóa Pháp tánh qua các bức tranh, bức tượng vậy.
Tôi thuộc vào loại Phật tử trung bình đó. Khi lễ Phật, cầu Phật mà mong có cảm ứng, tôi nghĩ rằng lòng phải thành, tâm phải tịnh và phải tích lũy thiện nghiệp, việc này phải đi đôi với sám-hối. Tôi tin có phần hồn như đạo Phật dạy, chỗ này phải nói “lòng tin” mà không nói “khoa học”, vì khoa học xác nhận điều gì thì có chứng minh. Nói cho cùng, tin khoa học cũng phải có “lòng tin”, thí dụ như anh sinh viên tin thuyết tương đối của Einstein thì đâu có hiểu những chứng minh phức tạp của Einstein mà vẫn phải tin vào những người khác bảo rằng: Einstein nói đúng đấy, tôi kiểm soát rồi.
3. Ở đây, tôi muốn nói đến Thiền. Thiền là một phương pháp tu, bắt đầu dùng cách đếm hơi thở để dẹp cái tâm lăng xăng, tìm sự an định, rồi đi xa nữa là kiến tánh tức là thấy tánh, thấy Phật tánh v.v… Thiền tông là một tông phái mà tôn chỉ là “không lập chữ nghĩa, truyền riêng ngoài giáo lý, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”. Ngày nay nghe nói nhiều đến thiền, ta phải thận trọng, vì có rất nhiều loại thiền; muốn thiền phải có thày đứng đắn. Cần biết rằng có sự khác biệt giữa thiền Nam tông và Bắc tông.
Lục tổ Huệ Năng của Thiền tông dạy rằng Tịnh độ ở ngay trong tâm ta, tâm tịnh tức độ tịnh. Đối với tôi, niệm Phật là một sự huấn luyện tâm lý, nhằm giảm cái tâm lăng xăng, đồng thời huân (nghĩa là ướp) những niệm về Phật tức là những nhớ nghĩ về Phật vào a-lại-da và loại trừ các tạp niệm cùng các ác niệm. Niệm Phật có cái lợi là dễ thực hành, bất cứ chỗ nào, lúc nào cũng làm được vì niệm thầm cũng được!
Khi nghe nói “Phật tại tâm” chớ nên hiểu rằng có ông Phật ở trong tâm mình đây rồi, khỏi đi chùa làm gì, khỏi tu làm gì. Thật ra câu đó có nghĩa là mình đã được thấm nhuần Phật tánh, nhưng do ba độc tham, sân, si nên Phật tánh ấy bị che hẳn hay che mờ đi, mình phải tu hành v.v… thì Phật tánh mới hiển lộ được! Còn về chữ tâm, thì phải học nhiều mới rõ; bước đầu, nên hiểu rằng cái tâm lăng xăng hàng ngày của mình là phàm tâm (chúng sinh tâm), còn cái tâm chân thật( chân tâm) lại chính là Phật tánh! Hai tâm ấy là một!
4. Trong thời buổi này, tu hành khó quá! Đúng thế. Mình hãy hiểu tu là tích lũy thiện nghiệp của cả thân, khẩu và ý để triệt tiêu hay ít ra là giảm thiểu ác nghiệp. Không cạo đầu đi tu, vẫn sinh hoạt giữa cuộc đời nhưng tôn trọng những nguyên tắc luân lý của mình, đó là tu. Phải biết rằng có người đi chùa cả chục năm, ăn chay mỗi tháng cả chục ngày, lần tràng niệm Phật liên tục, ấy thế mà mãi không thấy Phật hiện ra, bởi vì lòng dạ, tính nết không thay đổi, tâm chưa đủ tịnh, làm sao đón Phật? Mà Phật đó, không phải là ông Phật ngồi trên tòa sen, đó là Phật tánh ngay trong mình vậy!
Tu Phật ở nhà cũng được, nhất là đối với những người quá bận việc. Còn đi chùa là để tham gia việc chung, cốt yếu là nghe tụng kinh, niệm Phật. Cả trăm người niệm Phật, tiếng rót vào tai mình, làm cho những niệm (nhớ nghĩ) về Phật lọt vào a-lại-da của mình, thêm vốn lành cho mình. Lại thấy người nào tiến bộ hơn mình thì nên bắt chước, thấy người nào chỉ tu bề ngoài thôi thì nhìn đó mà rút kinh nghiệm! Thấy người xuất gia đứng đắn thì nhận là thiện tri thức, thấy ai không xứng đáng thì lánh xa.
5. Nhập Niết-bàn là thế nào? Một là diệt tham sân si (luân lý), hai là đạt được vô ngã (tâm lý), ba là ra khỏi sinh tử luân hồi (siêu hình), vậy Niết-bàn là một tình trạng của cái tâm, không phải là một nơi chốn như thiên đàng, cho nên nói “nhập niết-bàn” là chưa chỉnh, phải nói là “chứng ngộ niết-bàn”. Có người nghĩ rằng đó là hư vô, nhưng lại không định nghĩa hư vô là cái gì! Theo Đại thừa, chứng ngộ niết-bàn là hòa nhập vào cái bản thể của vũ trụ, hòa nhập vào cái Pháp tánh, hiện hữu mọi nơi, mọi lúc.
Bàn thêm nữa cũng không được gì vì mọi người đều không biết! Tôn giáo và khoa học khác nhau là thế. Mở cái tivi ra, tuy không biết tia âm cực nhưng vẫn coi phim chưởng được. Niệm Phật xin về Cực lạc quốc, tuy không biết Cực lạc quốc nhưng vẫn có thể lên Cực lạc quốc được. Nhà khoa học giảng được tia âm cực và dắt học viên vào phòng thí nghiệm cho coi. Những vị chứng ngộ Cực lạc hay Niết-bàn rồi, chỉ dạy cho Phật tử con đường phải theo, mà không chứng minh được rằng mình nói đúng, như thế Phật tử cần phải có lòng tin! Khác nhau là ở chỗ đó. Tới nơi thì tự mình sẽ biết! Mà lúc đó lại hết cái mình, điều ấy mới khó! Nói mạnh hơn thì có mâu thuẫn gì chăng!
6. Còn các bạn trẻ, các bạn bận công việc, lo đời sống, nên ít khi đặt vấn đề tín ngưỡng. Tôi chỉ dám khuyên một điều thôi: hãy luôn luôn nghĩ lành, làm lành để tích lũy thiện nghiệp và làm gương cho con cái; hãy giúp người khác mỗi khi có thể, kể cả bố thí, các cụ nói “người ăn thì còn, con ăn thì hết” là có ý bảo rằng việc làm tốt của mình sẽ không bao giờ mất. Nếu thấy mấy nhà tu làm sai quấy thì hãy xa lánh. Ai ai cũng có nhu cầu tâm linh, nhưng tránh những hiểu lầm và mê tín dị đoan.
Nói chuyện với quý bạn như vậy thôi, có thể là sai, là gàn, nhưng xin thưa : tôi phát biểu ý kiến với lòng thành thực. □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

……………………………………………………………………………

Nguồn: Tu ViệnKim Sơn- Thích Tịnh Nghiêm-

Truyện Phật Giáo

Sự Tích Cái Mõ ↑

Ngày xưa, có một Hòa Thượng đi qua sông, khi thuyền đến giữa dòng thì có sóng to gió lớn, sắp chìm thuyền. Mọi người thất kinh đều chắp tay niệm Phật cầu mong qua khỏi tai nạn. Trước mũi thuyền, một con cá lớn nổi lên và nói rằng: “Mọi người muốn yên ổn qua tai nạn thì hãy bắt ông Hòa Thượng liệng xuống sông, nếu không thì cả thuyền bị chìm.”

Mọi người chắp tay nói, “Hòa Thượng tu hành từ thuở bé, đạo cao đức trọng, tại sao lại liệng xuống sông?”

Cá nói, “Vì ông mà tôi phải bị đọa làm cá khổ sở lắm. Ông là thầy của tôi, nuôi mà không dạy, để tôi phá trai phạm giới nên phải bị đọa, tôi thù ổng lắm.”

Hòa Thượng nói, “Cũng tại nhà ngươi không nghe lời dạy bảo, làm theo ý của mình nên bị đọa lại đổ thừa cho ta. Kinh dạy, “Phạm Phật thì có tăng sám hối, còn phạm tăng thì không có ai sám hối.” Vậy ngươi phải ăn năn, hối cải, niệm Phật. Ta sẽ về lập đàn siêu độ cho nhà ngươi.”

Hòa Thượng về chùa lập đàn tràng sám hối siêu độ ba ngày ba đêm. Đến ngày thứ ba, cá nhảy lên bờ bò vào sân chùa nói, “Nhờ Hòa Thượng sám hối siêu độ, con đã thoát kiếp sanh làm người. Con nguyện tinh tấn tu hành cho đến khi nào chứng đạo quả. Để nhắc nhở cho chười sau, xin để thân con làm mõ đánh lên, chúng tăng ăn cơm, tụng niệm, tọa thiền, làm lao tác.”

Do sự tích này nên các chùa thường chạm hình con cá nằm dài làm hiệu đánh ở trong nhà chùa. Cái mõ tụng kinh trong chùa cũng là tích này nhưng cũng có ý nghĩa là các loài cá rất ít ngủ, thường tỉnh thức. Ý muốn cho người tụng tỉnh thức không bị hôn trầm. Tâm tỉnh thức để vừa tụng vừa quán chiếu cho tiêu nghiệp phiền não, mau chứng đạo Bồ đề.

Ở thế đã nhiều duyên nghiệp quá

Quyết lòng nương tựa chốn am không.

Cửa thiền một đóng duyên trần dứt

Quên hết người quen chốn bụi hồng.

-o0o-o0o-o0o-

Sự Tích Chày Kình ↑

Chày kình một tiếng tan niềm tục

Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời.

Trong Chùa, thường có đại hồng chung. Trên quai đại hồng người ta thường đúc con bồ lao giống như con rồng. Cái cày đánh chuông bằng gỗ chạm con cá kình. Bồ lao ở dưới nước và cũng là ở trên khô. Bồ lao ở dưới nước và cũng ở trên khô. Bồ lao thấy cá kình thì nó sợ nó la lên, nhảy lên bờ cả bầy đều la. Cá kình thì muốn ăn bồ lao nhưng không lên đảo được. Hai loài này chống đối nhau.

Lấy ý nghĩa là muốn cho tiếng chuông kêu to, vang xa để tỉnh thức mọi người và cũng để thức tỉnh những cô hồn, âm linh, nghe chuông mà mau niệm Phật để thoát kiếp luân hồi.

Bài Kệ Hô Chuông

Bồ lao chuyển hướng chung thinh

Phạm sát kiền chùy phổ địa minh

Lục thú tài văn đô tức khổ

Địa ngục sạ thính khổ than đình.

Tạm dịch:

Bồ lao trở mình hướng nghe chuông

Chuông chùa cảnh tỉnh vang xa mãi

Sáu đường khổ thú nghe dứt khổ

Địa ngục nghe rồi khổ tạm dừng

Chuông trong nhà Phật có ba loại. Loại lớn nhất gọi là đại hồng chung. Đánh lên với trống sấm để làm lễ cúng Phật, cúng Pháp, cúng Tăng hoặc vào các ngày đại lễ.

Loại thứ hai là chuông báo chúng. Đánh lên như hiệu lịnh để đại chúng thức dậy, tọa thiền, tụng kinh, niệm Phật, lễ sám hoặc ăn cơm, làm việc v.v… Loại này nhỏ hơn đại hồng chung.

Loại thứ ba là chuông gia trì. Đánh lên cùng với tiếng mõ để hành lễ tụng kinh. Thầy Duy Na dùng chuông gia trì để điều khiển buổi lễ.

Trăng sáng sau khi trời tạnh mưa,

Hiên ngoài thoang thoảng gió hương đưa.

Tiếng chuông ngân ngợi trong đêm vắng,

Thử hỏi hồn ai đã tỉnh chưa?

………………………………………………………………….

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links