ĐÈN CÙ – TRẦN ĐĨNH-
Tác giả Trần Đĩnh
-o0o-
Giới thiệu ĐÈN CÙ qua Trích Đoạn – KỲ 3
NHã Nhạc
-o0o-
CHƯƠNG 16– Trích đoạn: Đặc vụ CSVN sát hại ông Hồng Cúc, bố của Hồng Linh – tức bố vợ tác giả Trần Đĩnh .. Rồi “bố vợ hắt bóng sang tôi …”
…”Đang được khen nhiệt liệt thì chuyện buồn đến. Hà, hiệu trưởng Trường Múa vừa thay Nhàn, bảo tôi:
– Anh nên đến gặp anh Lê Giản. Nói đến bố Hồng Linh, anh ấy khóc mà làm tôi khóc theo. Chi bộ muốn kết nạp Linh thì vướng chuyện ông bố, bọn tôi mới gặp anh Lê Giản.
Tôi tìm Lê Giản. Anh nói có một số người đã bị chết như thế như thế nhưng đó là lỗi của anh. Anh bảo, xin oán anh chứ đừng oán đảng.
Anh viết cho một giấy chứng nhận (có chữ ký và dấu của Toà án nhân dân tối cao chứng nhận): ông Hồng Tông Cúc trước Cách mạng Tháng Tám có dạy học với anh và sau lại cùng hoạt động. Lúc Pháp đánh lên Việt Bắc, ông Cúc bị thất lạc và nghe đâu bị du kích giết mất. Con ông Cúc nếu đủ điều kiện thì vào đảng không sao cả.
Tôi về, Lê Giản nói anh muốn gặp Hồng Linh.
Mấy hôm sau, tôi đưa Linh đến. Và chứng kiến một xúc động hiếm thấy. Vừa thấy Linh, Lê Giản lập tức run rẩy lên gọi vợ: “Bà ơi ra đây, con anh Cúc đây, bà ra đây… Đây, bà nhà tôi, tôi nói có bà ấy đây, có phải mỗi khi nhắc đến anh em tôi lại đứt ruột đứt gan ra không? Anh Cúc kết nghĩa anh em với tôi. Anh Cúc xưa hay về nhà tôi ở Đồng Tỉnh, Xuân Cầu, chợ Đường Cái lắm”. Phải nhìn Lê Giản tóc râu, lông mày trắng xoá như cước nghẹn ngào mới thấy hết độ chấn động ở trong anh.
Hình như cần nói hết nỗi niềm bao lâu không thổ lộ, anh lại nói: “Ngay khi biết các anh ấy chết, tôi đã khẩn báo với anh Trường Chinh. Anh Trường Chinh nghe liền giật mình bảo vậy thì phải lo công ăn việc làm cho các chị còn sống để nuôi con cái chứ không thể để sống vất vưởng”. Do đó, bà Hồng (chúng tôi không ngờ Lê Giản lại vẫn nhớ tên mẹ Linh, Diệp Hồng) mới vào làm cấp dưỡng ở Ty công an Tuyên Quang và Linh mới vào được bộ đội rồi đi học ở Bắc Kinh.
Ở đây có một chuyện cần nói. Sau này Lê Giản bảo tôi Ngô Kỳ Mai hay Ưng Khầy Mùi, anh em kết nghĩa với Lê Giản chính là bạn nối khố của Hồng Tông Cúc. Đến độ hai người đổi tên cho nhau. Mùi thành Cúc và Cúc thành Mùi. Thấy Linh, Lê Giản nấc lên gọi vợ ra xem con anh Cúc (tức Ừng Khầy Mùi) là thế. Nhưng cố nhiên Lê Giản cũng thân thiết cả với ông Cúc bố Hồng Linh cho nên vẫn nhớ tên mẹ Linh và từ đấy về sau, anh luôn quan tâm đến chị em Linh…
Lúc ấy chuyện vẫn chỉ được vén ra có thế. Lỗi vẫn là ở Lê Giản, như anh nói với tôi. Đảng vẫn tồn tại êm ấm ngon lành trong nệm gấm vóc nhung lụa của bí mật thông tin – hay dối trá.
Được cái Linh không màng chuyện vào đảng. Cái đảng đã giết oan bố mình thì không vào có khi lại hay. Nhưng Linh còn vượt lên trên cả cái sự bị ra – được vào đó. Linh có một đẳng hệ giá trị khác mọi người. Tôi có thể coi mọi được thua cá nhân chỉ mây trắng ngàn năm cũng là nhờ Linh không ít. Lắm khi tôi ngỡ Linh như một con chim nhỏ bé bay trong quỹ đạo khiêm nhường riêng biệt của nó, ở đó không có hệ đo lường chính trị hoá thông dụng để tổng kết đời mỗi cá nhân mà trong đó quý nhất là đảng viên rồi danh vọng, lương bổng, huân chương…
Rồi cuối cùng bố vợ hắt bóng sang tôi, điều không thể tránh với một đảng coi trọng lý lịch hơn hết. Nhưng nhờ thế chính cũng vào lúc này, tôi mơ hồ thấy Nguyễn Ái Quốc bị lao đao với Đệ tam Quốc tế có lẽ cũng vì lý lịch con quan của Nguyễn. Phải viết một loạt bài về lịch sử đảng, tôi đã đọc những tài liệu về chuyện này. Lẽ tất nhiên đều ỉm đi, cho tất cả vào cái sọt giấy vĩ đại là sự quên, sự lờ, sự nhắm mắt lại. Gọn một chữ là sự gian dối. Để đổi lấy uy tín đảng.
Một sáng, khoảng cuối năm 1960, ở đâu về tới ngã ba Phan Đình Phùng – Lý Nam Đế, gần nhà Lý Ban, tôi thấy Vũ Kỳ đạp xe lên đi bên cạnh tôi. Anh cười và tôi chột dạ. Có chút giễu cợt? Không, có chút nào đó cái vẻ đắc thắng. Nhưng thắng tôi cái gì chứ nhỉ?
– Này, biết chưa? – Vũ Kỳ hỏi. Vẫn cười cười.
– Biết gì?
– Bố vợ, bố vợ ông ấy mà. Đặc vụ ta thịt… – Cứ nụ cười đắc thắng trên miệng Vũ Kỳ.
Không nhớ sau đó nói năng gì với nhau, chào gì nhau mà mỗi người một ngả lúc nào. Chắc phản ứng ở tôi không nền nã lắm vì một lúc sau tôi vẫn thấy mặt mình rất cau có. Vì cái ý ẩn trong con mắt và cái cười của Vũ Kỳ như nói: Chết thật, một li nữa… Lại để cho anh đi với Ông Cụ như thế cơ chứ. Mình lại còn hẹn sẽ canh ty với anh viết về Ông Cụ khi Ông Cụ hai năm mươi… Anh không qua được mắt chúng tôi đâu.
Có thể tôi suy đoán chứ Vũ Kỳ không có ý ấy.
Mấy hôm sau, Thép Mới bảo tôi:
– Trên nói từ nay bố trí một nhà báo chuyên đi với Ông Cụ và nên chọn người đẹp trai.
– Hay đẹp lý lịch? – Tôi nói.
Thoắt chốc tôi thành Thằng Gù xấu xí Nhà thờ Đức Ông Hà Nội không nơi dung thân. Cái buồn đầu tiên lại là từ nay sẽ chẳng còn được đứng sau Cụ xem Cụ đái nữa. Con tàu viễn dương óng ánh bạc đi xa và tôi bị quẳng lại trên một hòn đảo vắng mà dân số là bóng ma những nạn nhân bị đảng thịt.
Sau vài ngày tôi mới có phản ứng khó chịu. Thấy rõ có một bàn tay tọc mạch sột soạt lần giở tìm xem các trang đời của mình….”
……………………………………….
CHƯƠNG 17- Trích đoạn: Theo Liên Xô là theo Hòa Bình, là “bọn xét lại chống Đảng …Theo Mao, sửa soạn chiến tranh chống Mỹ-cướp Miền Nam của VN Cộng Hòa- là trung thành với Đảng, là sẽ “quân sự hóa” tất cả các loại mặt trận, kể cả Mặt trận Văn hóa, Văn nghệ . Sau Nghị quyết 9, tác giả còn cảm thấy “sụp đổ ghê gớm” …
…”Không hiểu sao hễ nghe nói đến xét lại là tôi coi như bị ám chỉ rồi khó chịu. Có lẽ lòng đồng cảm của tôi với phái hữu Trung Quốc cùng số phận thê thảm của họ đã thức dậy. Không ở Trung Quốc, không thấm thía các luận điểm lẫm liệt của phái hữu để mở mắt, tôi cũng rất có cơ trở thành một Trần Bá Đĩnh lật mặt viết các thứ chửi bới xỏ xiên những kẻ thù mới hôm qua còn là đồng chí thắm thiết.
Khó chịu đến nỗi một hôm làm việc với Trường Chinh, tôi hỏi anh hai điều. Một, ở ta có xét lại không? Hai, anh đánh giá Tự Lực Văn Đoàn thế nào.
Anh cười nói:
– Ở ta đâu có xét lại.
– Thế Liên Xô? – tôi hỏi luôn.
– Ta và Liên Xô như nhau thì Liên Xô xét lại sao được?
Tôi nghe mừng quá. Thì chính anh viết thu hoạch về Đại hội XXII của Liên Xô cơ mà. Liên Xô đang trên đường dân chủ hoá, từ bỏ bạo lực cơ mà, cái điều tôi khát khao sẽ có ở Việt Nam.
Vậy là Trường Chinh không ở trong cái dạ con âm ỉ tăm tối trên kia. Và tôi chỉ cần thế. Đâu biết vì không ở trong nó nên rồi anh phải chịu nó.
Anh khẳng định đóng góp to lớn của Tự Lực Văn Đoàn vào văn học Việt Nam:
– Tôi viết văn được là nhờ ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn. Nhưng nó ra đời sau thất bại chính trị của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Yên Bái và đã trở thành cải lương, rời bỏ chính trị, chỉ hoạt động văn hoá như Nhà Ánh Sáng và Tự Lực Văn Đoàn.
Buồn cười, Huy Cận có bài thơ nói đến áo người yêu trên mắc mà rồi hễ thấy áo của vợ tôi treo đâu là tôi lại nghĩ đến câu thơ Huy Cận…
Hà Nội đang thưởng thức những “Nhật ký một ngày của Dionisevitch” của Soljenytsyn, “Cây phong lan nhỏ”, “Người thày đầu tiên” của Aimatov. Tôi không đọc. Ý để bảo với đám thích Mao biết rằng tôi đâu phải Liên Xô thứ xịn như họ nói.
Nhưng những phim “Số phận con người”, “Khi đàn sếu bay qua”, “Chín ngày một năm”, “Bài ca người lính” và vở kịch “Câu chuyện Irkust” thì tôi phải xem và cho bình trên báo, mừng cho điện ảnh Liên Xô nhờ Khruschev đã có bộ mặt mới. Bộ văn hoá tổ chức cả cuộc thi xem phim nào được công chúng yêu thích nhất (tôi đã phải cho thường xuyên đăng động thái hưởng ứng rầm rộ cuộc thi). Nhưng một năm sau, lật một cái rất nhanh, tất cả đều bị phê phán là phản động, xét lại, sợ chiến tranh và hoà bình chủ nghĩa.
Trông nom việc văn nghệ trên báo Nhân Dân, hay nhận được ý chỉ đạo của Nguyễn Chí Thanh, tôi biết anh chính là người tích cực phất cờ chống luồng gió độc trong văn nghệ và đặc biệt nắm rất vững tình hình văn nghệ Trung Quốc. Thanh có một câu ghê gớm:
– Kịch ‘Câu chuyện Irkust’ là cái chuyện gì mà ngất ngư hết cả lên với nhau thế? À, chuyện một thằng cộng sản mê một con điếm…
Phù Thăng chết lụn bại chỉ vì một câu viết nguyện vọng của con người là hoà bình mà Thanh cho là tuyên truyền sợ chiến tranh!
Những quay phắt lại với hôm qua đã được xem như chiến thắng của chân lý cách mạng. Chỉ một thời gian ngắn, bao nhiêu người phản lại chính bản thân. Tôi bắt đầu nhận ra những bộ mặt xúm lại đẩy cỗ xe Nhất Trí. Người ta tự bào chữa rằng người ta trung thành với cách mạng. Bố ráp, quỳ xuống thì may lại được coi là đang vươn lên tầm cao mà cách mạng cần!
Chuẩn bị đại hội văn nghệ lần thứ hai, Tố Hữu triệu tập vài chục nhà văn, nghệ sĩ và nhà lý luận mở hội thảo dài ngày mấy vấn đề văn nghệ. Họp trù bị với một ít anh em, Tố Hữu nói rất tiên phong:
– Gần đây thấy chửi Lukacs nhiều lắm. Nhưng đọc chưa, bẻ được người ta chưa? Chớ nên ỷ mình đa số. Không phải chân lý đều ở đa số đâu. Có khi thiểu số là chân lý…
Tôi chưa hiểu thâm ý của Tố Hữu: Liên Xô đang đa số trong phe, Mao thiểu số nhưng này, đừng có tưởng đông thì là đúng đấy.
Còn tôi lại thành kiến Bắc Kinh thờ hung thần bạo lực, chuyên giải quyết mọi sự bằng bạo lực, đổ máu. Tôi đâu biết Lê Duẩn đang chuẩn bị rước tư tưởng Mao Trạch Đông lên thành “tư tưởng Lê-nin của thời đại ba dòng thác cách mạng”. Duẩn có suy tôn Mao thay Lê-nin thì Mao mới suy tôn Duẩn thay Hồ Chí Minh.
Một vấn đề được quan tâm: tính người. Có hay không có tính người? Vào thảo luận, đa số ngả về không có tính người mà chỉ có tính giai cấp. Câu nói thường được đưa ra làm nền cho quan điểm này là câu của Marx: con người là tổng hoà các quan hệ xã hội. Căn cứ vào nó sổ toẹt luôn tính người.
Tôi bực bội nghĩ : Chữ tổng hoà đã hầm bà làng béng hết các giai cấp lại rồi mà còn cứ cãi không có tính người? Nhưng nếu nói ra thì tôi sẽ không chống nổi một đa số áp đảo chỉ chực phê phán để chứng tỏ lòng trung kiên với một cá nhân – Mao – mà người ta ngờ là bậc nhất cách mạng.
Nguyễn Đức Quỳ, tên thật Đào Đình Huống, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, từng làm đại diện của ta ở Thái Lan, nói anh không có lý luận (tuy cùng với Đào Văn Trường vốn là hai cây lý luận của đảng), chỉ nói cái cụ thể. Xem đội tuyển Anh đá với đội tuyển Liên Xô ở Mát-xcơ-va nhưng bên nào đá hay đều được reo ầm lên khen và trời mưa thì người xem tất cả, bất chấp Liên Xô hay Ăng-lê đều thượng ô hay áo mưa vào. Tính người không ở đây thì là cái tình gì? Quỳ nom vẻ hơi cáu.
Sáng ấy Quỳ phát biểu tính người xong, thấy ngứa ngáy, tôi tham luận. Khẳng định tính người. Tính giai cấp và tính người cùng tồn tại. Có lúc tính giai cấp nhiều hơn, có lúc tính người nhiều hơn. Thí dụ thời cộng sản nguyên thuỷ, tính người là chính chứ làm gì có tính giai cấp? Rồi mai đây khi cộng sản văn minh cũng lại tính người là chính còn tính giai cấp thì tiêu vong. Có điều tôi nhấn mạnh là cần chú ý trong khi giai cấp bóc lột đang thống trị thì nó cũng có phần tích cực góp vào sự phát triển tính người, không nên coi giai cấp thống trị chỉ đem lại cái xấu. Nếu không có sự tích luỹ tiệm tiến của tính người qua các phương thức sản xuất khác nhau nô lệ, phong kiến, tư bản thì làm sao có được vượt phá về chất để đến chế độ cộng sản, tính người lại trở thành đơn nhất nhưng văn minh, tiên tiến hơn tính người nguyên thuỷ.
Tôi nói xong, chủ tịch hội nghị Đặng Thai Mai đứng lên bắt tay:
– Cảm ơn Trần Đĩnh cho tôi hiểu thế nào là continuité historique – tính liên tục lịch sử.
Anh và tôi một dạo hay chuyện với nhau. Anh ghét Mao tưởng như sẵn sàng nôn oẹ. Tôi đã đưa anh Les questions fondamentales du Marxisme (Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác) của Plekhanov và nói:
– Ông này ở trong Đệ nhị Quốc tế của Berstein, Kaustki rồi bị Lê-nin đánh cả cụm vì chủ trương đấu tranh nghị trường đấy, các đảng Xã hội và Công đảng ở thế giới hiện nay thuộc phả hệ nó.
Cầm cuốn “Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác”, anh huých khẽ tôi:
– Hay lắm. Cảm ơn, này, Trần Đĩnh cứ đến nhà mình, tha hồ chửi thiên chửi địa.
Một sáng tôi đang ở nhà anh để “chửi” thì Xuân Tửu, Chánh văn phòng Hội liên hiệp văn học nghệ thuật đến nói:
– Báo cáo của anh đọc trước đại hội văn nghệ, anh Võ Hồng Cương đã xem xong. Anh Cương đề nghị anh thêm vào cho vài câu của Mao Chủ tịch chứ chỉ có Liên Xô thì không ổn.
– Được, anh để đấy. Mình đốt đèn tìm cả ngày cũng có ra được câu nào để mà dẫn đâu.
– Chính quyền ra từ nòng súng rồi, nay lý luận cũng ra từ nòng súng nốt à? – Tôi đùa.
Đặng Thai Mai ngạc nhiên. Tôi nói:
– Võ Hồng Cương chẳng phải là bên nhà binh cùng với một tiểu đoàn nhà văn quân đội sang dọn dẹp bên văn nghệ đấy sao. Sau 1954, ta quân sự hoá mặt trận văn hoá văn nghệ cho mạnh thêm hoả lực xung kích ở đây mà… Rồi có ngày anh giật mình thấy trong tay anh lăm lăm súng đấy…”
***
…”Lại trở về với Nghị quyết 9 nhất biên đảo theo Mao, tôi sụp đổ ghê gớm. Thua tan thua nát là một lẽ. Còn nữa là thấy hàng ngũ “ủng hộ chung sống hoà bình” ào ạt quay đi để ôm lấy cây súng dữ quá.
Khoảng 1964, Đặng Thai Mai đăng ở trang nhất báo Văn Nghệ một bài ca ngợi thơ và từ bất hủ của Mao Chủ tịch. Chúng phản ánh những vĩ đại này nọ ở Người.
Sách của Plékhanov phải sáu bảy năm sau Nghị quyết 9, cực chẳng đã, tôi mới đến nhà Đặng Thai Mai lấy lại. Đến và về ngay. Anh cũng không giữ để “tha hồ chửi”. Gặp nhau khoảng mươi phút sường sượng.
Phụ trách văn nghệ báo đảng, từ đầu tôi được dặn không đăng bài, đưa tin và nói đến Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, hai nhà văn “có vấn đề tư tưởng”. Nhưng “vấn đề” thế nào thì không nói rõ.
Tôi lỡ lại dan díu với hai anh. Đặc biệt với Chế Lan Viên, chúng tôi có thể nói hàng giờ về các “bố láo” của Mao. Chế chửi Mao quá hay. Tiếc là không thể đưa ra các ví von rất cơ thể học của anh.
Giữa năm 1963, trang văn nghệ của Nhân Dân nhật báo Trung Quốc đăng một bài ca ngợi Chế Lan Viên và tập thơ “Ánh sáng và phù sa”. Tôi liền làm nó thành một mẩu tin đưa lên trang chủ nhật báo Nhân Dân do tôi phụ trách. Tên tuổi Chế Lan Viên thế là xuất hiện trên báo đảng, ké vào uy lực của mẩu tin báo đảng Trung Quốc. Như Phong, chưa quên Chế nói anh chuyên soi đèn pin vào đít văn nghệ sĩ tiền chiến xem có còn cứt hay không, đã họp ban văn nghệ chất vấn tôi. Như Phong đưa nguyên tắc xuất bản ra. Tôi đưa nguyên tắc “báo đảng Trung Quốc” đối lại. Mọi sự lại xong. Chế hời. Hời viết thường, không phải Hời viết hoa. (Nhân thể nói người Tây Nguyên gọi người Chàm là Sươn Hơi: Hời).
Tôi chỉ muốn nhân dịp này bềnh Chế lên, một kiểu lấy gậy Trung Quốc đập lưng Việt Nam. Không nghĩ tại sao đang khét lẹt tinh thần chiến đấu tấn công mà Bắc Kinh lại đi khen tập thơ mủi lòng cho phận con người – Qua đỉnh đau thương, lại đau thương nữa lại đau thương hơn? Ai ở ta đã rỉ tai Trung Quốc hãy mở cái cửa đột phá này chăng?
Rồi Nguyễn Thành Long cho biết Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu vừa làm một bữa chiêu đãi mấy nhà văn nhà thơ Khu 5 trong có Chế Lan Viên (riêng Nguyễn Thành Long cũng ở Khu 5 nhưng không được mời dự). Hai vị nêu rõ nguy cơ chủ nghĩa xét lại làm mất cách mạng, kêu gọi văn nghệ sĩ góp sức cùng với đảng dẹp chủ nghĩa xét lại nếu như còn có tâm huyết đánh đổ đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, vậy anh em hãy cùng đảng lên thác xuống ghềnh trận này. Dĩ nhiên Chế cảm động vì đảng coi mình nhiều tâm huyết. Nguyễn Thành Long kể thêm chuyện nhà lý luận văn học Hoàng Xuân Nhị khóc hôm ấy.
– Giá sử đảng bảo Nhị tôi là giáo điều thì Nhị tôi còn cười được, chứ bảo Nhị tôi là xét lại thì Nhị tôi xin chết ngay.
Cuối những năm 70, một chiều tôi ngồi ghế đá bờ hồ với Lê Đạt ở trước Bưu điện thì Chế Lan Viên đi tới. Anh quàng vai tôi cười nhoẻn bảo Lê Đạt:
– Trần Đĩnh và mình biết nhau từ thuở hàn vi đấy nhá.
Tức là lúc anh không được nói đến trên báo đảng.
Chế đi rồi, tôi bảo Lê Đạt:
– Gia Ninh nói hồi ở Bình Trị Thiên, Chế và Gia Ninh thề với nhau không bao giờ vào đảng.
Chế thề bằng chữ dân dã rất mặn mòi. Rồi Chế vào còn Gia Ninh thề nho nhã thì giữ lời…”
…………………………………………….
CHƯƠNG 18 – Trích đoạn: Văn học, Nghệ thuật cũng không thoát khỏi áp lực của chính sách Cộng Sản . Lãnh tụ-từ Hồ chí Minh, Trường Chinh trở xuống- muốn yên thân để còn được lãnh đạo …đều phải thay đổi chính kiến, mưu toan của mình-ít nhất để được yên thân-Lúc này, Đảng viên trung thành được “phong làm lính gác tư tưởng” .
Trường Chinh ‘xuống”, Tố Hữu “lên”, từng tuyên bố :” lúc này lập trường là nghệ thuật” Cũng có nghĩa là :nay cả nước phải theo Mao, theo châm ngôn của Mao : “Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc được nhờ .”
-o0o-
…”Tôi chẳng qua chỉ là cây bút vệ sinh công cộng quét lá quét lẩu xì xằng sao cho nghe cứ là soàn soạt thật to ở bên tai một số người thế thôi… Thế mà tại sao không nghĩ tới chữ bồi bút? Nhận ra bản mặt không phải chuyện dễ.
Bài thứ hai quan trọng hơn nhiều.
Liên hoan sân khấu 1962 xôm trò. Nhiều kịch diễn. Gây xôn xao có “Nhật ký Địa chất” của Thiết Vũ và “Con Nai Đen” của Nguyễn Đình Thi.
Trong hội diễn, Phan Ngọc, thư ký của Tố Hữu đã dạm trước với tôi một “bài tổng kết theo ý anh Lành”. Sau bế mạc, Phan Ngọc đưa cho tôi bài viết đã hẹn.
Tôi đọc ngay ở sân báo, nói:
– Không thể khen “con Nai Đen là một thành công
– Anh Tố Hữu đánh giá đấy, – Phan Ngọc nói.
– Nhưng báo đảng thì nên thận trọng. Tôi thấy nên sửa đi. Đừng vội nói là thành công, cần được đăng báo.
Phan Ngọc hỏi ngay vậy sửa thế nào. Tôi nói sửa “Con Nai Đen” là một thành công thành “một thí nghiệm đáng hoan nghênh”.
Phan Ngọc reo lên:
– Hay! Giỏi!
Nhưng hôm sau anh lại mang chính bài báo ấy đến. Cười bảo anh Lành đã xem, đã sửa và đã ký tên ra lề đây. Nghĩa là chỉ có đăng thôi, miễn bàn, miễn mó máy.
Câu tôi sửa hôm qua đã được Tố Hữu chữa lại thành: “Con Nai Đen” là một thành công đáng hoan nghênh (chữ “thí nghiệm” của tôi bị dập đi, nhưng chữ “đáng hoan nghênh” thì được giữ để làm tên lửa đẩy cho chữ thành công đã được mực đỏ long trọng khều vớt lại). Nơ-ron tôi đã bị Tố Hữu bẻ đôi lưu dịng một nửaa đê nâng cấp “Con Nai Đen” lên!
Hôm sau báo đăng bài này. Khoảng mười giờ, tôi nhận điện thoại Trường Chinh. Hẹn tôi hai giờ chiều lên gặp anh.
Đầu tiên tôi cần đi lùng cho ra Như Phong. Phải sục đến dăm ba chiếu rượu. Rồi kể qua sự tình, bảo anh chiều nay cùng lên Trường Chinh. Chuyện quan trọng không thể chỉ phó lên tuy phó tôi làm là chính và tuy chỉ phó tôi được gọi.
Trong phòng khách, cái chỗ tôi quá quen thuộc, tôi và Trường Chinh ngồi trên đi văng, trước mặt là Như Phong.
Trường Chinh nghiêm nghị nhìn tôi hỏi, dằn giọng tuy cố giữ bình tĩnh:
– Anh làm ở báo nào? Đúng, tôi hỏi là anh làm ở báo nào? Anh làm ở báo đảng mà anh đi khen “’Con Nai Đen là một thành công đáng hoan nghênh” ư? Tôi hỏi các anh căn cứ vào cái gì mà khen tướng lên như thế? Anh có thấy đây là một vở kịch équivoque, ambigue, mập mờ, nước đôi, cạnh khoé không? Tôi đã hỏi “người ta” (không nói rõ tên nhưng tôi chắc là Nguyễn Đình Thi) vở kịch này nhằm chửi ai? Người ta bảo là chửi Kennedy! Ô hay, Kennedy tổng khởi nghĩa thành công bao giờ mà rồi bị mê lú suýt mất nước, phải nhờ đến pho tượng? Tôi vặn thế thì người ta bảo chửi Tito. Chửi Tito thì cứ réo thẳng tên ra mà chửi chứ sao phải mập mờ? Người ta lại nói đây là chửi Khruschev! Đồng chí Khruschev làm sao mà chửi? Tôi hỏi anh. Anh có nhớ tôi đã bảo anh nếu thấy ai chửi đồng chí Khruschev thì nói với tôi để tôi báo cáo lên Bác không? (Vâng, tôi nói, tôi nhớ, hôm tôi kể với anh chuyện Bác lên Lạng Sơn bị mưa mà không chịu che ô, anh đã nói như thế với tôi). Anh Nguyễn Đình Thi là người thế nào? Các anh không hiểu anh ấy bằng tôi đâu. Hôm nay tôi mời các anh lên để nghe các anh nghĩ thế nào về vở kịch này, về anh Nguyễn Đình Thi… Nào, các anh nói xem vì lẽ gì mà khen vở “Con Nai Đen”?
Tôi bèn thuật lại từ đầu đến đuôi cuộc đấu chữ, cưa cụt chữ và ghép chữ. Tât nhiên đưa cả bản thảo có Tố Hữu ký và các chỗ tôi và Tố Hữu sửa ra làm bằng. Trường Chinh cầm xem xong trả lại, nói giọng nhẹ hẳn:
– Thôi được, các anh về, tôi sẽ nói chuyện với anh Tố Hữu.
Đạp xe về, thấy Thi bị điểm danh, Như Phong thích lắm cứ hỏi: “Thằng Thi nhát lắm mà sao nó lại dám trêu Trường Chinh nhỉ?”
Tôi nói năm 1957- 58, Thép Mới qua Bắc Kinh đã phàn nàn với tôi là hai cha Tố Hữu, Hoàng Tùng đều nhờ Trường Chinh dạy dỗ nâng đỡ mà nên thì đến sửa sai Cải cách Ruộng đất, hai cha chửi Trường Chinh ác nhất. Nay Tố Hữu lập tại gia điện thờ Lê Duẩn thì phải chiêu nạp con công đệ tử mới như Thi đến chầu văn hầu bóng cho rôm rả. Và vì thế Thi hết nhát! Trường Chinh nói hiểu Thi là thế.
Đến trước báo Quân đội Nhân dân, trời đổ mưa sầm sập.
Chúng tôi núp dưới mái ô văng nhà Điện Quang. Lấy thuốc lá hút, tôi nói:
– Tố Hữu chuyến này lên to. Bộ chính trị đấy…
– Sao cậu biết? – Như Phong tròn mắt, tru giẩu hai môi lại chờ câu trả lời.
– Đấy thôi, đang cáu thế mà nghe đến Tố Hữu là cụ thôi ngay. Ngày xưa Tố Hữu sợ Trường Chinh hơn cọp. Tố Hữu nay đã thế nào và Trường Chinh phải thế nào thì Thi mới dám bóng gió Trường Chinh lú lẫn chứ. Quen nghe Thi nịnh, Trường Chinh thấy ngay anh này thờ chủ mới. Xem rồi Trường Chinh trả miếng lại ra sao.
Tôi còn nghĩ Tố Hữu đánh trống thổi kèn thúc công nhân tự tiện đóng sản xuất lại chữa máy thì nay quay sang đánh trống thổi kèn thúc văn nghệ sĩ phang vào tối đẳng linh thần… chứ đâu là thí nghiệm văn chương nữa nhưng tôi không nói ra với Như Phong. Ý nghĩ chết người. Tuy vẫn ngỡ nội bộ lãnh đạo của ta thương yêu nhau hơn nội bộ lãnh đạo Trung Quốc song tôi đã mơ hồ cảm thấy trong cánh gà sân khấu đang có đồ lề thanh long đao, mã tấu xê dịch.
Tôi thầm tin Trường Chinh sẽ rất quyết liệt giữ vững quan điểm, chính kiến của anh. Tôi không hiểu vi-rút đại loạn của phương bắc có sức lây nhiễm và phá phách ghê gớm.
Tôi vẫn nhìn Trường Chinh bằng con mắt hồi Cách Mạng Tháng Tám huy hoàng cờ bay… Tôi không hiểu “đấu tranh giai cấp ở bên ngoài xã hội” rồi sẽ phải phản ánh vào trong chóp bu nội bộ đảng. Nghĩa là khi yên lành thì tôi với anh là đồng chí, khi cần hạ nhau thì nắm ngực bảo nhau là đại lý xấu xa của giai cấp thù địch.
Cuối cùng Trường Chinh chịu yên bề nhưng “con Nai Đen” cũng im tiếng. Có lẽ người ta chỉ cần tạm quệt cho một ít nhọ nồi. Xì xầm trong giới văn nghệ: “Con Nai Đen” chĩa vào ông ấy vì xét lại, nhụt ý chí cách mạng đấy đấy…
Bắc Kinh công kích Liên Xô ngày một dữ. Hà Nội phải cho hai ông anh ngừng tiếp âm. Dân tối tối ngồi đầy quanh cột đồng hồ Bờ Hồ hóng gió trời và hóng lửa hai ông anh chửi nhau nom có kém náo nhiệt đi.
Thì hai ông anh lu bù quăng ấn phẩm, tài liệu vào. Hầu như nhà cán bộ nào cũng đầy sách Bắc Kinh phê phán Liên Xô. Có chủ nhân rất tự hào bầy cả chồng ở ngay trên bàn trà nước rồi hễ ai đến lại ấp cả bàn tay lên khoe:
– Đọc hết, đều đọc hai lượt hết. Cho thấm. Riêng bài thứ chín thì nghiền hẳn ba lượt! Quá hay! Lý luận thì Bắc Kinh quá giỏi!
Một tối, đến nhà Đào Vũ gửi xe đạp để vào rạp Tháng Tám, Chính Yên trở ra bảo tôi đứng chờ ở hè:
– Cả nhà nó vợ con sáu bảy người đang ngồi quanh bàn ăn, Đào Vũ giơ tay nói: “Toàn gia nghiên cứu, anh báo đảng phải làm chứng cho thành tích nhà tôi về lập trường đấy nhá!
Kim Lân một hôm hề hề bảo tôi:
– Bi giờ em lại được phong làm thằng lính gác tư tưởng rồi cơ đấy ạ. Khốn nạn, cái thân em còm nhom nom hãi bỏ mẹ đi thế này mà cũng bắt em đăng lính đi gác tư tưởng. (Ngoẹo đầu vén tay áo lên cho thấy toàn xương rồi nhành mồm nghiến răng vờ lên gân).
Sĩ Trúc, giám đốc nha phát hành sách Sunhaxaba thì thào bảo tôi:
– Từ nay tôi được giao cho làm lính canh cổng tư tưởng, này, chết như bỡn đấy.
– Sao không thấy tài liệu Liên Xô đâu cả? – tôi hỏi.
– Đừng lộ ra đấy nhé. Kễnh (Tố Hữu) chỉ thị cho chúng tớ là đem tài liệu Liên Xô ban kín đáo cho đồng nát, còn tài liệu Bắc Kinh chửi Liên Xô thì phân phát kỳ hết. Còn dặn cho một người hai bản cũng không sao. Người ta có, người ta lại cho mượn truyền đi.
Tài liệu của Bắc Kinh gồm “chín bài” đại phá xét lại mà cán bộ gặp nhau hồi ấy thường hỏi nhau đọc đến bài thứ mấy để đo mức độ cập nhật, tức là lòng dạ sáng tối của nhau. Trường Chinh đã tổng kết đó là “chín quả đấm thôi sơn của Trung Quốc đánh sập chủ nghĩa xét lại Liên Xô”. Riêng với tôi thì chúng đánh sập mất lòng yêu mến Trường Chinh bấy lâu nay của tôi.
Cũng chín quả đấm, còn một luồng gió cách mạng rất độc nữa là sách về Lôi Phong, người học trò trung thành của Mao Chủ tịch…”
……
…”Tôi bảo anh: “Người ta đang bê Bắc Kinh lên tận mây xanh, không biết liệu có ngày nhào xuống đất đen không?”
Một phản ứng thôi chứ chả có cơ sở gì xác đáng… Nhiều cái điên rồ tôi từng thấy ở Bắc Kinh mà rồi có ai làm sao đâu!
Bửu Tiến giỏi chơi chữ. Anh đã đặt ra các tên Chi Lăng Nhăng, Trần Bảng Lảng, Thiết Vũ Phu… trong giới kịch.
Người ta đang hăng hái tuyển ngự lâm quân hay “lính gác tư tưởng”. Tôi được kén rất sớm, sớm nhất. Một sáng Phan Ngọc hớn hở bảo tôi:
– Anh Lành nói tìm Trần Đĩnh bảo hăng và trẻ như Trần Đĩnh thì hãy phất cờ lên! Thời cơ rồi!
Tôi dằn giọng đáp lại:
– Về bảo anh ấy hộ là Trần Đĩnh nói nó chẳng có cờ quái nào hết. Nhớ nói hộ, chẳng có cờ với cơ hội quái nào hết.
Kịp kìm không nói “cơ hội gì? Cơ hội cho đất nước làm bãi chọi trâu ư?
Phải nhìn Phan Ngọc ù té phóng vội đi. Vẻ cái tướng của tôi cũng dữ.
Cơ quan nào cũng thành hai phe giáo điều và xét lại đả nhau. Có khi thượng cả cẳng chân cẳng tay. Tất cả rừng rực tâm huyết lao vào cuộc chiến đấu bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lê. Nào ai biết mình là quân cờ trong ván cờ Mao bày? Cũng chả ai để ý cộng sản Ấn Độ chia hai, theo Mác và theo Mao đối địch. Nê-pan cũng một Đảng cộng sản M (tức là Mao-ít) và một Đảng cộng sản M-L (Mác-Lênin). Nhật thì dứt khoát không Mác, không Lê, không chuyên chính vô sản, chỉ có chủ nghĩa xã hội khoa học. Ba bề bốn bên ai cũng bảo mình là chân lý. Chính là nhờ đã ngẫm nghĩ về cái sức mạnh cộng sản giỏi tương tàn này mà trong lúc bị hỏi cung tôi đã viết vào biên bản: chủ nghĩa Mác-Lê như mảnh trời vỡ rạn, mỗi đảng nhận lấy một mảng sao vụn nát bảo đó là ánh sáng chân lý của mình.
Nhưng đến nay, bây giờ khi viết những dòng này, tôi lại hình dung thấy tất cả phe cộng sản lúc ấy là một chậu nước lớn nhưng đã ngầu đục bị Mao lắc cho nổi sóng cuộn gió và bên trong chậu đó các anh hùng hảo hán, các kẻ vệ đạo nghiêng ngửa hò hét huỷ diệt nhau. Trong sóng gió tối tăm ấy của cộng sản (thiên hạ đại loạn Trung Quốc được nhờ) lập loè một tín hiệu Mao gửi Mỹ: mi không thấy là ta đánh kẻ thù số một của mi đấy ư? Có chìa tay ra với ta không?
Tôi đầu bạc, cái râu bạc và đảng dột tứ bề rồi tôi mới thấy Bắc Kinh đã góp phần chính làm tàn phe cộng sản và chấm dứt chiến tranh lạnh! Nhưng mà tốn máu Việt Nam quá…”
………………………………………….
CHƯƠNG 19-Trích đoạn: Tác giả Trần Đĩnh được Trường Chinh mời viết Hồi ký (đời minh)-Trường Chinh muốn dùng Hồi Ký (đời mình) để chứng tỏ “anh không dễ mà chịu để cho Lê Duẩn ép anh đầu hàng Mao đâu . Và anh lại nhờ tôi . Anh hẳn phải biết rõ tôi không thích Mao rồi . Tôi rắp tâm sẽ hết sức viết cho hay …”
Sự thực có được như tác giả nghĩ không ?
-o0o-
…”Một sáng tháng 6 năm 1962, Trường Chinh điện thoại gọi tôi.
– Anh hiện có bận gì không? – Anh hỏi.
– Dạ, có việc gì anh cứ bảo ạ, – tôi nói.
– Tôi hỏi anh có bận việc gì lúc này không?
– Anh để tôi hỏi anh Hoàng Tùng… (Lát sau tôi quay lại nói:) Anh Hoàng Tùng nói hiện tôi không bận.
– Thế tốt rồi, sáng mai sáu giờ anh đến nhà tôi. Mang theo quần áo mặc cho khoảng một tuần đến mười ngày nhé.
Đúng hẹn đến. Trường Chinh bảo tôi chúng ta đi Bãi Cháy nghỉ hè nhưng mà tôi có cả việc nhờ anh. Để đến nơi sẽ bàn cụ thể.
Vợ chồng Trường Chinh, Huấn, vợ Đăng Xuân Kỳ ngồi một Volga, tôi cùng com-măng-ca với Tuất, vụ phó vụ bảo vệ, nhà ở hàng Điếu, gần nhà Đinh Đăng Định, phó nháy của Bác.
Ở tại toà nhà sáu cạnh trên sườn đồi nhìn ra vùng biển nhoi nhỏ. Tuất, An, bác sĩ đi theo – anh bữa bữa phải ăn thử trước thức ăn và bảo đảm thức ăn không phải là món lưu lại – cùng với tôi ở tầng trệt, gia đình Trường Chinh ở tầng trên, lên bằng một cầu thang gạch xoáy trôn ốc. Đêm đầu không ngủ được: đi tuần quanh nhà hay đổi gác, lính hô to quá.
Ngay tối hôm ấy, Trường Chinh nói anh nhờ tôi viết giúp hồi ký. Anh sẽ làm việc với tôi buổi tối. Sáng thì thăm mỏ, nhà máy, vịnh Hạ Long, chiều nghỉ ngơi tắm biển….”
=TRường Chinh cũng “mơ hồ”, theo Mao hay theo Liên Xô ?=
..”Nên ngay tối đầu tiên nghe Trường Chinh nói viết Hội nghị trung ương 8, tôi liền thầm hói: sao anh chọn viết đề tài này?
Đó là bước ngoặt quyết định ở thời kỳ Cách mạng tháng Tám nhưng sao anh lại chọn đưa nó ra đúng vào cái thời li loạn quan điểm này? Vào cái thời xu thế tả khuynh sặc sụa đang đo nhiệt tình cách mạng cao thấp ở chỗ có gan đánh Mỹ hay không và đang coi nhiệt tình cách mạng cao thấp chính là linh hồn của cách mạng. Vào cái lúc mà chắc anh cũng nghe thấy cán bộ đảng viên đang xì xào rộng rãi rằng anh “bênh Khruschev” và Lê Duẩn gần đây hay nói đến đầu óc cá nhân khiến cho có vị lãnh tụ xưa sẵn sàng lên đoạn đầu đài mà bây giờ lại không dám hy sinh và người ta tán thêm rằng Lê Duẩn ám chỉ anh và cả Cụ Hồ. Rồi nhỡn tiền, vở “Con Nai Đen” của Nguyễn Đình Thi cạnh khóe anh đã được cho diễn, rồi được Tố Hữu rước lên mây xanh ở trên chính ngay báo đảng, tờ báo do tay anh, trí óc anh dựng nên.
Tôi nghĩ và thú vị. Trường Chinh chọn cách ra mắt bằng hồi ký lúc này chứng tỏ anh không dễ mà chịu để cho Lê Duẩn ép anh đầu hàng Mao đâu. Và anh lại nhờ tôi. Anh hẳn phải biết rõ tôi không thích Mao rồi. Tôi rắp tâm sẽ hết sức viết cho hay.
Lúc này nói đến Hội nghị trung ương 8, theo tôi, phải chăng Trường Chinh nhằm kín đáo cảnh báo đường lối tả hiếu chiến của Mao Trạch Đông mà Duẩn và đa số các vị trong Trung ương hiện đang say đắm?
Tôi yêu Trường Chinh và không ưa Lê Duẩn. Quan điểm tả khuynh bạo lực của Lê Duẩn không thuyết phục tôi. Tôi thấy lù lù ở sau nó bộ khung cốt đồ sộ của Mao. Về đạo đức, và cái này rất quan trọng, tôi không chấp nhận việc mới hôm nào coi hoà bình và đoàn kết phe như giữ con ngươi của mắt, thì nay họ đưa những luận điểm sặc sụa nguỵ biện ra lật ngược lại. Thí dụ nay nói ở Hội nghị 81 đảng cộng sản toàn thế giới, ta phải ký tán thành chung sống hoà bình vì không muốn phe tan nát ngay lúc đó, còn bây giờ phải chống Tuyên bố chung ấy thì tung luận điểm vì Liên Xô đã đầu hàng Mỹ, bán đứng phong trào cộng sản vậy cứ trung thành với Hội nghị 81 đảng nữa là nguy hiểm… Hay Đại hội III đề ra “chiếu cố miền Nam” thì nay phải “giải phóng miền Nam” mới xây dựng được miền Bắc!
Vào việc, nghe Trường Chinh nói, tôi tranh thủ ghi lại thật đầy đủ. Không hỏi vặn hỏi vẹo lắm như với Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Bùi Lâm.
Những cuộc đi thăm đi chơi hằng sáng rất thú vị. Ngồi tàu dạo khắp Hạ Long, lên cả đảo Tuần Châu. Nhưng khi đi qua hòn đảo có bãi cát nhỏ xinh xắn mà Cụ Hồ và nhà du hành vũ trụ Liên Xô Titov đã ghé chơi ở đó, tôi không thể không trạnh lòng. Các dân “Mao-nhều” ở báo Nhân Dân từng xì xào việc Cụ “kéo” Titov ra giữa chốn trùng dương vắng vẻ mịt mù. “Ở đấy bàn bạc với nhau cái gì thì bố ai mà biết được!” (Nói rồi lại liếc nhìn tôi! Riêng T.D.T. một lần nói với tôi rằng Titov có đưa thư riêng cho ông Bác nhưng sau đó khi tôi hỏi lại thì anh trợn mắt lên và gần như tru tréo:
– Này, đây là anh nói ra đấy chứ không phải tôi đâu nhá! Đấy anh vừa nói đấy thôi, ai hỏi là tôi bảo anh nói…
Tóm lại nay chỉ còn Bác Mao thiêng. Bác Mao thôi rất xa, Bác nay ốp sát bên ta mà thay Bác Hồ. Tôi đôi ba phen muốn nói thế để chọc lại Mao-nhều.
Một buổi chiều ở Bãi Cháy, chúng tôi ngồi xuồng cao su biệt kích dạo chơi trên vụng nhỏ trước nhà sáu cạnh. Thay bọn tôi ngụp lặn, Trường Chinh đòi xuống. Xuống dễ, lên mới rầy. Anh bám vào mép xuồng để lên là cả xuống với chúng tôi ở trên lật úp. Anh vừa cố bám lại vào xuống vừa cười thú nhận: “Tại bụng to quá đấy mà…, bụng to quá mà”. cuối cùng hai anh bảo vệ đùn bên dưới, Huấn, con dâu anh và tôi Quỳ ở trên xuồng kéo anh lên. Đầu gối tôi chảy máu ra vì trượt mãi vào cát đọng vón lại ở trên xuồng.
Tối ấy, trước khi làm việc anh kể tôi một chuyện liên quan đến bụng to. Ở đường đi trong Chủ tịch phủ gần chỗ Bác, một hôm anh thấy một hàng cây dầy trồng chắn ngang. Anh hỏi ai làm trò kỳ cục này. Thì được biết là Bác. Buộc ai đến đây cũng phải nhảy để cho bé cái bụng lại. Nhớ là, Bác dặn, không được phạt ngọn, cứ để cây lớn, khi nào không nhảy qua được Bác sẽ tính sau…
Thời hạn đã hết. Anh đã xong phần kể, từ nay công việc chủ yếu thuộc về tôi. Tối trước hôm về Hà Nội, anh và tôi làm việc buổi cuối cùng. Anh hỏi tôi cần gì thêm nữa. Tôi nói không nhưng viết chắc sẽ khó.
– Vì sao? – Anh hỏi.
– Tôi tự nhiên thấy thế ạ. Có lẽ vì anh là cây bút lão luyện, – tôi nói.
– Tôi nhờ anh vì tôi tin anh viết tốt. Tôi chỉ viết văn chính luận, còn văn học thì phải cần đến anh.
Bất chợt tôi hỏi:
– Có thể nói Hội nghị trung ương lần thứ 8 ở Pác Bó là bắt đầu chấm dứt thời giáo điều mạo hiểm tả khuynh kéo dài của đảng được không anh?
Ngồi bật thẳng dậy, nhô người về đằng trước, Trường Chinh nhíu lông mày nghiêm nghị nhìn tôi, rồi rành rọt từng tiếng như đang có nhiều người chứ không phải mình tôi nghe:
– Không! Anh nghĩ không đúng. Đường lối của đảng ta là liên tục phát triển có kế thừa, không có chuyện thay đổi đường lối cũng như chấm dứt cái này cái kia.
Tôi im nhưng bụng không thông. Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội rồi đại đoàn kết cả với địa chủ và tư sản mà lại bảo từ xưa vẫn thế là làm sao? Trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ rồi Xô viết Nghệ Tĩnh là đúng thì sao không cứ thế kế thừa làm lại? Nếu đó là đúng thì sao không vài năm một lần hay Hội nghị trung ương 8 cho tái diễn Xô viết Nghệ Tĩnh, Nam kỳ khởi nghĩa?… Cũng thắc mắc tại sao đảng cứ phải giữ tiếng là “đường lối trước sau như một?”. Nhận sai mà sửa thì càng vẻ vang càng nâng cao trình độ đang lên chứ?
Xuống nhà, tôi sắp rẽ ở khúc cầu thang lượn xoáy ốc thì anh gọi. Tôi quay lại đứng trước mặt anh:
– Không được ló ra ở đâu cái ý anh vừa hỏi tôi. Nhớ đấy! Đây là chỉ thị của tôi.
Vẻ như anh lo cho tôi. Nhưng ngay sau đó tôi lại thấy anh sợ tôi nói ra thì người ta sẽ tưởng tôi là loa tán phát quan điểm của anh. Tình hình này, Mao-nhều không thể không hỏi Trường Chinh đưa Trần Đĩnh đi chơi ở Hạ Long lâu vậy là có chuyện gì?
Nhưng rồi thấy hơi khoa trương, Trường Chinh giơ một tay lên nhoẻn cười rồi nói:
– Thôi, anh xuống được rồi đấy. Cần nhớ như thế cho tôi.
Tôi lại hiểu cái cười này đang nói: “Này, anh láu lắm, anh không moi được gì ở tôi đâu. Nhưng anh hỏi như thế là anh hiểu tâm sự tôi rồi đấy. Hiểu tâm sự thì tốt, thì viết mới đạt và hay…”
Tôi bám vào một điểm: anh bác ý kiến tôi nhưng không hề nhắc lại chữ tả khuynh của tôi mà chỉ nói không có chuyện đảng ta chấm dứt cái này chấm dứt cái kia… Anh phải vague, – mơ hồ, kín đáo như vậy vì chính sự thật là anh có nghĩ như vậy.
=Yêu nước là yêu Đảng, theo Mao, sẵn sàng đánh Mỹ, cướp miền Nam của VN Cộng Hòa cho “Trung quốc được nhờ” !=
Một buổi họp trưởng phó ban, sau khi chửi Tổng bí thư các đảng cộng sản Đông Âu đã dốt lại hèn, làm tay sai cho Liên Xô, Hoàng Tùng chỉ vào mấy Mao-nhều nói:
– Các tướng này sang Ba Lan và Đức, Tiệp thừa sức làm Tổng bí thư…
Nhìn mặt mấy người được điểm danh, tôi hiểu hết tục ngữ “được lời như cởi tấm lòng”. Hạnh phúc đúng là đang rịn ra ở trên những bộ mặt chợt mềm chảy xuống vì xúc động.
Không nhịn được, tôi nói rất to, như quát:
– À, đến thế nữa cơ ư? Tôi sẽ hỏi anh Trường Chinh!
Tất cả cười ồ. Một vài cái liếc chế giễu về phía tôi như bảo “đi mà mách!”
Tôi liền chột dạ. Họ đã biết một cái gì mới? Hình như có một tổng hành dinh ngày đêm phát đi những động thái cơ bản trong cuộc co thắt chí mạng của cỗ dạ con đường lối và nhân sự bí mật này.
Họp xong, Lưu Động bảo tôi ở ngay dưới gốc cây đa ngoài cửa phòng họp:
– Tớ lạy cậu, cậu hãy bình tĩnh!
– Thế là họ muốn nổ chiến tranh à? Họ muốn biến đất nước thành ra bãi chọi trâu à?… Hay gì đánh nhau? Thế là thiên hạ sẽ đại loạn cho Trung Quốc nhờ, như Mao nói đây!
Khốn nạn, đại loạn là cách mạng, yên bình là phản cách mạng, nói ngang như thế mà nghe lại sướng mê sướng man lên với nhau kìa! Khốn nạn! Tôi quát to hơn.
Lưu Động chắp tay lại:
– Thôi, tớ lạy cậu, lạy cậu!
Tôi nói rất to, mấy tướng Mao-nhều đang khoái trá ở trong phòng họp bước ra đều ngoảnh lại.
– Lòng yêu nước gì mà toàn xây dựng trên việc chửi bố chửi mẹ nước khác lên như thế chứ?
Tôi biết lúc này lòng yêu nước đang được đun sôi lên xình xịch làm một thứ cháo lú. Nhưng ý nghĩ này tôi không dám nói ra với bất cứ ai. Kẻ nào bị lên án không yêu nước – bằng chứng dễ thấy thôi: nó không dám đánh Mỹ – thì kẻ ấy chết đầu nước. Người ta có vẻ đang dựng giàn tế để kén lấy vài tên phản diện – những đứa đã mất lòng yêu nước – đưa chúng lên đó làm một cuộc hiến sinh cho cả vạn đứa sợ. Buồn cười!
Chửi tất, trừ Mặt Trời Hồng.
Tôi ra Bờ Hồ, mệt như mới ốm dậy…”
………………………………………….
CHƯƠNG 20 – Trích đoạn : Ca ngợi “Hợp tác xã”, “lao động là quang vinh”, “Vô sản đoàn kết lại”,… chỉ là một cái bẫy lớn lùa đại đa số dân chúng vào cái cảnh ngèo đói với chính sách “ngu dân”, dân chúng chỉ còn biết lo làm sao cho “no bụng” …Trong khi đó, các lãnh tụ “gộc” hưởng thụ tối đa, quan liêu phong kiến chẳng khác gì vua, quan ngày xưa . Ngay trong “bình minh” của cách mạng và sau 1954, các lãnh tụ vẫn “sâm-banh”, đồ nhậu ngon, lái xe hơi đi săn ….và ngay bây giờ, lại cãng rõ . Đâu thấy họ “chia” hay “cộng” những thứ xa xỉ này cho những người dân nghèo đói ?! Chính bọn lãnh đạo “ham ăn, ham vui,tham nhũng” này lại đang tâm làm tay sai cho Tầu cộng đánh phá miền Nam của VN Cộng Hòa, bước đầu làm bàn đạp cho Tầu cộng xâm chiếm toàn nước VN, các nước nhỏ ở châu Á, lấn chiếm Biển Đông của chúng ta và của các nước lân cận, như ngày nay, cả thế giới đều rõ .
-o0o-
…”Như Phong là cựu Văn hoá Cứu quốc nhưng nay cũng ở danh sách những người mê Mao, sùng bái Mao, Mao-nhều, bảo tôi:
– Tối qua ông Thanh gọi tao đến nói đây là thuốc độc, anh phải vạch trần ra.
Như Phong viết “Vào Đời, chén thuốc độc”. Bại hoại, tan một đời Hà Minh Tuân. Đọc đầu đề bài báo, tôi bảo Như Phong:
– Thuốc độc là của ông Thanh còn chén chứ không thìa hay bát thì do dược sĩ Như Phong quy định!
Như Phong hi hí cười:
– Thuốc độc thì một chén đã là đủ đô rồi còn gì nữa hả mày!
Sau bài báo này Như Phong lại được dùng rồi sang báo Văn Nghệ. Nhưng cuối những năm 70, chính anh đã bảo tôi:
– Mày nhìn rõ lão Mao rất đúng và rất sớm!
Giữa năm 1963, Nguyễn Chí Thanh có bài đăng trang nhất báo Nhân Dân kêu gọi tiết kiệm lương thực. Hợp tác xã cha chung không ai khóc, năng suất thấp, thóc gạo thiếu, biện pháp duy nhất thích hợp là bóp miệng lại, Thanh nay liệt bún vào bảng xa xỉ phẩm. Viết hẳn: Tại sao phải ăn bún?
Lúc Tố Hữu mở bữa thịt chó khao in tiểu sử Cụ, chưa hợp tác hoá nông nghiệp, bún ê hề, Thanh ca ngợi thiên tài bếp núc dân tộc thể hiện ở tổ hợp bún, thịt chó, mắm tôm. Từ ngày hợp tác hoá nông nghiệp, quản lý hết thóc gạo thịt thà, kể cả chó, thiên tài bếp núc gần như tiêu ma. Một cá nhân bèn dám lớn tiếng truy hỏi dân tộc: “Sao phải ăn bún?” và nổ bộc phá vào nền móng thiên tài ẩm thực dân tộc! Sau phải có chế độ đổi tem gạo lấy bún để duy trì tổ hợp thiên tài.
Đọc xong bài báo của một cá nhân dám lên tiếng truy hỏi dân tộc: “Sao phải ăn bún?” tự nhiên tôi sang buồng Thợ Rèn, hỏi lại chuyện dạo nào Thợ Rèn theo thư bạn đọc làm một bài “chuyện lớn chuyện nhỏ” phê một xe hơi chở mấy cậu ấm chạy chơi trên bãi biển Sầm Sơn đang buổi tắm đông người.
Bài có chú thích hẳn số xe hơi. Đúng hôm báo đăng, hai anh công an đến gặp Thợ Rèn hỏi tại sao anh đả kích cái xe có biển số kia. Rồi cho biết cái xe đó là của anh Thanh. Phải cảnh giác bọn phản động bôi nhọ lãnh tụ. Chúng tôi đem thư về nghiên cứu bút tích tìm kẻ tố cáo.
Tôi thấy Nguyễn Chí Thanh lần đầu ở chiến dịch Vĩnh Phúc, 1951. Ở mặt trận về Tổng cục Chính trị tiền phương, đến một đầu lũng nhỏ, tôi chợt nghe thấy tiếng thú gầm gừ và tiếng vật lộn. Rẽ vào một tràn ruộng cạn, tôi chậm chân lại: một người quần áo nâu đang vật nhau với một con béc-giê to tướng. Người nằm dưới gạt đầu chó ra nhìn tôi – kẻ phá quấy – rồi lại tiếp tục cuộc đọ tài cao thấp. Tôi nhận ra một khuôn mặt vuông vức, xám đen, dân dã nhưng oai. Vào Cục tuyên huấn, tôi hỏi Tử Phác đang trực ở đó rằng ai ở đây mà Tây thế, vật nhau với béc-giê? Tử Phác thủng thẳng:
– Ông tướng nông dân Nguyễn Chí Thanh, người vẫn phê bình cán bộ đến cà phê cô Hạ Cao Vân là hoà bình hưởng lạc đấy!
Năm 1964, tôi đi với hai nhà báo Trung quốc Luo Lie và Xi Hong Shi vào Vĩnh Linh. Khi trở ra, tôi đến Nguyễn Tuân. Anh hỏi thăm ông chủ nhiệm Nhà giao tế Đồng Hới còn không. Rồi hạ giọng hỏi:
– Ông hay gần các ông to, tôi xin hỏi ông là có thật anh Thao (Nguyễn Chí Thanh) thanh đạm như vẫn đồn không?
Tôi nói tôi không rõ ông này. Tuân bèn nói:
– Lần ấy mình dẫn Pierre Abraham của tờ Nouvelle Critique vào trong đó. Đến Nhà giao tế, nhòm vào tủ rượu, mình thấy hai chai săm-banh Moet & Chandon thì mừng quá bèn khen xừ chủ nhiệm chuẩn bị đến cho cả rượu ngon của Pháp cho khách quý Paris. Xừ chủ nhiệm bèn nói không, đây là dành cho anh Thao, anh Thao ngày nào cũng hai chai. Sáng sau sắp lên đường đi tiếp, xuống nhà ăn thấy hai cái thồi to kê sát vào nhau bày đầy món ăn rất ngon, mình lại nhanh nhảu khen tay chủ nhiệm khéo chuẩn bị cho ông khách quý Paris có cái ăn trong mấy ngày ở Vĩnh Linh. Xừ chủ nhiệm lại nói:
– Dạ thưa bác, hôm nay gia đình anh Thao lên núi đi săn với thường vụ tỉnh uỷ, các cái này là phục vụ các anh ấy đấy ạ!
Kể đến đây, Tuân nhành mồm ra cười đánh khì một cái rồi nghiêng người đặt tay lên đùi gật gù, như tượng “Người suy tư” của Rodin nhưng chán đời.
Hai năm sau, 1966, chuyện cũng dính đến ô tô.
Hôm ấy, Mỹ ném bom Phú Thượng, quãng ngã ba đường Bưởi. Làm việc với anh chị em từ trong Nam ra ở K.15 Nghi Tàm, năm giờ chiều Nguyễn Khải và tôi về. Thì ngập vào đám đông bà con lũ lượt chạy về Hà Nội nghẽn hết cả đường. Chợt một Volga đen từ Hà Nội nhích từng vòng bánh lên phía Phú Thượng. Trên xe ba đứa con trai nhảy từ ghế trên xuống ghế dưới. Và Nguyễn Chí Thanh lặng ngắm Hồ Tây đỏ tía ánh chiều tà trước khi tới tham quan nơi bị bom Mỹ.
Tôi nói:
– Đang “Buồn trông cửa biển chiều hôm” kìa.
– Ông ấy nên đeo khăn tang, – Khải nói. “
…………………………………………………………………….
CHƯƠNG 21- Trích đoạn: Ông Hồ “công khai phản đối Mao” qua một bài báo ông ta viết dưới tên Nguyễn Thanh Long – Hậu quả ra sao ? – Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ sang VN ngay sau đó . Lê Duẩn đề nghị Trung Cộng viện trợ gửi phi công quân sự và bộ binh …Ông Hồ phản lại chính ông ta . Ông Hồ nhập vào bọn lãnh tụ “rước voi về dày mả tổ” . Trung cộng giúp Việt cộng “đánh Mỹ, cứu nước”, và, nay thì sao ? – Trung cộng đang “nuốt” VN từ từ !! Tin mới nhất : bọn lãnh tụ bán nước CSVN đã cho “Trung quốc trấn Đèo Hải Vân” !!!
…”Rồi chúng tôi thở phào. Cụ Hồ đã lên tiếng. Có lẽ là tháng 4 hay 5 năm 1963. Bài báo của Cụ đăng trang nhất báo Nhân Dân. Ký tên Nguyễn Thanh Long. Ở đúng chỗ sau này đăng bài Nguyễn Chí Thanh chất vấn dân tộc “sao phải ăn bún?”
Nói rõ Đảng ta phải biết ơn ba đảng cộng sản Pháp, Liên Xô và Trung Quốc. Vậy là Cụ công khai phản đối Mao. Đám xét lại rất mừng. Cụ Hồ nhất đinh phải là thích cộng sản văn minh hơn rồi. Chúng tôi hy vọng Cụ ngăn được Đảng ngả theo Bắc Kinh. Không tán thành Mao chống xét lại để bảo vệ chủ nghĩa, Cụ đã nói có nên vì đuổi một con chuột (xét lại) mà đang tâm ném vỡ một cái bình quý không?
Ngờ đâu theo dạy dỗ của Cụ, trong đầu nhiều người cộng sản Việt Nam đã thành một tôn ty trên dưới như sau: Stalin, Mao Trạch Đông rồi mới Hồ Chí Minh.
Thời gian Nghị quyết 9, Lê Duẩn viết “Mấy vấn đề quốc tế và Đảng ta” đã gọi Mao Trạch Đông là Lê-nin của thời đại ba dòng thác cách mạng Á – Phi – La. Còn đảng viên, cán bộ thì đang coi Duẩn khẩu khí giống Mao mới là cây lý luận của đảng. Tôi đã thấy sức hấp dẫn ma mị của lời lẽ Duẩn ở trong cuộc chỉnh huấn xây dựng tư tưởng chống địa chủ tháng 5 năm 1953.
Chả ai ngờ tới việc Mao sẽ cho Cụ Hồ hiểu không theo kim chỉ nam thì khốn khổ thế nào.
Tháng 4 năm 1964, Lưu Thiếu Kỳ, vợ ông, bà Vương Quang Mỹ (học ở Mỹ) và nguyên soái Trần Nghị, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Báo Nhân Dân lập một tổ phóng viên đặc biệt do tôi phụ trách theo dõi và viết sự kiện quan trọng này. Tổ gồm toàn Mao-nhều Anh Vũ, Hữu Thọ, Đặng Phò… và vài người nữa.
Tôi rất không vui. Việt Nam thế là dấn thêm một bước vào quỹ đạo Bắc Kinh chủ chiến. Tôi tán thành Khruschev vì ông chống sùng bái cá nhân và chủ hoà. Trần Châu bảo tôi: Định nghĩa cách mạng là dám đánh Mỹ, Mao đẩy Khruschev vào ngõ cụt bằng phát động vũ trang đánh Mỹ, phá “chung sống hoà bình” của Khruschev đồng thời bắt Liên Xô chết ngộp bởi gánh nặng chạy đua vũ trang.
Ở sân bay, đám nhà báo đứng thành một ô, ai đã vào là không được ra khỏi. Khi Cụ Hồ và đoàn khách quý đi qua, đám nhà báo mừng quá nhoài người ra hô, reo, vẫy. Liền bị an ninh nắm cổ đẩy xô dúi dụi. Tôi không nhiệt tình nghển cổ thò đầu nên không bị đụng vào người.
Tội nhất một chị ở Việt Nam thông tấn xã, hình như Duyên, vợ Đặng Quốc Bảo, bị đẩy bung hết cả tóc, mặt thì nhợt đi, sợ phạm phải tội lỗi gì lớn đây. Tôi bèn đẩy lại anh an ninh, gắt giọng hỏi:
– Được mời đến đây là lưu manh cả hay sao mà anh xua đẩy như vịt cả thế?
Nhắc to lại:
– Là lưu manh cả sao hả?
Sau đó về họp với Nguyễn Thành Lê. Cả tổ phóng viên, trừ tôi, sướng ra mặt – được đón tiếp và tuyên truyền cho thủ lĩnh Mác-xít thế cơ mà. Tôi nói:
– Viết xong tường thuật đón sáng nay là tôi xin rút. Tôi không làm được. Tôi không chịu được mạng lưới an ninh khinh nhà báo đến thế. Tôi còn đi thì e có ngày mất bình tĩnh sẽ nói những cái nặng hơn câu tôi hỏi an ninh sáng nay, anh em thấy cả đấy.
Anh Vũ thay tôi phụ trách. Hữu Thọ đầy nhiệt tình chống xét lại nhưng là cán sự 5 chưa gánh được. Nhờ rút đi, tôi không phải dự một mít tinh trong đó Lưu Thiếu Kỳ yêu cầu đứng về một bên trong đấu tranh cách mạng và Cụ Hồ khen Lưu Thiếu Kỳ trăm phần trăm Mác-Lênin.
Sao lại khen thế? Thế ra Cụ phủi tay với bài báo của Nguyễn Thanh Long mất rồi. Ôi, chiếc cầu bập bênh.
Tình cờ sau đó gặp Hồ Bản Anh, Tân Hoa Xã thường trú Hà Nội. Trò chuyện vài câu gần Thuỷ Tạ, Hồ Bản Anh chợt hỏi:
– Anh không đi viết Lưu Chủ tịch? Tôi nghĩ phải là anh chứ nhỉ?
Toan phản ứng “Sao lại phải là tôi?”, tôi chỉ nói:
– A, tôi đang bận việc khác…
– Nhưng tôi có thấy anh ở đâu cơ mà, à, ở sân bay nhỉ? (Vỗ vỗ trán). À, trong hội kiến, đồng chí Lê Duẩn đề nghị Lưu Chủ tịch một việc… Tuyệt mật nhá, khà khà khà, đồng nghiệp ruột với nhau mà… (Nắm tay tôi kéo lại gần, thì thào): Đề nghị Trung Quốc gửi phi công quân sự và bộ binh sang Việt Nam… Nhưng tuyệt mật hả, khà khà khà…
Anh đinh ninh tôi học Bắc Kinh thì tất theo Bắc Kinh hay anh muốn thăm dò tôi? Nghe anh, tôi chợt hiểu vì sao Cụ Hồ, ông Lưu Mác-ít trăm
phần trăm. Sẵn sàng viện trợ cho mà đánh Mỹ mà. Đồng thời cũng hiện ra ở trong đầu tôi một bãi chọi trâu là đất nước nghèo khó này. Nhưng tôi lại nghi anh nhà báo nay muốn moi tin ở tôi. Duẩn nào dại mà đề nghị thế? Đồng thời cũng thấy có nên nói hẳn với anh rằng tôi không tán thành “đại loạn” hay là cứ ú ớ cho qua chuyện?
Sau này, đọc nhà báo Mỹ Stanley Karnow, tôi mới biết lần sang Việt Nam đó, Lưu đã đẩy tình hình ở Việt Nam tiến lên một bước phát triển quyết định. Lưu cam kết: các đồng chí phát động chiến tranh thì Trung Quốc sẽ tình nguyện làm đại hậu phương lo lắng hậu cần chu tất cho Việt Nam. Nếu cần thì chu toàn cho cả khâu binh lính nữa! Lưu nhận sẽ viện trợ vũ trang không hoàn lại cho 230 tiểu đoàn bộ