01/12/2012: 1.Thư đi tin lại- Kỳ 6- (HH Nguyễn Văn Phú)-2.Chân Tâm-3.Nhân quả (HH Nguyễn VănPhú)-

01/12: 1.Thư đi tin lại- Kỳ 6- (HH Nguyễn Văn Phú)-2.Chân Tâm-3.Nhân quả (HH Nguyễn VănPhú)-
Category: Tôi Tìm Hiểu Đạo Phật
Posted by: Tbl Đọc: 5325 lần
THƯ ĐI TIN LẠI – Kỳ 6
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
  
Tu viện Taktsang của người Tây Tạng
42 – Trước khi thái tử Tất-Đạt-Đa ra đời thì ở Ấn Độ đã có đạo Bà-la-môn (Brahmanisme ), Theo đạo này thì đấng Tạo hóa là Brahma (Phạm thiên vương), đó là Thượng Đế, là “Dieu” , “God” . Đối với Đức Phật,không có nguyên nhân đầu tiên (cause premiere, first cause ),chỉ có thuyết…
… duyên sinh hay duyên khởi, theo đó bất cứ cái gì cũng sinh khởi ra do nhiều nhân và duyên . Đạo của ngài là đạo giải thoát (khỏi mọi khổ đau),không nhằm tìm nguyên nhân sinh ra vũ trụ, trái đất và con người . Nhưng không nên bảo rằng đạo Phật là vô thần . Khi tu hành đạt đến một trình độ tâm linh cao chừng nào đó, hành giả mới nhờ trí huệ bát nhã mà “hiểu” được những vấn đề thuộc về Tuyệt đối (Absolu), sẽ “biết” những điều không nói ra bằng ngôn ngữ phàm được .
Chú thích : Theo Tự điển Đoàn Trung Còn thì Phạm Thiên vương còn có nhiều tên : Phạm vương, Phạm thiên, Đại Phạm thiên vương, Ngọc hoàng thượng đế, Ngọc hoàng đại đế . Ngài làm chúa tể cõi Ta-bà thế giới . { Nhưng không nói ngài “tạo” ra thế giới ấy}.
43 – Ông A-nan nhỏ tuổi hơn đức Phật Thích Ca nhiều . Đức Phật thuyết pháp 20 năm rồi ông A-nan mới xuất gia, 10 năm sau mới thành thị giả . Tại sao kinh nào cũng ghi :”Tôi nghe như vầy” với ý nghĩa ông A-nan nghe đủ hết ? Sách trả lời : “Khi nhận làm thị giả cho đức Phật, ông A-nan đã xin mấy điều, trong số đó có một điều xin đức Phật nói lại cho ông nghe những kinh nào mà ông chưa được nghe . Ông A-nan còn nghe lại của các vị tỳ kheo lớn tuổi đã nghe nhiều kinh trước ông “. {Phỏng theo sách A Di Đà sớ sao}.
Chú thích : Chữ Phạn Ananda phiên âm thành A-nan-đà, nói ngắn là A-nan . Ông A-nan là em họ đức Phật Thích-Ca . Người ta đặt tên ông là Khánh Hỷ bởi vì ông sinh đúng vào ngày đức Phật thành đạo (ngày vui vẻ). Ông A-nan xuất gia năm 25 tuổi, lúc đức Phật 55 tuổi, từ đó làm thị giả cho đức Phật trong 25 năm {Theo Tự điển Phật học VN, Hà Nội,1991 }. {Thắc mắc : đức Phật thành đạo lúc 36 tuổi, vậy chắc chắn ông A-nan kém Phật 35 tuổi . Nói rằng ông kém Phật. 30 tuổi là tính sai rồi !}
……………………………………….
44 – Vua Đế Thích (sankrit : Indra ) là một vị thần của đạo Bà La Môn, đạo Phật coi ngài là vua của cõi trời Đao-Lỵ (cõi này kém cõi trời Dạ-Ma và cõi trời Đâu-suất), cung điện, đền đài bằng ngọc gọi là Hỷ Kiến Thành . {Tự điển The New Lexicon Webster’s Encyclopedic Dictionary ghi : Indra, Vedic god of rain and thunder, thần mưa và sét . Vedic là nói về Vệ-đà hay Phệ-đà, là kinh căn bản của đạo Bà –La-môn}.
{Ghi chú : ông tiên thích đánh cờ tên Đế Thích, không dính líu gì đến ông Indra này . Tự điển Trịnh Vân Thanh nói ông tiên ấy tên tục là Lý Chế }.
Indra còn có tên khác là Thích đế hoàn nhân hay Thích Ca đề hoàn .
……..tôi không biết Đế Thiên , sách chỉ cho thấy Đế Thích thôi .
Ngày nay ở Ấn độ chỉ còn vào khoảng hơn ba triêu Phật giáo đồ trong số chừng 1 tỷ dân, như vậy là gần 0.3% dân số . Đạo chính của Ấn độ bây giờ là Ấn Độ giáo, nói tắt là Ấn giáo (Hindouisme, Hinduism), cơ sở triết học là sự đồng nhất cái tiểu ngã với cái Đại Ngã (Tuyệt đối) {Cái ta nhỏ của mỗi cá nhân và cái Ta lớn của toàn vũ trụ }
Tiếng nói chính thức của Ấn Độ là tiếng Hindi .
Trong nước Ấn Độ chỉ còn một số ít người theo đạo Hồi, vì đa số người Hồi đã lập một nước riêng gọi là Hồi quốc (Pakistan). Lúc đầu, nước này có hai phần tách rời nhau là Đông Hồi và Tây Hồi . Sau, Đông Hồi đứng riêng, đó là nước Bangla Desh .
………………………………………
45 – Đức Phật Thich-Ca có 10 danh hiệu (appellations) là : Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến TrịMinh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn .
Như Lai : Đức Phật dùng chữ này để tự xưng, Như lai là bậc giác ngộ hoàn toàn (
Tathagata). Ứng Cúng : xứng đáng được cúng dường (arhat). Chánh Biến Tri : biết hết tất cả (samyak-sambuddha). Minh Hạnh Túc : có đủ trí tuệ và đức hạnh (Vidyacarana – sampanna). Thiện Thệ : đã làm xong các sự lành, không trở lại nữa (Sugata). Thế Gian Giải : hiểu hết sự và lý trên thế gian (Lokavidya). Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu :bậc cao nhất, dắt chúng sinh vào đường lành như cầm cương ngựa dẫn dắt (Anuttara-purusa-damya-sarathi). Thiên Nhân Sư : thày dạy trời (chư thiên) và người (Sasta`-deva-manu-syanam). Phật : đấng giác ngộ (Buddha). Thế Tôn : được cả thế gian tôn kính (Bhagavat, Lokanatha).
46 – Đức Phật A-Di-Đà có 13 danh hiệu (appellations) là (sau mỗi danh hiệu, có chữ Phật . Quang là ánh sáng, hào quang) : 1/ Vô Lượng Thọ (Amytayus). 2/ Vô Lượng Quang (Amitabha). 3/ Vô Biên Quang . 4/ Vô Ngại Quang (ngại nghĩa là trở ngại). 5/ Vô Đối Quang (không gì sánh bằng). 6/ Viêm Vương Quang (tỏa sáng nhất). 7/ Thanh Tịnh Quang . 8/ Hoan Hỷ Quang . 9/ Trí Huệ Quang . 10/ Bất Đoạn Quang (không gián đoạn). 11/ Nan Tư Quang (không thể suy xét cho cùng). 12/ Vô Xưng Quang (khó biết nổi, vì hào quang rời khỏi các tướng). 13/ Siêu Nhật Nguyệt Quang (vượt qua cả mặt trời, mặt trăng).
Chú thích : không được lầm Di-Đà với Vi-Đà . Di-Đà do chữ A-Di-Đà nói ngắn . Vi-Đà là thần hộ pháp (có tượng ở các chùa) {Vi-đà : sanskrit : Skanda, génie protecteur de la Doctrine}.
47 – Tại sao lại truyền pháp bằng hơi cơm ? (Xin tóm lược từ trong sách – NN)
*Câu hỏi của đạo hữu quá khó, tôi phải đi tìm hiểu như sau : trong Kinh Tịnh Danh kể rằng: tại một cõi nước kia, dân chúng có lỗ mũi rất bén nhạy(tỵ căn phát triển mạnh) cho nên đức Hương Tích phải dùng hơi cơm thơm để làm Phật sự , nghĩa là thay vì nghe pháp như chúng ta đây(nhĩ căn chúng ta lanh lợi hơn), thì dân ở đó ngửi pháp !
*Kinh Tịnh Danh là kinh Duy-ma-cật . Chữ sanskrit : Vimilakirti, phiên âm thành Duy-ma-la-cật, hay Duy-ma-cật hay Duy-ma .
Kinh Duy-ma-cật gồm 3 quyển,14 phẩm, ghi những lời biện luận cao siêu của ngài Duy-ma-cật, đặc biệt nhất là cuộc vấn đáp giữa ngài Duy-ma-cật và ngài Văn-thù-sư-lỵ .
48 – Chúng ta thường nghe nói “tùy theo căn cơ” . Như thế nghĩa là sự học tập hay tu hành không phải ai cũng giống ai, phải tùy sự hiểu biết và khả năng tu tập . Chuyện sau đây rất hay : có hai đệ tử cầu pháp . Một người được thày dạy phép quán tử thi, một người được thày dạy phép quán hơi thở . Ít lâu sau, hai người có ý xin rút lui vì tu không thấy kết quả . Phật hỏi người thứ nhất : trước khi tu, làm gì ? Người đó trả lời mình là con ông lò rèn . Hỏi người thứ nhì thì người đó nói mình là con ông giám trang, gác nghĩa đia . Phật bèn bảo hai người đổi phép tu cho nhau . Sau, hai người thành công . Con ông quản trang quán tử thi thì rất hợp vì hàng ngày đã biết cảnh đó . Con ông lò rèn luôn luôn quan sát ống bễ phì phò nên không xa gì với sổ tức . Vì hợp, nên thành công !
49 – Nếu tôi không lầm thì đó là chuyện liên quan đến ngài Tu-bồ-đề (phiên âm từ chữ Phạn Subhuti) là một trong 10 đại đệ tử của đức Phật, rất giỏi về lý Không, được gọi là Giải Không đệ nhất . Có lần ngài thuyết pháp xong, ngồi ngay ở hư không . Một vị Thiên vương tới giải hoa nơi ngài ngồi . Ngài hỏi thì vị ấy trả lời : Ngài thuyết hay quá, nên đến giải hoa để mừng . Ngài nói : Không cả mà . Tôi có nói pháp gì đâu . Vị kia trả lời : thì tôi có giải hoa nào đâu . Chuyện này làm chúng ta nhớ lại câu chuyện giữa Na-tiên tỳ kheo và vua Mi-lan-đà . Sau khi thảo luận về vô ngã, Na-tiên bảo : Tôi có nói gì đâu . Vua trả lời : Thì tôi có trả lời gì đâu (Tôi nhớ đại khái như vậy, chép ra đây, không giở sách tra cứu được ).
50 – Ngài Ca-Diếp (Kasyapa) muốn đi tu, nhưng cha mẹ không thuận và tìm một cô thật đẹp tên là Diệu Hiền mà cưới cho ngài . Nhưng cố ấy cũng quyết chí đi tu nên hai người thỏa thuận với nhau chỉ sống bề ngoài là vợ chồng thôi, trong phòng kê hai cái giường để ngủ riêng .Khi ngài Ca-Diếp quy y Phật rồi thì bà Diệu Hiền ở nhà đợi lâu quá không thấy nhắn tin về nên bà tu theo ngoại đạo . Lúc đức Phật thuận cho phụ nữ đi tu thì ngài Ca-Diếp nhờ một ni sư đi tìm bà Diệu Hiền về quy y Phật . Vì bà đẹp quá nên nhiều người nói này nói nọ . Bà không dám đi khất thực . Ngài Ca-Diếp hàng ngày sẻ nửa phần ăn cho bà, để giúp cho bà sống được mà tu ; ấy thế là lại có lời xì xào tu rồi mà hai người còn vướng vít với nhau ! Nhưng cả hai vị tâm hoàn toàn thanh tịnh, vì thế tu đạt đạo quả . Còn ngài Tu-bồ-đề bị người ta chê bai tận mặt mà vẫn bình thản, ai hỏi lý do thì ngài đáp rằng hiểu lý không rồi thì áp dụng ngay, thấy mọi sự là không, không chấp .
………………..(Còn tiếp)
…………………………………………………………………………………………….
Bước Vào Cửa Phật-Quyển 1
Hoằng Hữu NguyỄn Văn Phú
Đề tài ôn tập: Bài 31. CHÂN TÂM –
Chúng tôi đã có dịp trình bày về chữ tâm, nói về cái tâm thường ngày (còn được gọi là chúng sinh tâm). Hôm nay, xin trình bày về chân tâm, khác hẳn cái tâm trên đây. Vì cùng dùng một chữ tâm nên sinh ra khó hiểu, người đọc hay người nghe phải căn cứ vào mạch văn hay câu nói mà luận. Chúng tôi biết rằng đề tài này khó, nên thấy hay nhất là dùng ngay bài Phụ chú về chữ Tâm (chữ T viết hoa) mà cụ Mai thọ Truyền đã cho in vào cuối cuốn Pháp Hoa huyền nghĩa:
Chữ Tâm dùng trong kinh Pháp Hoa đồng nghĩa với chữ Tuyệt đối (Absolu) của Triết học. Tâm ở đây không chỉ một cái gì riêng biệt đang ẩn trong mỗi xác thịt, mà chỉ một cái gì chung cho tất cả chúng sinh. Tâm cũng không có nghĩa một chất gì đó hay một quyền năng nào đó có tài uốn nắn, hóa sanh muôn vật.
Tâm đã là tuyệt đối thì không thể nói tâm là thế này hay thế nọ được.Thí dụ, không được nói Tâm là vô cùng tận vì hễ nói Tâm là vô cùng tận thì những cái gì có giới hạn phải bỏ ra ngoài Tâm, trong khi chỉ có Tâm mới là cái chân thật (Réalité) duy nhất: ta và ngoại cảnh (núi, sông, cây cối, cầm thú…) mà ta tiếp xúc, nhận biết được nhờ ngũ quan môi giới, tất cả những cái ấy không gì khác hơn là Tâm. Nếu bảo Tâm là vô cùng cực tức là để Tâm ra một bên và những cái không phải vô cùng tận như sông núi, cầm thú, thảo mộc … ra một bên khác, hai đằng không dính líu với nhau, thí như nói nước là riêng, sóng là riêng, trong khi nước là sóng, sóng là nước.
Lại nữa, luận đến Tâm mà nói “có”, nói “không” cũng là sai. Phải hiểu vấn đề “hữu” “vô” như thế này. Đứng về phương diện tuyệt đối mà xét thì tất cả là Một và Một đây là Tâm. Muôn vật mà chúng ta nhờ ngũ quan mà biết được, trong tuyệt đối, không thật có. Đó chẳng qua là những gì chất chứa, tổ hợp tạm thời trong một giai đoạn nào đó, để rồi tan rã như bọt nước, như sương mai. Sở dĩ có hợp có tan là do nhân duyên. Mỗi vật (pháp) là kết quả của vô lượng nguyên nhân nối tiếp nhau như một dây chuyền mà không sao tìm ra đầu mối được. Vậy không có một vật nào thường còn mãi mãi, hay tự hóa tự sanh mà không do một số nguyên nhân nào đó. Vạn vật chỉ có trong tương đối và vì vậy mà kinh sách đại thừa hay gọi “phi hữu” (chẳng phải có) rồi tiếp ngay theo, lại nói “phi vô” (chẳng phải không).
Để cho dễ hiểu, chúng ta có thể nói con người (être humain) có ba phần: một là xác thịt, hai là cái “ta” hay “ngã” (le moi), ba là “chân ngã”, cái “ta thật” (le soi réel). Xác thịt không khác mọi vật xung quanh ta, không thật, vì là một hiện tượng giả tạm, do nhân duyên cấu tạo. Cái gọi là “ta” cũng thế, là một trò huyễn thuật, do ngũ uẩn (sắc thọ tưởng hành thức) mà thành. Cái “chân ngã” mới là Sự Thật tuyệt đối, nó ở ngoài sự nhận biết của ngũ quan, nó là Lý tuyệt đối, trong đó không có sự phân biệt, vì vậy cái “chân ngã” ấy cũng là cái “thực thể” chung cho chúng sinh, cái Chân ngã ấy là Tâm. Ai bảo tôi có Tâm tôi, anh có Tâm anh là sai, chỉ có một Tâm mà thôi (cái tâm của mỗi người là chúng sinh tâm).
Không có cái giả riêng biệt và cái chân riêng biệt. Tất cả muôn sự muôn vật trước mắt ta đều là Tâm cả, tuy là hiện tượng tương đối nhưng đều nằm trong cái Tuyệt đối cả. Vậy cố tình xua đuổi hay phá tan cái “vọng” là một việc làm không ăn thua vào đâu: làm sao tách sóng ra khỏi nước được?
Ta với Tâm (cái Tuyệt đối) đã là một trong lúc này rồi, cũng như anh cùng tử và người con của ông nhà giàu là một chứ không phải hai. Vì không tự nhận, tự biết mình là công tử nên phải sống cuộc đời lầm than: chúng sinh khổ não, bất tịnh, cũng chỉ vì không tự nhận là Phật, là Tâm, là cái Tuyệt đối.
Nhận được là hết chúng sinh, là thành Phật.
Nhưng nếu Phật không chỉ dạy (khai thị) cho thì làm sao chúng ta biết được? Lại nữa, biết chưa đủ, còn cần phải nhận rõ cái sự thật “chúng sinh và Phật không hai” (ngộ) và đi ngay và sống trong cái sự thật ấy (nhập).
Được nghe mấy lời giảng của cụ Chánh Trí, chúng ta hiểu được một phần nào, chúng tôi nói “một phần” bởi vì còn phải suy xét ngẫm nghĩ để hiểu cho kỹ, rồi nhập tâm thì cái biết của tác giả mói thành cái biết của mình (cụ có lẫn chỗ thân và sắc). Vắn tắt lại, cái Tâm nói trong bữa nay là Chân tâm, là Phật tánh, là bản thể của chúng sinh. Tâm ấy đã có sẵn trong chúng ta rồi. Được đức Phật khai thị, chúng ta còn phải ngộ nhập nữa. Nếu nói “tôi biết rằng tôi có Phật tánh”, thì chưa đủ, vì cái Phật tánh ấy bị phiền não che mất rồi. Phải thanh tịnh hóa ba nghiệp thân khẩu ý, nói ngắn là phải tu, thì mới hy vọng ngộ rồi tu nữa thì mới hy vọng nhập Phật tri kiến, tức là Phật tánh.
Trên đây, chúng ta thấy câu “Nhận được Chân tâm là hết chúng sinh, là thành Phật”, nghe có vẻ dễ dàng, mà dễ thật, bởi vì hết mê là tỉnh, mê tỉnh chỉ cách nhau có một sợi tóc, cho nên nói “Phật tức chúng sinh”. Nhưng cái khó là ở chỗ “làm sao cho hết mê, hết phiền não?”. Câu trả lời là “phước huệ toàn vẹn cả hai thì thành Phật”.
Phải tu cả phước lẫn huệ mới đủ. Nếu thấy khó quá thì có một cách, đó là Niệm Phật cho đến nhất tâm bất loạn.
Chú thích. Cụ Chánh Trí nói: Làm sao tách sóng ra khỏi nước được? , ý nói không “phá” được vọng. Chúng tôi nghĩ rằng: Quả thật, người tu hành không tách sóng ra khỏi nước, không phá được sóng nhưng tu, cố làm cho sóng lặng. □
…………………………………………………………………………………………………………..
Đề tài ôn tập – Bài 16. Nhân Quả
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, có một người kia – mà cấp dưới gọi là bác sĩ nhưng sự thật là y tá được “đôn” lên – từ Bắc vào Nam làm giám đốc một bệnh viện khá lớn. Anh ta hung hăng lắm, ra lệnh giết con chó của bà sơ làm việc thiện nguyện tại bệnh viện mặc dù nhiều người, kể cả bệnh nhân, nài nỉ góp tiền mua cho hắn một con chó bán sẵn ở ngoài chợ để hắn nhậu với bạn bè, nhưng hắn không nghe … Hắn lại chính tay cầm búa đập cái am nhỏ ở bệnh viện, am đó là nơi dân chúng đến khấn vái kêu cầu, xin phước cho thân nhân đau ốm đang nằm trong bệnh viện. Một ngày kia, khi trèo lên mái nhà loay hoay sửa ăng-ten hay một cái gì đó, hắn bị điện giật chết. Người ta nói: rõ ràng là quả báo nhãn tiền!
Người Việt Nam nào, dù không theo đạo Phật, cũng có một ý niệm về nhân quả báo ứng, ý niệm nhiều khi thật là mờ nhạt, nhưng vẫn hiện hữu. Đó là ảnh hưởng của đạo Phật vào cách suy nghĩ của dân tộc ta. Chúng ta hãy tìm hiểu về luật nhân quả. Đây là một luật có sẵn trong thiên nhiên, đức Phật không đặt ra luật ấy, có Ngài hay không có Ngài, luật ấy vẫn tồn tại. Nhờ đạt được sự sáng suốt hoàn toàn, Ngài nhận ra luật ấy và chỉ rõ cho mọi người thấy. Thấy rồi, hiểu rồi, đem ra áp dụng vào cuộc sống, lý thuyết phải đi đôi với thực hành. Nói dễ hiểu, nhân là nguyên nhân, quả là kết quả. Nhân là cái hạt, quả là cái trái từ đó mà ra.
Nói rằng hạt lúa là nhân, bông lúa vào mùa gặt sau là quả thì dễ hiểu. Nhưng trong vũ trụ, sự vật liên quan chằng chịt với nhau nên khó nhận ra cái nào là nhân, cái nào là quả. Tách rời một việc, có thể hiểu; nhưng nhìn chung toàn thể thì khó. Trong nhân hiện tại có sẵn quả vị lai. Và trong quả hiện tại, có sẵn nhân vị lai.
Hạt lúa để trên viên gạch không thể nào cho bông lúa được. Gieo hạt lúa rồi thì còn phải bao nhiêu thứ nữa mới ra nổi cây lúa. Một nhân không thôi thì không đủ sinh ra quả, phải có nhiều duyên giúp vào thì mới có quả để báo lại. Luật nhân quả nói cho đầy đủ là luật “nhân duyên quả báo”. Duyên nào giúp cho quả trổ ra thì gọi là trợ duyên; duyên nào làm cho quả chậm tới hay không tới gọi là nghịch duyên. Một nhân mà gặp những duyên khác nhau có thể cho những quả khác nhau. Thí dụ như gieo cùng một giống lúa nhưng nơi nào gặp hạn hán thì bông lúa nhỏ hay lép, nơi nào có đồ bón thì bông lúa sẽ mang nhiều hạt và hạt to.
Nhân và quả luôn luôn cùng loại. Người ta thường dùng câu: “trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu” để nói lên cái ý ấy. Làm điều thiện là gây nhân lành, sẽ hưởng quả lành đời này hay các đời sau. Làm điều ác là gây nhân ác, sẽ lãnh quả ác ngay đời này hay các đời sau. Lãnh ngay bây giờ, ta nói đó là“quả báo nhãn tiền”.
Hột soài sinh cây soài, trứng gà nở ra con gà…, tôi đồng ý rằng nhân quả cùng loại. Nhưng khi tôi gõ chuông thì có tiếng chuông, tôi không thấy sự gõ và cái tiếng là cùng một loại. Xin thưa: thí dụ mà bạn đưa ra hay lắm, nhưng đó là thuộc lãnh vực vô tri. Còn soài thuộc về thực vật, gà thuộc về sinh vật, đều có sự sống.
Đối với con người thì luật nhân quả rất rõ rệt. Nếu nhân là tốt nết, quả là được nhiều người yêu quý; nhân là được nhiều người yêu quý, quả là đến đâu cũng có người giúp đỡ v.v.. Nhân là tham lam, quả là trộm cắp; nhân là trộm cắp, quả là vô tù v.v… Nhân là sân, quả là đánh người; nhân là đánh người, quả là xộ khám v.v…
Thời gian từ nhân đến quả khác nhau rất nhiều. Đánh ai thì người đó phản ứng ngay tức khắc. Gieo lúa đợi mùa gặt thì phải mấy tháng. Trồng dừa thì mấy năm sau mới có trái dừa. Đi học lấy bằng cử nhân thì phải chăm chỉ mười mấy năm. Làm hỏng môi sinh, sẽ gánh hậu quả vào một lúc nào đó, có thể là nay đang chịu hậu quả rồi.
Nói về nhân, duyên, quả, báo, thế là tạm đủ. Nhưng vấn đề chính đối với chúng ta là từ đó rút ra được những gì? Xin thưa: ít ra cũng rút ra được mấy điều sau đây.
Thứ nhất là tránh “cái gì cũng đổ cho số mệnh”. Thông thường, người ta hay nói: cái số nó vậy, trời sinh ra thế…, lại có câu “cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” để khuyên chớ nên oán trách ông trời. Những điều đó bộc lộ một quan niệm mà hầu như chúng ta ai cũng có: tin rằng có một đấng tối cao là ông trời nắm quyền ban phát điều lành cho người thế gian., hoặc là bắt họ chịu điều xấu. Hiểu luật nhân quả thì sẽ thấy “mình làm mình chịu”, “ai gieo gió thì người đó gặt bão”. Mình làm lành các kiếp trước thì nay hưởng, mình làm ác trong các kiếp trước thì nay ráng chịu. Nếu muốn giảm thiểu hay triệt tiêu quả ác ngay trong đời này thì phải gắng tu tỉnh! “Mình làm mình được!”. “Đức năng thắng số!”.
Thứ nhì là mình phải làm lành để gây nhân lành, để sau này gặt hái quả lành. Một thi sĩ nổi tiếng hỏi thiền sư Ô Sào rằng: “đại ý Phật pháp là gì?”. Thiền sư trả lời : “Làm mọi việc thiện, chớ làm mọi việc ác” (1). Thi sĩ nói: “Điều đó con nít lên ba cũng biết”. Thiền sư bảo: “Con nít lên ba cũng biết, thế mà ông già tám mươi không làm nổi!”. Biết là một chuyện, làm lại là một chuyện khác. Chỗ này xin mở ngoặc để nói rằng có người thắc mắc tại sao thiền sư không thuyết “kiến tánh thành Phật”. Xin thưa, thi sĩ kia đâu có phải là nhà thiền, hơn nữa các đại sư tùy bệnh mà cho thuốc, thuốc này hợp với thi sĩ chăng.
Thứ ba là mình tin tưởng vào sự cố gắng của mình. Bao nhiêu những ý mà ta nghĩ, bao nhiêu những lời mà ta nói, bao nhiêu những việc mà ta làm đều là những nhân dồn chứa vào trong a-lại-da-thức của ta, người ta gọi đó là các mầm, các chủng tử, chúng đợi đủ duyên để lớn lên, để chín, để trổ quả theo như luật nhân quả mà ta đã biết. Tốt, xấu, hay không tốt không xấu là do ở ta. Đã do ở ta thì ta phải can đảm tự mình kiểm soát mình, kiên trì tu hành, không nên bỏ lơi như người kia mua đôi giày mới, rón rén tránh bước vào bùn, đến lúc lỡ giẫm vào bùn rồi thì không còn giữ gìn gì nữa.
Chúng ta hãy cố gắng thực hành tứ chánh cần: điều ác đã làm thì chặn đi, điều ác chưa làm thì chớ làm, điều thiện đã làm thì tiếp tục làm, điều thiện chưa làm thì gắng làm. □
(1) “Chớ làm ác. Chăm làm lành. Giữ tâm ý thanh tịnh. Chư Phật dạy như thế”.
………………………………………………………………………………………………………………….

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links