Hà Nội:1948-1954, những năm tháng cũ(Đỗ Văn Minh/DCV)-

Fwd: Một bài viết về kỷ niệm Hà Nội rất hay.
Kim Vu to:…,me

Đọc để nhớ Hà Nội!
20140711-hanoi_nam_1

-o0o-

Gửi tới bà con một bài viết vế kỷ niệm HàNội trong vùng quốc gia từ năm 1948-1954 rất hay.
Nguồn: trích từ trang web http://www.danchimviet.info/archives/39441

-o0o-

Hà Nội: 1948-1954, những năm tháng cũ (1)
Tác giả : Đỗ Văn Minh
Trích : http://www.danchimviet.info/archives/39441

(Lời giới thiệu : Sau đây là một loạt bài đăng 4 kỳ trên diễn đàn Chim Việt viết về kỷ niệm ở HàNội trong vùng Quốc Gia, từ năm 1948 đến 1954. Những ai di cư vào miền Nam gốc Hà Nội , ngày nay cỡ tuổi 75 tới 100 thì sẽ nhớ ra nhiều kỷ niệm. Ta phải thán phục tác giả có nhiều trí nhớ , có công sưu tầm sự kiện và ghi lại ngày tháng. Những kỷ niệm thời niên thiếu, lúc còn đi học tiểu học- trung học, những tên truờng lớp cũ, học sách gì, thầy giáo nào, những rạp chiếu bóng, những buổi văn nghệ v..v..
Tác giả đã ghi lại nhiều kỷ niệm xa xưa, mà ngày nay chắc chắn không còn nhiều nữa khi Hànội mở rộng chỉnh trang bằng những nhà cao ốc và đuờng cao tốc.
Nhân đọc bài này, nhận thấy còn cần bổ sung một vài những dữ kiện nên chúng tôi mạn phép ghi chú thêm, bằng phần highlight mầu vàng)

Vào một ngày khoảng đầu tháng 8 năm 1954, khi từ bến Sáu Kho Hải Phòng bước lên tàu Ville de Saigon để theo gia đình di cư vào Nam, tôi không hề nghĩ là phải một thời gian lâu lắm tôi mới trở lại đất Bắc. Ấy thế mà sau khi rời quê hương miền Bắc từ cảng Hải Phòng bằng đường thủy, phải chờ suýt soát nửa thế kỷ, quá nửa đời người, tôi mới trở về đất Bắc bằng đường hoả xa, đặt lại bước chân đầu tiên trên thủ đô Hà Nội tại ga Hàng Cỏ ở đường Hàng Lọng, những tên gọi xa xưa của Hà Nội băm sáu phố phường.
Khi bước chân ra ngoài nhà ga, trời còn mờ sáng, nhìn chưa rõ mặt người. Quang cảnh chung quanh thật ồn ào, náo nhiệt: Tiếng chào mừng của thân nhân đi đón nhau, tiếng rao của những người bán hàng, tiếng mời mọc của những anh lái xe ôm, của tài xế xe taxi, tất cả đã tạo thành âm thanh của một tiếng nói lạ tai. Cái tiếng nói này, khi mới về Việt Nam ở Sài Gòn, tôi đã nghe từ một cô xướng ngôn viên đài truyền hình và lúc ấy tôi không chú ý đến cho lắm vì chỉ là một tiếng nói lẻ loi, nhưng lúc này tôi mới cảm thấy xa lạ, vì nó không giống chút nào với tiếng nói mà tôi vẫn hằng quen thuộc của người Hà Nội thuở xưa. Thế rồi dần dần tôi mới nghĩ ra là thời gian đầu thập niên 1950, Hà Nội chỉ có khoảng 300,000 người mà nay dân số đã lên đến trên 3 triệu, gia tăng gấp 10 lần. Năm 1954, nhiều người Hà Nội đã di cư vào Nam, nhiều người Hà Nội khác, vì việc mưu sinh sau đợt đánh tư sản, đã phải về các miền quê, tỉnh nhỏ. Trong khi đó thì dân tứ xứ lại đổ xô tới khiến Hà Nội mất dần sắc thái riêng, trong đó có cái tiếng nói được gọi là của “người Trường An thanh lịch”. Tuy diện tích Hà Nội cũng tăng gấp 10 lần so với trước kia, tương ứng với đà gia tăng dân số, nhưng hầu hết số dân này lại tập trung trong khu nội thành, gần như tương đương với diện tích của toàn thể thành phố Hà Nội thời trước. Cho nên thành phố trở nên đông đúc khác thường, xe cộ đầy đường, có những phố khi xưa cả ngày lúc nào cũng đìu hiu vắng vẻ thì nay tấp nập người qua kẻ lại không ngớt. Không thiếu gì các cao ốc hai, ba chục từng. Cảnh tượng phố phường Hà Nội nhộn nhịp không khác với Sàì Gòn là bao. Vì đã sống ở Sài Gòn cả hơn một tháng trước khi ra Bắc nên tôi không đến nỗi quá sửng sốt nhưng cũng không tránh khỏi ngậm ngùi trước cảnh thay đổi của Hà Nội so với gần 50 năm trước khi thành phố này còn vắng vẻ, cuộc sống còn lặng lẽ, êm đềm.
* * * * * ***********************************************************************************
Hà Nội từng là thủ đô của nước Việt Nam trong gần 800 năm từ thời nhà Lý đầu thế kỷ thứ 11 tới thời Lê mạt cuối thế kỷ thứ 18. Nhưng trong các năm 1948-1954 này, Hà Nội chỉ còn là thủ đô của Bắc Phần, trước kia là Bắc Kỳ theo tên gọi thời Pháp thuộc. Hà Nội nằm dọc theo hữu ngạn sông Hồng Hà, nôm na gọi là sông Cái, hoặc còn gọi là Nhị Hà, vì trước khi tới Hà Nội, sông Hồng đã tách ra 1 nhánh nhỏ hơn gọi là sông Đuống chảy ngang qua Hải Dương. Thành phố trải dài từ phía bắc cầu Long Biên (Paul Doumer) qua viện Bảo Tàng (Louis Finot), Bệnh Viện Đồn Thuỷ (Lanessan) xuống tới phiá nam Phà Đen, nơi có một trung tâm huấn luyện Sỹ Quan và Hạ Sỹ Quan cho Quân Đội Quốc Gia của thời kỳ mới thành lập.
Khu buôn bán chính của Hà Nội tập trung ở phiá đông bắc thành phố nơi có hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi là hồ Gươm. Hồ Hoàn Kiếm là một di tích lịch sử và cũng là thắng cảnh du lịch nổi tiếng nhất của Hà Nội. Du khách tới Hà Nội thế nào cũng phải ghé thăm hồ Gươm, bằng không ít nhất cũng phải có lần đi ngang qua. Hồ nằm dài theo hướng bắc nam, song song với sông Hồng và cách sông Hồng chừng gần 1 cây số, phía bắc rộng hơn một chút và tiếp giáp với khu phố cổ hay khu phố “Ta”, phía nam hẹp hơn và tiếp giáp với khu phố “Tây”. Dọc hồ phía đông là đường Đinh Tiên Hoàng với Phòng Thông Tin thành phố, Tòa Thị Chính, vườn hoa Chí Linh (Paul Bert), Nhà Bưu Điện, chấm dứt tại điểm giao tiếp với phố Trường Tiền một bên và phố Hàng Khay phía bên kia. Men theo hồ phía tây là đường Lê Thái Tổ, đi tới khoảng giữa thì cắt chéo bởi phố Hàng Trống từ góc phố Hàng Gai đâm xuống. Tại góc ngã ba này có toà nhà thời 1945 về trước là của hội Khai Trí Tiến Đức, lúc này thuộc Nha Thông Tin và dùng làm Phòng Triển Lãm Hội Hoạ, Nhiếp Ảnh, … Khoảng năm 1950-1951, điêu khắc gia Đài Loan là Đới Ngoạn Quân đã có 1 tuần lễ trưng bày các tác phẩm nghệ thuật khắc trên ngà những bài thơ, bài văn cổ bằng chữ Hán… với nét chữ nhỏ li ti, phải dùng kính ‘lúp’ (kính phóng đại) mới coi rõ được. Có lúc đây là nơi dùng làm đấu trường cho các trận bóng bàn tranh giải vô địch Bắc Phần hoặc các trận giao hữu quốc tế, như dịp hè năm 1950, 2 danh thủ vô địch Pháp là Amouretti và Hagenauer đã tranh tài cùng các hảo thủ Việt Nam trong đó có anh em Mai Văn Hoà và Mai Văn Chất từ Sài Gòn ra. Phố Hàng Trống tiếp nối phố Lê Thái Tổ từ góc đường này chạy dọc cho tới cuối hồ thì cắt ngang bởi phố Hàng Khay bên tay trái và phố Trường Thi bên tay mặt, ngay tại góc đường này có sở Cẩm Hàng Trống.
Nói đến hồ Hoàn Kiếm thì thoạt tiên phải kể tới Tháp Rùa. Tháp này xây trên 1 hòn đảo nhỏ ở lui về phía nam và gần với bờ phía tây của hồ. Tháp có 2 tầng với một vòm nhỏ hơn ở trên cùng. Khoảnh đất chung quanh tháp có chiều rộng từ 3 đến 5 thước. Tương truyền rằng đây chính là địa điểm Thần Kim Quy đã lấy lại kiếm thần từ vua Lê Thái Tổ. Rùa Thần có thật chăng thì không rõ, nhưng thực sự dưới hồ có rùa và là rùa rất lớn. Trong những ngày hè oi bức, thỉnh thoảng rùa đã bò lên nằm im sưởi nắng dưới chân tháp hàng tiếng đồng hồ. Tôi đã nhiều lần khi đi ngang từ bờ hồ phía đông nhìn thấy, mai rùa lớn, to bằng cái nong, chắc chắn đường kính phải trên 1 thước, có thể tới gần 2 thước. Dường như dưới hồ không phải chỉ có một con ruà lớn như thế, tuy tôi chưa bao giờ thấy hai con cùng lên nằm dưới chân tháp một lúc.
Tại mặt bắc và gần với bờ phía đông của hồ Hoàn Kiếm là Đền Ngọc Sơn trên một hòn đảo lớn hơn đảo Tháp Rùa rất nhiều. Từ bên ngoài hướng đường Đinh Tiên Hoàng đi vào phải qua một cổng hai bên có hai đại tự chữ Nho đỏ chót, có lẽ là hai chữ Ngọc Sơn (?). Đi ngang một con đường hai bên là hai bức tường xây thấp, qua chừng vài chục thước là tới một cổng nữa, kiểu tam quan, giữa là cổng lớn như lối đi chính, hai bên là 2 cổng nhỏ mang tính cách trang trí nhiều hơn vì lúc nào cũng đóng. Qua khỏi cổng trong này là đến cầu Thê Húc, một cây cầu gỗ, với màu sơn đỏ như son bắc qua mặt hồ dẫn vào Đền Ngọc Sơn. Đền Ngọc Sơn được xây từ giữa thế kỷ thứ 19, bên trong thờ Đức Trần Hưng Đạo, vị anh hùng phá quân Nguyên vào thế kỷ thứ 13, và thờ Thần Văn Xương, ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử. Từ cầu Thê Húc đi vào, còn có lối đi nhỏ hai bên hông đền sát với mặt nước hồ, với hàng cây rậm rạp um tùm. Theo hai lối đi này vòng qua khỏi đền vào phía bên trong là Trấn Ba Đình, một khu đất phẳng và rộng, quang đãng, từ đó nhìn chếch về hướng Nam là thấy Tháp Rùa ngay phía trước mắt.
Ngày nay có lẽ ít ai còn nhớ rằng cầu Thê Húc đã một lần bị sập (cũng như cầu Thị Nghè ở Sài Gòn bị sập vào năm 1957 trong dịp Hội Chợ Thị Nghè khiến có một số người bị thương và chết). Tối Trung Thu rằm tháng tám năm 1949, dân chúng Hà Nội đổ ra chơi quanh hồ Hoàn Kiếm, đua nhau vào thăm đền Ngọc Sơn. Qua cầu Thê Húc, vì người qúa đông, chen chúc nhau nên cầu lung lay rồi đổ sụm xuống. Nhưng cầu rất ngắn và thấp, cách mặt nước không xa, cho nên không có ai chết hoặc bị thương nặng, hầu hết chỉ phải một phen hoảng sợ và quần áo bị ướt sũng mà thôi. (Tác giả quên Hà Nội còn có một lần sập cầu Thê Húc nữa vào đêm Giao Thừa năm 1953, vài tháng trước khi ký hiệp định Genève, rồi di cư vào Nam. Năm đó dân chúng đông quá chen lấn vào lễ nửa đêm nên sập cầu, người ta cho là điềm đất nuớc chia đôi ).
Bên ngoài đền, phía trái cổng Tam Quan chừng hơn 10 thước có một tòa tháp gọi là Tháp Bút xây trên một gò đất nhỏ và thấp, phủ đá bên ngoài. Đây là một tòa tháp đặc, 4 cạnh, 5 tầng, trên cùng có 1 cây trụ dài tựa như 1 quản bút, trên thân tháp có tạc 3 chữ Nho là “Tả Thanh Thiên”, có nghĩa là ‘viết lên trời xanh’. Tháp này do ông Nguyễn Siêu (cùng với Cao Bá Quát, đã được xưng tụng là “Thần Siêu Thánh Quát) thời vua Tự Đức nhà Nguyễn xây lên. ‘Viết lên trời xanh’ có nghĩa là viết lên để kể nỗi thống khổ hay oan ức của người dân, những mong ông trời để mắt xuống mà thấu hiểu. Dân gian có câu “Tháp Bút, Đài Nghiên”. Thế nhưng ở đây lại chỉ thấy có Tháp Bút mà không có Đài Nghiên để sóng đôi cùng.
Có một kiến trúc đặc biệt mang tính cách hiện đại so với những di tích cổ kính của Hồ Gươm là tòa nhà Thủy Tạ, có chừng 1 phần 3 xoải ra trên mặt nước, ở bên hồ gần góc phía tây bắc do người Pháp xây cất từ hàng chục năm trước trong thời tiền chiến. Vào thời gian này, đây là nhà hàng ăn có khiêu vũ, nơi từ chiều tối cho tới nửa đêm các ông tây bà đầm gốc Pha Lang Sa hay thuộc loại lô-can kéo nhau đến ăn uống, nghe nhạc và nhảy với nhau. Đứng từ xa, sau hàng liễu rũ, nhìn ánh đèn xanh đỏ từ nhà Thủy Tạ chiếu xuống mặt nước hồ, nghe tiếng nhạc bập bùng vọng tới, thấp thoáng những thân hình lả lướt theo tiếng kèn điệu nhạc, tưởng chừng như đang ngắm một tòa thuỷ cung nơi tiên cảnh. Toà nhà Thủy Tạ này bây giờ thuộc về thành phố Hà Nội và có lúc, khoảng năm 1951, được dùng làm một thư viện của thành phố. Nhưng chỉ mấy tháng sau, chắc hẳn thấy rằng dùng như thế thì phí phạm quá cho nên thư viện đã âm thầm được chuyển tới một nơi khác thích hợp hơn để toà nhà Thủy Tạ này được đem cho thuê để trở lại thành nhà hàng ăn chơi như những năm xưa cũ.
Khi kể những sự tích về Hồ Hoàn Kiếm, có mấy địa điểm ít được ai nhắc nhở tới.
Trước hết, đó là tòa tháp nổi có tên là Tháp Hòa Phong ngay bên lề đường Đinh Tiên Hoàng sát cạnh đường xe điện, đối diện với nhà Bưu Điện phía bên kia đường. Từ Tháp Rùa qua Tháp Hòa Phong tới nhà Bưu Điện, tất cả gần như cùng nằm trên một đường thẳng. Tháp này xưa kia nằm trong phạm vi và thuộc về chùa Báo Ân, nơi bây giờ là tòa nhà Bưu Điện. Không rõ vì sao và vào lúc nào ngôi chùa Báo Ân này không còn nữa và di tích duy nhất ngôi chùa để lại chỉ là Tháp Hòa Phong. Đây là tòa tháp vuông mỗi chiều dài chừng 3 thước, 4 cạnh trổ ra 4 cửa có thể đi xuyên qua bên dưới trong lòng tháp, phía trên có 2 tầng thu nhỏ lại hơn và trên cùng là mái tháp bao tròn chung quanh.
Một địa điểm khác là ở mặt tây Hồ Gươm trên đường Lê Thái Tổ gần phố Bảo Khánh có Đền Vua Lê trong một tòa nhà có vườn và tường bao chung quanh, từ đây trông thẳng qua bên kia đường là thấy Trấn Ba Đình. Hàng năm trong dịp kỷ niệm vua Lê Thái Tổ, thành phố có tổ chức tế lễ tại đây. Tôi ở Hà Nội gần 6 năm, đi qua Hồ Hoàn Kiếm không biết bao nhiêu lần mà chưa bao giờ có dịp vào thăm bên trong Đền Vua Lê. Nằm ở một địa điểm vắng vẻ nhất toàn khu quanh hồ Gươm, lại không có một lối kiến trúc khác thường nào cho nên Đền Vua Lê ít người biết tới cũng không phải là điều đáng lạ.
Sau hết là Đền Bà Kiệu nằm ở trên mảnh đất hình tam giác góc phố Hàng Dầu đâm ra phố Đinh Tiên Hoàng, trông sang bên kia đường là cổng Đền Ngọc Sơn. Đền Bà Kiệu dường như đã bỏ hoang từ lâu, còn lại chỉ là một toà miếu nhỏ với một cây đa lớn bên cạnh, không có người coi sóc và hàng ngày nguời qua kẻ lại nhưng không mấy ai để ý tới. Theo nhà văn Nguyễn Triệu Luật trong cuốn “Bốn con yêu và hai ông đồ” thì vào thời cuối Nhà Lê, thành Thăng Long có bốn con yêu, tất cả đều là yêu nữ:
Long Thành có bốn yêu tinh
Yêu trước hồ Giám, yêu đình Đồng Xuân
Yêu cây bàng giữa Hàng Cân
Yêu gốc cây liễu giữa sân chùa Tàu
Đây là ngôi chuà Tàu do một người Khách Minh Hương lập nên. Giữa sân chùa có một cây liễu già xù xì lâu ngày thành tinh. Con yêu gốc liễu này tác quái không ai dám ở nên chùa trở thành hoang phế và đến ngày nay không hiểu sao lại trở thành tên là Đền Bà Kiệu.
Quanh Hồ Hoàn Kiếm ở phía nam là một khu đất rộng, như một công viên, nhiều cây cối nhưng quang đãng. Từ cuối xuân qua hè sang đầu thu, có những hàng nước nhỏ với dăm ba cái bàn và mỗi bàn bốn ghế, sáng đến tối về, bán nước cam, nước chanh, nước dừa cho khách nhàn du nghỉ chân giải khát. Góc phía đông nam giáp với đường Đinh Tiên Hoàng và phố Hàng Khay có nhiều quán bán hoa từ những làng trồng hoa gần hồ Tây như Ngọc Hà, Yên Phụ đưa tới. Hoa bán ở đây chắc hẳn giá phải đắt hơn những nơi khác vì địa điểm này nằm trong khu phố Tây, và những khách hàng thường là những người tây phương lắm tiền nhiều bạc.
Còn phải kể thêm mấy nhân vật Hồ Gươm mà các học sinh chúng tôi của những năm đầu thập niên 1950 chắc không sao quên được.
Nhân vật đầu tiên là Mụ Béo với quán giải khát cũng mang tên “Mụ Béo” ở đầu đường Lê Thái Tổ gần xế với nhà Thủy Tạ phía bên kia đường. Bây giờ ở đất Mỹ này, những phụ nữ to béo mập mạp như Mụ Béo là chuyện thấy thường ngày không có gì là lạ. Nhưng vào thời kỳ đó, ở Việt Nam, hình dung béo tốt như Mụ Béo là một hiện tượng khác thường. Đặc biệt nữa là Mụ Béo có cô con gái (một hay hai cô, tôi không nhớ rõ) cũng có tướng tá dáng bộ giống gần như mẹ, thường thấy đứng bán hàng. Quán Mụ Béo vào đầu thiên niên kỷ mới đã được du khách ngoại quốc biết đến tên tuổi. Có một bài viết về Hà Nội của một ký giả ngoại quốc nào đó đã nhắc đến cái tên gọi là “The Fat Lady”. Có lẽ đây phải là bà Jr Fat Lady nối nghề của mẹ chứ cụ Sr Fat Lady tới năm tháng này hẳn đã đến thời quy ẩn trong tuổi xế chiều, hoặc không còn trên cõi đời này nữa.
Kế đó là anh Tàu bán thịt bò khô mà địa điểm hành nghề lúc nào cũng ở bên hông cửa hàng kem Hồng Vân, trên cao trông xuống quán Mụ Béo ở phía nam bên dưới và xa xa về hướng đông nam là khu đền Ngọc Sơn cây cối um tùm. Anh Tàu này có thân hình cao và gầy guộc, lúc nào cũng bận bộ áo cánh quần dài màu đen. Anh ta bán mỗi đĩa một đồng, thịt bò khô trộn với đu đủ bào mỏng pha với một thứ nước mắm chua ngọt cay cay. Hầu như lúc nào cũng có hai ba người, phần lớn là học sinh, đứng chung quanh, ăn xong xuống quán Mụ Béo ngồi ngắm phố phường, uống cốc nước chanh đá thì tưởng không gì thú vị cho bằng.
Cuối cùng là ông Tàu già bán lạc rang, còn gọi là phá-xa, mùa hè cũng như mùa đông, lúc nào cũng quanh quẩn ở bên tháp Hòa Phong. Ông Tàu này già hơn và mập mạp hơn anh Tàu bán thịt bò khô, đeo trước bụng một cái thùng thiếc có bao quanh bằng một lớp vải bông để ủ giữ cho lạc lúc nào cũng ấm. Cũng với giá một đồng một múc bằng cỡ một vốc nắm tay, cái thứ lạc trộn húng lìu được rang lên, hột lạc tròn và đều nhai dòn tan. Vào những chiều đông lạnh, ông Tàu già này đứng tránh gió trong lòng tháp, nhưng khách hàng quen thuộc vẫn biết để dễ dàng tìm ra. Năm 1957, ở Sài Gòn, một lần tôi trông thấy ông Tàu già bán lạc rang này đang lang thang trên đường Lê Văn Duyệt trông sang cửa vườn hoa Tao Đàn phía bên kia đường. Không thấy ông đeo cái thùng thiếc trước bụng nữa, và trong Nam trời nóng quanh năm, hẳn ông không còn bán cái thứ quà chỉ thích hợp với khí hậu Hà Nội mà thôi. Tôi không bao giờ gặp lại ông Tàu gìa này nữa, cũng như không còn thấy lại anh Tàu bán thịt bò khô mà tôi đã ăn không biết bao nhiêu lần! Tôi không khỏi ngậm ngùi mỗi khi nghĩ đến
Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?
(Thơ Vũ Đình Liên)
Trở lại hồ Hoàn Kiếm thì vì ở một vị trí thuận lợi nên đây còn là nơi để các tổng cuộc thể thao Bắc Phần thỉnh thoảng tổ chức những buổi trình diễn thể thao như đua xe đạp hay bơi lội.
Những cuộc đua xe đạp nước rút được tổ chức dọc theo đường Đinh Tiên Hoàng và đích tới đặt trước vườn hoa Chí Linh. Những cua-rơ Hà Nội nổi tiếng nhất thời đó là Ngô Văn Lai và Lai Kou Chi, một anh Tàu lai. Mùa hè năm 1951, một cuộc đua đường trường được tổ chức chạy quanh hồ Hoàn Kiếm mấy chục vòng, có sự tham dự của cả các tay đua từ Sài Gòn ra, trong số có cua-rơ Lê Thành Các, từng nổi tiếng là con “Phượng Hoàng”, vua leo núi trong những cuộc đua chạy nhiều chặng Vòng Quanh Đông Dương vào các năm trước 1945 do người Pháp tổ chức. Những cuộc đua này nằm trong phong trào thể thao do Giám Đốc Thể Dục và Thể Thao Đông Dương là Đại Tá Hải Quân Ducuroy phụ trách. Lần đua này, tay đua Lê Thành Các tuy đã luống tuổi nhưng vẫn đoạt giải nhất, quả đã xứng đáng với danh hiệu “Phượng Hoàng”.
(Tác giả quên trong cuộc đua vòng quanh Đông Dương có một vị cua rơ nổi tiếng Bắc kỳ là Vũ Văn Thân , con trai cụ Vũ Tư Đuờng, một doanh gia nổi tiếng Hà Nội).
Một cuộc thi bơi trong hồ Hoàn Kiếm đã được tổ chức dường như cũng vào năm 1951 với sự có mặt của nhiều danh thủ trên sông nước thời tiền chiến như Củ, Mủn, …Đây là những tên tuổi ở trong đoàn bơi lội của Tuần Phủ Cung Đình Vận trước kia đã từng đoạt nhiều giải và lần này họ vẫn đủ phong độ để tiếp tục đứng đầu trong bảng sắp hạng.
Có lẽ sẽ là một sự thiếu sót nếu không nhắc tới những kỳ chợ phiên (kermesse) tại hồ Hoàn Kiếm, hay nói rộng ra là ở Hà Nội.
Chợ phiên ở Hà Nội được tổ chức lần đầu trong khoảng một tuần vào dịp tết Canh Dần, đầu năm 1950 tại sân trường trung học Chu Văn An, lúc đó trường sở nằm ở trường nữ trung học Đồng Khánh cũ tại phố Hàng Bài. Dù chợ phiên mở tại một địa điểm chật hẹp, nhưng vì là lần đầu nên vẫn có nhiều người lui tới.
Lần thứ nhì chợ phiên được mở ra ở một khu trong khuôn viên Vườn Bách Thảo vào thời gian lễ Giáng Sinh tháng 12, 1950 cuối năm Canh Dần. Địa điểm rộng lớn hơn hẳn sân trường Chu Văn An, nhưng vì ở vào chỗ không thuận tiện, cách khá xa trung tâm thành phố, cho nên người đi xem không đông đảo lắm.
Chỉ chừng hơn một tháng sau, đúng vào những ngày đầu xuân Tân Mão cuối tháng 1 năm 1951, thành phố lại tổ chức chợ phiên lần nữa, và lần này ngay tại hồ Hoàn Kiếm. Khu vực chợ phiên được rào kín chung quanh ở phía tây dọc theo đường Lê Thái Tổ, từ trước nhà Thủy Tạ kéo dài xuống tới gần sở cẩm Hàng Trống quây lại gần phân nửa vườn hoa phía nam hồ. Ranh giới khu vực chợ phiên dựng trên lề đường phía bên hồ cho nên đường Lê Thái Tổ và khúc đường Hàng Trống nối tiếp xe cộ vẫn lưu thông được như thường. Địa điệm thuận lợi ngay trung tâm thành phố, cho nên chợ phiên kéo dài trên hai tuần mà khách vẫn tấp nập vào ra.
Lại vào dịp lễ Giáng Sinh tháng 12 năm 1951, chợ phiên được mở lần này tại Ấu Trĩ Viên trên đường Lý Thái Tổ, gần góc công viên Chí Linh. Điều đáng nói tới nhất là chợ phiên này cho tổ chức đánh bạc tự do mà mục đích được cho biết là để lấy tiền giúp cho binh sĩ và gia đình trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đây là một hình thức kiểu như Cây Mùa Xuân sau này. Nghe nói Thống Tướng De Lattre de Tassigny, Tổng Tư Lệnh Quân Đội Pháp kiêm Cao Ủy Pháp tại Đông Dương đề nghị thực hiện. Chợ phiên này lúc nào cũng đông đảo, thiên hạ không có mấy dịp được tha hồ tự do chơi trò đen đỏ như thế này. Tin báo chí cho biết có người vì thua bạc mà tự tử, có gia đình xào xáo đi đến tan vỡ. Cũng may mà chợ phiên chỉ mở không qúa hai tuần.
Rồi cũng như một năm trước, chợ phiên lại đuợc tổ chức ở hồ Hoàn Kiếm, địa điểm và cách thức cũng y hệt như năm ngoái, vào dịp đầu năm Nhâm Thìn, tháng 1 năm 1952. Ban tổ chức lần này có một sáng kiến. Họ cho bắc một nhịp cầu phao (ponton) từ bờ hồ ra tới Tháp Rùa, chọn đoạn đường ngắn nhất, vào khoảng trên 50 thước. Ai muốn đi qua cầu để lên thăm Tháp Rùa thì mua vé giá 5 đồng một người, giá của một bát phở thời đó. Ấy thế mà người ta đua nhau ra coi, trong số đó có tôi, để không bỏ lỡ cơ hội có một cảm giác đặc biệt, cảm giác đã đặt chân lên một di tích lịch sử có tính chất huyền thoại. Đây cũng là kỳ chợ phiên cuối cùng ở Hà Nội, những năm sau đó chắc vì tình hình chiến sự ngày càng nặng nề nên thành phố không nghĩ đến chuyện tổ chức tiếp nữa.
Người Hà Nội có câu: ở đây đi lạc đường, cứ tìm đến được hồ Gươm là sẽ kiếm ra lối về nhà, vì ở Hà Nội đường nào cũng dẫn tới hồ Gươm. Đúng thế! Mấy chục năm xưa, người Pháp làm ra một hệ thống đường xe điện (tramway) đi quanh các khu phố Ta và trạm đậu chính nằm bên con đường ngay trên phía bắc hồ Gươm, trông thẳng vào khu phố cổ
Ông Tây ngồi nghĩ cũng sành
Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường.
Ông Tây không cho xe điện chạy quanh trong khu phố Tây, vì ông Tây Bà Đầm không đi xe điện, cần đi đâu họ đã có xe ô-tô hay xe tay do phu xe kéo. Từ điểm xuất phát tại hồ Gươm này, có 3 lộ trình xe điện chạy đưa đi khắp các khu phố ta…
Một đường đi suốt phố Đinh Tiên Hoàng dọc phía đông hồ Gươm về hướng nam qua ngã tư Trường Tiền thì vào phố Hàng Bài cắt ngang mấy đại lộ trong khu phố Tây. Hết Hàng Bài là tới phố Huế, 1 khu phố Ta với Chợ Hôm buôn bán tấp nập chạy dài tới Ô Cầu Rền, một trong năm cửa ô xưa của Thăng Long thành, nơi cư ngụ của những dân nghèo Hà Nội.
Cầu Rền mưa dầm lầy lội
Gió về đã buốt lòng chưa.
(thơ Tạ Tỵ)
Tới đây là bắt đầu vào khu ngoại ô phía đông nam Hà Nội, sau cùng đi tiếp là đến Bạch Mai.

Hà Nội: 1948-1954, những năm tháng cũ (2)

20140711-hanaoi_nam_2
Xin tạm thuật qua ở đây về khu phố Tây mà lộ trình xe điện này chạy băng ngang qua.
Phố buôn bán chính của người Pháp tại Hà Nội là đường Trường Tiền (Paul Bert) theo hướng đông tây và bắt đầu từ Nhà Hát Lớn Thành Phố, toạ lạc trên một khu đất trông xuống một công trường rộng lớn. Nếu từ sau Nhà Hát Lớn đi ngược về hướng đông mấy trăm thước sẽ đến viện Bảo Tàng Louis Finot ngay gần đê sông Hồng. Thẳng trước mặt về hướng tây là phố Trường Tiền hai bên có nhiều tòa nhà 3, 4 tầng mà cao nhất của Hà Nội thời đó là Viễn Đông Ấn Quán (IDEO – Imprimerie d’Extrême Orient), cũng chỉ tới 5 tầng. Có rạp chiếu bóng Éden, cửa hàng bán thực phẩm Chaffanson, Nhà Thông Tin Pháp, cửa hàng bách hóa Gô-Đa (Grand Magasin Goddard) ở góc trông ra hồ Gươm. Đối diện với cửa hàng này phía bên kia đường là khách sạn Quán Hoàng Gia (Taverne Royale).
Nối tiếp với phố Trường Tiền là phố Hàng Khay chỉ có 1 đoạn ngắn dọc mặt nam hồ Gươm rồi đến phố Trường Thi (Borgnin Desbordes) chạy dài tới vườn hoa Cửa Nam và dọc theo phố này có Thư Viện Trung Ương (Pierre Pasquier), thư viện lớn nhất toàn cõi Đông Dương thời đó, và Nhà Thương Phủ Doãn. Có tên gọi là phố Trường Thi vì xưa kia đây là phiá bắc của trường thi Hà Nội, thi Hương ba năm một kỳ, và Thư Viện Trung Ương bây giờ chính là địa điểm của Nhà Thập Đạo, nơi các sĩ tử trong các kỳ thi đến xin dấu nhật trung và nộp quyển. Tính khởi đầu từ Nhà Hát Lớn đầu đường Trường Tiền, qua Hàng Khay đến Trường Thi, nếu tiếp nối thẳng tới hết phố Hàng Đẫy (Duvillier) thì đây là đoạn đường thẳng như sợi chỉ căng dài nhất Hà Nội, trên 3 cây số.
Song song với đoạn đường Trường Tiền, Trường Thi lui về phía nam, khu phố Tây này có 3 đại lộ, lần lượt là đường Hai Bà Trưng (Rolland), đường Lý Thường Kiệt (Carreaux), và đường Trần Hưng Đạo (Gambetta). Trên các đại lộ này phần lớn là các biệt thự, hoặc công thự, không có các cửa hàng buôn bán. Đầu phía tây của đường Hai Bà Trưng là chợ Cửa Nam, và của đường Trần Hưng Đạo là nhà ga xe lửa, ga Hàng Cỏ, chợ và ga đều nằm trên đường Hàng Lọng. Đầu phía đông của đường Lý Thường Kiệt là Viện Đại Học Hà Nội, và của đường Trần Hưng Đạo là khu nhà thương Đồn Thủy (bệnh viện Tây Lanessan). Trên đường Trần Hưng Đạo có khu Đấu Xảo, tương tự như khu Triển lãm ngày nay, gần phía ga Hàng Cỏ.
Toà án Hà Nội nằm trên quãng giữa đường Lý Thường Kiệt, nơi đây có phố Hỏa Lò chạy ngang đến đường Hai Bà Trưng và cắt chéo bởi phố Hàng Bông Thợ Nhuộm. Khu tam giác bao quanh các đường Hai Bà Trưng, Hỏa Lò và Hàng Bông Thợ Nhuộm chính là Nhà Tù Trung Ương (Prison Centrale) hay Đề Lao Trung Ương mà người dân thường nôm na gọi là Săng-Tan, là Nhà Pha. Người Pháp đã thật là thực tế khi cho xây Tòa án ở ngay góc đường trông sang Đề Lao để xử án xong, là có ngay chỗ thật gần để đem nhốt phạm nhân, vì vậy nhân gian mới có câu
Ai đưa tôi đến chốn này
Bên kia tòa án bên này đề lao.
Trong những năm của các thập niên giữa 1960 tới đầu 1970, Nhà Tù Hỏa Lò này từng nổi tiếng với cái tên Hanoi Hilton, nơi giam giữ các phi công Hoa Kỳ bị bắn hạ trong các cuộc oanh tạc Bắc Việt.
(Tác giả còn sót một dữ kiện , vì nhà đề lao này nằm trên Phố Hỏa Lò , nên người ta gọi là Nhà Hỏa Ló, ngoài ra nhà tù xây bao bọc bằng một bức tuờng bằng đá tảng rất cao, nên dân gian cũng còn gọi nhà tù này là Nhà Đá nữa. Vì có hai tên này nên báo Ngày Nay năm xưa có câu chuyện vui đùa về những tù nhân ở đây là mùa Đông thì nằm Nhà Hỏa Lò, còn mùa hè thì nằm Nhà Đá)
Lộ trình xe điện thứ nhì từ hồ Gươm đi chếch về hướng tây vào phố Hàng Gai, qua Hàng Bông đến vườn hoa Cửa Nam thì chuyển sang phố Hàng Đẫy, sau đổi tên thành Nguyễn Thái Học. Qua khỏi mặt sau Văn Miếu thì đường xe điện chia thành hai nhánh.
Từ đây, nhánh thứ nhất rẽ trái đi dọc theo hông phía tây của Văn Miếu, thẳng hướng tây nam qua Ô Chợ Dừa, Thái Hà Ấp gần đó là Gò Đống Đa với Đền Trung Liệt, tới Ngã Tư Sở, tiếp tục đoạn đường 10 cây số nữa thì đến thị xã tỉnh Hà Đông.
Nhánh thứ hai trên phố Hàng Đẫy đi thẳng qua khỏi phố Kim Mã là ra ngoại ô phía tây Hà Nội, theo đường Cầu Giấy chừng hơn 2 cây số là đến Ô Cầu Giấy, nơi vào cuối thế kỷ thứ 19, các đại úy Francis Garnier và đại tá Henri Rivière đã bị quân Cờ Đen phục kích sát hại.
Cầu Giấy đường hoa phượng vĩ
Nhớ nhung biết mấy cho vừa.
(thơ Tạ Tỵ)
Lộ trình thứ ba từ hồ Gươm thẳng lên phía bắc từ Hàng Đào qua Hàng Ngang, sang Hàng Đường rồi tới chợ Đồng Xuân. Đây có thể coi như trung tâm khu phố cổ của Hà Nội, cắt ngang đường xe điện này là các phố Cầu Gỗ, Gia Ngư, Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Thuốc Bắc, Hàng Buồm (khu phố Tàu của Hà Nội), Hàng Mã, Hàng Chiếu, … Phố Hàng Chiếu còn có tên là Phố Mới, ở đầu đường hướng về phía sông Hồng có một di tích lịch sử, đó là Ô Quan Chưởng. Hà Nội có 5 cửa ô, nhưng chỉ Ô Quan Chưởng là còn nguyên vẹn, các cửa ô kia đều có tên nhưng không còn dấu tích gì.
Tôi đứng bên này vĩ tuyến
Thương về năm cửa ô xưa
Quan Chưởng đêm tàn dẫn lối
Đê cao hun hút Chợ Dừa
(thơ Tạ Tỵ)
Cửa ô này có tên là Quan Chưởng vì trong năm đại úy Francis Garnier đánh thành Hà Nội, có một quan Chưởng Cơ đã cùng trên 100 binh sĩ chiến đấu chống quân Pháp, hy sinh cho đến người cuối cùng. Tôi đã từng ở khoảng 1 năm rưỡi tại căn nhà số 1 phố Mới trên tầng 2 và bàn học của tôi ở cửa sổ trông thẳng ra Ô Quan Chưởng ngay trước mặt. Nhìn hàng ngày cái di tích lịch sử này nên lúc đó tôi thấy bình thường, không coi là đặc biệt, âu cũng là lẽ thường!
Qua khỏi chợ Đồng Xuân là đến phố Hàng Giấy, tới đầu phố Hàng Than (nổi tiếng với các cửa hàng bán bánh cốm, bánh xu-xê) thì rẽ trái về hướng tây vào đường Quan Thánh. Hết phố Quan Thánh là đến đường Cổ Ngư một thắng cảnh với hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Xe điện đi tiếp dọc bờ nam hồ Tây qua trường Bưởi tức trường trung học Chu Văn An, qua Quần Ngựa tức trường đua ngựa, theo đường Thụy Khuê tới tận vùng Nghĩa Đô, quê hương của nhà văn Tô Hoài.
Ba xu cũng đáng đồng tiền
Một thôi về Bưởi bằng tiên non bồng
Năm xu ngôì ghế đệm bông …
Cái giá 3 xu, 5 xu đi xe điện là của những năm cuối thập niên 1920, đầu 1930. Lúc này, vé xe điện là 1 đồng, còn muốn ngồi ghế đệm bông thì xin trả 2 đồng.
Khu thắng cảnh thứ hai với những di tích lịch sử của Hà Nội là Đường Cổ Ngư, vườn Bách Thảo và chùa Một Cột. Muốn đi thăm thì đã có đường xe điện từ hồ Gươm theo lộ trình thứ ba như vừa kể bên trên.
Từ góc đường Quan Thánh đi vào đường Cổ Ngư là gặp ngay đền Quan Thánh, còn gọi là đền Trấn Vũ, ở ngay bên phải. Ở ngoài cùng trước đền có 4 trụ cao rồi đến tam quan với tháp chuông có qủa chuông cao 1 thước rưỡi. Qua 1 sân rộng chung quanh cây cổ thụ um tùm có hòn non bộ là tới ngôi đền. Trong đền có pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đúc vào năm 1667 bằng đồng đen cao gần 4 thước nặng 6 tấn tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm. Tục truyền đây là vị thần trấn cửa Bắc của thành Thăng Long.
Từ đền Quan Thánh vào đường Cổ Ngư đi lên phía bắc, bên phải là hồ Trúc Bạch, bên trái là hồ Tây. Hồ Tây rộng mênh mông, chu vi quanh hồ ước chừng phải trên 10 cây số. Đi khoảng gần 2 phần ba thì con đường Cổ Ngư hơi chếch về bên phải và có một khoảnh đất nở rộng ra. Đây là nơi vào cuối tuần có các quán hàng bán đồ giải khát và các gánh hàng bán bánh tôm cho khách đi ngoạn cảnh.
Đi tiếp một khúc ngắn nữa là đến chùa Trấn Quốc trên hồ Tây phía bên trái. Cũng như chùa Ngọc Sơn ở hồ Hoàn Kiếm, chùa Trấn Quốc ở hồ Tây cũng nằm trên một hòn đảo nhỏ nhưng không có cầu mà có một con đường đất nhỏ rộng trên 2 thước từ bờ hồ dẫn vào chùa. Chùa được xây trên hòn đảo có tên là Kim Ngư lối vào qua một cổng không kiến trúc theo kiểu tam quan. Điện thờ chính có tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, hai bên là Nhà Tổ và Nhà Bia trong đó có bia của tiến sĩ Phạm Qúy Thích khắc năm 1815 ghi lại việc tu sửa chùa, phía sau chùa có gác chuông và mấy ngôi tháp cổ. Thời vua Lê, chúa Trịnh, đây là nơi vua chúa thường đến ngắm cảnh; chúa Trịnh còn thiết lập hành cung mỗi tháng ra chơi vài ba lần, ngự thuyền rồng dạo chơi trên hồ, nhã nhạc tưng bừng cho đến canh khuya.
Mấy tòa sen rớt mùi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
(thơ Bà Huyện Thanh Quan)
Nhưng vào những năm đầu thập niên 1950 này, chùa Trấn Quốc trông tiêu điều vắng vẻ, khách hành hương thưa thớt, cho nên sở Thanh Niên thành phố mới có ý định lập một hồ bơi công cộng bên con đường đất dẫn vào chùa.
Quá chùa Trấn Quốc là tới một loạt những nhà cho thuê thuyền đi chơi hồ Tây, trong số có Tiểu Đồ Sơn là lớn nhất. Vào buổi chiều hay vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, các học sinh, thanh niên, thiếu nữ Hà Thành thường tới đây thuê canoé, périssoire, pédalo, hay cả thuyền buồm nhỏ đi dạo trên hồ. Cuối đường Cổ Ngư là tới dốc chân đê Nhị Hà, Ô Yên Phụ ở trên cao, nhìn xuống một bên là sông Nhị như giải lụa uốn khúc, bên kia là hồ Tây như tấm gương soi.
Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ
Nhị Hà lấp lánh sao thưa
(Thơ Tạ Tỵ)
Từ dốc Ô Yên Phụ này phía bên trái là làng Yên Phụ, một làng trồng hoa, cũng như Ngọc Hà nhưng thơ mộng hơn vì nằm ngay cạnh hồ. Làng Yên Phụ cũng là nơi có nhà của thi sĩ Đinh Hùng, tác giả Mê Hồn Ca, ở ngoài lộ, và nhà của Thạch Lam, văn sĩ trong Tự Lực Văn Đoàn, tác giả Hà Nôi băm sáu phố phường, ở ngay khúc đầu làng soi bóng xuống mặt hồ.
Tây Hồ có danh sĩ
Nhà thì ở nhà tranh
Cửa trúc cài phên gió
Trước thềm bóng liễu xanh
(thơ Huyền Kiêu)
Tiếp theo Yên Phụ đi dọc mặt đông của hồ lên hướng tây bắc là tới Nghi Tàm, xa hơn nữa là Quảng Bá, rồi đến Nhật Tân là đỉnh của Hồ Tây, tại đây đi xuôi xuống bên kia dọc mặt phía tây hồ là con đường dẫn về Nghĩa Đô, Thụy Khuê, Quần Ngựa, trường Bưởi và Đền Quan Thánh, và như thế là đã đi suốt một vòng quanh hồ. Quanh hồ Tây, dọc Nghi Tàm, Quảng Bá phía đông cũng như dọc Thụy Khuê, Bưởi phía tây, du khách nếu có thời giờ, có thể ghé thăm hàng chục ngôi chùa chiền, đền miếu, đình đài, xây cất từ nhiều trăm năm trước.
Tại góc đường Cổ Ngư và Quan Thánh bên trái có một công viên và đi xuyên qua công viên này là vào khu vườn Bách Thảo. Thời 1945 về trước, đây là vườn Bách Thú vì có nhiều chuồng nuôi các thú vật từ hổ, báo, gấu, voi cho tới hươu nai, khỉ vượn, cùng nhiều loài chim. Chiến tranh xảy ra, thú vật chim chóc chết và mất hết cả, không được thay thế cho nên bây giờ chỉ còn là vườn Bách Thảo. Trong vườn Bách Thảo này có mấy hồ nhỏ với những cây đa gốc rễ xù xì cành lá toả xuống mặt hồ. Có một hồ tường cao ngang ngực xây bao quanh, gần mấy tòa nhà của những người trông nom vườn Bách Thảo này. Nhưng điạ điểm được biết nhiều nhất có tên là Núi Nùng, nổi tiếng qua câu “Núi Nùng, Sông Nhị”. Núi với Sông, tên gọi song đôi với nhau, nhưng phải nói là song đôi giữa lớn và nhỏ thì mới đúng. Sông Nhị là con sông lớn nhất miền Bắc còn Núi Nùng thì gọi là núi, nhưng thực sự đây chỉ là một gò đất cao chưa tới mười thước, chu vi dưới chân không quá 100 thước. Núi không có đỉnh mà bên trên là 1 khoảnh đất bằng phẳng với dấu tích còn lại chỉ là một mảnh tường kiểu cổ cao ngang bụng. Dường như thủa xưa nơi đây có một tòa miếu, đền chi đó nhưng đã bị tàn phá chỉ một mảnh tường sót lại. Còn do đâu mà có tên là núi Nùng thì tôi không biết. Những trưa hè oi bức cuối tuần, chúng tôi vài đứa hay kéo nhau đi xe đạp tới đây lên nằm trên thảm cỏ hoặc dựa lưng vào bức tường đọc sách, xem truyện, tán dóc với nhau hàng tiếng đồng hồ.
Sau vườn Bách Thảo tới làng Ngọc Hà, cùng với làng Yên Phụ, là những nơi chuyên cung cấp hoa cho thành phố Hà Nội. Chính làng Ngọc Hà này đã tạo thành bối cảnh cho tiểu thuyết Gánh Hàng Hoa của Khái Hưng và Nhất Linh nổi tiếng thời tiền chiến. Từ Bách Thảo đi lui về phía nam một đoạn đường ngắn là tới Chùa Một Cột. Chùa Một Cột, hay là Chùa Nhất Trụ, còn có tên Hán nữa là Chùa Diên Hựu, được xây từ năm 1049 dưới triều Lý Thái Tông trong một hồ nhỏ là hồ Linh Chiểu, bao quanh bởi một bức tường thấp bằng gạch sành tráng men xanh. Chùa có kiến trúc thật độc đáo, bên trên chỉ có một gian hình vuông, mỗi cạnh dài 3 thước, nằm trên một cột đá cao 4 thước, không kể phần chìm dưới nước, đường kính rộng hơn 1 thước. Cột này gồm 2 khúc chồng lên nhau thành một khối, khúc trên có một hệ thống những đòn gỗ giữ cho ngôi điện thờ ở trên. Bên trong chùa có thờ tượng Phật Bà Quan Âm. Mái chùa có 4 góc uốn cong với hình cá chép và trên nóc mái có hình lưỡng long chầu nguyệt. Có một đường xây xi măng từ bờ hồ lên điện thờ, chiều rộng hơn 1 thước với chừng 10 bậc, hai bên có lan can cũng xây xi măng.
Khu thắng cảnh từ đường Cổ Ngư với đền Quan Thánh, chùa Trấn Quốc, hồ Tây qua vuờn Bách Thảo với núi Nùng, tới Chùa Một Cột, tuy có nhiều cảnh trí đẹp và nhiều di tích lịch sử cổ kính, nhưng ít người qua lại thăm viếng, có lẽ vì địa điểm xa xôi không thuận đường đi lại, nhất là khu này quá rộng, coi cho hết mất rất nhiều thời giờ. Vào dịp Tết Tân Mão đầu năm 1951, ngày mùng 4, tôi đưa mấy người họ hàng thân thích từ Hải Phòng lên chơi Hà Nội, đi đến đây thăm viếng và chụp hình. Đường Cổ Ngư còn thấp thoáng có người qua lại; vườn Bách Thảo số du khách đếm được trên đầu ngón tay; sang tới Chùa Một Cột thì đúng là ‘vắng như chùa Bà Đanh’, ngoài mấy người chúng tôi, không có một ai khác hết. Phải chăng vì đang có chợ phiên ở hồ Hoàn Kiếm nên thiên hạ kéo nhau đi coi hết ở đó chăng?
Di tích lịch sử thứ ba ở Hà Nội là Văn Miếu, còn gọi là Quốc Tử Giám.
Văn Miếu mặt tiền trông ra con đường văn học Quốc Tử Giám, mặt sau trên phố Hàng Đẫy tức là đại lộ Nguyễn Thái Học, con đường thẳng băng nối dài từ Nhà Hát Lớn qua phố Trường Thiền, Trường Thi đi tuốt ra Kim Mã tới Ô Cầu Giấy trên quốc lộ lên Sơn Tây. Một bên hông Văn Miếu phía đường Sinh Từ là phố Văn Miếu, mặt hông bên kia có đường xe điện chạy ngang. Trước cổng chính vào Văn Miếu bên kia đường Quốc Tử Giám có một cái hồ, tục gọi là hồ Giám. Giữa hồ có 1 đảo nhỏ và trên bãi cỏ xanh có một ngôi miếu nhỏ. Đây là nơi con yêu hồ Giám thường ẩn hiện, một trong 4 con yêu thành Thăng Long thời cuối nhà Hậu Lê.
Long Thành có bốn yêu tinh
Yêu trước Hồ Giám, yêu Đình Đồng Xuân
Tục truyền con yêu Hồ Giám là con yêu lành, chưa từng hại một người, chỉ hay đón bọn học trò ghẹo chơi nếu là người không đứng đắn. Nó cũng chỉ quanh quẩn bên ngoài chứ chưa bao giờ dám bước vào bên trong Văn Miếu.
Kỷ niệm Văn Miếu với tôi chỉ là vào những ngày hè oi bức, chúng tôi thường đến nhà một anh bạn ở cuối đường Sinh Từ, để xe đạp ở đó, rồi kéo nhau đi bộ sang đường Văn Miếu kế bên. Chúng tôi lần lượt leo tường vào bên trong, lang thang khắp nơi, tận hưởng cái thú trong sự yên lặng tịch mịch dưới bóng mát của những tàn cây đại thụ. Nghỉ mệt, chúng tôi nằm lên lưng các con rùa đá hoặc dựa lưng vào các tấm bia ghi tên các vị đậu đại khoa, nghĩa là đậu tiến sĩ của một thời khoa bảng xa xưa Những tấm bia dựng trên lưng rùa này nằm rải rác trên sân cỏ, tất cà cũng phải đến gần 100 tấm.
Văn Miếu được xây vào năm 1070 đưới triều vua Lý Thánh Tông để thờ Đức Khổng Thử, vị Vạn Thế Sư Biểu cùng thất thập nhị hiền, 72 môn đệ hiền đức nhất của ngài. Đến đời Lý Nhân Tông, Quốc Tử Gíám được xây cũng tại nơi đây để làm nơi cho con cháu hoàng đế và các quan đến học, sau mở rộng cho cả thứ dân, cho nên Quốc Tử Giám được coi như là Viện Đại Học đầu tiên của Việt Nam.
Văn Miếu là một công trình xây cất qui mô, có lớp lang, thứ tự rõ ràng. Ngoài cùng có một tam quan gọi là Đại Trung Môn, tức là Cửa Lớn ở Giữa, hai bên có hai cổng nhỏ với hai lối đi nhỏ. Qua khỏi Đại Trung Môn là Khuê Văn Các, một tòa gác cao, tượng trưng cho sao Khuê, ngôi sao sáng rực rỡ trên nền trời. Đây là nơi giảng sách thánh hiền. Tiếp theo là một sân rộng, nơi các sĩ tử ngồi nghe giảng Đạo Thánh. Kế đó là một hồ vuông có tên là Thiên Quang Tĩnh, cái giếng phản chiếu tinh tú trên bầu trời, hai bên có các dãy bia ghi danh các vị đã đỗ tiến sĩ. Bia đá khắc tên tiến sĩ khởi đầu vào năm 1442, đời vua Lê Thái Tông. Sau đó là một sân nữa rộng mênh mông gọi là sân Đại Bái nơi xuân thu nhị kỳ có các cuộc hành lễ và cuối cùng đến Điện Khải Thánh bên trong có tượng Đức Khổng Tử uy nghi ngồi giữa mặc áo đỏ, đội mũ đỏ, hai tay chồng lên nhau trước ngực. Chức quan trông coi Văn Miếu Quốc Tử Giám gọi là Tế Tửu, có thể coi như chức Viện Trưởng Đại Học bây giờ. Vị Tế Tử đầu tiên là Chu Văn An dưới trào vua Trần Dụ Tông cuối đời nhà Trần, và tượng thờ vị danh nho khí phách cũng được dựng lên ở một bên trong Điện Khải Thánh này.
Cả ba khu thắng cảnh với những di tích lịch sử trên đều ở trong vùng phía bắc hay cũng gần phía bắc Hà Nội. Từ Văn Miếu theo đường xe điện lui về hướng nam là tới Đống Đa nơi có đền Trung Liệt với ba chữ Trung Liệt Miếu ở cửa đền. Gò Đống Đa này là nơi vua Quang Trung năm 1789 đã đại phá quân Thanh khiến cho tướng Thanh là Sầm Nghi Đống đã phải treo cổ tự tử, là nơi chôn xác hàng ngàn quân Thanh chồng chất lên thành gò và hàng năm đến ngày mùng 5 tháng giêng là có hội lễ, dân chúng đua nhau đi thăm viếng. Gần Đống Đa có Thái Hà Ấp, đất phong của gia đình cha con Phó Vương Hoàng Cao Khải và Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu, cũng là nơi cư ngụ của nhà phê bình nổi tiếng Vũ Ngọc Phan với bộ Nhà Văn Hiện Đại.
Đi ra vùng ngoại ô phía tây Hà Nội có một khu thắng cảnh khác. Cũng từ mặt sau Văn Miếu, trên đường Hàng Đẫy theo đường xe điện đi về hướng Tây qua khỏi Kim Mã là bắt đầu quốc lộ Hà Nội Sơn Tây, hai bên đồng ruộng cây cỏ xanh rì. Song song với quốc lộ cách chừng 100 thước bên tay phải là một con đường đất hẹp chạy dài chừng 3 cây số. Khoảng giữa đoạn đường này, con đường nở rộng ra, mặt đất nổi lên từ 5 tới 10 thước thành một gò đất dài chừng 100 thước, có tên là Núi Bò. Nghĩ cũng lạ! Hà Nội nằm trên vùng châu thổ sông Hồng, địa thế bằng phẳng, làm sao có núi non cho được. Vậy mà ngoài núi Bò này, trong vườn Bách Thảo còn có Núi Nùng. Núi Nùng là một địa danh có tiếng, đi đôi với Sông Nhị, nhưng Núi Bò này thì không mấy người biết và cũng không biết tại sao có tên gọi là Núi Bò. Nhóm học sinh chúng tôi vào ngày nghỉ học thường lên đây tìm cảm hứng làm thơ, viết văn. Suốt con đường đất này qua núi Bò cho tới tận đền Voi Phục, nhiều chỗ cây cối rập rạp thành lùm thành bụi um tùm, là nơi các cặp nam thanh nữ tú thường đến hẹn hò tình tự. Năm 2002, về Việt Nam, trong chuyến ra miền Bắc, trên đường lên thăm Sơn Tây, nơi tôi sinh trưởng, khi qua khỏi Kim Mã, tôi không còn thấy dấu vết gì của Núi Bò. Hai bên suốt đoạn đường trên 20 cây số cho tới Cầu Phùng bắc qua sông Đáy, không thấy đâu là đồng ruộng vì nhà dân xây liên tiếp kín mít không có chỗ hở. Ngay đền Voi Phục và Ô Cầu Giấy, nơi có ngôi mộ của Đại Tá Henri Rivière bị quân Cờ Đen phục kích giết chết, từ ngoài đường nhìn vào cũng không tìm đâu thấy.
Trên quốc lộ đi về hướng tây, đền Voi Phục ở về bên tay phải, cách đường một quãng ngắn. Đây là một trong 4 ngôi đền trấn giữ thành Thăng Long ở 4 mặt. Đền Voi Phục trấn giữ mặt tây trong khi đền Quan Thánh trấn giữ mặt bắc. Đền Voi Phục thờ Lung Linh Đại Vương, tục truyền về đời nhà Lý đã theo Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm, nay hàng năm có lễ hội với đám rước linh đình vào đầu tháng hai âm lịch. Từ ngoài vào trong đền phải qua 1 tam quan với 4 cây cột cao, có đôi voi nằm chầu phục xuống hai bên, vì vậy đền mới có tên là Voi Phục. Trước sân đền có mốt giếng sâu và nhiều cây cổ thụ già hàng trăm năm và 12 bậc dẫn lên chính điện.
Cũng trên quốc lộ này, khoảng ngang với đền Voi Phục ở bên tay phải, nếu đi vào phía bên tay trái một quãng đường chừng 500 thước là tới chùa Láng trên một khu đất rộng cây cối um tùm. Chùa Láng có tên Hán là Chiêu Thiên Tự, còn gọi là Chùa Cả, xây từ đời vua Lý Anh Tông, thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cũng có một tam quan với tứ trụ, 4 cột vuông, 3 mái cong, mái giữa cao hơn hai mái hai bên. Qua khỏi tam quan tới một sân rộng là đến chính điện trong có tượng thờ Từ Đạo Hạnh. Hội chùa Láng hàng năm nhằm vào ngày 7 tháng 3 âm lịch. Tại núi Sài Sơn, Sơn Tây có chùa Thầy, cũng thờ Từ Đạo Hạnh. Cho nên mới có câu đồng dao:
Nhớ ngày mùng bảy tháng ba
Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy
* * * * *
Hà Nội khí hậu thay đổi theo 4 mùa. Mỗi năm vào dịp đầu hè, khi ngồi trong lớp học, nhìn qua cửa sổ nghe trong vòm lá cây rậm rạp tiếng ve sầu kêu như một cung đàn rời rạc trong buổi trưa hè oi bức, thoáng tiếng giảng bài của giáo sư mơ hồ như từ một qúa khứ xa xôi nào vọng lại, tôi chợt nghĩ tới những ngày hè sắp tới. “Hè đã về! Hè đã về với xác pháo thắm ai tinh nghịch gieo trên cành soan biếc…”. Và tôi nghĩ đến hoa phượng vĩ, những đường hoa đỏ rưc của Hà Nội: những hàng cây phương vĩ ven hồ Hoàn Kiếm, dọc hai bên đường Cổ Ngư, bên đường Quần Ngựa, và làm sao không khỏi nhớ tới “Cầu Giấy đường hoa phượng vĩ” của nhà thơ Tạ Tỵ. Thế rối thu hết đông sang, Hà Nội trở thành thơ mộng khi gió heo may về, ánh nắng vàng không còn rực rỡ, bên hồ Gươm các cô gái của thành phố đã khoác lên mình những chiếc áo len, quàng lả lơi qua vai chiếc khăn san như đã sẵn sàng cho những ngày đông giá lạnh
Heo may lướt nhẹ trên hồ
Còn như vương chút hương thu vừa tàn
Hà Nội ở đầu mùa đông, có những ngày nắng hanh vàng, trờì trong xanh ngắt, lại có những ngày gió nồm không khí nặng nề như chứa đầy hơi nước, trời không mưa mà mặt đường ướt át, dơ bẩn vì cái cảnh đá đổ mồ hôi.

Hà Nội: 1948-1954, những năm tháng cũ (3)

20140711-hanoi_nam_3

Nói qua những biến thiên về thời tiết, nay xin trở lại với Hà Nội của những năm 1948-1949 khi dân chúng bắt đầu tấp nập hồi cư về. Và là một học sinh của thời gian đó, tôi biết nói gì hơn là khởi đầu với những câu chuyện học đường.
Từ 1945 về trước, Hà Nội có 2 trường trung học công lập: trường Bưởi hay trường Bảo Hộ bên bờ hồ Tây cho nam sinh và trường Đồng Khánh trông ra phố Hàng Bài gần hồ Hoàn Kiếm cho nữ sinh. Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim sau ngày 9 tháng 3 năm 1945, trường Bảo Hộ được đổi tên thành trường Chu Văn An và trường Đồng Khánh, thành trường Trưng Vương. Cuộc chiến tranh Việt Pháp đã khởi đầu vào ngày 19 tháng 12 năm 1946. Sau khi kiểm soát được thành phố Hà Nội, quân đội Pháp đã dùng nhiều trường học làm nơi trú quân. Cho nên, khi trường Chu Văn An mở lại vào niên khóa 1948-1949, trường đã phải tạm dùng trường tiểu học Thanh Quan ở phố Hàng Cót làm nơi dạy học. Sang niên khóa 1949-1950, quân đội Pháp rút ra khỏi trường nữ trung học Trưng Vương ở phố Hàng Bài thì trường Chu Văn An dọn về đây. Còn trường Trưng Vương thì có trường sở mới ở phố Hai Bà Trưng kế góc đường Lê Thánh Tông, gần viện Đại Học Hà Nội. Ngay niên khóa sau, 1950-1951, quân đội Pháp lại trả thêm trường Cao Đẳng Sư Phạm trên con đường từ góc phố Cửa Bắc chạy ngang sang góc phố Quan Thánh. Nha Học Chánh Bắc Việt lại chuyển trường Chu Văn An từ phố Hàng Bài lên đây và mở một trường nam trung học mới là trường Nguyễn Trãi tại trường sở ở phố Hàng Bài, đồng thời chỉ định những học sinh nào nhà ở bắc Hồ Hoàn Kiếm thì học tại Chu Văn An, ở nam Hồ Hoàn Kiếm thì học tại Nguyễn Trãi. Hiệu trưởng Chu Văn An thời đó là thầy Vũ Ngô Xán và hiệu trưởng Nguyễn Trãi là thầy Đào Văn Trinh.
Ngoài ra, ở Hà Nội còn có trường trung học Pháp là trường Albert Sarreau, nam nữ học chung ở khu phía bắc gần hồ Tây và 2 trường đạo là trường nam Puginier ở phố Trần Hưng Đạo (Gambetta) và trường nữ Sainte Marie ở phố Lý Thường Kiệt (Carreau).
(Tác giả quên Hà Nội truớc năm 1945 còn có một truờng trung học tư thục dạy tiếng Pháp tên là Louis Pasteur ở gần khu nhà Đại Học Hà Nội và đồng thời phía Việt cũng có một truờng trung học tư thục Thăng Long do Ông Hoàng Minh Giám làm chủ. Cả hai trường đều có hoạt động Hướng Đạo, Hội Hướng Đạo thuộc truờng Pháp thì đồng phục mặc quần soọc xanh áo sơ mi mầu kaki, còn hội Hướng Đạo Việt Nam thì quần xanh, áo nâu ) .
Dĩ nhiên là quân đội Pháp, khi tìm địa điểm đồn trú quân, đã không bao giờ đụng đến các ngôi trường này. Xin nói thêm là chỉ ở Hà Nội mới có các lớp trung học đệ nhị cấp học thi tú tài, từ lớp đệ tam trở lên. Vì thế, học sinh các trường trung học công lập Ngô Quyền ở Hải Phòng và Nguyễn Khuyến ở Nam Định, sau khi hết lớp đệ tứ, nếu muốn học tiếp, thì phải lên Hà Nội vào các trường Chu Văn An, Nguyễn Trãi, hoặc Trưng Vương. Và cho đến năm 1954, Trưng Vương vẫn chưa có lớp đệ nhất thi tú tài 2, cho nên thi đậu tú tài 1 xong, các nữ sinh Trưng Vương phải chuyển sang học tại Chu Văn An hay Nguyễn Trãi.
Học sinh về thành càng đông thì càng có nhiều trung học tư thục được mở thêm vì trường công chỉ có khả năng thu nhận rất hạn chế. Hai trường mở sớm nhất là trường Dũng Lạc và trường Văn Lang.
Toạ lạc bên hông trái Nhà Thờ Lớn đứng từ ngoài nhìn vào, trường Dũng Lạc do cha Phạm Huy Mai làm hiệu trưởng và cha Nam làm giám học. Trường có cơ sở khang trang nhất với hai tầng: các lớp học rộng rãi, thoáng đãng, hai mặt nhìn ra một sân chơi có chỗ tập bóng chuyền, bóng rổ, phía bên kia là nhà chơi (préau) bên trong có bàn ping pong (bóng bàn). Trong mấy năm liên tiếp, học sinh Dũng Lạc đã đoạt chức vô địch bóng bàn đơn, anh Phạm Ngọc Hải, và vô địch đánh đôi, hai anh Phan Hữu Chương và Trần Đình Đại. Tre chưa già mà măng đã mọc, hai anh Chương và Đại tài nghệ còn đang lên thì đã có 2 mầm non sẵn sàng thay thế: hai anh Phan Hữu Cảnh, em anh Chương, và Trần Đình Thu, em anh Đại. Trường Dũng Lạc còn mở lớp nhất và lớp nhì bậc tiểu học. Ngoài các môn học chính, trường còn dạy nhạc phụ trách bởi các nhạc sĩ Hùng Lân, tác giả các bài Khoẻ Vì Nước, VN Minh Châu Trời Đông, Hè Về … và nhạc sĩ Chung Quân, tác bài Làng Tôi.
Trường Văn Lang ở khúc cong trên đường Phạm Phú Thứ gần góc phố Hồng Bàng, đầu kia trông thẳng vào chợ Hàng Da. Đây là trường sở chính, còn một trường sở phụ nữa trên phố Hồng Bàng. Trường sở chính này chỉ có 4 phòng học lớn và dài bên cạnh một sân nhỏ xíu, giờ ra chơi học trò tràn ra đứng tận ngoài đường phố, nhưng phố Phạm Phú Thứ này lúc nào cũng vắng vẻ nên không hề có trở ngại lưu thông. Giáo sư Ngô Duy Cầu là hiệu trưởng Văn Lang, chuyên dạy môn toán, Trường chú trọng đặc biệt đến các lớp đệ tứ thi Trung học phổ thông và đệ nhị thi tú tài 1. Học sinh các lớp này rất đông, có lớp tới 100 người, ít thì cũng phải 7, 8 chục, có lẽ vì trường nổi tiếng là dạy các lớp đi thi hay “trúng tủ” do đó thi đậu nhiều nên học sinh tin tưởng đua nhau tới học. Dạy môn toán lớp đệ tứ, thầy Ngô Duy Cầu dùng bộ sách 2 cuốn đại số và hình học của Marijon, và khuyên học trò mua để làm thêm ở nhà những bài tập trong sách, mỗi cuốn cả mấy trăm bài. Không rõ hai chữ “trúng tủ” thực sự được hiểu như thế nào, nhưng tôi nhớ rõ là kỳ thi trung học phổ thông khóa 2 năm 1952, bài toán hình học không gian đã được lấy nguyên văn dịch từ bài tập cuối cùng của sách Marijon, bài số ba trăm mấy chực gì đó tôi không nhớ rõ.
Trường Phan Đình Phùng bắt đầu khai giảng vào niên khóa 1950-1951 tại phố Hàng Đẫy (đại lộ Nguyễn Thái Học) do giáo sư Bùi Quang Tời làm hiệu trưởng. Trường sở là một dãy nhà 2 tầng , mỗi tầng nhiều phòng nhìn thẳng ra phố, có sân rộng phía trước, có tường với chấn song sắt chạy dài phía ngoài cùng. Có lẽ Phan Đình Phùng là trường trung học tư thục duy nhất ở Hà Nội thời đó có ký túc xá cho học sinh trọ học ăn ở ngay trong trường. Nhà văn KQ Thế Phong Đỗ Mạnh Tường, trong cuốn “Nửa đường nhìn xuống” đã kể về những ngày ông học tại Phan Đình Phùng cùng những kỷ niệm về thời gian ăn ở trong ký túc xá trường này.
Rải rác quanh phố phường Hà Nội còn nhiều trường khác như trường Nguyễn Huệ ở phố Hàng Bè của anh em giáo sư Bùi Hữu Sủng, Bùi Hữu Đột, trường Văn Hóa ở phố Hàng Bông Thợ Nhuộm của giáo sư Nguyễn Khắc Kham, trường Hàn Thuyên trên đường Hai Bà Trưng gần góc đường Hàng Bài nơi có rạp chiếu bóng Ciros, trường Phan Chu Trinh ở khu phố gần hồ Halais (hồ Thuyền Cuông), phố Halais tức phố Nguyễn Du, nơi có những biệt thự kiến trúc đẹp nhất Hà Nội, và trường Trương Hán Siêu trên đường Bảo Khánh từ góc phố Hàng Trống chạy thẳng xuống hồ Gươm. Các trường trung học tư thục ở Hà Nội, phần lớn vì trường sở chật hẹp, nên học sinh học một buổi …(còn tiếp)

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links