21/08: Bài 51 . Tâm Bi – Bài 52 . Hạnh Xả

21/08: 51 . Tâm Bi – 52 . Hạnh Xả
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4629 lần
Bước Vào Cửa Phật-Book 1
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
 

BÀI 51. TÂM BI
Lần trước, chúng tôi đã trình bày hầu quý vị về tâm TỪ, là tâm đầu tiên trong tứ vô lượng tâm tức là từ bi hỷ xả. Hôm nay, chúng tôi xin nói về tâm BI.
Một cách ngắn gọn, từ bi là cho vui, cứu khổ. Từ là cho vui, bi là cứu khổ.
Trong sách Đức Phật và Phật pháp, HT Nārada giảng: “Bi là động lực làm cho tâm rung động trước sự đau khổ của kẻ khác, là cái gì xoa dịu nỗi khổ của người. Đặc tính của tâm Bi là ý muốn giúp người khác thoát khỏi một cảnh khổ”.
Vì e rằng có người dừng lại ở chữ “ý muốn”, nên chúng ta cần phải thêm ngay: Người có tâm Bi phải hành động để xoa dịu nỗi đau khổ của người khác, hành động từ bậc thấp như nâng đỡ người vừa vấp té trên lề đường cho đến hành động ở bậc cao hơn như hy sinh một thứ gì đó, hy sinh tiền bạc, của cải, thì giờ, năng lực … thậm chí hy sinh tính mạng để cứu giúp người…
… hoạn nạn.
Nói đến đây, chúng tôi nhớ lại một việc vào khoảng trước năm 1975: bấy giờ, trong chương trình Triết học lớp 12, có đề mục Từ bi Phật giáo và Bác ái Công giáo. Khi nói về từ bi, một người đã kể chuyện một vị bồ-tát thấy một con cọp mẹ và bầy cọp con đói quá sắp chết, bồ-tát bèn tự hiến thân mình cho mẹ con con cọp ăn. Vài người cho rằng chuyện này khó tin. Sau khi bàn luận, chúng tôi nhận thấy rằng: đây là một chuyện về tiền thân đức Phật (Túc Sanh Truyện, còn gọi là kinh Bổn Sanh) khi ngài hành đạo bồ-tát, và đã là bồ-tát tức là đã lên đến bậc thánh, ra khỏi cảnh sinh tử luân hồi, thì cái thân xác lúc đó chỉ là thân xác tạm bợ mà thôi. Đây là hành động của một bậc thánh, không phải của một người phàm. [Tuy vậy, trong xã hội phàm, chúng ta vẫn thấy những gương hy sinh vì người khác thật là đáng khâm phục. Vừa rồi đây, cảnh sát đã vinh danh mấy em nhỏ 10 tuổi đã cứu được bạn bè bị chìm xuống sông do lớp băng bể ra, điều đáng thương là em đầu tiên nhảy xuống cứu bạn lại mất mạng!]
Khi dùng danh từ “đau khổ” thì đa số chúng ta nghĩ đến đau khổ về vật chất. Thật ra, có đau khổ về thể xác và có đau khổ về tinh thần. Về thể xác như đói khát, già yếu, bệnh tật … Về tinh thần như cô đơn, mồ côi, góa bụa, mắc bệnh tâm thần … Người thực hành tâm bi lúc nào cũng nghĩ đến những người đau khổ, nghèo hèn, đói rách, đau ốm, cô đơn, dốt nát, tâm thần lệch lạc, kể cả những người hoặc do sống trong một môi trường bẩn thỉu, hoăỉc do nếp sống buông lung, mà mang bệnh nọ tật kia, rên xiết ngày đêm …
Người thực hành tâm bi không phân biệt nam nữ, chủng tộc, giai cấp hay tôn giáo.
Xin nói đến một khía cạnh của tâm bi: chúng ta đã thấy có nhiều nhà tu hành đã làm việc không ngưng nghỉ trong các trại cùi hoặc trong các bệnh viện tâm trí để săn sóc bệnh nhân. Cũng có nhiều vị suốt ngày đi lại trong các nhà tù, để an ủi phạm nhân và thanh thiếu niên nghiện ngập ma túy: tin tưởng vào thiện căn của mỗi con người, các vị cố gắng đánh thức lương tri của những người phạm tội đó để mang họ về đường lành. Dù các vị tu sĩ ấy theo tôn giáo nào chăng nữa, Phật tử chúng ta cũng tôn kính như tôn kính chư bồ-tát vậy.
Có người nêu một vấn đề với chúng tôi: tại sao Phật giáo nước mình không có những cơ sở từ thiện lớn lao và cùng khắp như một vài tôn giáo khác hay như Phật giáo của vài nước khác? Xin thưa: Tiếng Việt ta có câu “liệu cơm gắp mắm”. Chúng ta có làm công việc cứu khổ cứu nạn, mà đã làm nhiều, và chỉ làm được trong phạm vi khả năng (tài chính, nhân sự …) và hoàn cảnh của chúng ta mà thôi; khi làm, chúng ta ít khi khua chuông gõ mõ bởi vì đã bố thí thì Phật tử chúng ta phải thực hành bố thí ba-la-mật như kinh sách đã dạy, không cầu phước báo vv… , dĩ nhiên không khoe khoang! Bây giờ chúng ta cũng nên chỉ ra một đặc điểm của người Việt mình: mạnh ai nấy làm, ít chịu làm chung; mà có làm chung thì cũng e dè, sợ người khác qua mặt hay sợ người ta làm sai ý mình! Cũng còn một điều nữa, khó nói ra ở đây: có khi đi cứu trợ đồng bào bị bão lụt còn bị … tù nữa! Nói thế thôi, chắc quý vị hiểu rồi.
Cách đây mấy ngày, chúng tôi có đọc bài “Tôi là Phật tử theo cách riêng của tôi” của Dương Thu Hương, một nhà văn nữ ở trong nước, có một số tác phẩm dịch ra tiếng nước ngoài, vừa mới lãnh giải văn chương tại Ý. Trong bài này, bà DTH giải thích tại sao là Phật tử mà bà ấy lại không đi lễ chùa. Thoạt đầu, bà DTH nói về việc đi thăm một ngôi chùa,“ngôi chùa còn may mắn sót lại sau cơn sốt phá đình chùa đền miếu” (của chính quyền vô thần). “Tôi đi qua cổng chùa vào nhà ngang. Vừa đặt chân lên bậc tam cấp, tôi chứng kiến một cảnh không hợp chút nào với chốn từ bi. Trên tấm phản gỗ mốc, sư cụ bà nằm còng queo, bát cháo ăn dở ở một góc phản khô đét lại. Nhà “sư nữ” ngoại tam tuần mắt long sòng sọc, tay nắm cổ người bệnh mà lắc, miệng rít lên: Mày chết đi, mày chết ngay đi cho người ta nhờ”.
Tác giả cho chúng ta biết rằng những nhà sư thuộc loại sư nữ trên đây là do bên trên đưa vào các chùa và bên trên ấy chính là cục A25 tức là Cục Bảo Vệ Văn Hóa thuộc Tổng Cục 1, bộ Nội Vụ. Cục A25 có nhiệm vụ đào tạo sư sãi để gài vào các chùa.
Tác giả viết: “Ngày nay, dân chúng ào ào dựng đình, cất chùa, nhu cầu tâm linh cũng là một nhu cầu sinh tử của kiếp người. A25 có nhiệm vụ khống chế Phật giáo, biến chùa chiền thành hệ thống pháo đài của quyền lực, rình mò theo dõi tư tưởng của quần chúng và tận thu nguồn lợi từ đám chúng sinh mê tín. Vậy là đội quân “sư nhà nước” được hình thành. Nguồn đào tạo chính là C500 (đại học ngành an ninh). Sau khi học lý thuyết Mác-Lê, sinh viên được tráng men bằng lý thuyết đạo Phật và trước hết là các phương pháp tụng kinh, niệm Phật, hành lễ để vào nghề …
Các sư ông sư bà quần áo phất phới cưỡi xe vù vù đi họp kín ở A25, báo cáo thành tích. Nhưng tiền thu từ các hòm công đức thì cố ý quên để còn mang về quê xây nhà mấy tầng và lo cho con cái đi học đại học trong nước ngoài nước. Sư hành nghề ở Thái Nguyên … nhưng quê quán, gia thất ở tận Thanh Hóa… So với các nghề khác, làm sư béo bở hơn các nghề khác trong bộ Nội Vụ, chỉ thua Cục buôn lậu ma túy thôi.”
Tiếp theo, tác giả nêu ý kiến: “ Khi lòng từ bi không được rọi chiếu dưới ánh sáng của trí tuệ, nó sẽ đưa đến đại họa … Thiếu khả năng chống lại cái ác, lòng từ bi của chúng ta biến thành chất dầu nhờn bôi trơn cỗ xe máy nghiền của loài ngạ quỷ và chính cỗ máy này sẽ nghiền nát chúng sinh.
Cuộc đấu tranh của Phật tử cũng như của Giáo dân không thể chỉ dựa trên sức mạnh của lòng từ ái. Phải có bộ óc phán đoán, phân tích sắc bén cộng với một khả năng đủ cho việc chống lại cái ác, bên cạnh lòng từ bi hỷ xả”.
Tác giả đã đưa ra ý kiến rằng từ bi phải sáng suốt và phải biết chống lại cái ác. (chữ trí tuệ mà tác giả đã dùng có nghĩa là sáng suốt, biết phán đoán …, chứ không mang nghĩa đặc biệt về trí huệ bát-nhã như Phật tử chúng ta thường dùng).
Bài học rút ra từ việc này là: Phật tử cần phải hết sức thận trọng khi về thỉnh sư sãi ở trong nước sang đây trụ trì mấy ngôi chùa tân lập.
Trong xã hội ngày nay, ngoài các tôn giáo, còn có nhiều tổ chức dân sự cũng thực hiện các công tác cứu trợ, trong các chương trình lâu dài (như nuôi trẻ tại mấy nước nghèo, ai nhận nuôi trẻ thì giúp vài ba chục mỗi tháng cho một trẻ) và trong các chương trình khẩn cấp (bão, sóng thần, động đất vv …). Đó là những công tác đáng hoan nghênh. Tuy vậy, vì đã thấy có sự lạm dụng, nên người ta đang đề nghị xem xét quỹ điều hành của mấy hội đoàn đó có hợp lý không.
Nói chuyện rộng hơn, chắc rằng quý đạo hữu cũng nhận xét giống chúng tôi rằng ít lâu nay trên thế giới, ngoài việc con người dùng bom đạn súng ống giết lẫn nhau, còn nhiều thiên tai rất lớn, nào động đất, đất chuồi, nào núi lửa, sóng thần, đã thế lại xảy ra thêm nhiều tai nạn xe cộ, máy bay, tàu thủy. Suy đi nghĩ lại, chúng ta nhớ đến câu “tâm bình, thế giới bình”. Có lẽ mọi người trên trái đất này cần phải để ra chút ít thì giờ mỗi ngày để luyện cho cái tâm của mình được bình, nhất là rèn luyện tâm từ bi, ngõ hầu trải lòng từ và lòng bi đến khắp mọi chúng sinh, tạo ra một cộng nghiệp lành cho nhân loại, từ đó tiến tới một thế giới an vui.
Nguyện mọi người trên thế giới sẵn sàng rèn luyện tâm từ, tâm bi.
Nam mô đại từ đại bi tầm thanh cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ-Tát Ma-ha-tát.□
BÀI 52. HẠNH XẢ
Chiêm ngưỡng hình tướng, mô tả các đức Phật hay Bồ-tát, ta thấy riêng có đức Di-Lặc là cười, không phải là cười mỉm, mà là cười vui vẻ, hả hê, trái với khuôn mặt trang nghiêm và đôi mắt nhìn xuống, trầm tư của các vị Phật khác. Chắc chắn phải có một ý nghĩa gì hết sức sâu xa trong cái nét hết sức đặc biệt ấy. Nói tới đức Di-Lặc, Phật tử chúng ta luôn luôn nhớ rằng Ngài tượng trưng cho hạnh hỷ xả. Giờ đây, chúng ta tìm hiểu về chữ XẢ.
Khi nói: “Mệt quá rồi, cho tôi nghỉ xả hơi một chút”, chúng ta thấy ngay rằng “xả” mang lại một cái gì thoải mái, nhẹ nhàng như vừa qua cơn mệt, đồng thời chữ “xả” gợi lên một cái gì phấn khởi hơn, tăng tiến hơn, như vừa lấy lại sức, sau khi được nghỉ mệt. Đó là nói về thể xác. Còn về phương diện tinh thần, “xả” là thế nào?
Đồng ý rằng xả là buông bỏ, nhưng buông bỏ cái gì? Buông bỏ những gì đè nặng lên tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta khổ, để tìm giải thoát.
Đầu tiên, lòng tham lam và sự ham muốn ray rứt chúng ta không lúc nào nguôi. Thời nào cũng vậy, đặc biệt là thời nay, sự tích trữ của cải vật chất là mục tiêu của đa số. Kiếm một muốn kiếm mười, đến nỗi đã có câu “lòng tham không đáy”, nhét bao nhiêu vào túi cũng chưa vừa. Từ đó, thủ đoạn nào cũng không ngại, kế gian nào cũng không từ! Trôi lăn vào trong guồng máy rồi, khó mà thoát! Ham ăn chơi, ham tiền bạc, ham địa vị, tất cả những điều ấy đè nặng lên tâm trí, khi ngủ cũng không quên trong giấc mơ. Ham mà chưa được, thì cố chiếm cho bằng được, bao nhiêu năng lực dồn cả vào đua tranh. Rút cuộc, đến lúc hai tay buông suôi, của chẳng mang theo được, lại đèo cái ác nghiệp gánh sang kiếp sau.
Đạo Phật dạy: “Hãy buông bỏ các ham muốn, mưu cầu”. Nói thì dễ, làm thì khó, vì không phải ai cũng có nhiều nghị lực như nhau. Đạo Phật dạy: “Hãy biết đủ”. Khi đã tri túc, đã hết cầu mong thì nghèo cũng là giầu, tâm trí thảnh thơi vì thoát được mọi sự dày vò. Đạo Phật còn dạy: “Hãy quán vô thường”. Mọi sự trên đời đâu có bền vững, nay còn mai mất, chỉ như đám mây nổi mà thôi.
Muôn chung chín đỉnh có làm gì!
Nước lã cơm rau miễn tri túc.
Người chẳng thấy Đổng Trác ngọc vàng chất đầy nhà?
Nguyên-Tải hồ tiêu tám trăm hộc?
…….
Người đời trong trăm năm,
Rốt cuộc như thảo mộc…
(Nguyễn Trãi, Côn Sơn ca)
Thứ đến là lòng sân hận. Ai nói chạm đến mình là bực bội, giận giỗi, về nhà quên cả ăn uống, nghỉ ngơi. Trong đời này, ngay cả những người xưa nay mình vẫn coi là tốt, cũng có những lúc làm cho mình buồn khổ. Này là một người bạn nói xấu mình, kia là một cô em họ chê bai mình, đây là một người đồng sự “chơi xấu” mình! Biết bao chuyện chồng chất, nghĩ đến là ray rứt, không nguôi! Mà đâu chỉ có thế, còn phải nghĩ đến chuyện trả miếng báo thù, mưu này kế kia, chưa thực hiện được là tức đến thâm gan tím ruột! Người làm cho mình khổ chẳng biết có khổ không, chung qui chính mình khổ trước. Đạo Phật dạy: “Buông ra đi, xả hết đi, sân hận làm gì”. Nhưng xả khó quá. Có phương pháp: “Hãy quán từ bi, bỏ báo oán”. Cứ nghĩ rằng những điều bực bội mà mình phải gánh chịu đều là hậu quả của các nhân xấu gieo từ các kiếp trước, nay ta hãy chịu đựng cho hết để trả cho xong những món “nợ” đó, càng sớm càng dễ giải thoát. Kinh Phổ Môn dạy một phương pháp rất đơn giản: “Nếu nhiều giận hờn, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, liền khỏi được lòng giận.”
Người khác làm mình phiền, làm mình khổ, nên mình sân hận, nhưng còn một thứ nữa ngay ở trong ta, nó làm ta khổ, ta buồn, ta giận. Đó là các định kiến, các thiên kiến tích lũy trong ta từ lúc nhỏ đến giờ, do hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hội và nền giáo dục đã hấp thụ. Một bà có con gái du học lâu năm, khi con gửi thư xin phép lấy chồng mà chồng lại là người Bắc, thì bà đó nổi giận rồi rủa: “Cho chết, gặp mẹ chồng người Bắc thì chết, con ạ”. Chưa gặp, chưa quen, mà cứ nhất định cho rằng người ta đanh ác, thế là có thành kiến, những thành kiến đó làm cho người ta nghĩ lầm, từ lầm nhỏ đến lầm lớn.
Lại đến chuyện này: Một bà kia mất con dao, bà nghi cho con nhà hàng xóm. Từ lúc đó bà ta thấy nó với đủ thứ xấu: nào là mặt choắt, nào là mắt gian, nào là hư hỏng … Đến lúc bà ta tìm thấy con dao dưới gầm trạn nhà mình, thì bà lại nhìn đứa bé hư hỏng kia thành một đứa ngoan ngoãn dễ thương!
Đạo Phật dạy cần phải xả những ý kiến như vậy. Cái xả này khó lắm. Phương pháp xả là tu hạnh từ bi. Có từ, có bi mới thương yêu người và mong người vui. Một phương pháp xả nữa là quán vô ngã. Có thế mới dần dần quên được cái tự ngã, bớt kiêu mạn. Lúc đó không còn khư khư giữ chặt ý kiến mình, mà mở rộng tâm trí xét ý kiến người khác, so sánh cân nhắc để có ý kiến đúng.
Đến mức cao nữa, là xả hết, không còn trụ vào cái gì nữa. Thế là thực hành lời dạy trong kinh Kim Cương. Ngài Lục Tổ đã ngộ khi nghe đến câu “Ưng vô-sở-trụ nhi sinh kỳ tâm”, xả đến mức này là đã đến bậc “giác” rồi.
Đức Di-Lặc có một hóa thân: đó là hòa thượng Bố Đại (mang cái đẫy bằng vải bố) xuất hiện vào đời nhà Lương (Trung Hoa). Ngài ăn mặc xốc xếch, đi đâu thường mang cái bị lớn, gặp ai có món gì, xin món ấy, dồn vào bị, gặp trẻ con đem ra phân phát cho chúng … Một hôm có người hỏi rằng: “Đại ý Phật pháp là thế nào?”. Bố Đại hòa thượng buông cái bao lớn rơi xuống đất, đứng thẳng, khoanh tay. Hỏi tiếp: “Chỉ là như vậy, hay lại có việc hướng thượng?”. Bố Đại hòa thượng mang bị lên vai đi.
Qua hành động trên, ta thấy hạnh chính yếu của Ngài là “xả”. Đại ý Phật pháp là buông bỏ tất cả. Còn đeo đẳng, còn chấp chặt thì không thể nào thâu đạt được Phật pháp. Nhưng, xả bằng cách vui vẻ thích thú thì cái xả ấy mới thật là hỷ xả. Khi bỏ tất cả người ta tưởng như không còn gì nữa, nhưng không. Sẽ còn đại bồ-đề là pháp hướng thượng. Cho nên đến câu hỏi thứ hai, Ngài mang bị lên vai, đi …
Nhân ngày mồng một Tết, ngày vía Đức Di-Lặc, đỉnh lễ Ngài, Phật tử chúng ta dốc lòng học bài học của Ngài: tu hạnh hỷ xả. Xả những điều nhỏ, điều dễ trước, để thoát được tham, sân; dần dần xả những điều lớn hơn, khó hơn, không còn chấp trước gì cả, không còn vướng mắc gì nữa, đến độ thân tâm hoàn toàn an lạc. Quả thật là “buông tất cả, mà được tất cả”!
Đầu năm chúc nhau “thân tâm an lạc”, đích thực chúc nhau “buông tất cả, mà được tất cả, tức là được “vào” Phật tánh vậy.” □
GHI CHÚ.
Theo Pháp Tuyển Tân Tu của đạo hữu Hiển Mật Đỗ Hữu Trạch thì chữ XẢ có mấy nghĩa như sau : 1/ Không sướng, không khổ, không vui cũng không buồn. Hiểu theo nghĩa này, xả thuộc về thọ tâm sở. 2/ Không yêu cảnh thuận, không ghét cảnh nghịch, chỉ vui vẻ làm việc lợi ích cho mình và cho chúng sinh. Hiểu theo nghĩa này, XẢ thuộc về hành tâm sở. 3/ Thản nhiên trước mọi xung đột, mọi biến chuyển của cuộc sống. Hiểu theo nghĩa này, XẢ thuộc vô lượng tâm. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bước Vào Cửa Phật – Book 1 – Montreal 2010
(Hình: Nga Mi Sơn Tự -Trung quốc – NN sưu tầm)

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links