26/12: Bước Vào Cửa Phật-Quyển 2 -Bài 13.Bát Nhã Tâm Kinh – Bài 14: Yết-đế, yết-đế .

26/12: Bước Vào Cửa Phật-Quyển 2 -Bài 13.Bát Nhã Tâm Kinh – Bài 14: Yết-đế, yết-đế
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4316 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT -Quyển 2 (tiếp theo)
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bài 13. Bát-Nhã Tâm Kinh
Ma-ha bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh, gọi ngắn là Bát-nhã Tâm kinh hay Tâm kinh là một kinh rất quen thuộc với chúng ta. Khi tụng kinh, trước khi “ra kinh” và lễ “tam tự quy”, chúng ta thường tụng Tâm kinh. Riêng một điều ấy thôi cũng đủ tỏ rằng Tâm kinh quan trọng đến mực nào. Có thể nói kinh này rất ngắn và rất cô đọng; mà thật vậy, kinh chỉ có 260 chữ Nho, dịch ra chữ Việt cũng xấp xỉ chừng ấy, mà nói lên tinh túy của toàn bộ Bát nhã 600 quyển dùng để trình bày chữ KHÔNG.
Ma-ha nghĩa là lớn, bát-nhã (phiên âm từ chữ sanskrit prajnā, chữ pali là paññā) nghĩa là trí huệ, không phải là trí huệ thông thường mà là thứ trí huệ do tu hành mà được, có khả năng “chứng ngộ” được cái tướng thật sự của vạn pháp, nhiều khi người ta để hai chữ bát-nhã và trí huệ đi liền với nhau: trí huệ bát-nhã. Ba-la-mật-đa (phiên âm từ chữ skt pāramitā) nghĩa là đáo bỉ…
… ngạn tức là tới bờ bên kia (bờ bên này là mê mờ, bờ bên kia là giác ngộ). Chữ Ma-ha bát-nhã ba-la-mật-đa hàm cái nghĩa Tâm, cái trí huệ rộng lớn cùng tột.
“Khi Quán Tự Tại bồ tát thực hành sâu trí huệ bát-nhã thì ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền qua mọi khổ ách (Quán Tự Tại là ngài Quán Thế Âm). Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế.”
Hai chữ khó là “năm uẩn” và “không”. Năm uẩn chỉ năm thành phần cấu tạo nên con người: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là cái thân. Thọ là các cảm giác. Tưởng là tưởng tượng. Hành là cái suy nghĩ, tác ý. Thức là khả năng phân biệt, thức của mắt là nhãn thức, của tai là nhĩ thức vv.., đó là tri giác.(Xin coi lại bài Ngũ uẩn, ở đây chỉ nói gọn mà thôi). Theo lý thuyết Phật giáo, bất cứ cái gì mà do nhiều cái khác hợp thành (duyên hợp, nhiều duyên hợp lại) thì không có tự thể, không có bản thể riêng, gọi ngắn là không. Chữ Không ở đây chẳng có nghĩa là “không có gì”, “trống rỗng”, mà chỉ có nghĩa đơn giản là “bị phụ thuộc vào những cái khác, không có tự thể”. Suy xét cho kỹ thì năm thứ kể trên kia (sắc thọ tưởng hành thức) đều là hợp thể cả, nên đều là “không”.
Thân chúng ta do tứ đại là đất, nước, gió, lửa hợp lại, Phật học nói rằng phải đủ duyên thì mới còn thân, thiếu một duyên là mất. Cảm giác vui buồn, không vui không buồn do đâu mà ra? Do tai gặp âm thanh, mắt gặp màu sắc, mũi gặp mùi v.v… mà ra, phải có đủ duyên mới có cảm thọ. Tưởng tượng là nương vào một cái gì đó, nhớ lại một hình ảnh nào đó..tức là bên trong có ý, bên ngoài có sắc thanh hương vị … duyên với nhau nên mình mới tưởng tượng được. Nếu hiểu đơn giản hành là suy nghĩ thì cái suy nghĩ nó thay đổi nhanh như điện, “niệm niệm sinh diệt”, làm sao có tự thể được, vả lại muốn suy nghĩ thì phải căn cứ vào cái này cái kia, phải có duyên. Khi trần tiếp xúc với căn thì mới nẩy ra thức, đó là phải có điều kiện, phải có duyên. Tóm lại, ngũ uẩn là không (tức là không có tự thể, phụ thuộc nhiều cái khác). Quán Tự Tại bồ-tát không những nhận thấy như thế, mà thực hành sâu xa phép quán bằng trí huệ bát-nhã, đến mức thấy thân và tâm chẳng phải là thật, có đó mà chỉ là giả có thôi, nên đâu có sợ khổ ách, vượt qua mọi khổ ách. Chỗ này ta thấy khó tin vì quanh ta bao nhiêu là khổ! Kinh nói: phải thực hành sâu xa… Tụng Bát-nhã tâm kinh mới chỉ là tụng, chưa phải là hành, nhất là chưa sâu xa!
Chữ Không còn có một nghĩa nữa, cao hơn nhiều. Một đặc điểm của Phật giáo là điều này: mọi hiện tượng trên thế gian này thì khác biệt nhau, nhưng bản thể của chúng là một. Bất cứ Phật tử nào cũng phải thuộc làu câu đó. Cái bản thể ấy là một thứ thuộc về tuyệt đối, không thể lấy ngôn ngữ của thế gian chúng ta mà “mô tả” ra được vì thế gian của chúng ta thuộc về tương đối. Không có chữ để đặt tên cho nên lúc cần đặt tên thì cũng chỉ là tên tạm thôi. Phật học có cả mấy chục tên để gọi mà chẳng tên nào đủ nghĩa cả. Mấy tên mà chúng ta quen nhất là Phật tánh, Pháp tánh, Tâm, Chân tâm, Chân như … Nhưng cái tên gọn nhất lại làm cho Phật tử Việt Nam chúng ta cực nhất, đó là chữ Không! Chữ này trùng với chữ “không”dùng để phủ định, đối nghĩa với chữ “có”, lại trùng luôn với chữ hư không, không gian … ! Lúc này đây, chúng ta hiểu rằng Không là cái bản thể vô hình, vô tướng, vô thanh, vô sắc … mà giác quan chúng ta chịu không nhận ra được. Sợ có người hiểu lầm rằng Không là “chẳng có gì hết”, nên phải vội đặt ngay chữ Chân Không. Phật học nói: hình thù, tướng trạng của muôn vàn hiện tượng chẳng cái nào giống cái nào, nhưng bản thể của chúng là một. Nếu chỉ thế thôi thì xong rồi. Khổ nỗi lại thêm: cái bản thể ấy mới là cái tướng thực sự của vạn pháp, cái tướng thực sự ấy tên là Không, hay Chân Không, bản thể đó là thực tướng hay không tướng của vạn pháp.
“Thị chư pháp không tướng bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm…”, cái không-tướng của mọi pháp không sinh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt … Không thể “mô tả” cái thực tướng đó ra nên chỉ có cách là nói nó chẳng phải là cái này, chẳng phải là cái kia v.v … Bây giờ chúng ta dùng hai chữ này có lẽ hay hơn: tướng và tánh, tướng thì khác nhau, tánh thì là một; tướng thì hữu hình, tánh thì vô hình; tướng thì vô thường, tánh là thường hằng; tướng thì có sinh có diệt, tánh thì không sinh không diệt v.v…
Người đời chấp cái ta là thật, chấp các pháp là thật, gọi là chấp ngã và chấp pháp. Học Bát-nhã rồi, quay ra chấp cái ta là không, các pháp là không, đang chấp có chuyển thành chấp không. Vì thế Kinh nói sắc tức là không nhưng lại nói ngay không tức là sắc. Nghĩa là: hai thứ ấy tuy là hai mà lại là một, đó là hai mặt của một đồng xu, có cái nọ là có cái kia, không thiếu được. Đó là Chân không diệu hữu vậy.
“Cho nên trong chân không, chẳng có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chẳng có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, chẳng có nhãn giới cho đến ý thức giới, chẳng có già chết, cũng chẳng có cái hết già chết, chẳng có vô minh, cũng chẳng có cái hết vô minh, chẳng có khổ, tập diệt, đạo, chẳng có trí huệ, cũng chẳng có chứng đắc”.
Trong Chân không, chẳng có những thứ mắt mũi … sắc thanh … nghĩa là những thứ thuộc thế gian này, mà ngay cả những thứ xuất thế gian cũng chẳng có: tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên, trí huệ và đắc trí huệ … Kinh phủ nhận sự hiện hữu bất cứ một cái gì, thế gian hay xuất thế gian, ở trong cái tánh đó, trong cái Chân không đó. HT Thanh Từ viết: “Như một tấm gương, vật tốt đem lại thì bóng cũng hiện trong đó, vật xấu đem đến thì bóng cũng hiện trong đó, cái gương này nó có đủ thứ bóng, nào là bóng tốt, nào là bóng xấu, … đó là căn cứ trên bóng mà nói. Nhưng nếu căn cứ trên mặt gương mà nói thì mặt gương này không có bóng tất cả đồ tốt xấu … Vì nguyên mặt gương là trong suốt không có bóng, nhưng nó có thể dung chứa tất cả những cái đó… Nếu nhìn với con mắt đã đạt được chân lý tức là đạt được lý Không thì cái gì cũng giả, cũng vọng. Nói như vậy không phải là nói tất cả đều không có, đấy là nói theo cái chiều của mặt gương là không có tất cả bóng. Nếu nói theo sự đối duyên thì trong này có đủ tất cả, không sót một mảy mún nào.”
Chân không đã là tuyệt đối thì làm gì còn những thứ đối đãi nhau như khổ và sướng, phiền não và bồ-đề, Phật và chúng sinh, đắc hay chẳng đắc … ; mấy người không hiểu Phật giáo chê bai rằng Phật giáo không phân biệt thiện ác! Trả lời: ngũ giới là gì? Thập thiện, thập ác là gì? Tứ chánh cần, từ bi hỷ xả ra sao? Luân lý cho thế gian không thiếu. Còn ở đây là nói chuyện bản thể, không nói chuyện hiện tượng! Trí huệ là để đối lại vô minh, nay vô minh chẳng có, nên trí huệ cũng thế. Nếu nói rằng có quả để mà đắc, thì lại xác nhận rằng “có” một cái gì rồi, mâu thuẫn với ý kiến đã đưa ra trước! Thế thì tại sao trong mấy dòng tiếp theo, lại nói “đạt tới cứu cánh Niết-bàn …, đắc vô thượng chính đẳng chính giác”? Đây là nói cho người đời, người chưa ngộ, còn sống trong thế gian này, có tu, có chứng, có đắc. Khi nào đắc rồi, chứng lý Không rồi, nhận ra thực tướng của vạn pháp rồi, thì sẽ “thấy” một loạt vô như ở đoạn trước! Điểm chính của đoạn kinh tiếp theo đoạn này là “tán thán” công dụng của phép quán sâu xa nhờ trí huệ bát-nhã, là khuyên tu theo bát-nhã để đạt mục tiêu: “đắc lý Không”.
Tất cả những người tu hành muốn đi tới đích là “phải dùng trí bát-nhã của mình thường quán chiếu thấy thể tánh các pháp là Không. Thấy rằng tánh của các pháp là Không thì trong đó không có phàm, không có thánh, không có tất cả. Nhưng mà duyên khởi huyễn có trùng trùng, cái gì cũng có, phàm thánh đủ hết.
Chư pháp tùng bản lai, Các pháp từ xưa nay,
Thường tự tịch diệt tướng. Tướng thường tự tịch diệt.
Xuân đáo bách hoa khai, Xuân đến trăm hoa cười,
Hoàng oanh đề liễu thượng. Cành liễu hoàng oanh hót.
Vị thiền sư tác giả bài kệ này đã thấu suốt được lẽ chân không (hai câu đầu) và diệu hữu (hai câu sau). ” (theo HT Thanh Từ).
Nếu giữ được trí huệ bát-nhã thì nó có công dụng rất lớn, không thua gì những thần chú, dù là loại thần chú linh nghiệm nhất. Nếu trì Bát-nhã, quán chiếu ngũ uẩn đến khi thấy “ngũ uẩn giai không” thì đạt được “ngã không”, tiếp theo là “pháp không”. Trong không có ngã, ngoài không có pháp thì khổ nạn nào cũng qua.
Câu chú “Yết-đế, yết-đế, ba la yết-đế, ba la tăng yết-đế, bồ-đề tát-bà-ha” nghĩa là: “Qua đi, qua đi, tất cả đều qua đi, tất cả qua bờ bên kia, đạt đạo bồ đề”.
Kết luận: “Tu chỉ là việc lau bụi trên mặt mình thôi. Mặt chúng ta vẫn sạch, nhưng bị bụi bám, lau hết bụi thì sạch. Biết vọng, hãy rửa vọng đi. Vọng lặng thì chân hiện. Nhưng vọng cũng không thật là vọng, chỉ vì mình mê mà có vọng có chơn. Giác rồi thì nói vọng nói chơn làm gì. Bởi thế, Bát-nhã là cái ngõ vào đạo!”. □
Bài 14. Yết-đế, yết-đế
Hàng ngày tụng kinh – hầu như bất cứ kinh nào – tất cả chúng ta đều phải tụng thêm Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh, gọi ngắn là Tâm kinh; kinh này kết thúc bằng lời chú: “Yết -đế. Yết-đế. Ba la yết-đế. Ba la tăng yết-đế. Bồ-đề tát-bà-ha”. Các bài chú bằng tiếng Phạn thường được để y nguyên, không dịch. Bài chú trên đây có nghĩa đại khái như sau: “Qua đi. Qua đi. Tất cả qua bờ bên kia. Tất cả tích cực qua bờ bên kia. Sự giác ngộ được viên thành nhanh chóng.”
Bờ bên kia là gì? Ta thường nghe rằng chúng sinh và Phật chỉ khác nhau ở một điểm: một đằng là mê, một đằng là ngộ. Chúng sinh bị vô minh che lấp nên mê mờ, trôi lăn mãi trong vòng sinh tử luân hồi. Muốn được thành Phật thì phải tu tập để sang bờ bên kia tức là bờ giác ngộ vậy. Chúng ta tự hỏi: giác ngộ cái gì, và giác ngộ để làm gì?
Thứ nhất là giác ngộ rằng thế nào là khổ. Điều này chúng ta đã được nghe giảng nhiều lần. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh rằng khi đạo Phật nói “đời là bể khổ”, thì trong đó không có tư tưởng yếm thế, bi quan gì cả, đó chỉ nói lên một sự thật mà thôi. Sự thật này ít người muốn nói đến, vì theo tâm lý thông thường ở đời, người ta thích nghe những gì vui, những gì hợp với sự ham muốn của mình. Lại có người tuyên bố: “tôi chẳng thấy đời khổ ở chỗ nào cả, mà có lúc khổ thì có lúc sướng, đâu có phải khổ hoài đâu”. Đối với những người lý luận như vậy, đạo Phật dạy cho biết rằng: niềm vui sướng nếu có cũng chỉ có nhất thời mà thôi, khi mất vui sướng thì sẽ khổ. Đó là lý vô thường. Trong tất cả các cái khổ thì cái khổ lớn nhất của chúng sinh là sinh tử luân hồi.
Đến đây chúng ta nói sang sự giác ngộ thứ nhì: đó là giác ngộ về lý nhân duyên quả báo, gọi tắt là lý nhân quả. Người ta thường nói vắt tắt: trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu. Nói vậy quá đơn giản. Hạt đậu (thí dụ cho nhân) cần phải có một số điều kiện thuận tiện (gọi là thuận duyên) như đất, nước, phân bón, ánh sáng, sức người chăm nom, v.v… ) mới thành cây đậu và cho quả đậu được. Nếu hạt đậu gặp một số điều kiện xấu (gọi là nghịch duyên) thì rất có thể không có cây đậu, hoặc sẽ có cây đậu èo uột, quả đậu dẹp lép v v…
Luật nhân quả là một luật của vũ trụ, chúng sinh và các đức Phật không xoay chuyển được luật ấy.
Biết luật nhân quả thì hiểu được nghiệp. Nghiệp là tổng hợp tất cả những điều gì ta nghĩ, nói, làm trong các kiếp trước và kiếp này. Những điều ấy sẽ quyết định đời sống của chúng ta trong kiếp sau. Nói vắn tắt, ai làm lành thì kiếp sau sẽ sướng, ai làm ác thì kiếp sau sẽ khổ. Đó là đại khái như vậy thôi, thật ra chúng ta có thể ảnh hưởng đến nghiệp báo của chúng ta bằng các ý nghiệp, khẩu nghiệp, thân nghiệp của đời này. Không muốn giảng giải dài dòng, các thầy tướng số chỉ nói ngắn “đức năng thắng số”, có ý bảo rằng thiện nghiệp đời này có thể là những duyên làm thay đổi cái nghiệp báo tức là cái quả mà mình phải gánh trong kiếp này hay kiếp sau. Kiếp sau chưa hẳn là kiếp người. Theo đạo Phật có tất cả mười cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh (ba ác đạo), a-tu-la, nhân, thiên (ba thiện đạo), thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật (bốn thánh đạo). Vào thánh đạo thì không còn sinh tử luân hồi nữa.
Trên đã nói, cái khổ nhất của thế gian là sinh tử luân hồi. Muốn dứt sinh tử luân hồi thì cần phải dứt ba nghiệp. Muốn dứt nghiệp thì phải tu tập để thanh tịnh ba nghiệp. Vậy sự giác ngộ thứ ba của người con Phật là tu để dứt nghiệp. Tu thế nào?
Kinh sách nói đến tám mươi tư ngàn pháp môn để tu, ý nói là rất nhiều pháp môn. Nói vậy, người nghe dễ phát sợ. Thật ra, có thể nói vắn tắt lại, cách tu thứ nhất là giữ năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không uống rượu. Giữ được năm giới này cũng là khó khăn lắm rồi. Kiếp sau sẽ làm người. Nhưng Phật dạy “qua đi, qua đi. . . ”, vậy chớ dừng ở đó. Hãy tu thập thiện: không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh (ba giới của thân); không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói đâm thọc, không nói lời thô ác (bốn giới của miệng); không tham lam, không sân hận, không tà kiến (ba giới của ý). Tu được như vậy thì kiếp sau sẽ lên cõi thiên. Ở cõi thiên tuy sung sướng nhưng vẫn còn sinh tử cho nên lại phải cố gắng “qua đi, qua đi … ”. Tu hạnh thanh văn, duyên giác để chứng vô sinh (không sinh ắt sẽ không chết, tức là bất tử, đạo Phật không dùng chữ bất tử – chữ này chỉ cái quả – mà dùng chữ vô sinh – chữ này chỉ cái nhân ). Nhưng theo quan niệm của Đại thừa Phật giáo thì phải vượt lên nữa, tu Bồ-tát đạo để không những độ cho mình mà còn độ cho chúng sinh. Độ đây là chở cho mọi người qua sông mê để bước lên bờ giác ngộ của chư Phật. “Chúng sinh bao nhiêu thệ nguyện độ” là như vậy. Thành bồ-tát, có thể thành Phật, nhưng còn giữ nguyện độ chúng sinh nên lưu lại cõi sa bà “vén tay áo xông vào giữa chợ” để cứu muôn loài. Vậy thì câu hỏi “giác ngộ để làm gì?” đã có câu trả lời rất đơn giản như sau: giác ngộ để biết đường tu hành ngõ hầu thoát vòng sinh tử và để độ chúng sinh.
Các bậc bồ-tát giác ngộ được thực tướng của vũ trụ, hiểu được rằng tất cả sự sự vật vật trong vũ trụ này đều thấm nhuần một thứ duy nhất không thể dùng lời nói mà tả ra được, thứ đó “bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm” tạm gọi là bản thể của sự vật. Còn nhiều tên khác để chỉ “cái đó”, thí dụ Phật tánh, Phật thân, Chân tâm, tự tánh Di-Đà v. v. . .
Đến được bậc ấy là hết tham sân si, hết cái ta, hết sinh tử luân hồi, như vậy gọi là chứng Niết-bàn; Niết-bàn gồm ba thứ “hết” vừa nói trên, Niết-bàn không phải là nơi chốn như ta vẫn hiểu thông thường, coi đó là thiên đường để hưởng phúc.
Vậy thì “qua đi, qua đi” mang ý nghĩa thúc đẩy, thúc đẩy tiến lên nữa, chớ dừng lại giữa đường, chớ lấy hóa thành làm bảo sở, phải nhằm cứu cánh Niết-bàn. “Tích cực qua đi, tất cả tích cực qua đi” nhằm mục đích khuyến khích tinh tấn cố gắng tu hành, mọi người đều cần cố gắng. Giác ngộ là giác ngộ những điều Phật đã giác ngộ.
Đối với phàm phu chúng ta, nói thì dễ, biết thì khó, làm được còn khó nữa. Vậy thì trên thực tế, trong hoàn cảnh tranh đấu để làm lại cuộc sống nơi quê hương mới này, giữa thời mạt pháp, mười người tu thì thoái chuyển đến chín, chúng ta phải nghĩ gì, làm gì?
Sau đây là một cách đơn giản để tu tập: chúng ta hãy dành thời giờ học hỏi Phật pháp để nâng cao hiểu biết, suy nghĩ kỹ lưỡng về những điều đức Phật đã dạy để nâng cao trí tuệ, thực hành niệm Phật hàng ngày để an cái tâm, tịnh cái nghiệp nhằm mục đích thanh tịnh hóa ba nghiệp, đồng thời chăm lo bố thí (tài thí, pháp thí và vô úy thí). Còn về đời sống hàng ngày, muốn cho “đỡ khổ”, chứ chưa dám nói “hết khổ”, thì chúng ta hãy tuân theo lời đức Thế Tôn đã dạy cần phải “thiểu dục tri túc”, nghĩa là “ham muốn ít, biết cái gì mình đang có là đủ rồi”. Cũng có người dùng phép ngồi thiền thay thế cho phép niệm Phật. Cái đó tùy căn cơ của mỗi người. Chỉ cần nhớ rằng: thiền, cần phải có người dạy cho đúng phương pháp nếu không sẽ lạc; thí dụ nếu chỉ tập thở không thôi thì chưa đủ gọi là thiền được, chúng ta nên thận trọng.
Chỉ mấy điều ấy thôi cũng đã đủ để chúng ta có hành trang lên đường theo Phật.
Kính chúc quý đạo hữu lúc nào cũng “ba la yết-đế” để “bồ-đề tát-bà-ha”. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Bước Vào Cửa Phật – Quyển 2 – Montreal 2010
(Hình : Chùa Thiên Đan-Bắc Kinh – Trung Quốc – NN sưu tầm)

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Paid Links